Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý 25-08-2017
- Cập nhật : 25/08/2017
Nghị sĩ Mỹ đề nghị bãi chức Tổng thống Trump vì... “bất ổn thần kinh”
Theo hãng tin CNN, Nghị sĩ đảng Dân chủ Jackie Speier vừa bày tỏ lo ngại trước sức khỏe tinh thần của Tổng thống Mỹ Donald Trump và kêu gọi bãi chức ông theo Tu chính án thứ 25 của Mỹ.
Bà Speier cho biết hiện đang “có một núi bằng chứng cho thấy hành động của Tổng thống Mỹ rất thất thường” và “cho thấy sự bất ổn về thần kinh”.
“Điều này có thể thấy rõ trong một loạt phát ngôn của ông về lửa cuồng nộ đối với lãnh đạo Kim Jong-un và Triều Tiên vào tuần trước, cũng như những luận điệu trái ngược nhau về cuộc bạo động ở Charlottesville (Mỹ) và việc ông ta gần như sỉ nhục nhiều người khi nói về cảm nhận của mình về vụ việc này”, bà Speier cho biết.
“Nếu anh nhìn vào những cuộc phỏng vấn của ông ta sáu năm về trước, anh có thể thấy rằng câu nói nào của ông Trump cũng rõ ràng, trong khi giờ đây ông gặp khó khăn đưa ra từng từ một và rồi nói sang câu sau có nội dung khác hẳn câu trước”, bà nói thêm. “Với tôi đó là dấu hiệu cho thấy ông ta đang có vấn đề”.
Bà Speier cho biết bà cảm thấy lo lắng cho người dân Mỹ. “Tôi rất lo ngại khi ông ta là người đang đặt tay lên cái nút bấm có thể phóng đầu đạn hạt nhân ra khắp thế giới”, bà nói.
Bà Speier là một trong những nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng ông Trump phải bị bãi chức theo Tu chính án thứ 25 của Mỹ, có nội dung rằng Phó Tổng thống và đa số nội các có quyền tuyên bố Tổng thống Mỹ không thể thực thi nghĩa vụ của mình.
Tu chính án thứ 25 này được áp dụng vào năm 1967, 4 năm sau khi Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị ám sát, để đề phòng trường hợp Tổng thống hoặc Phó Tổng thống của Mỹ không có khả năng làm việc.
Bà Speier lấy ví dụ Tu chính án thứ 25 từng được kích hoạt dưới thời Tổng thống George W. Bush. Năm 2007, ông Bush đã trải qua một cuộc nội soi trực tràng và phải tạm thời chuyển giao quyền lực Tổng thống cho Phó Tổng thống Dick Cheney. Tuy vậy, Tu chính án thứ 25 chưa từng được dùng để bãi chức một Tổng thống đương nhiệm.
Bà Speier cho biết khả năng thực hiện nghĩa vụ Tổng thống của ông Trump là điều mà thành viên cả hai đảng đã bàn tán rất nhiều trong thời gian qua.
Phát ngôn của bà Speier được đưa ra trước khi ông Trump có bài phát biểu tại thành phố Phoenix, bang Arizona (Mỹ). Tại đây ông đã nói về những phát biểu của mình về vụ bạo động ở Charlottesville, đồng thời lên án truyền thông đang khiến uy tín của ông giảm sút.
Ông Trump cũng công kích hai thượng nghị sĩ bang Arizona của đảng Cộng hòa, đồng thời có ý ân xá cho một cựu cảnh sát trưởng Arizona và ám chỉ rằng chính phủ liên bang sẽ ngừng hoạt động trong vài tuần tới.
Bài phát biểu này diễn ra sau khi ông Trump khiến nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa có thêm hi vọng sau khi ông có ý định triển khai thêm quân tới Afghanistan. Tuy nhiên nó cũng khiến nhiều người, trong đó có cựu giám đóc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper, nghi ngờ về khả năng thực thi nghĩa vụ Tổng thống của ông Trump.(Infonet)
---------------------------
Nga cho máy bay ném bom chiến lược hoạt động sát Hàn Quốc, Nhật Bản
Theo bộ Quốc phòng Nga, các máy bay ném bom chiến lược của họ được điều đi làm nhiệm vụ trên biển Thái Bình Dương tại vùng biển Nhật Bản, biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông.
Trong tuyên bố ngày 24/8, bộ Quốc phòng Nga cho biết những chiếc máy bay ném bom Tupolev-95MS đã được cử đến vùng biển quốc tế làm nhiệm vụ. Các máy bay này được hộ tống bởi máy bay chiến đấu Sukhoi-35S và máy bay cảnh báo sớm A-50.
Chi tiết về tổng số máy bay tham gia nhiệm vụ cùng lý do và thời điểm diễn ra vẫn chưa được tiết lộ.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, máy bay ném bom TU-95MS được nạp nhiên liệu trên không trong khi làm nhiệm vụ này. Trên một số lộ trình, các máy bay này sẽ được hộ tống bởi máy bay chiến đấu của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tupolev Tu-95 là loại máy bay ném bom và mang tên lửa chiến lược được Liên Xô chế tạo trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Máy bay sử dụng động cơ tuốc-bin cánh quạt, có thể đủ chỗ cho một phi hành đoàn 7 người gồm 2 phi công.(VTC)
---------------------------------
Chiến sự Syria vào giai đoạn quyết định, Mỹ và Nga bất ngờ “thân mật” nhau
Theo hãng tin Reuters, mặc dù căng thẳng giữa Mỹ và Nga đang nóng lên, song tại Syria, các cuộc đối thoại giữa quân đội hai nước đang phần nào xoa dịu tình hình xung đột.
Đã bốn tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định tấn công bằng tên lửa xuống một căn cứ không quân Syria sau khi chính quyền Syria bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học.
Vào tháng 6, quân đội Mỹ cũng bắn rơi một máy bay chiến đấu của Syria, đánh dấu lần đầu tiên Mỹ bắn rơi phi cơ quân sự của nước khác từ năm 1999 tới nay cũng như bắn hạ hai máy bay không người lái khác của Iran.
Tuy nhiên trong suốt thời gian qua, các quan chức quân đội Mỹ và Nga đã giữ liên lạc chặt chẽ với nhau ở Syria. Một số quan chức Mỹ cho biết, các cuộc đối thoại này đang giúp phan chia các khu vực do các lực lượng do Mỹ và Nga hậu thuẫn kiểm soát để tránh xảy ra giao tranh.
Quân đội hai nước còn thiết lập một đường dây nóng với nhau. Các quan chức Mỹ cho biết hai bên đã có khoảng 10 đến 12 cuộc gọi qua đường dây nóng này, qua đó giúp máy bay Mỹ và Nga có thể hoạt động biệt lập với nhau.
Đây là điều không phải dễ dàng trong lúc chiến tranh ở Syria còn phức tạp. Moscow đang hỗ trợ quân đội Syria giành lại phần lãnh thổ từ tay quân nổi dậy cùng các phần tử Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong khi đó, Mỹ đứng về phía một số nhóm vũ trang người Kurd và Ả Rập đang tập trung tiêu diệt IS, cũng như các lực lượng nổi dậy nhằm lật đổ chính quyền Syria.
Các tướng Mỹ cấp cao cho biết, mặc dù các cuộc trao đổi đôi lúc gặp khó khăn, song hai bên vẫn liên tục giữ liên lạc. “Thực tế là chúng tôi đã vượt quá rất nhiều vấn đề nan giải và hai bên đã tìm cách giữa vững đường ranh giới rõ ràng để quân đội Mỹ và Nga có thể hoạt động và tiếp tục nhiệm vụ của mình”, Trung tướng Jeffrey Harrigian, chỉ huy Không quân Mỹ tại Trung Đông cho biết.
Trong lúc cả hai bên đang nỗ lực để giành lại những phần lãnh thổ mà IS đang chiếm đóng, nguy cơ xảy ra va chạm ngoài ý muốn giữa máy bay Nga và Mỹ đang tăng lên. “Chúng tôi phải đàm phán với Nga, và đôi lúc cuộc gọi trở nên căng thẳng. Chúng tôi phải bảo vệ chính mình, các lực lượng đồng minh mà vẫn có thể tiêu diệt kẻ địch”, ông Harrigian nói.
Vụ việc Mỹ bắn rơi phi cơ Su-22 của Syria một lần nữa cho thấy nguy cơ xảy ra nhầm lẫn trong các hoạt động quân sự ở Syria là rất cao. Một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết, ngoài chiếc Su-22 bị bắn rơi, hai máy bay chiến đấu khác của Nga cùng một phi cơ F-22 khác của Mỹ ở độ cao lớn hơn hai máy bay này cũng đang hoạt động trong khu vực.
Sau khi vụ việc này xảy ra, Moscow đã cảnh báo rằng họ sẽ coi các phi cơ bay từ hướng tây sông Euphrates là máy bay địch, song phi cơ Mỹ vẫn có mặt trong khu vực và Quân đội Mỹ vẫn tiếp tục liên lạc chặt chẽ với Nga.
“Nga đã tỏ ra rất chuyên nghiệp, thân thiện và hành động có kỷ luật”, Trung tướng Stephen Townsend, chỉ huy quân đội Mỹ tại Iraq cho biết.
Hiện tại, các lực lượng thân Mỹ đang tập trung cho cuộc chiến nhằm giành lại Raqqa (Syria), nơi được coi là “kinh đô” của IS. Các quan chức cho biết họ đang đàm phán với Nga để thiết lập một đường ranh giới ảo phân chia giữa các lực lượng do Mỹ và Nga hậu thuẫn, trong bối cảnh quân chính quyền Syria đang tiến quân về phía tỉnh Deir ez-Zor.
Deir ez-Zor có trữ lượng dầu mỏ rất lớn, do đó nó rất quan trọng đối với chính phủ Syria. Phần lớn tỉnh này vẫn đang bị IS kiểm soát, song quân đội Syria và các lực lượng vũ trang đồng minh đang coi việc giành lại khu vực này là ưu tiên hàng đầu.
Trong khi đó, Lực lượng Syria Dân chủ (SDF) do Mỹ hậu thuẫn cũng có kế hoạch giành lại tỉnh này. Phát ngôn viên SDF Talal Silo cho biết họ sẽ tổ chức một chiến dịch quân sự tới Deir ez-Zor “trong tương lai gần”. Dù vậy rất có thể họ sẽ phải tập trung để giải phóng hoàn toàn thành phố Raqqa trước khi tiến hành chiến dịch này.(Infonet)
----------------------
Việt Nam phản đối Đài Loan diễn tập bắn đạn thật ở Trường Sa
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định việc Đài Loan nhiều lần tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Tuyên bố này được bà Lê Thị Thu Hằng đưa ra khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Đài Loan diễn tập bắn đạn thật ở đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa.
"Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việc Đài Loan nhiều lần tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông", người phát ngôn khẳng định.
Bà Hằng cũng nhấn mạnh thêm rằng một lần nữa, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không để tái diễn các hành động tương tự.
------------------------------