Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 18-09-2017:
- Cập nhật : 18/09/2017
Triều Tiên bị căn cứ Mỹ bao vây tứ bề
Mỹ có gần 40.000 nhân sự đóng tại Nhật Bản, hơn 23.000 quân nhân tại Hàn Quốc. Ngoài ra còn có căn cứ Guam giữ vai trò một “tàu sân bay không thể chìm” tại Thái Bình Dương.
Nhật Bản: Quân đội Mỹ có nhân sự đóng tại Nhật Bản nhiều hơn tất cả quốc gia khác có quân Mỹ đồn trú. Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, có tổng cộng 39.345 quân nhân Mỹ đóng tại 112 căn cứ tại Nhật Bản. Đa số quân Mỹ đóng tại đảo Okinawa. Hạm đội 7 của hải quân Mỹ có trụ sở đầu não đặt tại Nhật Bản, chỉ huy khoảng 50-70 tàu chiến và tàu ngầm, 140 máy bay và gần 20.000 thủy thủ.
Các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đồ họa: AN MIÊN. Nguồn: STATISTA/THE GUARDIAN
Hàn Quốc: Với 23.468 quân nhân Mỹ đồn trú, Hàn Quốc là quốc gia có số quân Mỹ đóng quân nhiều thứ ba sau Đức. Ở miền Nam bán đảo Triều Tiên còn có hơn 300 xe tăng và xe thiết giáp Mỹ cùng các hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Guam: Cách Bình Nhưỡng hơn 3.300 km trên Thái Bình Dương là đảo Guam với 2.831 quân nhân Mỹ đồn trú. Nơi đây đặt căn cứ không quân Anderson, là “nhà” của các máy bay ném bom chiến lược B-52 và máy bay ném bom hạt nhân siêu thanh B-1B Lancer của Mỹ.
Hawaii: Phía bên kia Thái Bình Dương là hơn 40.000 quân Mỹ đóng tại đảo Hawaii. Đây cũng là nơi đặt trụ sở chính của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM), nắm quyền kiểm soát hơn 375.000 quân nhân và nhân viên phục vụ quân đội, hơn 200 tàu chiến và hơn 1.000 máy bay.
Ngoài ra, Mỹ còn duy trì hiện diện quân sự tại một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines và Singapore.(PLO)
-----------------------
'Triều Tiên chưa thể thay đổi cục diện khu vực'
Đó là nhận định của TS. Zack Cooper, nghiên cứu viên cấp cao về an ninh châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, về sức tác động của vũ khí hạt nhân Triều Tiên đối với cục diện Đông Bắc Á.
Thưa TS Zack Cooper, sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Triều Tiên tiến hành vào ngày 3-9, Bình Nhưỡng ra tuyên bố giờ đây họ đã có trong tay vũ khí nhiệt hạch là bom H đủ khả năng trang bị lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Đặt giả thuyết rằng các tuyên bố của Triều Tiên là chính xác, theo ông việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ tái định hình cân bằng quyền lực tại Đông Bắc Á ra sao?
+ TS Zack Cooper (ảnh),nghiên cứu viên cấp cao về an ninh châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ: Theo tôi, Mỹ sẽ tiếp tục chiến lược cô lập và răn đe Triều Tiên, từ đó khiến sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên không thể thay đổi về nền tảng cục diện chiến lược tại khu vực Đông Bắc Á.
. Vụ thử hạt nhân vừa qua tạo ra những thách thức gì đối với sức mạnh và khả năng răn đe quân sự của Mỹ trong khu vực?
+ Mặc dù hiện mối đe dọa đã lớn hơn đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, chúng tôi vẫn duy trì lợi thế áp đảo quân sự đáng kể cả về các cấp độ leo thang vũ khí quy ước lẫn vũ khí hạt nhân. Theo đó, một vụ tấn công của Triều Tiên đồng nghĩa với tự sát. Vì vậy, Bình Nhưỡng vẫn có lý do để không thực hiện một vụ tấn công vào Mỹ hoặc các đồng minh và đối tác của Mỹ.
. Đáp trả lại vụ thử hạt nhân vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày 11-9 đã bỏ phiếu thông qua các sắc lệnh trừng phạt mới nhắm vào Triều Tiên. Trung Quốc, một đồng minh thân thiết của Bình Nhưỡng, đã quyết định ủng hộ việc trừng phạt nặng tay. Nhưng liệu cộng đồng quốc tế có thể trông cậy vào Trung Quốc để chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên hay không?
+ Đối với Trung Quốc, chúng tôi sẽ cần phải chờ xem họ nghiêm túc đến mức nào trong thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc một cách toàn diện. Tôi dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tăng thêm một số áp lực lên Triều Tiên để thể hiện sự không bằng lòng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều này sẽ không thay đổi về nền tảng tính toán của Triều Tiên đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Điều cốt lõi là Trung Quốc không muốn phải chứng kiến Triều Tiên sụp đổ. Vì vậy, tôi không tin rằng chúng ta có thể trông cậy vào Trung Quốc để giải quyết thách thức này. Nói là vậy nhưng vẫn có khả năng nhờ đến Trung Quốc ngăn cản Triều Tiên phổ biến công nghệ quân sự của họ sang các quốc gia khác mà điển hình là Iran hoặc Syria.(PLO)
--------------------
Tăng trưởng kinh tế: Vũ khí bí mật của Triều Tiên
Trong khi Liên Hiệp Quốc đang áp đặt thêm nhiều lệnh trừng phạt mới lên Triều Tiên về vấn đề vũ khí hạt nhân, nhiều người đặt câu hỏi vì sao những lệnh trừng phạt như thế thất bại trong hơn một thập niên qua.
Mục Bloomberg View cho hay lý do khiến các lệnh trừng phạt quốc tế không mang lại hiệu quả là nền kinh tế Triều Tiên đang được cải thiện nhiều hơn mức độ được biết đến một cách rộng rãi. Sức phát triển kinh tế là yếu tố giúp nước này vượt qua các rào cản thương mại đang ngày càng cao hơn.
Dù nước này còn nghèo, GDP vẫn tăng 3,9% trong năm 2016 lên khoảng 28,5 tỉ USD. Đây là mức tăng GDP nhanh nhất trong 17 năm. Tiền lương người lao động cũng đi lên nhanh chóng, GDP bình quân đầu người hiện lên ngang bằng Rwanda, một nền kinh tế kiểu mẫu ở châu Phi.
Tiến bộ này một phần là nhờ giao thương với Trung Quốc, quốc gia vẫn do dự trong việc cắt đứt quan hệ thương mại với nước láng giềng mặc cho nhiều lời kêu gọi về việc thắt chặt lệnh trừng phạt. Dù Trung Quốc đồng ý cấm nhập khẩu than đá của Triều Tiên hồi tháng 2, nhập khẩu sắt lại tăng và tổng kim ngạch thương mại đi lên 10,5% trong nửa đầu năm nay, chạm mốc 2,55 tỉ USD.
Cùng lúc, nhiều cải cách kinh tế được thực hiện trong năm 2011 bắt đầu có hiệu quả, cho phép giới quản lý nhà máy tùy ý đặt ra mức lương, tìm nhà cung cấp riêng, thuê mướn và sa thải nhân viên. Hệ thống nông dân tập thể được thay thế bằng hệ thống quản lý theo gia đình, nhờ đó, sản lượng thu hoạch nông nghiệp đi lên. Chính quyền Triều Tiên còn chấp nhận doanh nghiệp tư nhân với một số giới hạn nhất định.
Kết quả thu được khá nổi bật. Những người bán hàng rong trước đây là cảnh hiếm gặp, song giờ đây ngập tràn đường phố Bình Nhưỡng. Một số khu phố có cao ốc mới, siêu thị hiện đại, cửa hàng thời trang còn đường phố thì thấp thoáng bóng dáng xe hiệu Mercedes-Benzes và BMW. Theo một số ước tính, khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm đến 1/2 GDP.
Vì tình trạng nghèo đói vẫn lan rộng, các cải thiện đơn giản trong quản lý nông nghiệp và quản lý thiên tai đủ để tạo đà tăng trưởng mới một cách đáng kể. Mức tăng GDP ấn tượng hồi năm ngoái phần lớn là nhờ đợt phục hồi kinh tế sau đợt hạn hán tồi tệ vào năm 2015.
Với người dân Triều Tiên, mức sống tăng là tín hiệu tốt. Vấn đề ở đây là nền kinh tế vẫn còn sức phát triển trước khi tiến bộ kinh tế chạm đến mức đòi hỏi các rào cản thương mại phải được phá vỡ. Điều này đồng nghĩa với việc phải mất vài năm nữa, các biện pháp trừng phạt mới đủ gây tổn thương để hành vi của Triều Tiên có sự thay đổi đáng kể. Từ nay cho đến lúc đó, ý thức về việc đất nước tự lực cánh sinh có vẻ sẽ thống lĩnh.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đang tự định vị hình ảnh bản thân là nhà cải cách sắt bén như Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee hay lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Ông Kim Jong-un vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, trong đó có việc bị cắt đứt khỏi hệ thống thương mại toàn cầu, song trước sức ép lớn và nguồn lực hạn chế, Triều Tiên vẫn đạt được mục tiêu trong nhiều năm. Trong tương lai, sức tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ giúp ích cho nước này.(Thanhnien)