Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 22-09-2017
- Cập nhật : 22/09/2017
Những toan tính sắc lạnh của Triều Tiên
Mục tiêu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là chia rẽ Mỹ và đồng minh, đồng thời làm dấy lên câu hỏi liệu Washington có thể bảo đảm an ninh trong khu vực hay không.
Triều Tiên lại phóng tên lửa. Trong vòng 2 tuần kể từ khi tiến hành thử nghiệm điều mà Triều Tiên mô tả là một quả bom nhiệt hạch (bom H), quốc gia này tiếp tục phóng một quả tiên lửa đạn đạo tầm trung bay qua Nhật Bản.
So với quả tên lửa đầu tiên bắn qua Nhật Bản vào hôm 29-8, quả tên lửa hôm 15-9 của Triều Tiên bay cao hơn và xa hơn. Thực tế, vụ thử nghiệm tên lửa hôm 15-9 là vụ thử nghiệm đạt được phạm vi ấn tượng nhất. Quả tên lửa bay được quãng đường 3.700 km, vừa đủ để tấn công vùng lãnh thổ Guam của Mỹ.
Thực tế, Triều Tiên từng bắn tên lửa bay qua Nhật Bản vào những năm 1998, 2009, 2012 và 2016. Tuy nhiên, những lần bắn này chỉ nhằm đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Trong khi đó, hai quả tên lửa được thử nghiệm mới đây nhằm tấn công hạt nhân các mục tiêu ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
South China Morning Post (SCMP) nhận định hai quả tên lửa nêu trên, được thiết kế để mang theo đầu đạn hạt nhân, chính là một hành vi khiêu khích mới, đặc biệt là khi Bình Nhưỡng trước đây từng đe dọa tấn công đảo Guam.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo Hwasong-12 hồi đầu tháng. Ảnh: Reuters
Các hành động của ông Kim Jong-un dù mang tính khiêu khích, song lại hợp lý và giúp cho bản thân ông lẫn các nhà khoa học Triều Tiên hiểu rõ hơn về những kỹ thuật quan trọng để từ đó cải thiện năng lực quốc phòng của Triều Tiên.
Về mặt kỹ thuật, những vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm cao cho phép Triều Tiên chứng minh khả năng của các tên lửa này trên quỹ đạo.
Vụ phóng hôm 15-9 cho thấy tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 được thử nghiệm với tầm bắn dường như là tối đa. Quãng đường bay 3.700 km không phải là một con số ngẫu nhiên. Nó chứng minh rằng Triều Tiên có khả năng tấn công đảo Guam.
Các vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên còn nhằm chia rẽ Mỹ và đồng minh, theo SCMP. Bằng việc đưa TP Los Angeles và Chicago vào tình thế nguy hiểm, Triều Tiên khiến Mỹ thêm phần khó khăn trong việc đảm bảo an toàn cho các đồng minh ở khu vực Đông Á.
Hơn nữa, Triều Tiên từng nhiều lần kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc thay đổi tập trận nếu muốn các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng diễn ra chậm hơn hoặc là thậm chí là ngưng.
Với Nhật Bản, thông điệp mà Triều Tiên muốn gửi đến là rõ ràng. Những động thái khiêu khích của Bình Nhưỡng đang đặt Nhật Bản vào tình thế bị đe dọa trực tiếp vì Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở bán đảo Triều Tiên.
Với vụ thử nghiệm hôm 15-9, Triều Tiên muốn tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt mở rộng của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không thể ngăn cản được tham vọng hạt nhân của họ.
Bằng cách gây sức ép lên đồng minh của Mỹ thông qua các vụ thử nghiệm tên lửa, Triều Tiên tin rằng họ có thể đạt được mục tiêu cuối cùng đó là buộc Mỹ chấm dứt điều mà họ mô tả là "chính sách thù địch".
Chính sách thù địch này bao gồm việc Mỹ duy trì hiện diện quân sự ở khu vực Đông Á cũng như mọi nỗ lực thúc đẩy LHQ tiến hành các biện pháp trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng hay các tín hiệu chiến lược của Washington ở Đông Nam Á, chẳng hạn việc sử dụng máy ném bom chiến lược B-1B Lancer.
Tuy nhiên, theo SCMP, kế hoạch của Triều Tiên nhiều khả năng sẽ không thành công, đặc biệt là khi chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày càng cứng rắn. Ông Donald Trump cùng các cố vấn luôn nhấn mạnh với Bình Nhưỡng rằng họ đã chuẩn bị "mọi phương án" đối phó, bao gồm sử dụng sức mạnh quân sự.
Trong bối cảnh Triều Tiên liên tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo và Mỹ tiếp tục đe dọa Bình Nhưỡng, nguy cơ xung đột hoàn toàn cho thể xảy ra. (NLĐ)
---------------------------------
'Lách' lệnh trừng phạt, tàu chở nhiên liệu Nga băng băng tiến về Triều Tiên
Trong năm nay ít nhất có 8 tàu hàng Triều Tiên đã rời nước Nga đem theo kiện hàng chở đầy nhiên liệu hướng về đất mẹ, mặc dù trước đó các tàu này đánh lạc hướng bằng cách đăng kí điểm đến khác.
Theo giới quan chức Mỹ, đây được coi là một mánh khóe Triều Tiên sử dụng để sống sót qua các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân nước này.
Hãng thông tấn Reuters cho biết việc tàu Triều Tiên đến Nga và mang nhiên liệu về không phát hiện vi phạm luật. Việc thay đổi điểm đến của một con tàu trong khi vận hành không bị cấm và cũng chưa hề có bất kỳ thông tin nào xác minh những con tàu đó dỡ kiện hàng nhiên liệu tại Triều Tiên.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nhận định việc thay đổi điểm đến trong hành trình là một dấu hiệu trong chiến thuật của Triều Tiên nhằm tránh né các lệnh trừng phạt thương mại quốc tế.
Mẹo thay đổi đường đi và sử dụng một chuỗi các công ty khác nhau – trong đó có nhiều công ty ngoại biên – trong lĩnh vực vận tải bằng đường hàng hải có thể khiến giới giám sát gặp khó khăn khi xác định chính xác lượng nhiên liệu cung cấp cho Triều Tiên.
Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Marshall S. Billingslea giải thích trong cuộc họp Ủy ban các Vấn đề đối ngoại Quốc hội: “Như một phần trong các nỗ lực của Triều Tiên nhằm thu về lợi nhuận, quốc gia này sử dụng một mạng lưới vận tải qua đường hàng hải để nhập và xuất khẩu hàng hóa”.
Theo Hệ thống thông tin Kiểm soát Cảng biển Nga, 8 tàu hàng bị phát hiện trên xuất phát từ cảng Vladivostok hoặc Nakhodka thuộc vùng Viễn Đông, và đăng kí nơi đến là Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.
Tuy nhiên, sau khi rời Nga, đội tàu này lại được ghi nhận dừng chân ở các cảng Kimchaek, Chongjin, Hungnam và Najin của Triều Tiên. Không có chiếc tàu nào tới Trung Quốc và phần lớn trong số đó quay trở lại nước Nga.
Một nguồn tin từ công ty cung cấp dịch vụ tàu biển tại Vladivostok tiết lộ trên tất cả các tàu đều chứa kiện hàng dầu diesel. Trọng lượng của một thùng hàng đo được từ 500 đến 2.000 tấn.
Một trong tám chiếc tàu gây chú ý trên là Ma Du San, do công ty Vận tải Kyongun của Triều Tiên làm chủ quản. Con tàu đó đã chuyển vào một kiện hàng 545 tấn nhiên liệu tàu thủy tại bến Pervaya Rechka ở Vladivostok.
Theo vận đơn, kiện hàng mà Ma Du San vận chuyển xuất phát từ Khabarovskiy NPZ – một nhà máy lọc dầu do công ty dầu khí Độc lập Nga (IPC) quản lí.
Con tàu khởi hành ngày 20/5. Tài liệu dự trữ tại Hệ thống thông tin Kiểm soát Cảng biển Nga cho thấy, điểm đến tiếp theo của con tàu là cảng Zhanjiang (Trung Quốc) trong khi tờ vận đơn lại ghi cảng Busan (Hàn Quốc).
Tuy nhiên, trên thực tế, theo dõi vị trí Ma Du San, con tàu này sau khi rời Vladivostok đã xuất hiện tại cảng Kimchaek (Triều Tiên). Khi vào vùng lân cận cảng biển, các tàu Triều Tiên này có lúc tắt hệ thống tiếp sóng, chính vì thế vệ tinh không thể theo dõi tiếp hướng đi của tàu trong những khoảng thời gian trên.
Ngày 1/6, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa công ty IPC của Nga vào danh sách trừng phạt, buộc tội công ty này đã cung cấp dầu cho Triều Tiên. Ngày 22/8, chính phủ Mỹ tiếp tục trừng phạt thêm hai công ty nữa, Transatlantic Partners và Velmur Management, đăng kiểm tại Singapore.
Hai công ty này đã bị khiếu nại với tội danh “rửa tiền” thay cho những ngân hàng Triều Tiên bị cấm vận và tìm cách mua các sản phẩm dầu khí. Andrey Serbin – đại diện cho công ty Transatlantic Partners – trần tình: “Chúng tôi bán nhiên liệu cho một công ty Trung Quốc. Chúng tôi chỉ là người trung gian. Làm thế nào mà chúng tôi có thể kiểm soát được hàng hóa”.
Hiện IPC vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về vấn đề trên. Công ty mẹ, công ty dầu khí Alliance đăng kí tại Bermuda phủ nhận mối liên hệ làm ăn với công ty Triều Tiên khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt lên IPC.
Bộ Tài chính Mỹ cũng từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến thông tin mà Reuters tìm được. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga không trả lời câu hỏi về việc xuất khẩu nhiên liệu cho Triều Tiên, tuyên bố Nga tuân thủ việc trừng phạt. Hải quan Nga cũng cho biết không thể cung cấp thông tin về những chuyến hàng vận chuyển qua biên giới.
Kể từ khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên IPC, tất cả tàu hàng có cờ Triều Tiên đều rời khỏi cảng Vladivostok và không đem theo bất kỳ thùng hàng nào. (Baotintuc)
-------------------------
Bất chấp căng thẳng, Hàn Quốc phê chuẩn viện trợ 8 triệu USD cho Triều Tiên
Chính phủ Hàn Quốc ngày 21.9 quyết định cấp viện trợ trị giá 8 triệu USD cho CHDCND Triều Tiên thông qua các cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
Gói viện trợ nói trên nhằm hỗ trợ trẻ em và phụ nữ mang thai ở Triều Tiên mà Seoul cho rằng đang đối mặt một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, theo Yonhap.
“Chính quyền sẽ cân nhắc thời gian và mức độ viện trợ sau khi xem xét nhiều yếu tố khác nhau, như tình hình liên Triều”, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay trong một thông cáo. Seoul nhấn mạnh rằng việc mở rộng viện trợ cho Triều Tiên cần được xem xét, không liên quan tới căng thẳng địa chính trị với Bình Nhưỡng.
Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, khoảng 72% của 24,9 triệu dân Triều Tiên đang chịu tình trạng thiếu lương thực và suy dinh dưỡng. Trong đó có 1,3 triệu người, với nhiều trẻ và phụ nữ mang thai, cần được hỗ trợ khẩn cấp.
Trước đó, Quỹ Nhi đồng Liên Quốc (UNICEF) cũng đã kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em Triều Tiên và nhấn mạnh việc này không liên quan đến chính trị.
Động thái mới đánh dấu chính quyền Seoul nối lại việc viện trợ cho Triều Tiên thông qua các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, vốn bị tạm ngưng từ tháng 12.2015, theo Yonhap.(Thanhnien)