Tin Biển Đông

 
 
 

Việt–Mỹ thời gian đầu khi Trump làm tổng thống

  • Cập nhật : 17/02/2017

Sau khi chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ, Donald Trump đã khiến không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới phải dõi theo từng bước đi của mình.

Điểm lại một vài “bước” quan trọng mà ông Trump đã “đi” ngay sau khi lên làm tổng thống Mỹ, không ai không nhắc đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bức tường Mexico, sắc lệnh cấm nhập cảnh và những cuộc điện đàm ngoại giao. Vẫn là những điều ông Trump đã nói trong cuộc vận động tranh cử, rõ ràng, ông đã giữ đúng lời hứa với cử tri. Tuy nhiên, sóng gió được dự đoán là sẽ còn tiếp diễn, và các nước đang dần dần thay đổi để phù hợp hơn với “thế cuộc mới”.

Câu chuyện TPP

Mỹ chính thức rút Mỹ khỏi TPP không ngoài dự đoán của nhiều người, nhưng chắc chắn sự thất vọng và hụt hẫng mà nó đem lại không hề nhỏ. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thế nào cho khách quan về vấn đề này? Trước nay, TPP vẫn được cho là giúp thúc đẩy GDP, hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong số 12 nước thành viên của Hiệp định, có thể nói Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất. Nhà nước cũng như các doanh nghiệp Việt đã điều chỉnh một số điều luật cũng như phương thức vận hành để có thể phù hợp với TPP khi được ký kết và triển khai.

theo ong trump, nuoc my can “mua hang my va thue cong nhan my”. anh: nytimes

Theo ông Trump, nước Mỹ cần “mua hàng Mỹ và thuê công nhân Mỹ”. Ảnh: NYTimes

Việt Nam đã có chuẩn bị từ trước nên TPP không được đưa vào chương trình của kỳ họp thứ hai (khóa 14) của Quốc hội Việt Nam. Giải thích quyết định tạm chưa phê chuẩn, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho biết cần “xem xét tình hình toàn cầu, đánh giá hành động của các nước thành viên khác và chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ”.

Từ khi TPP được nhen nhóm, vai trò của nó dường như được nhìn nhận nhiều theo hướng địa chính trị, là nhằm kiềm tỏa Trung Quốc, cũng là để tăng GDP cho toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cũng vì lý do này, khi Mỹ - quốc gia có vai trò và tỉ trọng lớn trong TPP – rút ra, nhiều người thấy hụt hẫng. 

Giáo sư Carl Thayer, người nổi tiếng về nghiên cứu chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh khu vực Đông Nam Á đầu tháng 1.2017 đã cho rằng "Việt Nam cần chủ động hơn ở Washington nhằm tìm lối vào tiếp xúc với Chính quyền Trump và tìm kiếm đảm bảo về hướng đi tương lai của quan hệ song phương...".

Nhìn từ một cuộc điện đàm

thu tuong nguyen xuan phuc dien chuc mung tan tong thong my donald trump. anh: vtv

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện chúc mừng tân tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: VTV

Ngày 8.11, cuộc bỏ phiếu bầu cử diễn ra ở Mỹ gọi tên người về đích trong cuộc đua vào Nhà Trắng: tỉ phú Donald Trump. Sau đó khoảng một tuần, tờ New York Times đăng bài cho rằng các lãnh đạo thế giới, các đồng minh của Mỹ đang “chật vật để tìm cách để có thể liên hệ được với ông Trump”. Trong khi hãng tin CNN đưa ra danh sách một cách độc lập các nguyên thủ quốc gia điện đàm với ông Trump, trong đó bao gồm lãnh đạo các nước Ireland, Úc, Canada, Nhật Bản, Israel, Đan Mạch, Ai Cập, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Mexico, Argentina, Hàn Quốc và Ukraine. Ông Trump cũng đã nói chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Vua Saudi Arabia Salman bin Abdelaziz Al-Saud. Ngày 14.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc điện đàm chúc mừng ông Trump đắc cử trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Tại sao lại phải nhắc lại những cái tên trên, vốn chỉ là những cuộc điện đàm chúc mừng theo nguyên tắc ngoại giao? Khi làm tổng thống Mỹ, ông Trump và đội ngũ của ông gần như “bất tuân quy tắc truyền thống”, không thảo luận thứ tự, nội dung và thời gian để tiếp điện đàm của các nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Và Trump đã nhận điện đàm của Việt Nam, đất nước châu Á nhỏ bé hơn rất nhiều so với những quốc gia ông Trump đã nhận điện như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Chỉ xin nhắc đến đây, câu trả lời cho câu hỏi vì sao, xin nhường cho quý độc giả.

Năm 2016, thế giới chấn động vì nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), nước Mỹ có tân tổng thống khó đoán Donald Trump. Và cả hai việc này phần nào chứng minh chuyện các nước lớn đang dần quay về với chủ nghĩa dân tộc, bảo vệ lợi ích của quốc gia trước tiên.

Với Việt Nam, chúng ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương cũng như đa phương, vấn đề quan trọng hiện nay là phát huy nội lực để biến các cơ hội ấy thành hiệu quả trong thực tiễn. Đó là bản lĩnh Việt Nam.


Quỳnh Nga
Theo Báo Đất Việt

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục