Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 17-09-2017: Đối phó với tên lửa Triều Tiên - thế tiến thoái lưỡng nan của Nhật

  • Cập nhật : 17/09/2017

Các phương án để Nhật phản ứng cứng rắn hơn trước các vụ thử tên lửa của Triều Tiên đều tiềm tàng nhiều nhược điểm.

ten lua hwasong-12 cua trieu tien. anh: kcna.

Tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

 

Các cư dân ở miền bắc Nhật Bản sáng 15/9 bị đánh thức đột ngột vì tiếng còi báo động, khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung qua đầu họ. Đây là lần thứ hai trong vòng chỉ hai tuần Triều Tiên bắn tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản, hành động khiêu khích ngay lập tức bị lên án bởi Thủ tướng Shinzo Abe.

Tuy nhiên, phóng viên Yoko Wakatsuki của CNN ở Tokyo cho biết người dân và truyền thông tại đây nhìn chung khá bình tĩnh vì họ hiểu rằng hành động của Triều Tiên "là khiêu khích chứ không phải một cuộc tấn công trực tiếp vào Nhật Bản". Trong vụ phóng ngày 15/9, Nhật không bắn hạ tên lửa vì họ xác định rằng tên lửa không nhắm vào họ mà rơi xuống Thái Bình Dương.

Nhưng bên dưới sự bình tĩnh đó, vụ phóng tên lửa mới tiếp tục đặt ra câu hỏi về cách Nhật Bản nên đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.

Thúc đẩy tái quân sự hóa

Trong nhiều thập kỷ, Nhật đã thảo luận về việc sửa đổi hiến pháp hòa bình. Hiến pháp có hiệu lực từ năm 1947, sau khi Nhật bị đánh bại trong Thế chiến II, nói rằng "lực lượng trên biển, đất liền, trên không cũng như các tiềm năng chiến tranh khác sẽ không bao giờ được duy trì". Nhật Bản thực tế không có quân đội chính thức mà chỉ có lực lượng phòng vệ. Theo hiến pháp, Nhật không được phép phát động chiến tranh.

"Trong trường hợp của Nhật Bản, tôi không nghĩ chúng ta có thể bắn trước khi chúng ta bị bắn", Noboru Yamaguchi, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Nhật Bản ở Niigata, nói về cách diễn giải hiến pháp.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên, chính phủ Shinzo Abe đã thúc giục sửa đổi hiến pháp.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận trong công chúng Nhật Bản cho thấy họ không mặn mà với việc sửa đổi hiến pháp. "Công chúng Nhật vẫn chưa chắc chắn về điều này", Richard Samuels, chuyên gia Nhật Bản và là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, nói.

Phương án hạt nhân hóa

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 14/9 tuyên bố trong thời gian ông tại nhiệm, Hàn Quốc sẽ không có vũ khí hạt nhân bất kể Triều Tiên có làm gì.

Đây cũng là lập trường của Nhật Bản, nhưng trong những năm gần đây, một số chính trị gia đã bắt đầu đề cập đến khả năng hạt nhân hóa để đối trọng với Triều Tiên.

"Có những chính trị gia đang tranh luận về việc chia sẻ hạt nhân với Mỹ, có nghĩa là đưa các vũ khí hạt nhân chiến thuật vào Nhật để chúng tôi có một số biện pháp răn đe", Heigo Sato, chuyên gia từ Đại học Takushoku, nói.

Nhật là nước duy nhất trên thế giới từng chịu ảnh hưởng của một vụ nổ bom nguyên tử trong khu vực dân sự. Các vụ đánh bom ở thành phố Hiroshima và Nagasaki đã khiến người Nhật có ác cảm lớn với vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, họ vẫn đang hồi phục từ thảm hoạ hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima vào năm 2011, khi một trận động đất xảy ra sau một cơn sóng thần.

"Ý tưởng triển khai vũ khí hạt nhân tại Nhật Bản còn bị phản đối rõ ràng hơn ý tưởng sửa đổi hiến pháp", Nakano cho biết.

Nhưng nếu Hàn Quốc thay đổi quan điểm thì tình hình có thể khác, Tong Zhao, từ Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua, nhận định. "Nếu Hàn Quốc theo đuổi chương trình hạt nhân, Nhật Bản sẽ cảm thấy cần phải làm theo", ông nói.

Nguy cơ chạy đua vũ trang

Nhật Bản vốn đã có một số lựa chọn phòng thủ để đối phó với tên lửa bắn từ Triều Tiên, các chuyên gia cho biết. Các tàu khu trục Nhật được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis có thể được sử dụng để bắn hạ tên lửa, nhưng hệ thống này không hoàn hảo, Zhao nói.

"Nhật phải đưa các tàu chiến có hệ thống Aegis đến địa điểm phù hợp trước khi Triều Tiên phóng tên lửa thì họ mới có cơ hội đánh chặn thành công", chuyên gia nhấn mạnh.

Tokyo đang tiếp tục cải thiện khả năng tự vệ trước những hành động khiêu khích liên tục từ Triều Tiên, nhưng bất kỳ sự mở rộng nhanh chóng nào về quân sự hay thay đổi hiến pháp có thể khiến các nước trong khu vực có những suy diễn vượt ra ngoài vấn đề Bình Nhưỡng.

Zhao cho rằng trong nỗ lực răn đe Triều Tiên, Nhật Bản có thể khơi dậy một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Á với Hàn Quốc, Trung Quốc và ngay cả Nga.

"Có rất nhiều sự nghi ngờ giữa các nước trong khu vực. Một số người Trung Quốc cho rằng Nhật đang làm quá căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên để có cớ hợp thức hóa quân đội của mình", ông nói.

Nakano nói rằng bất kỳ phản ứng mạnh bạo nào đối với mối đe dọa từ Triều Tiên có nguy cơ gây căng thẳng trong khu vực.

"Triều Tiên đang có hành động khiêu khích, không nghi ngờ gì việc đó, nhưng tình thế căng thẳng không chỉ liên quan đến Triều Tiên mà còn liên đới đến Trung Quốc và Mỹ", ông nói.

Theo VnExpress

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục