Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách châu Á Thái Bình Dương Randall Schriver ngày 16/8 khẳng định: Mỹ sẽ không cho phép Bắc Kinh "viết lại luật lệ" ở Biển Đôngvà sẽ yểm trợ đồng minh Philippines chống Trung Quốc xâm lấn. Theo trang mạng Philippines Rappler, ông Schriver đã tuyên bố như trong cuộc họp báo tại Manila.
Mỹ - Hàn sắp tập trận, Trung Quốc lại “chọc giận” Triều Tiên
- Cập nhật : 20/02/2017
Tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên ngày càng phức tạp khi Trung Quốc vừa mới tuyên bố ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên trong khi Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị tiến hành tập trận chung.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin giới quan sát nhận định, việc chịu sức ép từ cả Bắc Kinh – Washington – Seoul sẽ khiến Bình Nhưỡng có thêm hành động khiêu khích trong thời gian tới.
Tuyên bố ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên được Trung Quốc thông báo hôm 18/2. Đây là động thái cho thấy Bắc Kinh đã đồng tình cùng với các nước trong khu vực có những biện pháp nhằm ngăn chặn tham vọng phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Cây cầu nối biên giới Trung Quốc - Triều Tiên ở thị trấn Đan Đông thuộc tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết quốc gia này sẽ ngừng nhập khẩu than đá của Triều Tiên trong năm 2017 theo lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ).
Trước đó, lệnh trừng phạt được LHQ áp đặt hồi tháng 11/2016 giới hạn sản lượng than đá xuất khẩu của Triều Tiên trong năm nay xuống còn 7,5 triệu tấn, có giá trị khoảng 400 triệu USD. Con số này giảm mất 65% so với năm 2015.
Lệnh cấm của LHQ được xem là phản ứng sau những lời chỉ trích của Mỹ và Hàn Quốc về việc Trung Quốc “không nỗ lực hết sức” để ngăn chặn Triều Tiên.
Hôm 12/2, Triều Tiên đã cho phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2. Được phóng từ căn cứ không quân Banghyon, tên lửa Pukguksong-2 đã bay được khoảng 500 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Theo Bình Nhưỡng, tên lửa Pukguksong-2 có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này sử dụng công nghệ động cơ nhiên liệu rắn.
Tuy nhiên, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã khiến Trung Quốc lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Trong khi đó, lâu nay, Bắc Kinh được xem là đối tác thương mại và đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng.
“Trung Quốc muốn nhắc nhở nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về mức độ nghiêm trọng của sự việc đồng thời muốn các bên liên quan cùng quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân”, ông Wang Sheng, Giáo sư chuyên ngành các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Jilin nhấn mạnh.
Cũng theo ông Wang, phản ứng của Bắc Kinh còn muốn thuyết phục Washington và Seoul hạ nhiệt căng thẳng cũng như không chọc giận thêm nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trước đó, Washington cũng đã yêu cầu Bắc Kinh ngừng nhập khẩu than đá từ Bình Nhưỡng. Trong năm 2015, Triều Tiên đã thu về 1 tỷ USD từ việc xuất khẩu than cho Trung Quốc.
Trong năm 2016, bất chấp lệnh trừng phạt của LHQ, Trung Quốc vẫn mua than đá của Triều Tiên với sản lượng lên tới 22,6 triệu tấn, tăng gấp 14,5% so với năm 2015.
Nhà phân tích an ninh tại Đại học Lingnan ở Hong Kong, ông Zhang Baohui nhận định lệnh cấm nhập khẩu than đá do Trung Quốc ban hành sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của Triều Tiên. Bởi xuất khẩu than là nguồn thu ngoại tệ chính của Bình Nhưỡng.
Cũng theo ông Zhang, khả năng sau lệnh cấm của Trung Quốc, Triều Tiên sẽ trở nên khó đoán hơn đồng thời cô lập mình khỏi Bắc Kinh trước mối lo đồng minh thân thiết chuyển sang thân Mỹ.
Còn hiện tại, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đang gấp rút chuẩn bị cho kế hoạch tổ chức cuộc tập trận chung vào tháng Ba tới.
“Cuộc tập trận sẽ trở thành cái cớ để ông Kim cho phóng thêm tên lửa. Hành động này cũng sẽ khiến Hàn Quốc mong muốn triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trong thời gian sớm nhất”, giáo sư Wang chia sẻ.
Hôm 19/2, phát biểu trước Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết: “Trung Quốc hiểu được nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia của Hàn Quốc song Hàn Quốc cũng nên tôn trọng lý do mà Trung Quốc đưa ra”.
Lâu nay, Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối về việc Mỹ cho triển khai THAAD ở Hàn Quốc bởi Bắc Kinh cho rằng hệ thống này sẽ do thám và đe dọa tới an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Seoul và Washington đều khẳng định THAAD là vô cùng cần thiết nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ lực lượng tên lửa của Triều Tiên.
Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet.vn