Tin Biển Đông

 
 
 

Chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, Mỹ bắt đầu 'chơi rắn'

  • Cập nhật : 01/06/2018

Mỹ gần đây có nhiều hành động ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông, kể về mặt chính sách cũng như về triển khai các hành động quân sự trên Biển Đông. Mỹ không chấp nhận Trung Quốc kiểm soát Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: Pinterest.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: Pinterest.

Trong thời gian gần đây, phía Mỹ đã liên tiếp lên án và cảnh cáo các hành động “quân sự hóa” của Trung Quốc ở Biển Đông, thể hiện lập trường và hành động cứng rắn. Điều này dường như báo hiệu Mỹ đang chuyển sang tăng cường đối phó Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Ngày 3/5/2018, Nhà Trắng Mỹ cho hay Mỹ biết rất rõ các hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông (triển khai bất hợp pháp hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 và hệ thống tên lửa chống hạm YJ-12 ở đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đồng thời cảnh báo rằng các hành động quân sự hóa mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ gây ra những hậu quả cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Đối với việc Trung Quốc tiến hành cất, hạ cánh phi pháp các máy bay ném bom (gồm H-6K) gần đây trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ra tuyên bố cho rằng Trung Quốc tiếp tục tiến hành quân sự hóa các đảo, đá ngầm tranh chấp ở Biển Đông sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng và phá hoại sự ổn định khu vực. 
Đồng thời, ngày 23/5, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố hủy bỏ lời mời quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận liên hợp Vành đai Thái Bình Dương 2018, lý do là Trung Quốc tiếp tục có các hành động quân sự hóa ở Biển Đông, không thống nhất với nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương. 

Chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, Mỹ bắt đầu

Lễ nhậm chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Đô đốc Philip Davidson. Ảnh: VOA. 

Lầu Năm Góc coi đây là phản ứng ban đầu, điều này ám chỉ chính quyền Donald Trump có thể sẽ có các biện pháp tiếp theo đối với Bắc Kinh. Lầu Năm Góc còn kêu gọi Trung Quốc “lập tức tháo dỡ các hệ thống quân sự và đảo ngược tiến trình quân sự hóa các cấu trúc có tranh chấp trên Biển Đông”.
Mỹ thực sự lo ngại các hành động quân sự hóa này của Trung Quốc sẽ thách thức sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực Biển Đông cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ lo ngại các hệ thống quân sự do Trung Quốc bố trí ở Biển Đông có thể làm cho các hệ thống vũ khí và biện pháp tấn công của Mỹ không thể phát huy khả năng răn đe.
Ngày 20/4, Đô đốc Philip Davidson, người được lựa chọn làm Tân Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, quân đội Mỹ (đã tiếp nhận chức vụ này vào ngày 30/5, trong ngày bộ tư lệnh này cũng được đổi tên là Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương) đã bày tỏ lo ngại đặc biệt đối với vấn đề này, cho rằng quân đội Trung Quốc đã có năng lực kiểm soát hoàn toàn Biển Đông, các nước khác ở Biển Đông không thể tranh chấp với Trung Quốc. Bước đi tiếp theo của Trung Quốc là mở rộng vai trò ảnh hưởng đến châu Đại Dương. 
Đô đốc Philip Davidson còn cho rằng trừ phi Mỹ sử dụng vũ lực với Trung Quốc, nếu không “Trung Quốc chắc chắn có khả năng kiểm soát Biển Đông”.
Quan điểm này trùng hợp với quan điểm của Thượng nghị sĩ Australia Jim Molan, cho rằng Mỹ đã “thua” trong cuộc chiến tranh giành kiểm soát Biển Đông, không có gì có thể “đuổi” quân đội Trung Quốc ra khỏi các hòn đảo đã bị họ quân sự hóa, trừ phi tiến hành chiến tranh toàn diện. 

Chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, Mỹ bắt đầu

Trung Quốc không ngừng tiến hành quân sự hóa Biển Đông. Ảnh: Ifeng. 

Không chỉ bày to lo ngại, lên án các hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, Quân đội Mỹ còn tăng cường triển khai các hành động đáp trả. Vừa qua, không quân, hải quân Mỹ đã tăng cường điều động máy bay, tàu chiến đến triển khai các hành động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Chẳng hạn, các ngày 22/4 và 22/5, tức chỉ trong vòng 1 tháng, Mỹ có hai lần điều máy bay ném bom chiến lược B-52H đến Biển Đông, mỗi lần hai chiếc, qua đó khẳng định sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực. Máy bay Mỹ đã bay gần đến duyên hải Trung Quốc, nhưng vẫn ở vùng trời quốc tế.
Ngày 27/5, hải quân Mỹ tiếp tục điều 2 tàu chiến gồm tàu khu trục USS Higgins, tàu tuần dương USS Antietam đi vào 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp). Mỹ thông qua hành động này để thách thức yêu sách “quá mức” của Trung Quốc.
Điều đáng chú ý là, ngày 29/5, tại Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh, nhà cầm quyền Bắc Kinh hoàn toàn không tuân thủ cam kết phi quân sự hóa quần đảo Trường Sa. 
Ông cho hay: “Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành nhiệm vụ đi lại tự do ở Biển Đông”, duy trì hành động hải quân. Ông James Mattis còn cho rằng hiện nay “hầu như chỉ có một nước (Trung Quốc) đang chống lại hoạt động của tàu chiến Mỹ”.

Chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, Mỹ bắt đầu

Hai máy bay ném bom B-52H trên Biển Đông trong tháng 4/2018. Ảnh: Sina.

Ông James Mattis tiếp tục nhấn mạnh: “Đây là vùng biển quốc tế, có rất nhiều quốc gia mong muốn tự do hàng hải, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”. 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn cho biết: “Chúng tôi sẽ hợp tác với các nước Thái Bình Dương, đây là phương thức làm việc của chúng tôi trên thế giới, chúng tôi sẽ chống lại các hành động mà chúng tôi cho rằng vi phạm luật pháp quốc tế”.
Đối với phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông như trên, ngày 30/5, cơ quan ngoại giao Đài Loan ra tuyên bố bày tỏ “hoan nghênh”. Đồng thời, Đài Loan lên án Trung Quốc đang tiếp tục có các hành động diễu võ dương oai ở Biển Đông, “phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”, gây lo ngại cho các nước láng giềng, làm gia tăng tình hình căng thẳng khu vực. 
Đài Loan còn kêu gọi cộng đồng quốc tế nhìn thẳng vào “một loạt hành động ngang ngược” gần đây của Trung Quốc, nhất là ngăn chặn “quan hệ quốc tế” của Đài Loan.
Một động thái mới đáng chú ý là để bảo vệ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tổ chức ở Singapore vào ngày 12/6, quân đội Mỹ sẽ điều động tàu sân bay USS Ronald Reagan đến tham gia cuộc tập trận ở vùng biển Tây Thái Bình Dương. Cùng với việc cụm chiến đấu tàu sân bay này di chuyển về phía nam, e rằng trong thời gian tới, “đối đầu” giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông sẽ tiếp tục tăng lên.
Ngoài ra, có một điểm gây chú ý cho dư luận là, ngày 28/5, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano đã cảnh báo về khả năng tiến hành chiến tranh với Trung Quốc: “Nếu có bất cứ ai khai thác tài nguyên thiên nhiên ở biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông), ông ấy (Tổng thống Rodrigo Duterte) sẽ tuyên bố chiến tranh”.

Chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, Mỹ bắt đầu

 Đoàn đại biểu cấp cao Philippines thăm Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ từ ngày 17 - 21/5/2018. Ảnh: VOA.

Đây là một động thái thể hiện thái độ cứng rắn hiếm có của chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trước Trung Quốc. Có chuyên gia cho rằng nguyên nhân là chính quyền Rodrigo Duterte đang chịu áp lực từ phe cứng rắn trong nước.
Nhưng đáng chú ý, tuyên bố cứng rắn này của Philippines được đưa ra ngay sau khi Philippines có một phái đoàn quan chức cấp cao gồm có cả Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng đến thăm trụ sở Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ ở Hawaii từ ngày 17 - 21/5/2018. Trước đó, Philippines và Mỹ cũng đã tiến hành một cuộc tập trận có quy mô từ ngày 7 - 18/5/2018. Đến nay, Philippines vẫn giữ quan hệ đồng minh với Mỹ.
Từ các động thái gần đây của Mỹ, các nhà phân tích cho rằng, hiện nay, Mỹ đang đi con đường cứng rắn trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia liên hệ tình hình Biển Đông nóng lên trong thời điểm này là có liên quan đến Đối thoại Shangri-La sắp được tổ chức tại Singapore. Mỹ thường xuyên tận dụng diễn đàn này để nhấn mạnh đến “mối đe dọa” đang không ngừng gia tăng từ Trung Quốc.
 

Phong Vân
Theo Viettimes.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục