Tin Biển Đông

 
 
 

Một Trung Quốc tham vọng sẽ khiến Mỹ xích lại càng gần các đồng minh châu Á

  • Cập nhật : 21/02/2017

Mặc dù vậy, mọi thứ sẽ vẫn phụ thuộc vào chính quyền Trump và cách tiếp cận của chính quyền này đối với khu vực. Nếu đối đầu với Trung Quốc mà không đi cùng những nỗ lực tái đảm bảo trong khu vực, vị trí chiến lược của Mỹ trong khu vực cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

2012-11-14_151703.jpg

Quan hệ Mỹ - Ấn phải dựa trên nội dung giá trị thực chất và toàn diện, bao gồm tất cả các lợi ích đan xen về chiến lược và an ninh chứ không phải là một biện pháp mang tính chiến thuật hay chiến lược. Tuy nhiên, một trong những điểm đồng quan trọng giữa hai nước là mối quan tâm chung về sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Á. Sự mở rộng ảnh hưởng đó tất nhiên bao gồm năng lực quân sự về mọi mặt, từ hải quân cho đến tên lửa hành trình và đạn đạo, năng lực tham gia chiến tranh mạng, hàng không, cũng như học thuyết của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nhằm tăng cường khả năng triển khai các lực lượng “viễn chinh” mạnh.

Sự gia tăng quân sự của Trung Quốc trên thực tế cũng là những điều thực tế cho cả Mỹ và Ấn Độ và ở chừng mực nào đó đang thúc đẩy hợp tác chiến lược và quốc phòng giữa hai nước. Nhưng sẽ là sai lầm nếu chỉ coi sự hợp tác này chỉ dựa vào “nhân tố Trung Quốc”. Hợp tác an ninh Mỹ - Ấn cần phát triển toàn diện, cũng như cần những mối quan hệ hợp tác nói chung mang tính toàn diện giữa hai nước (ngoại giao, thương mại, văn hóa giáo dục, khoa học công nghệ và nhiều lĩnh vực khác).

Tương tự, khi nhìn về vị thế của Trung Quốc ở Châu Á, chúng ta cũng cần nhìn một cách toàn diện từ những nỗ lực ngoại giao, thương mại cho đến sức mạnh mềm chứ không chỉ qua lăng kính an ninh. Điều này nghĩa là chúng ta cũng cần hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR), không chỉ là một sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng đơn thuần mà đúng hơn là một sáng kiến nhằm gia tăng ảnh hưởng địa chiến lược và địa kinh tế của Trung Quốc.

Từ góc nhìn của Mỹ, ngày càng khó tìm được sự cân bằng trong quan hệ với Bắc Kinh chứ chưa nói đến một câu chuyện hay đường hướng tích cực trong tương lai. Đó là trước thời ông Trump. Giờ tình hình đã khác, chính quyền mới ở Mỹ dường như đang cho thấy sẽ đi theo hướng tiếp cận đối đầu nhiều hơn với Trung Quốc. Điều này không chỉ ảnh hướng xấu một cách nhanh chóng đến quan hệ Mỹ - Trung mà còn làm gia tăng căng thẳng cho gần như tất cả các nước Châu Á từng muốn cân bằng quan hệ của mình giữa Trung Quốc và Mỹ. Rất ít nước ở Châu Á muốn chọn đi theo nước này hơn nước kia trong mối quan hệ này.

Khi chính quyền Trump đối đầu với Trung Quốc, chúng ta có thể sẽ thấy một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á không còn giữ cách quan hệ cân bằng và sẽ ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc. Khu vực Nam Á theo tôi cũng sẽ tương tự như khu vực Đông Nam Á. Một số nước đang được Bắc Kinh lôi kéo thành công (như Bangladesh và Nepal) trong khi một nước khác đang tỏ ra không thoải mái với sự bao bọc đến nghẹt thở của Trung Quốc (Sri Lanka). Một nước khác thì ngả mạnh về phía Trung Quốc nhưng đồng thời vẫn duy trì mối quan hệ cốt lõi với Mỹ, đó là Pakistan. Tôi nghĩ sẽ không hoàn toàn chính xác nếu nói Pakistan đang hoàn toàn đi theo Trung Quốc. Tôi cũng nghĩ rằng “Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan” (một phần của OBOR) sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai.

Đối với Ấn Độ, chúng ta thấy rõ về chiến lược nước này đang nghiêng mạnh về phía Mỹ trong khi vẫn đang cố gắng duy trì một chút bình thường trong quan hệ ngoại giao, thương mại và văn hóa với Trung Quốc. Những nước khác - Nhật Bản, Singapore, Úc và Ấn Độ nói riêng - có thể sẽ củng cố quan hệ với Mỹ và với nhau vì không muốn rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc. Điều này sẽ cho thấy một làn sóng ngược trước nhóm các nước đang tiến gần với Trung Quốc và sẽ dẫn đến một sự phân cực mạnh hơn tại Châu Á.

Tuy vậy, tất cả sẽ phụ thuộc vào chính quyền Trump và cách tiếp cận của chính quyền này đối với khu vực. Nếu đối đầu với Trung Quốc mà không đi cùng những nỗ lực tái đảm bảo trong khu vực, vị trí chiến lược của Mỹ trong khu vực cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong một giai đoạn nhiều bất ổn như vậy, điều đặc biệt quan trọng là các đồng minh và các đối tác chiến lược của Mỹ phải tìm cách có được tiếng nói với Washington.

Tóm lược bài phát biểu của David Shambaugh, giảng viên của Đại học NTU - Singapore tại Học viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Ấn Độ - IDSA, đăng trên “Hindustan Times



Anh Thư (gt)
Theo nghiencuubiendong.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục