Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tân Hoa xã Trung Quốc ngày 15/9 cho rằng đối với Triều Tiên, Nhật Bản là quốc gia “thù địch”. Đến nay, Triều Tiên và Nhật Bản vẫn chưa thực hiện bình thường hóa về ngoại giao.
Ngoài vấn đề hạt nhân Triều Tiên, quan hệ Nhật - Triều còn đối mặt với vấn đề “bắt cóc con tin”, hai bên vài lần tiếp xúc cấp cao cũng vì vấn đề này.
Tháng 5/2014, hai bên đã đạt được “Thỏa thuận Stockholm”. Theo thỏa thuận này, Triều Tiên cam kết điều tra lại “vấn đề bắt cóc” và lập Ủy ban điều tra đặc biệt, trong khi đó Nhật Bản hủy bỏ một phần lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Đây được coi là đột phá quan trọng của quan hệ Nhật - Triều khi đó.
Tuy nhiên, cuộc điều tra hoàn toàn không đạt được tiến triển như Nhật Bản mong muốn. Sau khi Triều Tiên tiến hành phóng vệ tinh vào tháng 2/2016, Nhật Bản tuyên bố nhiều biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên.
Khi đó, Triều Tiên lập tức lên án Nhật Bản phá hoại “Thỏa thuận Stockholm”, đã giải tán Ủy ban điều tra đặc biệt. Quan hệ song phương lại rơi vào bế tắc. Sau đó, Nhật Bản đã tăng cường trừng phạt đối với Triều Tiên, sự thù địch của Triều Tiên đối với Nhật Bản ngày càng tăng lên.
Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản ngày 15/9/2017, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã mạnh mẽ lên án Triều Tiên. Ảnh: People
Trong quần đảo Nhật Bản, dân số của Hokkaido có mật độ thấp, nếu tên lửa xảy ra sự cố rơi ở giữa đường thì tỷ lệ thương vong sẽ tương đối thấp.
Ngoài ra, Tân Hoa xã cho rằng Triều Tiên phóng tên lửa lần này nhằm thị uy. trong khi đó, chính phủ Nhật Bản luôn ra sức “thổi phồng” mối đe dọa Triều Tiên để tạo dư luận sửa đổi Hiến pháp. Vì vậy, tên lửa Triều Tiên bay qua Nhật Bản có thể tạo ra hiệu quả thị uy mạnh hơn.
Trong khi đó, do Mỹ bị Triều Tiên coi là kẻ thù chủ yếu, Triều Tiên phóng tên lửa cũng là để Mỹ không dám dễ dàng sử dụng vũ lực, bảo đảm an ninh tự thân.
Tân Hoa xã cho rằng, giải quyết vấn đề Triều Tiên cần phải bình tĩnh và sáng suốt, các bên cần phát huy vai trò mang tính xây dựng. Triều Tiên liên tục phóng tên lửa bay qua Nhật Bản rõ ràng làm cho tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng. Nhật Bản nếu phản ứng quá mức cũng có thể dẫn đến kích động tình hình, hai bên lại bước vào “tuần hoàn xấu” leo thang luân phiên.
Trong tình hình hiện nay, Triều Tiên và Nhật Bản cần giữ bình tĩnh, tránh có các hành động làm cho tình hình tiếp tục xấu đi. Các bên cần thông qua các biện pháp chính trị, ngoại giao để giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Điều này phù hợp với lợi ích chung của các bên và cộng đồng quốc tế, cũng là đồng thuận cao của cộng đồng quốc tế - Tân Hoa xã nhắc nhở. Tân Hoa xã cho rằng Trung Quốc đã đề xuất sáng kiến “hai tạm dừng” với mục đích là tìm khâu đột phá để thoát khỏi tình cảnh khó khăn của tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay. Trong khi đó, chủ trương “hai việc thực hiện đồng thời” là để triển khai các biện pháp mang tính tổng hợp, thông qua đối thoại, đàm phán để giải quyết cân bằng mối quan tâm an ninh hợp lý của các bên, từ đó tìm ra con đường giải quyết lâu dài. Các bên cần xem xét tích cực vấn đề này và đưa ra phản ứng mang tính xây dựng.
Nhật Bản không có khả năng đối phó tên lửa Triều Tiên?
Theo báo chí Mỹ ngày 16/9, khả năng đáp trả của Nhật Bản trước mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên đã trở thành chủ đề của cuộc hội thảo “Tình trạng phòng thủ tương lai của Nhật Bản” được tổ chức ở Trung tâm Henry L. Stimson - một cơ quan nghiên cứu tại Washington, Mỹ vào ngày 15/9.
Khi đó, cựu Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản Kiyofumi Iwata đã khẳng định Nhật Bản hoàn toàn không có khả năng phòng thủ tên lửa, kể cả kiểm soát tổn thất từ mối đe dọa tên lửa Triều Tiên.
Theo tướng Kiyofumi Iwata, điều mà hiện nay Nhật Bản có thể làm được là tăng cường hợp tác với Mỹ. Nếu không hợp tác với Mỹ thì điều mà Nhật Bản làm được là rất ít.
Khi gặp gỡ Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ ngày 15/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: “Phải tiếp tục tăng cường đồng minh chặt chẽ Nhật - Mỹ, để Triều Tiên thay đổi khiêu khích đối với cộng đồng quốc tế”. Ông Shinzo Abe còn kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện toàn diện các biện pháp trừng phạt mới.
Trước đó, Triều Tiên còn đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt Nhật Bản, nhấn chìm Nhật Bản xuống đáy biển. Tướng Kiyofumi Iwata cho biết hoạt động thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã làm thay đổi quan điểm của Nhật Bản đối với môi trường an ninh của mình. 7 - 8 năm trước, người Nhật cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của Nhật Bản, còn Triều Tiên có thể sẽ nổ ra khủng hoảng. Tuy nhiên, trong vòng 4 - 5 năm trở lại đây, Triều Tiên đã trở thành mối đe dọa cấp bách của Nhật Bản, mối đe đọa này giống như “lửa bén lông mày”.
Trong khi đó, tại hội thảo, cựu Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản Tomohisa Takei cho rằng Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhật Bản cần có khả năng tấn công Triều Tiên, phải tiến hành sự thay đổi về hệ thống.
Ông Tomohisa Takei nói: “Chúng tôi cần phát triển khả năng của mình hay tiếp tục dựa vào Mỹ? Chúng tôi cần triển khai tên lửa hành trình Tomahawk hay không, cần phát triển khả năng tấn công căn cứ của đối phương hay không? Đây không phải là vấn đề vài quả tên lửa có thể giải quyết. Chúng tôi cần có khả năng thu thập tình báo, khả năng trinh sát tốt hơn. Chúng tôi có khả năng đáp trả hay không, chúng tôi phải xem xét toàn bộ hệ thống của chúng tôi, xem xét toàn cục”.
Cựu Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản Masayuki Hironaka thì cho rằng cho dù Nhật Bản được sở hữu hợp pháp khả năng tấn công các căn cứ quân địch thì Nhật Bản cũng có rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Ông nói: “Nếu Nhật Bản có thể phát triển khả năng tấn công thì đây là sự thay đổi to lớn mang tính hệ thống. Chúng tôi cần phát triển hệ thống “khóa chết” mục tiêu, cần tăng cường năng lực trinh sát, năng lực thu thập tin tức. Chúng tôi cần những vũ khí như thế nào? Chúng tôi cần các hệ thống ra sao? Đây là vấn đề của toàn bộ hệ thống. Về vũ khí trang bị, chúng tôi cần làm lại từ đầu”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera là người luôn nỗ lực để phát triển khả năng tấn công cho Nhật Bản, để Nhật Bản có thể tấn công căn cứ quân sự của Triều Tiên, thậm chí phát động tấn công đánh đòn phủ đầu. Nhưng việc phát triển khả năng tấn công đang đối mặt với rất nhiều trở ngại trên các phương diện như tài chính, chiến thuật và chiến lược.
Ông cho rằng quyết định ngân sách dành cho phát triển khả năng này dự tính phải đợi đến cuối năm 2018. Hơn nữa, phải sửa đổi các điều khoản hiện có của Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ, tức là phải để Nhật Bản thoát khỏi vị thế chỉ đóng vai trò phòng thủ đơn thuần.
Hiện nay, cuộc khủng hoảng Triều Tiên lại có lợi cho chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tăng cường năng lực phòng thủ. Người dân sẽ có xu hướng ủng hộ hơn với cách làm cứng rắn của chính quyền, thậm chí cả phe đối lập cũng không ngoại lệ.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn