Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý 21-09-2017
- Cập nhật : 21/09/2017
Lập căn cứ quân sự tại Israel, Mỹ cảnh báo Nga, Iran
Hành động của Washington nhằm ngăn chặn Moscow gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông, quyết không để Nga đưa Syria thành ván cờ tàn với Mỹ...
Lần đầu tiên trong lịch sử, quân đội Mỹ lập căn cứ thường trực tại Israel
The Times of Israel ngày 18/9 đưa tin, lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ thiết lập căn cứ quân sự thường trực tại Israel. Căn cứ của Mỹ nằm trong căn cứ Không quân Mashabim của Israel, ở phía tây thị trấn Dimona, trong trung tâm sa mạc Negev.
Căn cứ này nằm gần trạm radar quân sự của Mỹ ở Dimona - nơi chuyên theo dõi hành trình của tên lửa đạn đạo. Từ căn cứ mới này, các lực lượng của Mỹ được cho là sẽ giúp vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa đa cấp độ của Israel.
Tướng Tzvika Haimovitch, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến thuật Không quân Israel (IAF), đã thông báo sự kiện vào tối ngày 18/9 và cho rằng "đây không chỉ là một sự thay đổi có ý nghĩa lịch sử, mà còn thể hiện liên minh bền chặt Mỹ - Israel".
Vị tướng lĩnh nổi tiếng của Israel nhấn mạnh, việc Mỹ thành lập căn cứ cố định ở Israel sẽ giúp nhà nước Do Thái có động lực hoàn thiện hệ thống phòng thủ, nhằm đáp ứng cả 3 yêu cầu là phát hiện, đề phòng, ngăn chặn hành động của đối phương.
Theo tướng Haimovitch thì ''việc thiết lập căn cứ không quân của Mỹ, cùng với những cải tiến gần đây trong chương trình phòng thủ của Israel, sẽ giúp Israel tiệm cận được những điều kiện tối quan trọng trong chiến tranh".
Người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến thuật Không quân Israel cũng cho rằng sự hiện diện thường trực của một căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ Israel đã "gửi một thông điệp mạnh mẽ đến khu vực Trung Đông cũng như các đối thủ của Israel".
Theo dự kiến, quá trình thiết lập căn cứ không quân của Mỹ ở Israel sẽ kéo dài trong khoảng 2 năm. Căn cứ này sẽ do Bộ Tư lệnh Châu Âu (EUCOM) của Mỹ điều hành. Căn cứ bao gồm hệ thống doanh trại, văn phòng và dịch vụ hỗ trợ.
Mặc dù quân đội Mỹ có trụ sở ở Israel và thường xuyên phối kết hợp quân đội nước này, song Chỉ huy Lực lượng Phòng không Israel (IDF), Đại tá Liran Cohen vẫn ca ngợi việc thiết lập căn cứ quân sự của Mỹ tại Israel là cực kỳ quan trọng, dù mang tính biểu tượng nhưng có ý nghĩa rất lớn.
Còn về phía Mỹ, trong bài phát biểu của mình nhân sự kiện đặc biệt này, Thiếu tướng John Gronski, Phó Chỉ huy Lực lượng Cảnh vệ Quốc gia Mỹ tại Châu Âu, nhận định rằng "căn cứ là tượng trưng cho mối liên kết mạnh mẽ giữa Mỹ và Israel".
Giới quân sự Israel cho hay việc mở căn cứ được xem xét từ thời cựu Tổng thống Barack Obama, song dưới thời Tổng thống Donald Trump thì mới được xúc tiến. Điều đó cho thấy mối liên hệ giữa quân đội Mỹ và quân đội Israel dưới chính quyền Trump là rất mạnh mẽ,theo The times of Israel.
Như vậy, cả Mỹ và Israel đều rất coi trọng và đánh giá cao việc Mỹ mở một căn cứ quân sự đầu tiên trong lịch sử trên lãnh thổ Israel. Giới phân tích cho rằng sự kiện này không chỉ mang tính biểu tượng, mà đây là một sự thay đổi mang tính chiến lược trong sự hiện diện của Mỹ tại Trung Đông.
Washington cảnh báo Iran và nắn gân Nga, quyết không để Syria trở thành ván cờ tàn với Mỹ
Việc Mỹ mở căn cứ quân sự tại Israel trùng với nỗ lực của Tel Aviv hối thúc chính quyền Tổng thống Trump huỷ bỏ cái mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi là Thoả thuận hạt nhân "tồi tệ" với Iran - quốc gia mà Israel coi là kẻ thù lớn nhất.
"Nhiều người ủng hộ Thỏa thuận hạt nhân một cách ngây thơ khi tin rằng đó là cơ sở để kiểm soát Iran. Họ tin rằng Thoả thuận hạt nhân sẽ khiến cho Iran trở thành một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế ", ông Netanyahu gay gắt.
Dù chính quyền Tổng thống Trump đã trấn an đồng minh, khi đe doạ rút khỏi Thoả thuận hạt nhân Iran nếu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) không tiếp cận được tất cả các cơ sở quân sự của Iran, song Tel Aviv vẫn không yên tâm.
"Tôi cảnh báo rằng khi các biện pháp trừng phạt đối với Iran bị dỡ bỏ, Iran sẽ hành xử như một con hổ đói, không hoà thuận với các quốc gia, mà là nuốt chửng các quốc gia. Iran đang làm điều đó ngay từ hôm nay", The Times of Israel dẫn lời Thủ tướng Netanyahu.
Theo giới phân tích, Washington quyết định đẩy nhanh việc thiết lập căn cứ quân sự thường trực tại Israel. Đây là một nước đi đa tác hiệu, vừa giải toả nỗi lo của Tel Aviv, vừa cảnh báo những hành động khiêu khích của Tehran.
Một căn cứ quân sự hiện diện trên lãnh thổ một quốc gia thù địch ngay sát nách sẽ khiến Tehran phải kiềm chế và kiểm soát hành động của mình. Một Iran "bá chủ Trung Đông" sẽ không thể có cơ hội hiện thực hoá.
Không những vậy, việc quân đội Mỹ thiết lập căn cứ quân sự tại Israel còn được xem là hành động của Washington nhằm nắn gân Moscow, quyết không để Nga đưa Syria thành ván cờ tàn với Mỹ.
Còn nhớ, ngày 27/7 vừa qua, Tổng thống Putin đã ký phê chuẩn văn bản luật cho phép không quân nước này hoạt động ở Syria, mở ra cơ hội cho quân đội Nga lần đầu tiên mở căn sứ quân sự tại một quốc gia ngoài không gian hậu Xô viết.
Nội dung văn bản luật nêu rõ chính quyền nhà nước Syria đồng ý cho quân đội Nga được sử dụng căn cứ không quân Hmeymim ở Latakia trong thời hạn 49 năm và tự động gia hạn thêm 25 năm.
Văn bản này đưa ra các cơ sở pháp lý cho việc không quân Nga đồn trú ở Syria, đồng thời giúp tăng cường khả năng phòng thủ cho Nga và Syria cũng như củng cố hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Thỏa thuận cũng vạch ra các điều kiện về quyền tài phán của Nga đối với không quân nước này tại những địa điểm triển khai quân tại Syria và những vấn đề liên quan tới quân nhân Nga cũng như các thành viên trong gia đình họ.
Theo giới phân tích, với văn bản pháp lý này, cho thấy "gấu Nga" đã chính thức tỉnh giấc sau kì nghỉ đông kéo dài hơn 1/4 thế kỷ, để mặc cho Mỹ tả xung hữu đột trong thế giới đơn cực xoay quanh trục Mỹ.
Như vậy, khi Mỹ còn đang loay hoay giải quyết bất đồng nội bộ về thoả thuận hạt nhân với Iran, khi Washington còn đang thẩm định lại quan hệ đồng minh tại Trung Đông sau khi Mỹ thay đổi quan điểm với Iran thì Nga đã có nước đi chiến lược.
Khi Nga ngày càng khẳng định vai trò đạo diễn tại Syria khiến cho tầm ảnh hưởng của Mỹ phần nào bị phai nhạt, khi Putin quyết định cho quân đội Nga hiện diện thường trực tại Syria đã khiến ván cờ Syria có nguy cơ trở thành ván cờ tàn với Mỹ.
Rõ ràng đó là điều không thể chấp nhận đối với Washington. Do đó, việc đội Mỹ mở căn cứ quân sự thường trực tại Israel là một cách kiềm chế Moscow trong ván cờ Syria. Thậm chí nó còn ngăn chặn Putin trở thành nhân vật chủ chốt tại Trung Đông, như cảnh báo của Thượng nghị sĩ John McCain.
Mọi hành động của Nga kết nối với Iran, giúp đỡ Hezbollah, bảo trợ Syria mà có thể làm tổn hại tới Israel, làm thiệt hại cho lợi ích Mỹ sẽ bị kiểm soát chặt chẽ và có hành động đáp trả kịp thời từ liên minh Mỹ - Israel.
Giới phân tích cho rằng, với sự hiện diện của căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thồ Israel, quân đội Israel sẽ quyết liệt hơn trong hành động của mình, giúp Mỹ ngăn chặn việc Nga có thể tạo thế đối trọng với Mỹ tại Trung Đông. (NGọc Việt - Baodatviet.vn)
---------------------------------------
Thỏa thuận hạt nhân Iran cần phải thay đổi nếu muốn "giữ chân" Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm qua (19/9) khẳng định thỏa thuận hạt nhân Iran cần phải thay đổi nếu muốn Hoa Kỳ ở lại. Ông cho rằng những giới hạn quan trọng trong chương trình hạt nhân Iran cần phải được mở rộng.
Trước đó, theo Reuters, xuất hiện lần đầu tiên tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Iran xuất khẩu sự “bạo lực, đổ máu và hỗn loạn” cũng như đang tìm kiếm sức ảnh hưởng tại Yemen, Syria và một số nơi khác trong khu vực bằng các cuộc xung đột giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite.
Tổng thống Mỹ cũng sử dụng những lời chỉ trích mạnh mẽ đối với thỏa thuận năm 2015 giữa Tehran và 6 cường quốc, theo đó Iran sẽ giới hạn chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh cấm vận kinh tế.
“Thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong những giao dịch một phía và tồi tệ nhất mà Mỹ tham gia. Nói thẳng ra, thỏa thuận này là sự xấu hổ đối với Hoa Kỳ…”, ông Trump thẳng thừng tuyên bố.
Không chỉ vậy, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson còn đi xa hơn khi trả lời Fox News rằng hiệp định này cần phải thay đổi hoặc là Mỹ sẽ ra đi.
Ngược lại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ca ngợi thỏa thuận hạt nhân Iran trong bài phát biểu của mình và cho rằng không thể chấp nhận được nếu rút khỏi hiệp định này.
“Từ bỏ thỏa thuận này sẽ là một lỗi chết người, không tôn trọng thỏa thuận là thiếu trách nhiệm bởi đây là một hiệp định tốt, cần thiết để duy trì hòa bình tại thời điểm đó khi mà khó có thể ngăn chặn được một thảm họa bùng phát”, ông Macron cho biết.
Tổng thống Pháp cho hay ông hiểu được những quan ngại của Hoa Kỳ nhưng cách để giải quyết chúng là đối thoại, để nới rộng những hạn chế trong chương trình hạt nhân của Iran sau năm 2025. Ông Macron và những người ủng hộ khác cho rằng rút khỏi hay làm suy yếu thỏa thuận có thể “đổ thêm dầu vào lửa” trong khu vực cũng như khiến Triều Tiên không còn hứng thú tham gia đàm phán chương trình hạt nhân của mình.
Iran đã đáp trả bài phát biểu của ông Trump một cách giận giữ. “Bài phát biểu đầy hận thù và ngu ngốc của ông Trump thuộc về thời trung cổ, chứ không phải thế kỷ 21 nên không đáng để đáp lời”, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif viết trên Twitter.
Đến ngày 15/10 tới, Tổng thống Mỹ cần phải quyết định xem Iran có đang tuân thủ thỏa thuận hay không, đây là một quyết định có thể “nhấn chìm” thỏa thuận hạt nhân này. Nếu ông Trump không đưa ra quyết định, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để xem xét tái áp đặt các lệnh trừng phạt được đề cập trong thỏa thuận.
Thỏa thuận hạt nhân Iran được thực hiện giữa Tehran và 6 cường quốc Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh, Đức và Pháp. Sáu bên sẽ gặp mặt cấp Bộ trưởng tại Iran vào ngày hôm nay (20/9).(Infonet)
------------------------------
Nga bộc lộ sức mạnh quân sự trong tập trận Zapad
Giới quan sát đánh giá cuộc tập trận Zapad-2017 giữa Nga và Belarus là một cơ hội hiếm có để chứng kiến những bước phát triển của quân đội Nga, vào một thời điểm thế giới diễn ra nhiều thay đổi lớn.
Binh sĩ Nga phóng máy bay không người lái - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Cứ 4 năm một lần, cuộc tập trận chiến lược chung giữa quân đội Nga và Belarus luôn thu hút sự chú ý (và lo lắng) từ khối NATO.
Năm nay, các thành viên Đông Âu của NATO đứng ngồi không yên vì Zapad-2017 (theo tiếng Nga là Phương Tây-2017) mang ý nghĩa giả lập một cuộc chiến ở mặt trận châu Âu.
Bối cảnh cuộc tập trận đã thay đổi nhiều kể từ năm 2013. Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea vốn trước đó do Ukraine kiểm soát; Matxcơva ủng hộ phe ly khai miền đông Ukraine chiến đấu ngang ngửa với quân đội chính quyền Kiev… Do đó, "mối đe dọa Nga" phần nào bị một số thành viên NATO đẩy lên cao.
Viện lý do cuộc tập trận Zapad-2017 có ít hơn 13.000 binh sĩ tham gia, Nga chỉ cho phép một vài quan sát viên châu Âu theo dõi. Nhưng rõ ràng NATO không thể bỏ lỡ cơ hội quan sát nhất cử nhất động của các lực lượng Nga - Belarus bằng vệ tinh và máy bay trang bị rađa.
Nhiều bài học từ Syria và Ukraine
Theo ông Jonathan Marcus - chuyên gia quân sự - ngoại giao của Đài BBC, quân đội Nga đang lột xác từ hình mẫu Hồng quân thời chiến tranh lạnh cũ kỹ thành một lực lượng hiện đại và linh động, đủ khả năng tiến hành các chiến dịch phối hợp thủy - bộ - không tương tự lực lượng NATO.
"Dù giới lãnh đạo quân đội Nga rất quan tâm đến lý thuyết quân sự, họ luôn thử nghiệm và diễn tập những cách tiếp cận mới trong chiến đấu. Những cuộc tập trận như Zapad-2017 tiết lộ năng lực thật sự của họ, đòi hỏi những người bên ngoài phải tỉnh táo quan sát" - ông Roger Mcdermott, chuyên gia phương Tây hàng đầu về quân sự Nga, bình luận về Zapad-2017.
Trực thăng Mi-8 của quân đội Belarus thử lửa trong tập trận - Ảnh: REUTERS
Dù Nga giành chiến thắng dễ dàng trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi ở Gruzia năm 2008, nó vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu của họ, theo chuyên gia Igor Sutyagin thuộc Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh (RUSI) ở London.
Từ kinh nghiệm cũ, Zapad-2017 cũng là cơ hội để phương Tây nghiên cứu cách Nga áp dụng những bài học gần đây từ các chiến dịch ở Syria và Ukraine.
"Cả hai chiến dịch cho thấy đường lối phát triển chung quân đội Nga đang hướng tới" - ông Sutyagin nhận xét.
Vị chuyên gia đánh giá quá trình hiện đại hóa của quân đội Nga đã đi được quá nửa đường, với những thay đổi về mặt tổ chức gần như đã hoàn thành. Tuy nhiên, có một số chỉ dấu cho thấy họ đang bước lùi ở một số phương diện, chẳng hạn như việc quay lại thành lập các đơn vị quân đội lớn.
Ngoài ra, mối quan tâm lớn nhất của người Nga là xóa bỏ, hoặc tối thiểu thu hẹp khoảng cách công nghệ với quân đội phương Tây. Tuy đã đạt được một số bước chạy đà, mục tiêu này có hoàn thành hay không sẽ phụ thuộc vào ngân sách quốc phòng của Nga, vốn cũng teo tóp dần dưới sức ép cấm vận kinh tế.
Giá trị tuyên truyền của cuộc chiến tranh giả lập Zapad-2017 hết sức rõ ràng"
Báo The Daily Beast
Tổng thống Nga Vladimir Putin quan sát cuộc tập trận. Ông được cho là bỏ họp LHQ để đi quan sát tập trận - Ảnh: REUTERS
Năng lực ấn tượng
Về bản chất, cuộc tập trận chiến lược Nga - Belarus giả lập kịch bản phòng thủ chung của hai nước chống lại một cuộc tấn công từ bên ngoài. Zapad năm 2017 có nghĩa là mặt trận phía tây, những năm khác sẽ là mặt trận phía đông, Trung Á và Kavkaz.
Zapad-2017 khởi động nhiều tuần lễ trước khi chính thức bắt đầu hôm 14-9 (kết thúc hôm nay 20-9). Các đơn vị hậu cần lo trang thiết bị, không quân Belarus diễn tập với tiêm kích MiG-29, Yak-130 và Su-25…
Hải quân Nga điều động 50 tàu chiến từ các cảng phía bắc đến khu vực biên giới trên biển giáp với Na Uy. Hạm đội này bao gồm một số tàu ngầm và chiến hạm chạy năng lượng hạt nhân Peter Đại Đế - một trong những tàu chiến lớn nhất thế giới, dài hơn 252m.
Có thể kể một số hoạt động chính của Zapad: thực nghiệm máy bay không người lái (UAV) Orlan-10; triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa S-300; tiêm kích Su-27, Su và Su-35 bay tuần tra; ít nhất 6 máy bay ném bom chiến lược Tu-22 của Nga giả lập một cuộc tấn công vào hạm đội trên biển Baltic…
Một đơn vị quân đội được triển khai trong cuộc tập trận Zapad - 2017 - Ảnh: TASS
Và đáng chú ý nhất là màn trình diễn của tên lửa Iskander-M. Một đơn vị tên lửa này được phóng từ một bãi thử ở tây nam nước Nga nhắm vào mục tiêu ở Kazakhstan cách đó 480km.
Chuyên gia McDermott nhận định có hai thứ không thể xem nhẹ là năng lực chiến tranh điện tử (EW) và vũ khí chính xác của Nga. Từ cuộc tập trận hồi năm 2013, Matxcơva đã đề cao vai trò của loại vũ khí này như một công cụ gây sức ép lên kẻ thù.
Các loại tên lửa hành trình tầm xa, phóng đi từ máy bay và tàu chiến, được người Nga sử dụng lần đầu tiên trên thực địa trong cuộc xung đột ở Syria.
"Trong một tương lai gần, vũ khí chính xác sẽ là công cụ chính giúp Nga sở hữu cái gọi là khả năng ngăn chặn trước hạt nhân" - ông McDermott dự báo.
"Các tiến bộ kỹ thuật của Nga trong lĩnh vực EW cho phép họ làm nghẽn, gián đoạn hoặc nghe lén các kênh liên lạc, rađa, hệ thống cảm ứng và máy bay không người lái của NATO… Nó có thể khiến NATO mất đi lợi thế về công nghệ" - vị chuyên gia bổ sung.(Tuoitre)