Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 22-09-2017

  • Cập nhật : 22/09/2017

Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế về tình hình Triều Tiên

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để ngăn căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên vượt khỏi tầm kiểm soát.

ngoai truong trung quoc vuong nghi tham gia mot cuoc hop cua hoi dong bao an nhan dip du dai hoi dong lan thu 72 lien hop quoc ngay 20/9. anh: reuters 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tham gia một cuộc họp của Hội đồng Bảo an nhân dịp dự Đại hội đồng lần thứ 72 Liên hợp quốc ngày 20/9. Ảnh: Reuters 

 

Lời kêu gọi này được đưa ra trong cuộc gặp của ông Vương Nghị với người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel, bên lề khóa họp 72 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tại New York, ngày 20/9 (theo giờ Mỹ). 

Tại cuộc gặp, ông Vương Nghị nhấn mạnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang ngày càng nghiêm trọng. Ông khẳng định Trung Quốc luôn ủng hộ giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên. Theo ông, không thể giải quyết được vấn đề nếu chỉ sử dụng các biện pháp trừng phạt và gây sức ép. 

Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần biến sức ép của các lệnh trừng phạt thành động lực cho các cuộc thương lượng ở thời điểm thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi, cũng như nắm bắt cơ hội đối thoại. 

Phía Trung Quốc đánh giá cao sự ủng hộ của Đức đối với đề xuất của Bắc Kinh, theo đó kêu gọi Triều Tiên ngừng các chương trình tên lửa và hạt nhân, trong khi Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung quy mô lớn. 

Về phần mình, Ngoại trưởng Đức bày tỏ quan ngại trước tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cũng như việc cơ chế giải trừ vũ khí hạt nhân của thế giới đang bị đe dọa. 

Ông Gabriel khẳng định, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên phải được giải quyết hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán, đồng thời nhấn mạnh loại trừ lựa chọn biện pháp quân sự. Phía Đức cũng bày tỏ sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên. 

Trước đó, trong cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha cũng bên lề khóa họp ĐHĐ LHQ, ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên. 

Theo thông báo ngày 20/9 của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, hai bộ trưởng nhất trí rằng việc Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3/9 và việc liên tục phóng tên lửa đạn đạo rõ ràng vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ cũng như đe dọa an ninh và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. 

Đặc biệt, bà Kang nhấn mạnh việc Trung Quốc đã ủng hộ HĐBA thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, đồng thời hối thúc Bắc Kinh đi đầu trong việc thực hiện nghiêm túc và minh bạch các biện pháp này. 

Về phần mình, ông Vương Nghị cho biết Bắc Kinh cam kết thúc đẩy các biện pháp này, trong đó có tăng cường trấn áp các hoạt động buôn lậu ở biên giới Trung - Triều. Tuy nhiên, quan chức này cũng nhấn mạnh quan điểm của Bắc Kinh là vấn đề Triều Tiên cần được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán. 

Liên quan chính sách đối với Triều Tiên, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono trong phát biểu bên lề khóa họp ĐHĐ LHQ ngày 20/9 cho biết nước này đang phối hợp triệt để với Trung Quốc trong việc đối phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. 

 

Theo ông Kono, qua các cuộc họp và điện đàm giữa các ngoại trưởng, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga thống nhất mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Nhật Bản cũng cho rằng Trung Quốc là nước có thể thuyết phục Triều Tiên do Bắc Kinh chiếm phần lớn hoạt động thương mại của Triều Tiên. 

Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết Tổng thống Moon Jae-in sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ và quốc tế gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên để Bình Nhưỡng không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. 

Dự kiến trong bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ ngày 21/9, ông Moon sẽ kêu gọi các nỗ lực quốc tế thông qua việc triển khai các nghị quyết của HĐBA LHQ áp đặt trừng phạt Triều Tiên, trong đó có nghị quyết được thông qua hồi tuần trước sau vụ thử hạt nhân của nước này hôm 3/9. 

Cuối ngày 21/9, ông Moon sẽ thảo luận với người đồng cấp Mỹ Donald Trump về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Sau đó, 2 nhà lãnh đạo sẽ tiến hành cuộc gặp 3 bên cùng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. 

Trước đó, ngày 19/9, trong bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phê phán phát biểu trên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng đây là một hành động sai lầm. Bà Merkel cho rằng các biện pháp trừng phạt và nỗ lực ngoại giao là cách đúng đắn duy nhất, và  bất kỳ giải pháp quân sự nào đều là không phù hợp. 

Trong phản ứng đầu tiên của Bình Nhưỡng đối với phát biểu của Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đã lên tiếng chỉ trích gay gắt, cho rằng lời đe dọa của ông Trump là vô nghĩa lý. 

Ông Ri Yong-ho đã đến New York ngày 20/9 và dự kiến có bài phát biểu trước ĐHĐ LHQ trong ngày 22/9 và gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vào ngày 23/9. (TTXVN)
----------------------

Mỹ có 'vũ khí bí mật' đối phó Triều Tiên

Ngay sau cảnh báo “hủy diệt hoàn toàn” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Lầu Năm Góc hé lộ về một loại vũ khí bí mật nhằm vào CHDCND Triều Tiên.

Tờ The Korea Herald ngày 20.9 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố nước này sở hữu một vũ khí “động năng” có thể dùng đối phó CHDCND Triều Tiên mà không gây nguy hại cho thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Mattis không tiết lộ cụ thể về loại vũ khí bí mật này.

“Chúng ta có các lựa chọn quân sự cho vấn đề bán đảo Triều Tiên nhưng tôi sẽ không đi vào chi tiết”, ông Mattis nói.

Bất chấp chênh lệch lớn về cán cân quân sự giữa Mỹ và Triều Tiên, mọi hành động quân sự nhắm vào Bình Nhưỡng có thể dẫn đến một cuộc đáp trả dữ dội bằng pháo, tên lửa và có thể là cả vũ khí sinh hóa nhằm vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc với 25 triệu dân và chỉ cách biên giới liên Triều gần 60 km.

Tuy Bộ trưởng Mattis không nói rõ chi tiết nhưng theo tờ The New York Times,Lầu Năm Góc từ lâu đã theo đuổi một chương trình tuyệt mật để phát triển vũ khí động năng. Đây là khái niệm chỉ một loại tên lửa cực nhanh, rất khó đánh chặn và không cần mang đầu đạn mà hủy diệt mục tiêu trên diện rộng một cách chớp nhoáng bằng năng lượng tạo ra khi va chạm ở tốc độ cao. Mặt khác, cũng có chuyên gia cho rằng thuật ngữ “lựa chọn động năng” không nhằm chỉ một loại vũ khí cụ thể nào mà hàm ý nói tới hành động quân sự trực tiếp nhằm vào mục tiêu nào đó.

Tuyên bố của người đứng đầu Lầu Năm Góc được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tại LHQ rằng nếu buộc phải bảo vệ chính mình và các đồng minh, Washington không có lựa chọn nào khác là phải “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên.

Những ngôn từ vô cùng cứng rắn này đã tạo ra phản ứng trái chiều từ nhiều phía. Reuters dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh lời cảnh báo của Tổng thống Trump là “cụ thể và cương quyết”, trong khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tỏ ra thận trọng hơn khi phát biểu: “Đây là lúc cần tới tài năng của các nhà chính trị. Chúng ta không thể mắt nhắm mắt mở tiến tới chiến tranh”. Trung Quốc không bình luận trực tiếp về cảnh báo của Tổng thống Trump, nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng tuyên bố các nghị quyết của LHQ “nêu rõ vấn đề Triều Tiên nên được giải quyết hòa bình thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao”.

Về phần mình, Triều Tiên gửi thông điệp đáp trả đối với bài phát biểu của Tổng thống Trump khi đại sứ Ja Song-nam nhanh chóng rời phòng họp của Đại hội đồng LHQ. Phái đoàn Triều Tiên nói với Đài NBC rằng họ đã “tẩy chay” phần trình bày của Tổng thống Trump và chỉ để lại một nhà ngoại giao cấp thấp. Trước đó, theo kết quả bốc thăm, các đại diện nước này được xếp ở hàng ghế đầu để ngồi nghe tổng thống Mỹ phát biểu.

Ngày 20.9, website Uriminzokkiri của Triều Tiên đăng tải bài viết tuyên bố trong trường hợp Mỹ “chọn đối đầu và chiến tranh, thách thức vị trí chiến lược của CHDCND Triều Tiên” thì Bình Nhưỡng sẽ đáp trả bằng cuộc tấn công hạt nhân thảm khốc và gây tàn phá hoàn toàn. (Thanhnien)
-------------------------

10 quốc gia châu Phi vẫn buôn bán vũ khí với Triều Tiên

Triều Tiên và nhiều quốc gia châu Phi đã và đang trở thành những đối tác thương mại ngày càng gắn kết, nhất là trong các thương vụ mua bán vũ khí.

 

ten lua trieu tien trong vu thu gan day - anh: reuters

Tên lửa Triều Tiên trong vụ thử gần đây - Ảnh: REUTERS

 

Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Công nghệ Massachusetts, hiện mỗi năm Bình Nhưỡng xuất khẩu lượng hàng hóa giá trị hơn 100 triệu USD tới châu Phi.

Một ủy ban của LHQ đang điều tra cáo buộc các nước châu Phi gửi hàng triệu USD cho Triều Tiên để mua vũ khí và các dịch vụ huấn luyện quân sự.

Báo cáo mới nhất của LHQ cho biết tính tới thời điểm này trong năm 2017, Triều Tiên đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 270 triệu USD.

Ủy ban của LHQ sẽ điều tra những cáo buộc liên quan tới Triều Tiên trong các việc: huấn luyện lực lượng bảo vệ tổng thống cho Cộng hòa dân chủ Congo và Angola; bán vũ khí tự động cho Congo; bán vũ khí và radio quân sự cho Eritrea; bán hệ thống tên lửa chống máy bay cho Mozambique; sửa chữa và nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không và hệ thống rađa phòng không của Uganda; bán cho Tanzania các hợp đồng trị giá 12,5 triệu USD liên quan tới vũ khí, khí tài quân sự.

Ngoài ra ủy ban này cũng sẽ điều tra về những vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ chưa được nêu rõ của Benin, Botswana và Zimbabwe. Đồng thời xác minh việc có phải Triều Tiên đang xây dựng một trung tâm thu thập thông tin tình báo và nhà máy sản xuất đạn dược ở Namibia hay không.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng cảnh báo bất cứ nước nào có quan hệ kinh tế hay quân sự hoặc bất cứ dạng thức quan hệ nào khác, nghĩa là "đang hỗ trợ và tiếp tay cho một chính quyền nguy hiểm".

Chính quyền của Tổng thống Trump cũng đe dọa cắt đứt quan hệ thương mại cũng như hủy bỏ chương trình hỗ trợ của họ với những nước tiếp tục làm ăn với Triều Tiên.

LHQ và Mỹ đặc biệt quan ngại về mối quan hệ giữa Namibia và Bình Nhưỡng, trong năm qua cũng đã gây áp lực để các nhà lãnh đạo Namibia cắt đứt quan hệ với Triều Tiên.

Tuy nhiên tại Namibia, quốc gia có 2,5 triệu dân, Triều Tiên đã thực sự cắm rễ được rất sâu trong quan hệ.

Uganda cũng bị cáo buộc có quan hệ sâu sắc với Triều Tiên khi tổng thống của nước này, ông Yoweri Museveni, biết nói tiếng Triều Tiên.

Trên thực tế, một nguồn tin của đài Mỹ cho biết chỉ 7% các nghị quyết LHQ liên quan tới châu Phi được châu lục này ủng hộ, thực thi. (Tuoitre)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục