Vũ khí đã trở thành một công cụ sắc bén của Trung Quốc để đạt được những ảnh hưởng về chính trị và quyền lợi về kinh tế ở châu Phi.
Trung Quốc quyết liệt tấn công sân sau của Mỹ
- Cập nhật : 21/02/2017
Venezuela chuẩn bị nhận nhiều dự án được ưu đãi lãi suất của Trung Quốc đổi lấy dầu thô và hợp tác gần 3 tỷ USD.
Ngày 19/2, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết hợp tác giữa quốc gia Nam Mỹ và Trung Quốc hướng đến mục tiêu cải thiện phúc lợi xã hội ở cả hai nước.
Phát biểu trên chương trình phát thanh hàng ngày, Tổng thống Maduro nhấn mạnh những thỏa thuận song phương mới được ký kết gần đây giữa hai nước đều nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, khoa học và công nghệ, công nghiệp, vũ trụ, văn hóa và giáo dục.
Tổng thống Venezuela cho rằng, những thỏa thuận đã đạt được với Bắc Kinh đã mang lại lợi ích cho mọi người dân Venezuela thông qua việc đặt các cơ sở sản xuất và phân phối của Trung Quốc ngay tại các địa phương của nước sở tại.
Đổi lại với việc Trung Quốc tài trợ cho nhiều dự án với lãi suất ưu đãi, quốc gia Nam Mỹ sẽ chuyển cho Bắc Kinh lượng dầu thô tương ứng.
Trước đó, ngày 13/2, Venezuela và Trung Quốc đã ký 22 thỏa thuận hợp tác với tổng trị giá 2,7 tỷ USD trong các lĩnh vực năng lượng, tài chính, thương mại, khoa học-kỹ thuật và văn hóa.
Hãng thông tấn của Venezuela cho biết kể từ năm 2001, hai nước đã tập trung vào các dự án ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp và khai thác mỏ giữa lúc Venezuela đang hướng tới trở thành nhà cung ứng chính về vàng, kim cương, quặng bauxite, đồng và coltan - chất dùng để sản xuất linh kiện điện tử.
Tổng thống Maduro nhấn mạnh, trong số các thỏa thuận được ký kết đáng chú ý có dự án xây dựng một nhà máy lọc dầu hiện đại tại thành phố Yết Dương, tỉnh Quảng Đông, giữa Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) và đối tác Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC). Tổng thống Maduro nhấn mạnh trong 10 năm gần đây, Trung Quốc đã tài trợ 62 tỷ USD cho 790 dự án hợp tác với Trung Quốc.
Dự án đầu tư vào dầu khí của Trung Quốc ở Venezuela được coi là một bước đi đầy toan tính để Bắc Kinh hướng đến tương lai thống trị cỗ máy kiếm tiền bậc nhất ở quốc gia Nam Mỹ này.
Các chuyên gia phân tích cùng những tài liệu thu thập được của tờ El Nuevo Herald tiết lộ rằng Venezuela đang ngày một phụ thuộc vào tài chính và năng lực điều hành của Trung Quốc. Bên cạnh đó, sự khan hiếm nguồn lực đã đẩy Chính quyền của ông Chavez vào thế phải nhượng bộ Bắc Kinh.
Việc trải thảm đỏ đối với Bắc Kinh giúp chính phủ của ông Chavez thu về gần 80 tỷ USD tài chính và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đổi lại, nhà lãnh đạo Venezuela phải thực hiện nhiều điều khoản bất lợi cho ngành công nghiệp hơn so với trên thị trường quốc tế.
Trớ trêu thay, những thỏa thuận này - có thể khiến nguồn thu của đất nước thiệt hại hàng tỷ USD - lại diễn ra vào thời điểm Venezuela không thực sự cần tìm kiếm nguồn tài chính nước ngoài.
Tờ báo El Nuevo Herald dẫn một báo cáo nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng tại Washington nhận định: "Bề ngoài, công ty dầu khí quốc gia Venezuela là chủ sở hữu mọi thứ, nhưng thực tế họ chẳng sở hữu được điều gì. Mọi quyết định về việc các dự án sẽ thực hiện ra sao, khi nào, có thuận tiện đầu tư hay không, đều dưới sự ủy quyền của các ngân hàng Trung Quốc."
Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ và Venezuela hiện nay vẫn còn chưa rõ ràng dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ông Trump mới chỉ có các phát ngôn liên quan tới Venezuela rằng ông bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng tại quốc gia này, đồng thời khẳng định thông điệp không mang tính chính trị hay kinh tế mà chỉ trong khuôn khổ cuộc chiến chống buôn lậu ma túy quốc tế.
Khi Mỹ và Venezuela còn bỏ ngỏ quan hệ tài chính, kinh tế dưới thời Donald Trump, Bắc Kinh đã tận dụng mọi lợi thế để thâu tóm quốc gia giàu vàng đen này ở sân sau của Mỹ.
Đáng chú ý, không chỉ ở Venezuela, Trung Quốc còn đã gây ảnh hưởng bởi các ưu đãi đầu tư cho Cuba - quốc gia hiện đang có nhiều căng thẳng với chính quyền mới ở Mỹ.
Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa sang Cuba với các điều khoản tín dụng ưu đãi và dẫn đầu nỗ lực phát triển hạ tầng internet của Havana.
Nhân viên Công ty Shanghai Electric (Trung Quốc) giám sát công trình xây nhà máy điện tại Ciro Redondo – Cuba. Ảnh: Reuters
Doanh nghiệp Trung Quốc hiện chiếm ưu thế vì chính quyền các địa phương ở Cuba thích làm ăn với những người bạn lâu năm. Thông tin trên trang web chính thức “Cubadebate” của chính phủ Cuba hồi tháng trước cho biết 2 nước đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp tại một hội nghị có sự tham gia của 20 công ty Cuba và 18 công ty Trung Quốc ở Havana. Truyền thông Cuba gần đây cũng đăng tải thông tin về các dự án của Trung Quốc trong những lĩnh vực như hạ tầng, viễn thông, du lịch, hàng điện tử…
Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc giúp doanh nghiệp nước này đi trước các đối thủ Mỹ tại thị trường Cuba. Ngoài ra, Havana sẽ bớt chịu tác động tiêu cực trong trường hợp ông Trump siết chặt quy định đi lại và quan hệ thương mại. Theo một số nhà phân tích, sự xấu đi trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc, nếu có, có thể thúc đẩy Bắc Kinh đầu tư nhiều hơn vào Havana thời gian tới.
“Nếu chính quyền ông Trump tăng sức ép lên Trung Quốc, nước này nhiều khả năng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực láng giềng Mỹ” - ông Ted Piccone, nhà phân tích về Mỹ Latin của Viện Brookings (Mỹ), nói với Reuters.
Quế Chi
Theo Báo Đất Việt