Tin Biển Đông

 
 
 

Malaysia-Singapore tranh chấp đảo, Biển Đông thêm nóng...

  • Cập nhật : 14/02/2017

Việc Malaysia khơi lại tranh chấp đảo với Singapore trên Biển Đông có thể khiến tình hình khu vực biển này thêm phức tạp.

Vào đầu tháng 2, Malaysia đã nộp đơn yêu cầu Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) xem xét lại phán quyết về chủ quyền của đảo Pedra Branca - theo cách gọi của Singapore hoặc Pulau Batu Puteh - theo cách gọi của Malaysia. Trong phán quyết năm 2008, ICJ tuyên bố đảo Pedra Branca thuộc về Singapore.

Song, các luật sư Malaysia đã trích dẫn 3 tài liệu mới có liên quan đến Pulau Batu Puteh/Pedra Branca, mà theo ý kiến ​​của họ làm thay đổi tình hình và yêu cầu Tòa án Công lý quốc tế xem xét lại phán quyết trước đây của mình.

Vì sao vấn đề này đột nhiên lại nổi lên trên chính trường thế giới hiện nay? Vì sao trong bối cảnh phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế trôi qua đã gần 10 năm, Malaysia lại khơi lên điều này? Thực sự Kuala Lumpur muốn đạt được điều gì?

Trong bình luận dành riêng ​​cho Sputnik, chuyên viên Anton Tsvetov từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của Nga cho biết, Pulau Batu Puteh/Pedra Branca là một hòn đảo nhỏ nằm trong vùng Biển Đông. Đảo này cách Singapore 25 hải lý và cách Johor của Malaysia chỉ có 7,7 hải lý.

Từ trước đến nay, trên đảo đã có một ngọn hải đăng do người Singapore điều khiển, tuy nhiên, Malaysia không coi điều đó là cơ sở để công nhận chủ quyền của Singapore với đảo này.Năm 2003, hai bên đã đưa vụ tranh chấp xung quanh Pulau Batu Puteh/Pedra Branca lên Tòa án Công lý Quốc tế và đến năm 2008, Toà án đã đưa ra phán quyết đảo này thuộc chủ quyền của Singapore.

malaysia-singapore tranh chap dao, bien dong them nong...thu truong ngoai giao malaysia reezal merican tuyen bo, nuoc nay se kien quyet doi chu quyen pulau batu puteh/pedra branca, nhung co gang khong lam phuong hai den quan he voi singapore

Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Reezal Merican tuyên bố, nước này sẽ kiên quyết đòi chủ quyền Pulau Batu Puteh/Pedra Branca, nhưng cố gắng không làm phương hại đến quan hệ với Singapore

Theo quy định của ICJ, các bên có thể yêu cầu xem xét lại phán quyết trong thời hạn mười năm kể từ ngày công bố phán quyết. Tuy nhiên, hồ sơ yêu cầu xem xét lại phán quyết phải được nộp trong vòng 6 tháng kể từ khi phát hiện các tài liệu mới hoặc bằng chứng mới.

Theo tờ The Star cho biết rằng, trước khi đưa nhau ra nhờ cậy đến phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế, Malaysia và Singapore cùng tuyên bố quyền sở hữu ba đảo trong khu vực Biển Đông là Pulau Batu Puteh/Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge/Karang Selatan.

Vào ngày 23 tháng 5 năm 2008, ICJ phán quyết rằng Singapore có chủ quyền trên đảo Pulau Batu Puteh/Pedra Branca, trong khi Malaysia sở hữu Middle Rocks, còn vấn đề chủ quyền của South Ledge vẫn chưa ngã ngũ.

Trong những năm vừa qua, cách giải quyết cuộc tranh chấp xung quanh Pulau Batu Puteh/Pedra Branca đã được coi như một phương án lý tưởng để giải quyết hòa bình các cuộc xung đột trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ Malaysia - Singapore không hề đơn giản. Tuy nhiên, hiện nay đã thấy được rõ là câu chuyện không kết thúc với phán quyết đó.

Mới đây, các luật sư Malaysia đã trích dẫn 3 tài liệu mới được Vương quốc Anh mới giải mật trong thời gian gần đây, mà theo ý kiến ​​của họ là trái với phán quyết của tòa án. Trong số các bằng chứng mới có hai báo cáo và một bản đồ, trong đó chỉ ra quyền sở hữu của Malaysia đối với Pulau Batu Puteh/Pedra Branca.

Tất nhiên, việc phát hiện các tài liệu mới không có nghĩa là phán quyết sẽ được xem xét lại có lợi cho Malaysia. Từ xưa đến nay, trên thế giới đã ghi nhận rất ít trường hợp Tòa án quốc tế của Liên Hiệp Quốc xem xét lại phán quyết của mình và vẫn chưa rõ liệu ICJ có xem xét lại vấn đề này hay không.

Tuy nhiên, có thể nói chắc chắn rằng, Singapore không thể hài lòng với thông tin này. Đối với quốc đảo này, hướng tiếp cận phía Đông (vào sâu trong vùng Biển Đông) là một khu vực chiến lược quan trọng, do đó, Singapore chắc chắn sẽ không hề nhân nhượng.

Các chuyên gia nhận định rằng, diễn biến mới này sẽ khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng, phiên tòa xét xử mới về cuộc tranh chấp đảo sẽ không góp phần củng cố sự ổn định và sự thống nhất trong ASEAN, mà ngược lại, nó sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh chung ở Biển Đông.

Một số ấn phẩm, bao gồm cả tờ South China Morning Post, nói lên ý kiến rằng, việc Kuala Lumpur khơi lại tranh chấp đảo trong thời điểm này, ngoài ý nghĩa chủ quyền ra, còn có liên quan đến diễn biến tình hình chính trị nội bộ đang phức tạp của đất nước này.Trước tháng 8 năm 2018, Malaysia sẽ tiến hành cuộc bầu cử cấp bang nhưng hiện uy tín của Thủ tướng Malaysia Najib Razak và đảng cầm quyền đang suy giảm vì những vụ bê bối tham nhũng.

hon dao pulau batu puteh/pedra branca - tam diem tranh chap giua malaysia va singapore

Hòn đảo Pulau Batu Puteh/Pedra Branca - tâm điểm tranh chấp giữa Malaysia và Singapore

Rất có thể những bằng chứng Malaysia có trong tay là chính xác nhưng việc họ tung nó ra trong bối cảnh này cho thấy, giới chức lãnh đạo Malaysia coi tranh chấp Pedra Branca là một phương án tốt để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những vấn đề nội bộ và tập trung vào vấn đề đối ngoại.

Ngoài ra, hòn đảo Pulau Batu Puteh/Pedra Branca nằm bên cạnh bang Johor, mà hoàng tử kế vị Ibrahim Ismail có ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, hoàng tử Johor đã thu hút sự chú ý bởi vì ông có thái độ ôn hòa đối với những biểu hiện của tâm trạng dân tộc cực đoan đang được thổi phồng trong xã hội Malaysia.

Một số nhà quan sát thậm chí nói lên quan điểm rằng, có lẽ xã hội Malaysia mệt mỏi vì những vụ bê bối trong giới thượng lưu Kuala Lumpur sẽ hướng tới các hoàng tử, những người “bị tước chính quyền” dưới thời cựu thủ tướng Mahathir, nên rất có thể việc khơi lại tranh chấp Pulau Batu Puteh/Pedra Branca là một động thái trong chính sách đối nội của Malaysia.


Huy Bình
Theo Báo Đất Việt

 

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục