Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tờ Thời báo Tài chính Anh ngày 19/9 đăng bài viết của tác giả Đặng Duật Văn, một học giả người Trung Quốc bàn về những ảnh hưởng từ việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân đối với Trung Quốc từ nhiều khía cạnh.
Bài viết cho rằng nội bộ Trung Quốc có rất nhiều người cho rằng Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân là do Mỹ ép. Vì vậy, Trung Quốc không muốn cầm “củ khoai bỏng tay” này, mà để cho người Mỹ nhận lấy.Thậm chí có người cho rằng Trung Quốc ngầm giúp Triều Tiên một tay, Triều Tiên có các động thái về vũ khí hạt nhân càng lớn thì Mỹ sẽ càng khó xử, đánh cũng không được, mà không đánh cũng không xong. Điều này khiến cho Mỹ không có khả năng đối phó Trung Quốc.
Theo quan điểm này, dù sao vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cũng không nhằm vào Trung Quốc, chỉ cần Triều Tiên không trở thành kẻ thù của Trung Quốc, cho dù quan hệ Trung - Triều có xấu đi thì Triều Tiên cũng sẽ không sử dụng bom nguyên tử để đối phó Trung Quốc.
Quan điểm này không những mơ hồ mà còn nguy hiểm. Bởi vì, họ không nhìn thấy những rủi ro có thể xảy ra với Trung Quốc. Triều Tiên cách Mỹ rất xa, mối đe dọa gây ra cho Mỹ rất nhỏ. Nếu Mỹ thực sự không muốn dính dáng vào vấn đề phức tạp Triều Tiên, tuyên bố xem xét thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, thì Triều Tiên lập tức sẽ đi theo sau Mỹ.
Thực ra, Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân chẳng qua là để đổi lấy sự thừa nhận ngoại giao của Mỹ, ký kết hiệp định hòa bình. Bảo vệ bản thân cũng là một mục đích của họ. Nhưng Việt Nam cũng từng đánh Mỹ và gây nhiều thương vong và tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của người Mỹ, song Việt Nam lại không phát triển vũ khí hạt nhân để chống Mỹ, báo Anh nhận xét. Cu Ba ngay sát nách Mỹ, đã đối đầu với Mỹ vài chục năm, sức mạnh quân sự cũng yếu hơn nhiều Triều Tiên. Nhưng Cu Ba không tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân để chống Mỹ. Vì vậy, nói Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân với lý do đơn thuần là do Mỹ ép thì rõ ràng không phải là sự thực.
Nếu Triều Tiên không từ bỏ vũ khí hạt nhân, Mỹ đương nhiên sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với họ. Nhìn từ góc độ này, Triều Tiên còn muốn tiếp tục thử vũ khí hạt nhân và tên lửa. Trong quá trình này, sẽ gây ra những rủi ro như thế nào và lớn ra sao đối với Trung Quốc - đây là điều cần xem xét một cách nghiêm túc.
Theo tác giả bài báo, dựa vào thực tế và những rủi ro tiềm tàng, cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên sẽ gây ra một số rủi ro lớn cho Trung Quốc như sau:
Trước hết, làm xấu đi môi trường địa - chiến lược của Trung Quốc, biến bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á thành “thùng thuốc súng” của Trung Quốc.
Do Triều Tiên không ngừng phát triển vũ khí hạt nhân và khả năng tấn công tầm xa, Hàn Quốc phải triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD), dẫn đến quan hệ Trung - Hàn bị chuyển ngoặt nhanh chóng. Hiện nay, Hàn Quốc và Mỹ lại đang thảo luận vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc.
Nếu hai nước này quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật thì Trung Quốc cũng chỉ có thể chấp nhận nó. Vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng đang kích thích Nhật Bản đẩy nhanh trở thành “quốc gia bình thường”, Nhật Bản triển khai THAAD sẽ là lẽ đương nhiên. Ngoài ra, đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn cũng sẽ được tăng cường để ứng phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Điều này không những dẫn tới sự thiếu hụt lòng tin chính trị giữa 3 nước Đông Bắc Á, mà còn làm cho Trung Quốc buộc phải sử dụng nhiều nguồn lực và sức mạnh quân sự hơn để đề phòng mối đe dọa từ đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn.
Đặc biệt là nếu bán đảo Triều Tiên xảy ra chiến tranh thì Trung Quốc rất có khả năng sẽ bị cuốn vào cuộc chiến tranh này. Cho dù không bị cuốn vào, để ngăn chặn thảm họa nhân đạo gây ra bởi chiến tranh thì Trung Quốc cũng phải trả giá nhiều hơn.
Thứ hai, làm cho các khu vực Đông Bắc, Hà Bắc, Sơn Đông của Trung Quốc bị đe dọa bởi rò rỉ hạt nhân và phóng xạ hạt nhân của Triều Tiên, đặc biệt là gây ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực Đông Bắc Trung Quốc.
Mặc dù đến nay chưa đo được có phóng xạ hạt nhân hay không ở các khu vực như Đông Bắc Trung Quốc từ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, nhưng do khả năng và trình độ công nghệ hạt nhân của Triều Tiên không cao, một khi xảy ra các sự cố như rò rỉ hạt nhân trong quá trình thử nghiệm và dự trữ, với cơ sở thử hạt nhân của Triều Tiên cách biên giới Trung Quốc quá gần, các khu vực như Đông Bắc sẽ bị ô nhiễm hạt nhân trên diện tích lớn.
Vì vậy, không thể lấy hiện tại không xảy ra sự cố để biện hộ cho việc Triều Tiên phát triển hạt nhân. Khi không may xảy ra sự cố thì lúc đó đã muộn. Cho dù sẽ không xảy các sự cố như rò rỉ hạt nhân, nhưng do lo ngại nó xảy ra, cộng với lo sợ chiến tranh, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực Đông Bắc Trung Quốc.
Không ai muốn sống trong mối đe dọa của ô nhiễm hạt nhân và chiến tranh. Vì vậy, người dân sẽ di dời đi chỗ khác rất nhiều, cho dù khu vực Đông Bắc có được quy hoạch thì cũng không có ai đến đầu tư. Thứ ba, người dân bị phân hóa và xã hội bị chia rẽ vì Triều Tiên. Ngoài Mỹ, thế giới này cơ bản không có nước nào có thể gây lo ngại mạnh mẽ cho người Trung Quốc như Triều Tiên, đồng thời người Trung Quốc có thể bị phân hóa, chia rẽ do tồn tại các quan điểm đối lập nhau.
Triều Tiên là láng giềng của Trung Quốc, cũng là quốc gia xã hội chủ nghĩa, có quan hệ mật thiết với Trung Quốc trong lịch sử, có tình hữu nghị “đồng minh”, do đó người Trung Quốc quan tâm đến Triều Tiên một cách tự nhiên.
Nhưng Triều Tiên cũng thường làm cho những người có quan điểm và lập trường khác nhau có những tranh cãi lớn, thậm chí trong các bạn bè cùng học cũng có nhiều người đã chấm dứt tình bạn vì vấn đề Triều Tiên.
Những người theo chủ nghĩa tự do của Trung Quốc phần lớn phản đối Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi đó những người theo chủ nghĩa dân tộc lại đồng tình thậm chí ủng hộ Triều Tiên. Điều này gây ra chia rẽ về quan điểm trong xã hội, bất lợi cho Trung Quốc.
Thứ tư, không loại trừ Triều Tiên sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để “đe dọa” Trung Quốc trong tương lai. Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân mặc dù hiện nay không nhằm vào Trung Quốc, nhưng không loại trừ sử dụng loại vũ khí này đe dọa Trung Quốc vào một lúc nào đó trong tương lai. Khả năng này là tồn tại.
Người ta thường nói, không có bạn bè và kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn. Bất kể câu nói này có đúng hay không thì Trung Quốc cũng phải “giữ cảnh giác” với Triều Tiên. Một khi tình hình thay đổi, quan hệ hai nước xấu đi, thì khó có thể bảo đảm rằng vũ khí hạt nhân không được sử dụng để “đe dọa” nhau.
Thứ năm có thể làm cho trật tự Yalta sụp đổ hoàn toàn, không có lợi cho Trung Quốc. Mặc dù sau khi Liên Xô giải thể, trật tự Yalta đã sụp đổ ở châu Âu, nhưng ở Đông Á vẫn còn tồn tại, sự chia cắt của bán đảo Triều Tiên vốn là vấn đề nảy sinh từ trật tự Yalta.
Ngoài ra, nhìn vào việc sắp xếp trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một số nhân tố của trật tự Yalta còn tồn tại, chẳng hạn như Liên hợp quốc. Nhưng Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng làm thay đổi cục diện “Chiến tranh Lạnh” dài hơn nửa thế kỷ sau khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, làm cho bán đảo Triều Tiên bất ổn thậm chí rủi ro xảy ra chiến tranh tăng mạnh.Nếu Triều Tiên kích thích Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân, Nhật Bản cũng lấy lý do này để thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ, trở thành quốc gia bình thường thì cục diện Đông Á sẽ hoàn toàn thay đổi.
Nếu xuất hiện tình hình nói trên thì một mặt cho thấy Liên hợp quốc bất lực trong việc ngăn chặn phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên và tái quân sự hóa ở Nhật Bản, quyền lực của Liên hợp quốc với tư cách là một thành phần chính của trật tự Yalta đã không còn gì nữa.
Mặt khác, điều đó cho thấy Mỹ lực bất tòng tâm trong việc duy trì trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, từ đó thế giới này có thể trở nên bất ổn hơn. Tất cả những điều này cuối cùng sẽ gây tác dụng ngược đối với Trung Quốc, làm cho môi trường của Trung Quốc xấu đi, ảnh hưởng đến phát triển hòa bình của Trung Quốc.
40 năm qua, sự phát triển của Trung Quốc được lợi từ hòa bình của môi trường bên ngoài, bản thân Trung Quốc cũng thừa nhận là người được lợi lớn nhất từ hệ thống thế giới hiện nay.
Trong khi đó, trật tự thế giới hiện nay được tạo ra bởi trật tự Yalta, cho dù nó không hoàn thiện, cần phải điều chỉnh, nhưng điều chỉnh không phải là “phá đi làm lại”.
Mặc dù sức mạnh quốc gia của Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong vài chục năm qua, nhưng vẫn chưa có khả năng đóng vai trò chủ đạo trật tự thế giới, trật tự Yalta nếu bị sụp đổ bởi Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân thì Trung Quốc là nước bị tổn thất lớn nhất.(Viettimes)
------------------------------