Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sáng 25-08-2017:
- Cập nhật : 25/08/2017
Sự im lặng "đáng sợ" của Triều Tiên
Sau một loạt những sự việc “lời qua tiếng lại” căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi đầu tháng này, một sự im lặng kỳ lạ đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên.
Theo Business Insider, đã 27 ngày kể từ sau vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng và 14 ngày kể từ khi máy bay ném bom B-1 của Washington bay lượn trên bán đảo. Cũng như việc Hoa Kỳ lên án các vụ thử tên lửa của Triều Tiên thì Bình Nhưỡng cũng không hài lòng với việc máy bay ném bom Mỹ thường xuyên qua lại.
Ngoài ra, tại Liên Hiệp Quốc, Washington cũng là nước tiên phong trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng, sau đó là các ngân hàng thứ phát tại Trung Quốc và Nga vì có làm ăn với Triều Tiên. Thông thường, Bình Nhưỡng sẽ đáp trả lại các biện pháp cấm vận này một cách mạnh mẽ, nhưng không phải lần này.
Tuy nhiên, phía Mỹ cũng đã có động thái giảm căng thẳng. Quân đội Hoa Kỳ đã giảm quy mô các cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc, cụ thể là cuộc tập trận “Người bảo vệ Tự do Ulchi” vừa diễn ra. Triều Tiên thường đưa ra những lời lẽ chỉ trích nặng nề các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn nhưng hầu hết chỉ là nói chứ không thực hiện.
Trong khi đó, Mỹ khẳng định việc giảm số lượng binh lính tham gia tập trận không liên quan tới căng thẳng với Triều Tiên, tuy nhiên, các chuyên gia lại đặt ra nghi ngờ về thời điểm mà Hoa Kỳ đưa ra quyết định trên.
“Tôi nghĩ rằng quy mô của cuộc tập trận đã được giảm xuống một cách có chủ ý. Ngoài ra, lần tập trận này không chỉ giảm số lượng binh lính tham gia mà còn hạn chế hơn về các thiết bị quân sự”, Yun Sun, chuyên gia về Triều Tiên của Viện Stimson, cho Business Insider biết.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã khen ngợi việc Triều Tiên có dấu hiệu giảm căng thẳng, ông cho hay “rất hài lòng khi thấy Bình Nhưỡng đã thể hiện một số động thái kiềm chế” và việc tiếp tục im lặng như thế này có thể “dẫn tới đối thoại vào một lúc nào đó trong tương lai”.
“Tôi tin rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã bắt đầu tôn trọng chúng tôi. Và tôi cũng rất tôn trọng sự thật đó”, Tổng thống Donald Trump phát biểu hôm 22/8 vừa qua.
Mặc dù các chuyên gia về Triều Tiên dự đoán sẽ có nhiều động thái căng thẳng và nguy hiểm hơn có thể xảy ra giữa Washington và Bình Nhưỡng trong tháng 8 này nhưng dường như “hỏa lực và cơn thịnh nộ” đã không xảy ra như lời ông Trump nói mà thay vào đó cánh cửa dẫn tới hòa bình có thể sẽ rộng mở hơn.
Bà Yun Sun nhận định “khoảng thời gian từ tháng 9 tới tháng 3 năm sau có thể có cơ hội cho các biện pháp ngoại giao bởi trong 5-6 tháng này không diễn ra một cuộc tập trận nào”. Sau tháng 8, tất cả mọi điều kiện sẽ sẵn sàng để Mỹ và Triều Tiên bắt đầu đàm phán về hòa bình.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng, mục tiêu từ nhiều thập kỷ nay của Bình Nhưỡng là phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiệt hạch vì vậy nước này sẽ không dễ dàng từ bỏ. Washington từng đánh giá mặc dù Bình Nhưỡng thời gian gần đây thường xuyên đẩy mạnh quá trình phát triển ICBM, song Triều Tiên vẫn còn thiếu bom hydro, loại bom có sức công phá lớn hơn một quả bom nguyên tử thông thường.
Bà Sun cho rằng Triều Tiên luôn chứa đựng những bất ngờ và sự im lặng kỳ lạ này có thể là một “mưu đồ” để dẫn tới những con đường leo thang khủng khiếp hơn. “Một đồn đoán được đưa ra, đó là sự yên ắng của Bình Nhưỡng có thể là để mở đường cho vụ thử hạt nhân lần thứ 6 trong tháng 9”, bà Sun phân tích.
Theo bà, Triều Tiên có thể có động lực đàm phán một khi nước này đạt được năng lực hạt nhân toàn diện và như vậy sẽ rất khó có thể giải giáp vũ khí của Bình Nhưỡng cũng như hoàn thành mục tiêu một thế giới không hạt nhân của Hoa Kỳ.(Infonet)
--------------------------
Những lần Triều Tiên lộ thông tin quân sự trong ảnh chụp ông Kim Jong-un
Không hiểu do vô tình hay cố ý, truyền thông Triều Tiên từng nhiều lần để lộ những thông tin quân sự quan trọng trong các tấm ảnh chụp lãnh đạo nước này.
Mới đây nhất, bức ảnh chụp ông Kim thăm Viện Vật liệu Hóa học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc phòng Triều Tiên, nơi ông được báo cáo về quá trình sản xuất đầu đạn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và động cơ tên lửa để lộ những thông tin về tham vọng mới của Bình Nhưỡng.
Hình ảnh này ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới phân tích khiến họ phải vào cuộc để tìm kiếm các thông tin về một loại tên lửa đạn đạo mới có tên “Pukguksong-3”, dòng tên lửa tiếp theo sau hai phiên bản tên lửa Pukguksong tầm trung, sử dụng nhiên liệu rắn trước đó của Triều Tiên.
"Đây là điều mà Triều Tiên muốn cho chúng ta thấy hoặc ít nhất là mô tả chương trình tên lửa nhiên liệu rắn của họ đang đạt tiến bộ một cách vững chắc", CNN dẫn lời David Schmerler thuộc Trung tâm James Martin về Nghiên cứu không phổ biến hạt nhân thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Monterey cho hay.
Trong bức ảnh khác được chụp cùng ngày, ông Kim được nhìn thấy đứng cạnh một vật thể hình trụ lớn màu đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia, đây có thể là vỏ tên lửa bằng chất dẻo gia cố và việc sử dụng nguyên liệu này sẽ giúp trọng lượng của tên lửa mới nhẹ hơn so với các phiên bản tên lửa làm từ kim loại truyền thống, qua đó giúp tên lửa Triều Tiên bay xa hơn.
Trước đó vài ngày, tờ Rodong Sinmun cho đăng tải tấm ảnh chụp nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng tại Viện vật lỹ hóa học. Điều đáng lưu ý trong tấm ảnh là tấm bảng treo trên tường có vẻ như là các thông tin liên quan tới Pukguksong 3
Quay trở lại cách đây vài tuần, vào thời điểm căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ đang lên tới đỉnh điểm, truyền thông Triều Tiên cho đăng tấm ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhóm họp cùng các tướng lĩnh trong phòng.
Trong bức ảnh, nhà lãnh đạo Triều Tiên cầm cây gậy chỉ vào một tấm bản đồ có tên "Kế hoạch tấn công bằng hỏa lực của lực lượng đặc nhiệm" mô phỏng quỹ đạo tên lửa hướng tới đảo Guam của Mỹ.
Bên cạnh đó, tờ Daily Star còn phát hiện thêm một ảnh vệ tinh chụp căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, tiền đồn quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương xuất hiện ở cuối căn phòng và các tấm bản đồ chỉ rõ của bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản treo trên tường.
Một lần lộ bí mật quân sự qua ảnh khác của Triều Tiên được ghi nhận vào ngày 15/5 khi tờ Rondong Sinmun đăng tải những hình ảnh đầu tiên về vụ thử tên lửa đạn đạo của nước này tại khu vực Kusong một ngày trước đó.
Trong số những hình ảnh này có một tấm ảnh chụp ông Kim tươi cười khi trực tiếp giám sát vụ phóng thử tên lửa. Ông Kim Jong-un được nhìn thấy đang ngồi ở chiếc bàn với tấm bản đồ đặt trước mặt. Tấm bản đồ này được cho là mô phỏng đường bay dốc đứng và vị trí rơi dự kiến của tên lửa là ngoài khơi bờ biển Nga.
Đặc biệt mới đây, khi Triều Tiên liên tục đe dọa tấn công Mỹ, người ta lục lại một tấm ảnh cách đây 4 năm và khẳng định đây có thể là bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng đã lên kế hoạch bắn tên lửa vào phần lục địa Mỹ nhiều năm trước.
Cụ thể, trong tấm ảnh chụp nhà lãnh đạo Triều Tiên nhóm họp với các tướng lĩnh trong phòng, ông Kim được nhìn thấy đang ngồi đọc tài liệu trên bàn, bên cạnh ông phía bên phải là tấm bản đồ quân sự chi tiết có tiêu đề "Kế hoạch tấn công lục địa Mỹ của các lực lượng chiến lược".
Không dừng lại ở đó, giới phân tích còn chỉ ra 4 thành phố Mỹ mà Bình Nhưỡng nhắm tới làm mục tiêu nã tên lửa từ tấm ảnh này.
Hàn Quốc cũng từng là mục tiêu xuất hiện trong bức ảnh đăng trên tờ Rodong Sinmun cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang cùng các tướng lĩnh theo dõi vụ thử tên lửa.
Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc sau khi nghiên cứu độ cao lý tưởng của kíp nổ và so sánh nó với đường quỹ đạo được vạch ra trên bản đồ trong ảnh đã khẳng định Busan sẽ trở thành mục tiêu đầu tiên nếu Bình Nhưỡng kích hoạt vụ tấn công hạt nhân.(VTC)
---------------------------
Triều Tiên khéo léo khoe tên lửa đạn đạo mới
Các bức ảnh được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 23-8 đã cho thấy những tiến bộ bất ngờ của Bình Nhưỡng trong chương trình tên lửa đạn đạo.
Tên lửa mới của Triều Tiên được tiết lộ qua bức ảnh công bố ngày 23-8. Trong ảnh: (1) Thông tin về tên lửa đạn đạo Pukguksong-3; (2) các chỉ thị của nhà lãnh đạo Kim Jong Un; (3) thông tin về một loại tên lửa đạn đạo khác có tên Hwasong-13 - Ảnh chụp màn hình CNN
Ngày 23-8, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đến thăm Viện vật liệu hóa học thuộc Viện hàn lâm khoa học quốc phòng Triều Tiên.
"Lãnh tụ đã chỉ đạo viện phải tiếp tục tăng cường chế tạo động cơ nhiên liệu rắn và đầu đạn hạt nhân", bản tin của KCNA nêu rõ. Tuy nhiên, đó không phải là điểm đáng chú ý.
Các bức ảnh ông Kim đang thị sát và nghe báo cáo được KCNA công bố, không rõ vô tình hay hữu ý, đã tiết lộ những bước tiến đáng kể của Bình Nhưỡng về công nghệ tên lửa.
Một áp phích xuất hiện trong một bức ảnh đã tiết lộ về một tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên có tên Pukguksong-3.
Đây dường như là biến thể mới của tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-1 và Pukguksong-2 đều đã được Triều Tiên bắn thử trong năm nay.
Trong một bức ảnh khác, nhà lãnh đạo Triều Tiên đứng cạnh một ống trụ lớn màu vàng đồng. Các chuyên gia nhận định nhiều khả năng đây là chất liệu vỏ bọc tên lửa thế hệ mới.
Hai chuyên gia Michael Duitsman và David Schmerler thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Monterey cho rằng việc công bố những tấm ảnh có các chi tiết trên là sự tính toán có chủ đích của Triều Tiên.
Theo hai vị này, việc tăng tốc phát triển động cơ tên lửa nhiên liệu rắn của Triều Tiên đã quá rõ, cho phép quá trình phóng tên lửa diễn ra một cách nhanh chóng hơn trước.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của loại vỏ bọc mới khiến hai chuyên gia này bất ngờ.
"Trong những năm 1960, khi hải quân Mỹ chuyển sang sử dụng các vỏ bọc tên lửa nhẹ hơn, kết quả nó đã bay xa thêm đến 800 km", ông Schlermer nói với đài CNN.
Kết hợp với động cơ nhiên liệu rắn và loại vỏ bọc nhẹ hơn, tham vọng mà Triều Tiên đang hướng tới là tăng tầm bắn của tên lửa.
"Tôi không nghĩ việc công bố các bức ảnh trên là một tai nạn nghề nghiệp. Đó là cách mà Bình Nhưỡng báo cho thế giới biết họ sẽ sớm đạt được những thứ đó", ông Schlermer nói thêm.
Triều Tiên đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt đa phương và đơn phương vì chương trình hạt nhân-tên lửa của nước này. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ con đường đã chọn.
Dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Un, quốc gia này đã tiến hành hàng chục vụ bắn thử tên lửa đạn đạo từ tầm chiến thuật đến tầm trung và xuyên lục địa (Tuoitre)