Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý chiều 21-09-2017

  • Cập nhật : 21/09/2017

Chuyên gia Mỹ kinh ngạc vì đạn UAV mới của Nga

Chuyên gia quân sự của của tờ The National Interest ngạc nhiên vì tốc độ phát triển công nghệ máy bay không người lái của Nga.

Tờ báo này cho biết rằng, Nga đã tạo ra loại đầu đạn mới dành cho các thiết bị bay không người lái (UAV).Nhà bình luận quân sự Samuel Bendett thấy bất ngờ và tự hỏi, làm thế nào Nga có thể nhanh chóng tạo ra được loại vũ khí có độ chính xác cao dành cho UAV như vậy.

dau dan moi cua nga se la buoc nhay vot trong linh vuc uav (hinh anh: wikipedia.org/mil.ru)

Đầu đạn mới của Nga sẽ là bước nhảy vọt trong lĩnh vực UAV (Hình ảnh: wikipedia.org/Mil.ru)

“Vũ khí dành cho UAV hiện đang được nhiều nước trên thế giới phát triển. Chúng có khối lượng kích thước khác nhau, bao gồm các loại 15 kg, 25 kg, 50 kg và 100 kg với khả nặng tự dẫn đường hoặc được điều khiển và có thể tấn công mục tiêu  ở khoảng cách từ 13 km đến 20 km (chế độ lập trình) và đến 100 km (trong chế độ sử dụng động cơ đẩy)”, Bendett cho biết.

Ông cho biết rằng, Mỹ phát triển trước Nga nhưng thành công mà họ đạt được khá khiêm tốn.

Việc Nga sản xuất các đầu đạn siêu chính xác dành cho các UAV là một kỳ tích đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga hiện nay. Tuy nhiên các tính năng cụ thể chưa được tiết lộ.

Theo ông, với loại đầu đạn này khả năng tấn công của các UAV Nga sẽ được tăng cường đáng kể. Đây là sản phẩm triển vọng của Cục thiết kế “Tự động hàng không”.

Trước đó khả năng chiến đấu, tấn công các mục tiêu của UAV Nga được đánh giá kém hơn Mỹ rất nhiều.

Ông Bendett nhấn mạnh rằng, quân đội Mỹ không nên coi nhẹ thành công này của Nga, thay vào đó họ nên tìm biện pháp nhằm chống lại chúng.

Trong trường hợp Nga sản xuất hàng loạt các loại đạn giống như “Orion- E” hoặc T-16 sẽ đe dọa trực tiếp đến quân đội Mỹ.

Ông cũng lưu ý rằng, với tốc độ phát triển như hiện nay và những tiền đề của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, sự xuất hiện của loại vũ khí mới này chỉ là vấn đề thời gian.

Trước đó chuyên gia quân sự Dave Majumdar của tờ báo này cũng đã đưa ra những đánh giá về sự phát triển UAV của Nga. Ông khẳng định rằng, Nga đã tụt lại phía sau phương Tây trong công nghệ phát triển UAV nhưng hiện nay họ đang nhanh chóng rút ngắn khoảng cách này và thậm chí vượt lên nhờ kết quả thực nghiệm ở Syria.

Thậm chí chuyên gia này còn tin rằng, trong một vài lĩnh vực Nga đã vượt qua Mỹ. Và việc Nga phát triển thành công loại đầu đạn mới này sẽ trở thành mối đe dọa thực sự đối với Mỹ. Ông cũng không quên nhắc lại rằng, các UAV của Nga đã thực hiện hơn 14 nghìn chuyến bay tại Syria và họ có rất nhiều kinh nghiệm chiến đấu thực tế.

Đồng quan điểm với ông Dave Majumdar, ông Bendett cũng thừa nhận rằng, nhờ chiến dịch ở Syria các UAV của Nga đã hoàn thiện các khả năng chiến đấu của các UAV. Chúng đã đóng góp không nhỏ trong việc giám sát, trinh sát và tấn công vào vị trí khủng bố IS.

Ngoài ra, song song với công việc tạo ra loại vũ khí mới dành cho UAV, Nga cũng đã phát triển thành công loại súng điện tử mới có thể tiêu diệt được UAV của đối phương. Thông tin này đã được ông Konstantin Abashkin, phó giám đốc công ty Zala Aero Group, công ty con của tập đoàn Kalashnikov xác nhận.

Rõ ràng với những thành công đã đạt được, công nghệ chế tạo UAV và khả năng chiến đấu của các UAV đã ngang hàng, thậm chí vượt qua Mỹ, chuyên gia này kết luận.(Baodatviet)
---------------------------

Bầu cử Đức sẽ quyết định tương lai châu Âu như thế nào?

Bà Angela Merkel có thể sẽ tái đắc cử chức Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc tổng bầu cử diễn ra ở nước này vào ngày Chủ nhật tới. Theo đánh giá của hãng tin CNBC, một kết quả như vậy đồng nghĩa với việc Liên minh châu Âu (EU) sẽ trở thành một khối gắn kết hơn nữa về kinh tế và chính trị.

 

thu tuong duc angela merkel.

Thủ tướng Đức Angela Merkel.

 

Nếu các cuộc thăm dò dư luận là đáng tin cậy, chiến thắng thuộc về bà Merkel - một người thân EU - là điều chắc chắn, bởi liên minh bảo thủ của bà đang dẫn đầu trong các cuộc khảo sát. 

Kết quả cuộc thăm dò mới nhất được tờ Bild am Sonntag công bố vào ngày Chủ nhật vừa rồi cho thấy liên minh CDU - CSU của bà Merkel đang dẫn đầu với 36% cử tri được khảo sát ủng hộ, so với mức ủng hộ 22% dành cho đảng đối thủ SPD. Vị trí thứ ba đang thuộc về đảng AfD, một đảng cực hữu với quan điểm chống người nhập cư, với tỷ lệ ủng hộ 11%.

Ông Jorg Ambrosius, Giám đốc điều hành của State Street Bank International, nói rằng cuộc bầu cử Đức “là một cuộc bầu cử rất quan trọng đối với tương lai của châu Âu”.

“Quan điểm cá nhân của tôi là đang có một cánh cửa mở để Đức và Pháp có thể khôi phục trục Đức - Pháp vốn từng là động lực cho chương trình nghị sự của châu Âu trước kia. Tôi cũng cho rằng giờ đây, với sự phục hồi kinh tế của châu Âu và sự ra đi của Anh khỏi EU, đây là cơ hội có một không hai để đưa EU và liên minh tài chính lên một nấc cao mới”, ông Ambrosius nói.

Theo một số dự báo, bà Merkel sẽ phải lập một liên minh khác với một chính đảng khác, có thể là với SPD, hoặc FDP - một đảng nhỏ hơn và có đường lối thân thiện với kinh doanh - và Đảng Xanh. Nhưng cho dù thành phần của liên minh cầm quyền có gồm những đảng nào, thì giới chính trị truyền thống của châu Âu cũng sẽ thở phào nhẹ nhõm miễn là AfD, đảng chống EU và chống đồng Euro, gánh thất bại trong lần bầu cử này.

Đối với những người ủng hộ EU, việc bà Merkel tái đắc cử có thể báo hiệu cho một kỷ nguyên mới với sự hội nhập kinh tế và chính trị ngày càng chặt chẽ trong khu vực, đặc biệt xét đến việc bà ủng hộ lời kêu gọi cải cách trong EU mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra.

Đầu năm nay, ông Macron và bà Merkel đã nhất trí về nguyên tắc về lập ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính châu Âu, Quốc hội Eurozone, ngân sách chung Eurozone, và tăng cường đầu tư công trong khu vực, cũng như phối hợp chặt chẽ hơn trong nỗ lực cải cách.

Nói chung, cải cách được các nước EU hoan nghênh. Tuy nhiên, ý tưởng về một Bộ trưởng Bộ Tài chính toàn Eurozone và ngân sách chung cho cả khu vực không nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên. 

Chẳng hạn, hồi tháng 5, chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Wolfgang Schauble nói rằng những ý tưởng cải cách của ông Macron là “phi thực tế” bởi đòi hỏi hiệp ước EU phải thay đổi. Thay vào đó, ông Schauble gợi ý nên phát triển Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) sẵn có, tức quỹ giải cứu tài chính của Eurozone.

Ông Ambrosius đồng ý rằng việc nói về một Bộ trưởng Bộ Tài chính cho cả châu Âu vào lúc này là “còn hơi sớm”. Tuy nhiên, ông khẳng định khả năng xảy ra một kết quả bầu cử gây sốc ở Đức lần này là rất hạn chế. “Đây sẽ là cuộc bầu cử thứ tư mà các đảng thân EU giành chiến thắng”, ông nói. 

Nhiều doanh nghiệp mong muốn sự ổn định về lãnh đạo và duy trì nguyên trạng cũng hoan nghênh việc bà Merkel nắm giữ chức Thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ nữa. Mặc dù vậy, đang xuất hiện ngày càng nhiều lời kêu gọi về tăng cường đầu tư bên trong Đức và những nỗ lực thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài.

Ông Bernhard Mattes, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ tại Đức, nói rằng giới doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Đức đang kỳ vọng vào những cải cách mới.

“Các doanh nghiệp không nhận thấy có rủi ro trong lần bầu cử này, nhưng họ hy vọng sẽ có những cải cách cần thiết, sẽ có thêm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng số cho tương lai. Họ hy vọng nhiều vào cải cách thuế để nền kinh tế mạnh hơn và giúp Đức thu hút thêm nhiều nhà đầu tư”, ông Mattes phát biểu.(Vneconomy)
--------------------------

Israel, Iran cãi nhau kịch liệt tại LHQ

 Israel tuyên bố không để Iran mở căn cứ quân sự ở Syria, đòi hủy thỏa thuận hạt nhân Iran. Iran gọi Israel là quốc gia khủng bố và dối trá.

Phát biểu tại kỳ họp Đại Hội đồng LHQ ngày 19-9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ ngăn chặn không để Iran mở căn cứ quân sự ở Syria, đồng thời yêu cầu chỉnh sửa hoặc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.

Iran đã và đang hỗ trợ tích cực cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong 6 năm nội chiến. Gần đây phía Israel cho biết Iran đang có kế hoạch mở căn cứ quân sự thường trực tại Syria. Israel lo ngại Iran lợi dụng Syria như bàn đạp để tiếp cận mình.

“Chúng tôi sẽ hành động ngăn chặn Iran thành lập các căn cứ quân sự thường trực ở Syria cho các lực lượng trên không, trên biển, trên bộ. Israel sẽ tự vệ với tất cả sức mạnh của mình. Những ai đe dọa tiêu diệt chúng tôi là tự đưa mình vào chết chóc” – Thủ tướng Netanyahu cứng rắn.

Về thỏa thuận hạt nhân Iran, Thủ tướng Netanyahu yêu cầu “thay đổi, hoặc hủy bỏ” nó.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ ngày 19-9. Ảnh: AFP
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ ngày 19-9. Ảnh: AFP

Đe dọa của ông Netanyahu bị phía Iran đáp trả mạnh. Cố vấn thứ nhất và đại diện Iran tại LHQ Hossein Maleki chỉ trích Israel – một thể chế được xây dựng từ sự chiếm đóng và khủng bố - không có quyền chỉ mặt nước khác.

“Thay vì truyền bá dối trá, chỉ trích nước khác, cố gắng lừa gạt dư luận, đại diện Israel nên giải thích với Đại Hội đồng tại sao mình tấn công tất cả các nước láng giềng, thậm chí tấn công cả các nước bên ngoài khu vực qua hơn 15 cuộc chiến nước này phát động” – ông Maleki phản pháo trước Đại Hội đồng LHQ.

“Ông ta nên giải thích tại sao thể chế Israel – ví dụ rõ ràng nhất về một quốc gia khủng bố - tiếp tục ủng hộ quân sự và vũ trang cho các phần tử IS, từ chối ký vào hàng chục nghị quyết của Đại Hội đồng và khoảng 100 nghị quyết của Hội đồng Bảo an” – theo ông Maleki.

Cố vấn thứ nhất và đại diện Iran tại LHQ Hossein Maleki. Ảnh: MERH NEWS
Cố vấn thứ nhất và đại diện Iran tại LHQ Hossein Maleki. Ảnh: MERH NEWS

Phát biểu trước Đại Hội đồng LHQ, Thủ tướng Netanyahu cũng không bỏ qua cơ hội bày tỏ lo ngại về lực lượng Hezbollah đang chiến đấu bên hàng ngũ quân đội Syria đánh IS.

Vài giờ trước khi diễn ra cuộc đấu khẩu giữa Israel và Iran tại LHQ, Israel bắn rơi một máy bay không người lái do Iran sản xuất được lực lượng vũ trang Hezbollah sử dụng thực hiện nhiệm vụ do thám trên vùng trời Cao nguyên Golan.

Jerusalem Post dẫn thông tin từ quân đội Israel cho biết, máy bay không người lái này xuất phát từ một căn cứ không quân gần Damacus (Syria), bị tên lửa đánh chặn Patriot bắn hạ trên vùng trời khu vực phi quân sự Cao nguyên Golan. Khu phi quân sự này chia tách các lực lượng Israel và Syria theo tinh thần thỏa thuận ngừng bắn từ cuộc chiến hai nước năm 1973. Israel chiếm quyền kiểm soát Cao nguyên Golan từ Syria trong cuộc chiến Sáu ngày năm 1967.

“Theo những gì chúng tôi biết, máy bay này đang thực hiện một chiến dịch do thám dọc biên giới và Cao nguyên Golan cho Hezbollah. Thông tin tình báo của chúng tôi xác định máy bay này do Iran sản xuất” – người phát ngôn quân đội Israel, Trung tá Jonathan Conricus nói với báo chí ngày 19-9.

 Tên lửa đánh chặn Patriot được triển khai ở TP Haifa phía bắc Israel, tháng 8-2013. Ảnh: REUTERS
Tên lửa đánh chặn Patriot được triển khai ở TP Haifa phía bắc Israel, tháng 8-2013. Ảnh: REUTERS

Khi được hỏi liệu máy bay này có được vũ trang không, Trung tá Conricus nói chưa có đầy đủ thông tin. Ông Conricus cho biết Israel đã triển khai một số máy bay chiến đấu truy tìm chiếc máy bay bị bắn hạ. Xác máy bay rơi xuống thị trấn Quneitra (Syria) do chính phủ Syria kiểm soát.

“Thông điệp của chúng tôi là Israel sẽ không nhân nhượng bất kỳ vi phạm nào với chủ quyền Israel, và chúng tôi sẽ không cho phép các lực lượng Iran, Hezbollah, IS hay các nhóm dân quân Shiite tiếp cận biên giới với Israel” – Trung tá Concicus tuyên bố.

Phía Syria, Hezbollah, Iran chưa bình luận về sự việc.

Biên giới Israel-Syria rất căng thẳng kể từ khi nội chiến Syria xảy ra năm 2011. Trong 5 năm qua, Israel đã thực hiện hơn 100 trận không kích nhắm vào các đoàn xe chở vũ khí cho Hezbollah từ lãnh thổ Syria. (PLO)

 

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 21-09-20172

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 21-09-2017

    Tổng thống Trump lên án mối đe dọa chủ quyền ở Biển Đông; Siêu trực thăng Nga nã đạn nhầm đồng đội tại Zapad-2017; Tổng thống Pháp công khai phản đối tổng thống Mỹ tại Đại hội đồng LHQ

  • Tin thế giới đáng chú ý sáng 21-09-20173

    Tin thế giới đáng chú ý sáng 21-09-2017

    Ukraine khoe sắp có vũ khí sát thương, Nga dò hỏi Mỹ; Ai đứng sau ông Saakashvili để đối phó với Tổng thống Poroshenko?; Tổng thống Trump muốn rộng tay xuất khẩu súng

Bài cùng chuyên mục