Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý 18-09-2017
- Cập nhật : 18/09/2017
CIA đòi được tăng quyền diệt khủng bố
Trong khi các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Lầu Năm Góc ở Afghanistan đã trở thành điều bình thường, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đang muốn có thẩm quyền tương tự.
Giám đốc CIA Mike Pompeo đang cho thấy quyết tâm mở rộng quyền lực của cơ quan ông đang nắm giữ - Ảnh: REUTERS
Nhà Trắng đã đề xuất sự ủy quyền này cho CIA, theo báo New York Times (NYT). Nếu được tổng thống Donald Trump chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên máy bay không người lái của CIA không kích các mục tiêu trên đất Afghanistan.
Đề xuất này, theo NYT, chỉ là một phần trong nỗ lực của Nhà Trắng nhằm cởi trói CIA và Lầu Năm Góc khỏi những ràng buộc từ chính quyền tiền nhiệm trong cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo thánh chiến toàn cầu.
Khi đó, lo ngại thương vong đối với dân thường, tổng thống Barack Obama đã đặt ra một số biện pháp hạn chế thẩm quyền.
Theo giới phân tích, nỗ lực cởi trói cho CIA làm dấy lên lo ngại chính quyền Trump sẽ tiếp tục cho phép máy bay của cơ quan này tiến hành các cuộc không kích ở các quốc gia như Libya, Somalia và Yemen, nơi Mỹ đang chiến đấu với khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), Al Qaeda hoặc cả hai.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis không thể hiện sự phản đối trước đề xuất cấp thêm quyền cho CIA. Các tướng lĩnh cấp cao tại Lầu Năm Góc đã làm thay việc đó. Họ đặt câu hỏi chuyện gì CIA có thể làm mà quân đội lại không thể, không chỉ riêng tại Afghanistan.
Trên thực tế, các cuộc không kích ở Afghanistan, Libya, Somalia hay Yemen đều do máy bay không người lái của quân đội Mỹ tiến hành. Riêng tại Afghanistan, số vụ không kích đã tăng liên tục trong vòng 3 năm trở lại đây.
Trong khi đó, CIA chỉ được cho phép tiến hành một số vụ không kích ở Pakistan, quốc gia láng giềng của Afghnistan, trong gần một thập kỷ qua.
Vấn đề ở chỗ các cuộc không kích của CIA đều được giữ bí mật. Nói cách khác, cả chính phủ Mỹ lẫn Pakistan đều không thừa nhận nó do CIA thực hiện. Đó là thỏa thuận giữa hai nước, báo NYT khẳng định.
Các tướng lĩnh lập luận: trong khi Lầu Năm Góc vẫn còn đối mặt với một số sai lầm chết người trong các đợt không kích ở Afghanistan, để các vụ không kích của CIA trong bóng tối liệu có hợp lý?
"Họ lo ngại các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan sẽ lãnh đạn vì các cuộc không kích sai lầm của CIA, bởi CIA sẽ không bao giờ công khai thừa nhận các vụ tấn công đó", báo NYT nhận định.
Giới quan sát cho rằng không phải tự dưng Nhà Trắng lại đề xuất điều này. Nó đến từ ý chí cá nhân của đương kim giám đốc CIA, Mike Pompeo - người tốt nghiệp Học viện quân sự West Point danh tiếng.
Có vẻ như ông Pompeo đã bắt được đúng nhịp của tổng thống Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ gần đây đã tuyên bố sẽ điều thêm quân tới Afghanistan, cam kết sẽ nới lỏng các ràng buộc để những binh sĩ Mỹ có thể "săn lùng bọn khủng bố, những tên côn đồ, tội phạm".(Tuoitre)
-------------------------
Đông Timor chặn 10 tàu Trung Quốc săn bắt “hàng ngàn con cá mập”
Tổ chức bảo tồn sinh vật biển Sea Shepherd cho biết đã giúp cảnh sát Đông Timor ngăn chặn 10 tàu Trung Quốc đánh bắt cá mập, BBC đưa tin ngày 15-9.
Sea Shepherd cho hay cuộc đột kích diễn ra vào sáng sớm 9-9 đã phát hiện ra hàng ngàn con cá mập, loài vật đang gặp nguy hiểm, trên các tàu Trung Quốc ở vùng lãnh hải Đông Timor, đồng thời tiết lộ đã chở cảnh sát đến kiểm tra nhóm tàu này.
Chủ nhóm tàu Trung Quốc tuyên bố trước đó đã được chính phủ Đông Timor cho phép và nói rằng họ không làm gì sai trái.
Giới chức Đông Timor vẫn chưa bình luận về vụ việc.
"Chúng tôi đang liên lạc với chính phủ Đông Timor" – người phát ngôn công ty Trung Quốc Pingtan Marine Enterprise khẳng định, đồng thời nói thêm rằng sẽ đưa ra tuyên bố chính thức sau.
Sea Shepherd cho biết cảnh sát Đông Timor đã nói với họ rằng cá mập được luật pháp quốc gia bảo vệ.
Ông Gary Stokes, thuyền trưởng tàu Ocean Warrior của Sea Shepherd, cho rằng những con cá mập đã bị săn bắt một cách dã man. "Hệt như cảnh tượng trong phim kinh dị vậy, cá mập bị nhồi nhét trong các bao tải" – ông Stokes tiết lộ.
Cũng theo ông Stokes, Sea Shepherd sẽ tiếp tục giám sát nhóm tàu Trung Quốc, hiện đã là 15 chiếc, trong lúc chờ câu trả lời từ giới chức.
Sea Shepherd chở cảnh sát đến kiểm tra các tàu Trung Quốc vì Đông Timor có năng lực tuần tra biển hạn chế, theo ông Stokes.
"Nhóm tàu Trung Quốc có giấy phép hoạt động trong khu vực này và vì không bị giám sát nên họ muốn làm gì cũng được" – ông Stokes chia sẻ.
Súp vi cá mập là một món ăn phổ biến ở Trung Quốc. Giới chỉ trích nói rằng nhu cầu sử dụng vi cá mập đang khiến loài vật này bị đe dọa nghiêm trọng vì nạn săn bắt trái phép và buôn lậu.(NLĐ)
------------------------
Bangladesh cảnh báo Myanmar về hậu quả khó lường
Chính quyền Bangladesh hôm qua triệu tập đại diện ngoại giao Myanmar tại nước này để phản đối hành động mà Dhaka cho là vi phạm không phận.
Bộ Ngoại giao Bangladesh trước đó tố cáo máy bay không người lái và trực thăng Myanmar đã xâm phạm không phận nước này 3 lần vào các ngày 10, 12 và 14.9, theo AP.
Bangladesh cũng cảnh báo Myanmar không lặp lại sự cố trên vì những “hành động khiêu khích” có thể dẫn đến “hậu quả không lường trước”.
Quân đội Myanmar phủ nhận việc xâm phạm không phận Bangladesh, nhưng người phát ngôn tổng thống Zaw Htay ngày 16.9 cho biết đang điều tra vấn đề này.
Gần 400.000 người Rohingya thiểu số theo Hồi giáo đã chạy sang Bangladesh tị nạn sau khi chính quyền Myanmar mở chiến dịch truy quét Đội quân cứu tế Arakan Rohingya (ARSA), nhóm tấn công nhiều đồn cảnh sát làm hàng chục người thiệt mạng hồi cuối tháng 8.(Thanhnien)
----------------------------------