Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Từ ngày 14 đến ngày 20/9/2017, Nga và Belarus tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Zapad-2017 (Miền Tây-2017). Trong khi Mỹ và các nước NATO cho rằng mục đích của Nga trong cuộc tập trận này là chuẩn bị “xâm lược thôn tính Ukraine và các nước Đông Âu”, còn Matxcơva và Minsk ra tuyên bố khẳng định hoạt động quân sự định kỳ chỉ nhằm mục đích phòng thủ. Vậy, nên hiểu như thế nào về thông điệp của Matxcơva từ cuộc tập trận cuộc tập trận Zapad-2017?
Trước khi diễn ra cuộc tập trận Zapad-2017, nhiều tờ báo lớn ở Mỹ và châu Âu đã đăng bình luận cho rằng Nga nhân cơ hội tập trận để “thôn tính Belarus” và các khu vực xung quanh, phong tỏa 3 nước Baltic để từng bước tấn công sang Ucraina. Ngay cả lãnh đạo cấp cao của một số nước như Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Tư lệnh quân đội của NATO ở châu Âu, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Ukraine cũng đưa ra những nhận định về “nguy cơ bành trướng” của Nga sang phía Tây. Còn Đạo luật H.R.3364 của Quốc hội Mỹ và Quốc hội Ukraine cũng thông qua Đạo luật coi Nga là “quốc gia xâm lược”.
Theo nhận định của giới quân sự Nga và Belarus, cả Matxcơva và Minsk hoàn toàn không có ý định che giấu mục đích cuộc tập trận Zapad-2017, thâm chí họ đã mời quan sát viên của NATO và một số nước trên thế giới tới để chứng kiến khả năng thực tế của hai nước sẵn sàng đối phó với hành động xâm lược từ biên giới phía tây.
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Belarus, ông Oleg Belokonev, đối thủ giả định trong cuộc tập trận này là lực lượng mang tên “Vaisnoria” ở Belarus, được hai nước phương Tây giả định chống lưng có tên là “Wesbaria” và “Lubenia”. Mục đích cuộc tập trận là đập tan lực lượng ly khai và tổ chức khủng bố quốc tế được thế lực thù địch bên ngoài yểm trợ trong bối cảnh phương Tây đang toan tính thực hiện kịch bản “Mùa xuân Arab” ở Belarus và phá hoại quan hệ liên minh Belarus-Nga.
Do trong thời bình Nga không có căn cứ quân sự trên lãnh thổ Belarus nên cuộc tập trận này Zapad-2017 sẽ tạo điều kiện cho Matxcơva tập dượt và hoàn thiện khả năng triển khai nhanh một lực lượng quân sự lớn để hỗ trợ Belarus trong chiến dịch ngăn chặn và làm thất bại hành động xâm lược từ bên ngoài. Rõ ràng, trước nguy cơ xâm lược từ NATO, lực lượng của Belarus là khá mỏng. Lục quân Belarus hiện chỉ có hai bộ chỉ huy tác chiến có nhiệm vụ bảo vệ biên giới trên hướng tây và tây-bắc.
Trên hướng tây-hướng nguy hiểm nhất, Belarus chỉ bố trí 2 lữ đoàn bộ binh cơ giới số 6, số 11 và lữ đoàn pháo binh số 111. Trên hướng tây-bắc chỉ có 1 lữ đoàn bộ binh cơ giới số 120 có nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Minsk. Ngoài ra, Belarus còn có 2 lữ đoàn đặc nhiệm hạng nhẹ, lữ đoàn đổ bộ tấn công đường không số 38 và lữ đoàn đổ bộ đường không số 103. Trong khi đó, lực lượng của Belarus lại ở cách khá xa các lực lượng của Nga thuộc Quân khu Miền Tây.
Như vậy, lực lượng của Belarus là rất mỏng và khá yếu trước ưu thế vượt trội của Mỹ và NATO đã triển khai trên lãnh thổ các nước thành viên ở Đông Âu và Baltic, sát biến giới phía tây quốc gia này. Vì thế, Nga cần tăng cường và hoàn thiện khả năng triển khai nhanh để kịp thời hơp đồng tác chiến với các lực lượng của Belarus một khi có biến. Đây chính là ý tưởng chủ đạo của cuộc tập trận Zapad-2017
Về lực lượng của Nga đối mặt với lực lượng của Mỹ và NATO ở Đông Âu, trước hết phải kể đến Quân khu Miền Tây hiện có 3 tập đoàn quân, trong đó có tập đoàn quân binh chủng hợp thành số 6 có nhiệm vụ bảo vệ các thành phố Salt-Peterburg và Pskov; tập đoàn quân binh chủng hợp thành số 20 bảo vệ các thành phố Kursk và Voronhege. Chỉ có tập đoàn quân xe tăng số 1 được giao nhiệm vụ nhanh chóng cơ động tới Belarus khi có lệnh. Vì thế, tham gia cuộc tập trận Zapad-2017 có các lực lượng thuộc các tập đoàn quân này.
Đồng thời với cuộc tập trận Zapad-2017, các sư đoàn đổ bộ đường không số 76, số 9 và số 106 của Quân khu Miền Tây cũng tiến hành diễn tập triển khai nhanh lực lượng tới các địa bình chưa được kiến tạo sẵn, cách xa nơi đóng quân. Các quan sát viên quốc tế được chứng kiến khả năng của 3 sư đoàn đổ bộ đường không của Nga nhanh chóng triển khai tới các hướng có nguy cơ cao bị tấn công xâm lược, sẵn sàng bảo vệ các lực lượng khác đã được triển khai hoặc tiến hành các chiến dịch độc lập. Ngoài ra, các tập đoàn quân binh chủng hợp thành số 6 và số 20 của Quân khu Miền Tây cũng tiến hành cuộc tập trận độc lập [1].
Trong khi đó, lực lượng chính quy của Mỹ và NATO ở Đông Âu chiếm ưu thế vượt trội so với lực lượng của Nga ở biên giới phía tây. Đó là 2 lữ đoàn thường trực của Mỹ ở Đức có khả năng sẵn sàng triển khai nhanh tới bất cứ đâu ở châu Âu. Lực lượng này sẵn sàng được tăng viện thêm 3 lữ đoàn bộ binh cơ giới và 2 lữ đoàn bộ binh cơ giới hạng nhẹ trong vòng 2-3 ngày. Sau hơn 1 tuần, Mỹ có thể triển khai thêm 5 lữ đoàn bộ binh hạng nặng và hạng nhẹ tới Đông Âu. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tuần, Mỹ có thể triển khai tới Đông Âu ít nhất là 10 lữ đoàn, trong đó có 5 lữ đoàn cơ giới hạng nặng.
Tham gia lực lượng này của Mỹ, về phía Ba Lan có 1 sư đoàn xe tăng và 3 sư đoàn cơ giới (tổng cộng có 12 lữ đoàn) và 2 lữ đoàn cơ giới độc lập hạng nhẹ. Trong năm 2017, NATO triển khai 4 tiểu đoàn độc lập ở các nước Cận Baltic. Ngoài ra, còn có lực lượng phản ứng nhanh của NATO với nòng cốt là 3 sư đoàn lục quân của Đức (tổng cộng có 11 lữ đoàn). Cũng không thể không tính đến lực lượng của Ukraine với 3 lữ đoàn xe tăng và 10 lữ đoàn bộ binh cơ giới hạng nặng, 7 lữ đoàn bộ binh cơ giới hạng nhẹ và 7 lữ đoàn bộ binh với quân số tương đương biên chế của NATO. Như vậy, ở khu vực Đông Âu và Cận Baltic, Mỹ và NATO có tổng cộng 33 lữ đoàn, chưa kể các lực lượng tại chỗ của các nước thành viên NATO ở khu vực này. Đối mặt với lực lượng này, Nga và Belarus chỉ có 13-15 lữ đoàn.
Để tạo khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các lực lượng ở Đông Âu, sát biên giới Nga và Belarus, trong năm 2016, trên lãnh thổ Ba Lan, Romania, Bulgaria, Latvia, Litva, Estonia là thành viên NATO và Phần Lan-quốc gia bên ngoài NATO, Mỹ và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương tiến hành nhiều cuộc tập trận lớn nhất của khối quân sự này kể từ sau Chiến tranh lạnh mà mục tiêu tấn công giả định là Nga. Đó là các cuộc tập trận mang tên Anakonda-2016, Swift Response, Saber Strike và Baltops.
Trong khi Nga và Belarus đang tiến hành cuộc tập trận Zapad-2017, lần đầu tiên Mỹ trực tiếp vận chuyển một lực lượng lớn xe tăng cùng với một lữ đoàn thiết giáp, bao gồm 87 xe Abrams M1, 103 xe bọc thép chở quân Bradley, 18 xe Paladin và các loại thiết bị vận tải khác, tới cảng quốc gia Gdansk của Ba Lan để đánh giá khả năng triển khai quân trên quy mô lớn ở Đông Âu. Đây là một động thái nằm trong chiến dịch mang tên Operation Atlantic Resolve được khởi xướng với mục đích tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO tại Lithuania, Latvia, Estonia và Ba Lan. Trong khu vực Baltic Bắc Âu, cũng trong thời gian này đang diễn ra các cuộc tập trận của NATO với sự tham gia của 20.000 binh sỹ của Thụy Điển, Đan Mạch, Estonia, Litva, Phần Lan, Pháp, Nauy và Mỹ và cuộc tập trận tại Ukraine với sự tham gia của NATO.
Đồng thời, trên lãnh thổ Ukraine, ngày 11/9/2017 khai mạc cuộc tập trận chung giữa Ukraine và NATO mang tên Rapid Trident-2017. Tới dự lễ khai mạc có Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch, Giám đốc Học viện Lục quân UKraine, trung tướng Pavel Tkachuk, và đại diện các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương. Tham gia cuộc tập trận Rapid Trident-2017 có gần 2.500 binh lính đến từ 12 quốc gia gồm Ukraine, Bulgaria, Gruzia, Estonia, Italia, Latvia, Litva, Moldva, Nauy, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương Quốc Anh. Riêng Ukraine có khoảng 1.000 binh sĩ tham gia thuộc các lữ đoàn cơ giới, lực lượng đổ bộ đường không, kỹ thuật rà phá bom mìn, lực lượng vệ binh quốc gia. Tham gia từ phía Mỹ và Canada có khoảng 500 binh sỹ.
Theo một nguyên lý bất biến của nghệ thuật quân sự là để phát động chiến tranh xâm lược cần có ưu thế vượt trội về lực lượng. Theo sự so sánh lực lượng ở Đông Âu của Mỹ và NATO với lực lượng của Nga và Belarus ở gần biên giới phía tây, cũng như căn cứ vào các cuộc tập trận của hai bên, sẽ là vô nghĩa khi NATO tuyên bố Nga đang theo đuổi tham vọng “đánh chiếm các nước Baltic”.
Vậy thông điệp chủ yếu của Nga từ cuộc tập trận Zapad-2017 là gì? Nga mời các quan sát viên quốc tế tới tham dự cuộc tập trận này nhằm mục đích duy nhất là chứng tỏ rằng, với tương quan lực lượng nghiêng hẳn về Mỹ và NATO ở Đông Âu, nhưng Nga và Belarus hoàn toàn có khả năng sẵn sàng đập tan và làm thất bại mọi hành động xâm lược tiềm tàng từ biên giới phía tây
Phản ứng trước động thái của NATO chuẩn bị chiến tranh chống Nga, Tổng thống V.Putin từng tuyên bố:“Matxcơva đã chuẩn bị sẵn sàng để vô hiệu hóa nguy cơ từ phía NATO và sẽ không để lặp lại thảm kịch năm 1941”. Nghĩa là, Nga không để bị bất ngờ như sự kiện phát xít Đức xé toạc Hiệp ước không tấn công lẫn nhau và bất ngờ tấn công Liên Xô vào tháng 6/1941, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Nga trong Chiến tranh thế giới lần thứ II[3].
***
Đại tá Lê Thế Mẫu - Viettimes.vn
Tài liệu tham khảo
[1] Вторжение войск НАТО в Белоруссию и Россию: их ответ на «Запад-2017». https://topwar.ru/125028-vtorzhenie-voysk-nato-v-belorussiyu-i-rossiyu-ih-otvet-na-zapad-2017.html
[2] Учения «Запад-2017»: скрытая репетиция войны с НАТО. https://topwar.ru/124914-ucheniya-zapad-2017-skrytaya-repeticiya-voyny-s-nato.html
[3] Владимир Путин: "Быть сильными: гарантии национальной безопасности для России". https://rg.ru/2012/02/20/putin-armiya.html
-------------------------------