Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sáng 17-09-2017
- Cập nhật : 17/09/2017
Triều Tiên tiết lộ "mục tiêu cuối cùng", các nước lớn đùn đẩy trách nhiệm
Triều Tiên hôm 16/9 bất ngờ tuyên bố mục tiêu của nước này là đạt được thế “cân bằng” với các lực lượng quân sự Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng lên tiếng sau khi bắn tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản, lần thứ hai trong chưa đầy một tháng.
Reuters trích thông báo từ hãng thông tấn KCNA cho biết, lãnh đạo Kim Jong Un khẳng định: “Mục tiêu cuối cùng của Triều Tiên là thiết lập thế cân bằng về lực lượng quân sự với Hoa Kỳ và khiến cho các lãnh đạo Mỹ không dám đề cập đến phương án quân sự với Bình Nhưỡng nữa”.
Trong các bức ảnh do KCNA mới công bố, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang tươi cười quan sát vụ phóng tên lửa từ bệ phóng di động, xung quanh là một số quan chức cốt cán của Triều Tiên.
“Tính đáng tin cậy và hiệu quả trong chiến đấu của Hwasong-12 đã được kiểm định”, ông Kim nói và cho biết thêm mục tiêu của Triều Tiên là hoàn thiện lực lượng hạt nhân đã “gần đạt tới giai đoạn cuối cùng”.
“Chúng ta nên thể hiện rõ cho những người theo chủ nghĩa sô-vanh nước lớn cách chúng ta đạt được mục tiêu hoàn thiện lực lượng hạt nhân bất chấp những lệnh trừng phạt và cấm vận không giới hạn của họ”, ông Kim khẳng định.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un họp với các quan chức cao cấp sau vụ thử tên lửa hôm qua. Nguồn: KCNA
Trước đó, Triều Tiên phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản tới phía Thái Bình Dương, rơi xuống biển ở vị trí cách thị trấn Erimo thuộc vùng Hokkaido 2.000 km về phía đông. Vụ phóng diễn ra ngay lúc 7 giờ sáng ngày 15/9 (giờ địa phương). Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói tên lửa Triều Tiên bay khoảng 3.700 km và đạt độ cao tối đa 770 km.
Sau vụ thử tên lửa mới nhất hôm qua, cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng H.R. McMaster cho biết Hoa Kỳ đang dần mất kiên nhẫn với các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
“Chúng ta đã đá quả bóng xuống đường và nó đang đi chệch hướng. Với những ai nói rằng đang còn thiếu một biện pháp quân sự thì tôi xin khẳng định là, chúng tôi đã có lựa chọn quân sự”, ông McMaster nói.
Cũng trong ngày 15/9, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã tổ chức họp kín và lên án hành động phóng tên lửa đầy khiêu khích của Bình Nhưỡng. Cơ quan này cũng đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên nhằm đáp trả vụ thử bom hạt nhân hôm 3/9 của nước này, bao gồm cấm xuất khẩu các sản phẩm dệt may và cắt giảm lượng dầu thô nhập khẩu.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley, cũng ủng hộ những lời lẽ cứng rắn của cố vấn McMaster, mặc dù bà cho rằng Washington nghiêng về giải quyết khủng hoảng thông qua ngoại giao và cấm vận hơn.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay ông cảm thấy “tự tin hơn bao giờ hết những lựa chọn của Mỹ có thể giải quyết được mối đe dọa từ Triều Tiên một cách toàn diện và hiệu quả”. Phát biểu tại căn cứ quân sự Andrews gần Washington, ông chủ Nhà Trắng cho rằng Bình Nhưỡng “một lần nữa lại cho những người hàng xóm và cả cộng đồng quốc tế thấy sự khinh thường của họ”.
Các “ông lớn” đùn đẩy trách nhiệm
Trong ngày 15/9, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã kêu gọi Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Triều Tiên, và cả Nga phải áp đặt thêm áp lực đối với Bình Nhưỡng bằng cách “thực hiện những hành động trực tiếp của riêng hai nước”.
Đáp lại, Bắc Kinh lên tiếng, yêu cầu Washington phải làm nhiều hơn nữa để kiềm chế Bình Nhưỡng. “Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ nên làm nhiều hơn bây giờ, để có thể có được sự hợp tác quốc tế một cách hiệu quả trong vấn đề này”, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, ông Cui Tiankai cho hay.
“Họ cần phải kiềm chế để không tạo ra các mối đe dọa mới. Họ phải làm nhiều hơn nữa để tìm ra các cách hiệu quả nhằm nối lại đàm phán và đối thoại”, ông Cui nói và cho biết thêm Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.
Bên cạnh đó, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vassily Nebenzia cũng cho rằng Hoa Kỳ cần phải bắt đầu các cuộc đối thoại với Triều Tiên, một biện pháp mà cho đến nay Washington vẫn luôn khước từ.
“Chúng tôi kêu gọi Mỹ và các quốc gia khác tiến hành các giải pháp ngoại giao và chính trị được đề cập đến trong nghị quyết. Nếu không thực hiện được điều đó, thì chúng tôi cũng sẽ cân nhắc việc không tuân thủ theo nghị quyết”, ông Nebenzia cho các phóng viên biết sau buổi họp của Hội đồng Bảo an.
Khi được hỏi về triển vọng của các cuộc đàm phán trực tiếp, một phát ngôn viên Nhà Trắng cho hay: “Như Tổng thống và nhóm cố vấn an ninh quốc gia đã nói, bây giờ không phải là thời điểm để đối thoại với Triều Tiên”.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng cho rằng đối thoại với Triều Tiên là điều không thể thực hiện được tại thời điểm này. Ông yêu cầu các quan chức phân tích và chuẩn bị cho các mối đe dọa mới từ người hàng xóm, bao gồm các cuộc tấn công sinh hóa và xung điện tử.(Infonet)
--------------------------
Triều Tiên sẵn sàng đối phó lệnh trừng phạt 1.000 năm
Một quan chức cấp cao Triều Tiên lên tiếng thách thức những lệnh trừng phạt, cho rằng nước này sẽ tiếp tục phóng thử tên lửa.
"Các người có thể áp bất cứ lệnh trừng phạt nào các người muốn, nhưng dù những lệnh trừng phạt này có kéo dài bao lâu đi nữa, dù là 100 hay 1.000 năm, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục tăng cường nỗ lực, tiếp tục thực hiện những cuộc thử nghiệm đã lên kế hoạch", Telegraph dẫn lời Choe Kang-il, Phó vụ trưởng phụ trách vấn đề Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, hôm qua nói trước các phóng viên tại Bắc Kinh.
Triều Tiên đã thách thức một chuỗi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc bằng nhiều cuộc thử nghiệm mang tính khiêu khích, trong đó có vụ thử hạt nhân lần 6 hồi đầu tháng này và hai vụ phóng tên lửa bay qua Nhật, đồng minh của Mỹ.
Ông Choe cho rằng vụ thử hạt nhân lần 6, cũng là vụ thử mạnh nhất từ trước tới nay, nhằm thể hiện "sự bất khả xâm phạm của quyền tự quyết, của quốc gia dân tộc, thể hiện sức mạnh răn đe" của Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng tuyên bố quyết tâm hoàn thiện lực lượng hạt nhân bất chấp lệnh trừng phạt. Ông cho rằng mục tiêu cuối cùng của việc phát triển vũ khí là "cân bằng lực lượng thực sự" với Mỹ. Ông Kim cho rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 hôm qua bay qua Nhật Bản đã thành công, tăng cường "sức mạnh tác chiến của lực lượng hạt nhân", theo KCNA.
Tại New York, Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án mạnh mẽ vụ phóng "đầy tính khiêu khích" của Triều Tiên, đề nghị Bình Nhưỡng dừng tất cả những hành động này (Vnexpress)
----------------------
Trung Quốc nặng lời với Mỹ về Triều Tiên
Trung Quốc nói sẽ từ chối yêu cầu của Mỹ đòi cắt xuất khẩu dầu sang Triều Tiên. Bắc Kinh cho rằng Mỹ phải có trách nhiệm về vấn đề Triều Tiên, không thể đổ cho mình Trung Quốc.
Trung Quốc ngày 15-9 từ chối yêu cầu từ phía Mỹ cắt xuất khẩu dầu cho Triều Tiên như một cách nhằm thuyết phục ông Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân, rằng thay vì vậy các lãnh đạo Mỹ cần hạ giọng, thôi đe dọa mà hãy xúc tiến đàm phán với Triều Tiên.
Trao đổi với báo chí ngày 15-9, khi được hỏi liệu Trung Quốc có cắt cung cấp dầu cho Triều Tiên, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện tất cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ “không nhiều hơn, không ít hơn”. Bất kỳ bước đi nào thêm cần phải được thống nhất thông qua HĐBA.
Theo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên thứ 9 của HĐBA hồi đầu tuần, Trung Quốc có bổn phận cắt giảm 30% xuất khẩu dầu sang Triều Tiên. Bản thân Mỹ muốn Trung Quốc ngừng hoàn toàn xuất khẩu dầu với Triều Tiên. Ngày 15-9, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson yêu cầu Trung Quốc sử dụng vị trí là nước xuất khẩu dầu chính sang Triều Tiên để buộc ông Kim từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ông Tillerson lên tiếng vài giờ sau khi Triều Tiên lần thứ hai trong một tháng phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12 ngang qua lãnh thổ Nhật.
Skip ad
Ads by Blueseed
Tuy nhiên, ông Thôi cho rằng Mỹ, chứ không phải Trung Quốc mới là nước nhận phần trách nhiệm nhiều hơn về vấn đề này: “Họ không thể chỉ đẩy vấn đề này cho một mình Trung Quốc. Và tôi thật sự nghĩ Mỹ phải làm nhiều hơn nữa, nhiều hơn rất nhiều so với hiện tại và rồi sẽ có sự hợp tác thật sự hiệu quả về vấn đề này”. Khi được hỏi cụ thể Mỹ cần làm gì, ông Thôi cho rằng: “Họ cần kiềm chế đe dọa thêm nữa” và “làm nhiều hơn nữa để tìm ra giải pháp hiệu quả để khôi phục đối thoại và thương lượng”.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải. Ảnh: CHINA EMBASSY
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói Mỹ phải nhận trách nhiệm giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, vì gốc rễ vấn đề là xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên.
“Bản chất vấn đề hạt nhân Triều Tiên là một vấn đề an ninh, cốt lõi của nó là xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Doanh nói trong cuộc họp báo ngày 15-9.
Bà Hoa mô tả tình hình bán đảo Triều Tiên là “phức tạp, nhạy cảm và gay go”, sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12 ngang qua Nhật, bất chấp nghị quyết trừng phạt thứ 9 của HĐBA. Tuy nhiên, theo bà Hoa, Trung Quốc không phải là nước chịu lỗi về tình hình bán đảo Triều Tiên.
“Trọng tâm xung đột không phải là Trung Quốc. Nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng không phải Trung Quốc và cốt lõi của vấn đề cũng không phải do Trung Quốc. Các bên liên quan trực tiếp cần thực hiện bổn phận của mình và mọi mưu đồ nhằm đẩy bổn phận của mình đi chỗ khác là vô trách nhiệm” - bà Hoa nặng lời.
Theo bà Hoa, Trung Quốc đã phải có “sự hy sinh lớn và phải trả giá đắt” để thực hiện các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên. Các nước không thể nghi ngờ quyết tâm và sự chân thành của Trung Quốc trong việc này.
Các chuyên gia Trung Quốc nhận định từ phát ngôn của bà Hoa có thể dự đoán Trung Quốc không định sẽ có thêm hành động gì nữa với Triều Tiên vào lúc này.
“Trung Quốc lâu nay vẫn nói trừng phạt thêm Triều tiên sẽ không giúp giải quyết tình hình. Mỹ trước nay cáo buộc Trung Quốc không đủ cứng rắn trong trừng phạt kinh tế Triều Tiên nhưng Mỹ cũng có thể thấy Triều Tiên sẽ không dừng lại dù Trung Quốc có tăng áp lực thương mại hơn nữa” - theo chuyên gia Wang Sheng, Giáo sư về các vấn đề Triều Tiên tại ĐH Cát Lâm (Trung Quốc).
Chuyên gia Triều Tiên Cai Jian tại ĐH Phục Đán (Trung Quốc) cho rằng căng thẳng sẽ còn tăng, Mỹ và Triều Tiên đang trên bờ vực chiến tranh và Mỹ chỉ còn cách đồng ý đối thoại với Triều Tiên.
“Triều Tiên sẽ không ngừng phát triển vũ khí hạt nhân vì trừng phạt, vì biết rằng nó sẽ làm tăng sức mạnh thương lượng cho mình. Vụ phóng tên lửa ngang qua Nhật lần thứ hai về cơ bản cho thấy Triều Tiên có đủ sức tấn công đảo Guam. Vì thế tôi nghĩ khơi mào chiến tranh không phải là phương án cho Mỹ khi vũ khí hạt nhân Triều Tiên có vẻ đã phát triển nhiều hơn dự đoán. Hai bên phải cùng ngồi xuống đối thoại”.(PLO)