Nếu Hải quân Ấn Độ quyết định đặt đóng lớp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 thì khả năng họ sẽ được Nga ưu tiên hoàn thành đơn hàng trước.
‘Nhện độc’ Karakurt hiện diện trong biên chế Hải quân Việt Nam?
- Cập nhật : 02/08/2018
Tàu hộ tống mang tên lửa Kalibr lớp Karakurt (Project 22800) của Nga với biệt danh là “Nhện độc”, có thể sẽ hiện diện trong biên chế hải quân Việt Nam.
Nga dạm bán cho Việt Nam loại tàu trang bị đại trà cho Hải quân Nga
Vừa qua, Phó Thủ tướng Thứ nhất kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Yuri Borisov đã tuyên bố rằng, nước này sẽ đề nghị xuất khẩu tàu hộ tống tên lửa đa năng dự án 22800 (Project 22800), lớp Karakurt, trang bị tên lửa hành trình Kalibr, cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Theo ông Borisov, việc triển khai dự án đóng những con tàu này là rất thành công. Các tàu Project 22800 có trọng tải lớn, trang bị vũ khí rất mạnh, đặc biệt là tên lửa hành trình chống hạm/đối đất nổi tiếng Kalibr-NK (phiên bản lắp đặt trên tàu nổi).
Ông Borisov bày tỏ sự tin tưởng rằng, loại tàu này có tiềm năng xuất khẩu tốt đối với một số nước, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác.
Những lợi thế của tàu pháo - tên lửa đa năng dự án 22800 bao gồm: Nhỏ, gọn, khả năng cơ động cao, khả năng đi biển được gia tăng so với các tàu hộ tống khác, cấu trúc tượng tầng và thân tàu được thiết kế góc cạnh, giảm tiết diện phản xa radar, giúp chúng có khả năng “tàng hình”.
Quan trọng nhất là các tàu hộ tống này có giá hợp lý, phù hợp với chiến lược quân sự thiên về phòng thủ ven bờ và ngân sách quốc phòng không mấy dồi dào của Việt Nam.
Theo vị Phó Thủ tướng Nga, các tàu lớp này cũng đang được đóng hàng loạt để trang bị cho tất cả các hạm đội Nga, chúng sẽ hiện diện trên tất cả các vùng biển như: Biển Baltic, Biển Bắc, Biển Caspian, Biển Đen, giúp gia tăng khả năng tuần tiễu, tấn công nhanh của các Hạm đội Nga.Trước đây, theo Tư lệnh Hải quân Nga là Đô đốc Viktor Chirkov, lực lượng hải quân nước này sẽ đặt mua ít nhất 18 tàu lớp này, để phân bổ đều cho 4 hạm đội Biển Đen, Caspian, phương Bắc và Thái Bình Dương, mỗi hạm đội sẽ được biên chế từ 4-6 tàu.
Với việc được thiết kế có kích thước nhỏ, dễ đóng, thiết kế hợp lý, các tàu hộ tống thuộc đề án 22800 (Project 22800), lớp Karakurt có thể được chế tạo được tại nhiều xưởng đóng tàu nhỏ của Nga, giúp tiết kiệm ngân sách quốc phòng một cách đáng kể.
Hiện có 5 tàu đã được đặt đóng được đóng tại Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên Gorky (thuộc Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga). Ngoài ra, Bộ quốc phòng Nga còn đặt đóng thêm 7 chiếc tàu thuộc lớp này, tại các xí nghiệp đóng tàu St. Petersburg (tỉnh Leningrad) và bán đảo Crimea.
Sức mạnh tấn công ghê gớm của “nhện độc” 800 tấn
Chiến hạm Project 22800 được đặt cho một cái tên rất hay là Karakurt (tên một loại nhện độc mà vết cắn có thể gây tử vong cho người và động vật). Điều này xuất phát từ những vũ khí hết sức nguy hiểm mà nó mang theo, có thể tiêu diệt các loại tàu mặt nước lớn hơn nó nhiều lần.
Là loại tàu tên lửa nên Karakurt có kích thước khá khiêm tốn, chiều dài 60m, chiều rộng 10m, mớn nước 4m, lượng giãn nước 800 tấn, tốc độ tối đa 30 hải lý (khoảng 55 km/h). Tàu có phạm vi tác chiến từ 2.500-3.000 hải lý (4655km-5586km), thời gian hành trình trên biển khoảng 15 ngày.
Kết cấu hình học và việc sử dụng các vật liệu hấp thụ radar tiến tiến làm cho Karakurt trở nên hầu như “vô hình” trước các loại radar đối hải của đối phương. Trong khi đó, con tàu Nga lại được trang bị radar hiện đại và những thiết bị điều hướng tiên tiến nhất.
Mặc dù chỉ có lượng giãn nước 800 tấn nhưng "Nhện độc" của Nga được vũ trang rất mạnh.Vũ khí tấn công cơ bản của con tàu là tên lửa hành trình Kalibr, với phiên bản chống hạm 3M-54T có tầm phóng 660km, còn phiên bản tấn công mặt đất 3M-14T có phạm vi tấn công xa tới 2.500km. Dòng tên lửa này đã gây tiếng vang rất lớn trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.
Việt Nam có thể mua tàu hộ tống Project 22800, lớp Karakurt để tăng cường sức mạnh cho bộ đôi Gepard 3.9 và Molniya
Ngoài ra, tàu cũng có thể được lắp đặt dòng tên lửa hành trình đa năng nổi tiếng khác của Nga là P-800 Onyx (phiên bản xuất khẩu là P-800 Yakhont), có tính năng tương đương Kalibr.
Điểm nhấn nổi bật về vũ khí phòng không của tàu tên lửa Karakurt là tổ hợp tên lửa và pháo phòng không Pantsir-M (biến thể của tên lửa-pháo mặt đất Pantsir-S), được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu trên không ở khoảng cách từ vài chục mét cho tới 20km.
Với hỏa lực như vậy, các tàu tên lửa lớp Karakurt có sức mạnh vượt trội tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 mà Việt Nam đã mua của Nga, về cả khả năng chống hạm và tấn công mặt đất. Hơn nữa, chúng cũng có phạm vi hoạt động khá xa, lên tới tầm 5500km.
Với kích thước chỉ nhỉnh hơn một tàu tên lửa cỡ nhỏ, nhưng lại có hỏa lực mạnh hơn một tàu hộ vệ hạng trung, Việt Nam hoàn toàn có thể cân nhắc mua thêm các tàu tên lửa lớp Karakurt để bổ sung cho các tàu hộ vệ Gepard 3.9 và tàu tên lửa Molniya, mà không phải chi thêm nhiều ngân sách quốc phòng.
Thêm nữa, Việt Nam có thể đề nghị với Nga chuyển giao công nghệ chế tạo lớp tàu tiên tiến này, giúp ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam tiến lên một tầm cao mới, có quyền mơ đến việc đóng những con tàu lớn hơn, hiện đại hơn.
Nhật Nam
Theo Baodatviet.vn