Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 25-08-2017:
- Cập nhật : 25/08/2017
Mỹ - Hàn tập trận "thổi bùng ngọn lửa tức giận" của Triều Tiên?
Giới chuyên gia Nga – Trung nhận định, quân đội Mỹ - Hàn đã chọn sai thời điểm để tổ chức cuộc tập trận "Người bảo vệ Tự do Ulchi". Đợt diễn tập này sẽ chỉ khiến nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên càng gần hơn với thực tế.
"Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn diễn ra đúng thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng gia tăng và sự bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên đang đạt mức độ báo động", chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, ông Liu Zhao chia sẻ với Sputnik.
"Nếu quy mô của cuộc tập trận làm thổi bùng ngọn lửa tức giận của Triều Tiên, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục gia tăng và dẫn tới tình trạng báo động", ông Liu nhấn mạnh.
Còn theo Yonhap, Triều Tiên đã đe dọa "trả đũa tàn nhẫn" vì Washington và Seoul vẫn tiến hành cuộc tập trận Ulchi bất chấp tình hình căng thẳng hiện tại.
"Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm trước những hậu quả khủng khiếp vì tổ chức tập trận chung với Hàn Quốc. Mỹ đã chọn con đường đối đầu quân sự với Triều Tiên", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA tuyên bố.
Cuộc tập trận Ulchi có sự tham gia của 17.500 lính Mỹ cùng 50.000 lính Hàn Quốc cùng đạo quân tới từ 7 quốc gia đồng minh của Mỹ, đã được tổ chức sang năm thứ 41. Mục tiêu của cuộc tập trận là bảo vệ Hàn Quốc khỏi nguy cơ bị Triều Tiên xâm lược.
Trước tình trạng căng thẳng với Triều Tiên đang ở mức cao nhất trong nhiều thập niên qua, quân đội Mỹ ở Hàn Quốc đã quyết định cắt giảm số quân nhân tham gia cuộc tập trận chung với Hàn Quốc được bắt đầu từ ngày 21/8. Theo đó, cuộc tập trận năm nay chỉ có 17.500 binh sĩ Mỹ tham gia thay vì 25.000 binh sĩ như năm 2016.
Theo ông Liu, mặc dù, quân đội Mỹ - Hàn gọi đây là cuộc tập trận "thường niên" nhưng trong những năm gần đây, quân mô của cuộc diễn tập này đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, số lượng binh sĩ tham gia cuộc tập trận chung vẫn tăng đều. Điều này khiến Triều Tiên có cơ sở để tin rằng, cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là mối đe dọa tới an ninh quốc gia và tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa để bày tỏ thái độ phản đối.
"Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn và các vụ thử hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên đang tạo ra thách thức an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Đây là những hành động mang đầy rủi ro", ông Liu nhận định.
"Thông thường, Bình Nhưỡng phản ứng bằng những tuyên bố phản đối. Nhưng đôi khi, Triều Tiên phản ứng bằng cách phóng thử tên lửa và bắn đạn pháo trong thời gian diễn ra tập trận chung Mỹ - Hàn. Chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai, không thể loại bỏ bất cứ khả năng nào", ông Asmolov chia sẻ với Sputnik.
Cũng theo ông Asmolov, cuộc diễn tập của quân đội Mỹ - Hàn sẽ chỉ khiến tình hình trong khu vực càng trở nên tồi tệ. Trước đó, trong thời điểm diễn ra cuộc tập trận chung Ulchi hồi năm 2015, Seoul và Bình Nhưỡng đã bắn đạn pháo và rocket về phía nhau. Sự việc này xảy ra sau khi 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương do mìn ở khu vực phi quân sự giữa Hàn – Triều phát nổ. Hàn Quốc đã cáo buộc binh sĩ Triều Tiên là thủ phạm cài mìn gây ra tai nạn.
Nga và Trung Quốc cũng đã nhiều lần kêu gọi Washington - Seoul cân nhắc thi hành đề xuất "đóng băng kép". Trong đó, Triều Tiên sẽ ngừng thử tên lửa đổi lại, Mỹ - Hàn dừng tổ chức tập trận chung để tiến tới đối thoại mang tính xây dựng với Bình Nhưỡng.
Ngay cả trước thời điểm diễn ra cuộc tập trận Ulchi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hối thúc Mỹ - Hàn dừng diễn tập vì những quan ngại tới tình hình an ninh.
"Tình hình hiện tại trên bán đảo Triều Tiên đang cực kỳ nhạy cảm và phức tạp, đòi hỏi các bên liên quan bao gồm Mỹ và Hàn Quốc có những nỗ lực làm giảm căng thẳng", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói.
Theo ông Asmolov, chính quy mô của cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn bị xem là nguyên nhân thổi bùng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, cuộc tập trận Ulchi có thể so sánh với cuộc diễn tập lớn của Nga và Belarus mang tên "Zapad" (Phương Tây) diễn ra vào tháng Chín tới. Tổng số quân nhân, nhân viên an ninh và quan chức dân sự Nga tham gia cuộc tập trận trên vào khoảng 60.000 - 100.000 người.
"Cả Ukraine và các nước vùng Baltic đã nâng mức báo động trước cuộc tập trận của Nga và Belarus. Nếu như cuộc tập trận Zapad ở vùng biên giới phía tây nước Nga có quy mô tương tự như cuộc tập trận Mỹ - Hàn thì khả năng vấn đề này sẽ được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra thảo luận", ông Asmolov nhấn mạnh. (Infonet)
------------------------------
Nhà ngoại giao Triều Tiên khẳng định không ngừng theo đuổi hạt nhân
Phát biểu tại Hội nghị Giải trừ quân bị, nhà ngoại giao Triều Tiên cho biết nước này sẽ không bao giờ đưa chương trình hạt nhân lên bàn đàm phán nếu Washington vẫn duy trì các chính sách bất lợi với Bình Nhưỡng.
Phát biểu tại Hội nghị Giải trừ quân bị do Liên Hợp Quốc bảo trợ, nhà ngoại giao Triều Tiên Ju Yong-chol cho biết chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ không bao giờ được đưa lên bàn đàm phán.
“Các biện pháp do Triều Tiên thực hiện nhằm củng cố hệ thống phòng thủ hạt nhân và phát triển các tên lửa liên lục địa là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp”, ông Ju nói tại diễn đàn Geneva, trong đó nhắc đến đe dọa hạt nhân từ Mỹ.
“Chừng nào các chính sách thù địch và đe dọa hạt nhân từ Mỹ còn không thay đổi, Triều Tiên sẽ không bao giờ đặt chương trình phòng thủ hạt nhân của mình lên bàn đàm phán'', đại điện của Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Ông Ju cũng cho biết Triều Tiên không hài lòng với đợt tập trận gầy đây nhất của Mỹ và Hàn Quốc. Ông cảnh báo tập trận này sẽ giống như thêm dầu vào lửa, khiến căng thẳng trở nên trầm trọng hơn.
Phát biểu này được đưa ra sau khi Đại sứ Mỹ Robert Wood tại hội nghị nói ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Donald Trump là bảo vệ Mỹ cùng các đồng minh chống lại mối đe dọa ngày càng lớn từ Triều Tiên và Mỹ đã sẵn sàng sử dụng toàn lực để đối phó.
Ông Wood nói: "Phương án đối thoại vẫn được cân nhắc với Bình Nhưỡng và Triều Tiên có cơ hội lựa chọn giữa một bên là đói nghèo, căng thẳng còn một bên là thịnh vượng, đồng thuận".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Taro Kono kêu gọi cộng đồng quốc tế duy trì áp lực để Triều Tiên phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân giữa căng thẳng đang leo thang trong khu vực.(VTC)
-------------------------------------
Trung Quốc cảnh báo Mỹ phải trả giá
Trung Quốc cực lực phản đối các động thái mới của Mỹ nhằm gây sức ép với Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố chống lại "thẩm quyền cánh tay dài" của chính quyền Mỹ.
Theo CNBC, Bắc Kinh cũng khẳng định rằng họ luôn đáp ứng bổn phận quốc tế trong việc kiềm chế nước láng giềng Triều Tiên.
Bộ Tài chính Mỹ hôm 22/8 thông báo các hình phạt mới chống lại 10 tổ chức, 6 cá nhân, hầu hết là của Trung Quốc và Nga, vì giúp đỡ Triều Tiên theo cách hỗ trợ chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này. Bộ Tài chính Mỹ mô tả, mục tiêu của lệnh trừng phạt mới là nhằm vào công ty và cá nhân của quốc gia thứ ba.
Quyết định trên được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Bắc Kinh và Moscow nhất trí với lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên.
"Trung Quốc phản đối trừng phạt đơn phương, ngoài khuôn khổ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đặc biệt là thẩm quyền cánh tay dài, vốn do một quốc gia khác áp đặt lên các tổ chức và cá nhân của Trung Quốc, dựa trên luật nội địa của họ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying tuyên bố tại một cuộc họp báo hôm 23/8.
Thẩm quyền cánh tay dài là thuật ngữ nói về việc thi hành xét xử đối với các công ty ngoại quốc.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc tuyên bố, Mỹ sẽ phải trả giá cho lệnh cấm bất công áp đặt lên các công ty Trung Quốc. Báo này lập luận, hành động đó vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. "Cho tới giờ, các trừng phạt của Mỹ mới chỉ tác động ít lên Trung Quốc song nó phá vỡ luật lệ và xúc phạm Bắc Kinh".(Vietnamnet)