Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 22-07-2017
- Cập nhật : 22/07/2017
Giám đốc CIA ám chỉ muốn lật đổ ông Kim Jong-un
Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) ngày 21-7 đưa ra một số bình luận cứng rắn liên quan tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Theo đài CNN, mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng nói Washington không chủ trương lật đổ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng giám đốc CIA, ông Mike Pompeo lại cho hay chính quyền Mỹ cần tìm ra cách chia tách ông Kim ra khỏi kho vũ khí hạt nhân ngày một lớn mạnh của Triều Tiên.
“Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, vô hiệu hóa các vũ khí đó hẳn là một điều tuyệt vời nhưng điều nguy hiểm nhất chính là ở nhân vật nắm quyền kiểm soát kho vũ khí đó hiện nay” – ông Pompeo nói tại một buổi thảo luận ở Diễn đàn an ninh Aspen.
Giám đốc CIA Mike Pompeo. Ảnh: AP
Giám đốc CIA tiếp tục: “Vì vậy nhìn từ quan điểm của chính quyền Mỹ, điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm là chia tách hai thứ kể trên. Đúng không?”.
Ông Pompeo cho hay cả cộng đồng tình báo và Bộ Quốc phòng đã được giao nhiệm vụ soạn thảo kế hoạch về “những điều cuối cùng phải đạt được” liên quan tới đe dọa hạt nhân Triều Tiên.
Khi được hỏi liệu ý của ông có phải là ủng hộ thay đổi chính quyền Triều Tiên hay không, ông Pompeo phủ nhận điều đó là cần thiết song dường như ám chỉ ủng hộ lật đổ ông Kim Jong-un. Ông nói ông tin rằng Mỹ có thể xử lý “từng chuyện nhỏ” trong mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên.
“Nói về chính quyền, tôi hy vọng chúng tôi sẽ tìm ra cách tách biệt chính quyền đó khỏi hệ thống này. Người dân Triều Tiên chắc hẳn là những người tốt và cũng mong muốn nhìn thấy ông Kim rời khỏi vị trí lãnh đạo” – ông Pompeo nói.
Trong phần chất vấn tại sự kiện, ông Pompeo nói rõ rằng ông không xem việc lật đổ nhà lãnh đạo Triều Tiên là “hoàn toàn tốt” cho Mỹ và chỉ ra những hậu quả khôn lường. Ông nói rõ đây không phải nhiệm vụ có thể thực hiện ngay tức khắc vào ngày mai và thách thức ở đây là phải thuyết phục các quốc gia khác.(PLO)
-------------------
Mỹ kêu gọi hải quân Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên
Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), Đô đốc John Richardson – Tư lệnh hải quân Mỹ hôm 20-7 đã nói qua điện thoại với người đồng cấp Trung Quốc, phó Đô đốc Phạm Trường Long rằng hải quân Trung Quốc nên sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để gây áp lực lên Triều Tiên giúp kiềm chế Bình Nhưỡng phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân.
Đô đốc John Richardson – Tư lệnh hải quân Mỹ . Ảnh: SCMP
“Ông Richardson đã bày tỏ quan ngại về chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc nên tận dụng tầm ảnh hưởng đặc biệt của nước này đối với Triều Tiên” – một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Trong thông cáo hải quân Mỹ cho biết, cuộc điện đàm diễn ra khoảng một giờ đồng hồ và hai vị quan chức đã bàn về việc cần thiết phải “hợp tác giải quyết các hành động khiêu khích và hành vi quân sự không thể chấp nhận của Triều Tiên”.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã xem Bắc Kinh là chìa khóa giúp kiềm chế Triều Tiên trong chương trình tên lửa và nhiều lần gây sức ép lên Trung Quốc. Tuy nhiên, hồi tháng trước ông Trump tuyên bố những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng đã thất bại.(PLO)
-------------------------
Tàu ngầm Triều Tiên bất ngờ đi vào biển quốc tế
Theo tờ The Sun (Anh), các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy một tàu ngầm lớp Sinpo của Triều Tiên, lớp tàu được thiết kế để phóng tên lửa đạn đạo, xuất hiện tại một căn cứ tên lửa tàu ngầm chính ở TP cảng Sinpo, giáp vùng biển phía Đông của Triều Tiên.
Các nhà phân tích đến từ trang 38 North chuyên về các vấn đề Triều Tiên cho biết họ phát hiện một số thay đổi trên tàu và địa điểm tàu ngầm này được neo.
Hai quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên ngày 20-7 nói với CNN rằng tàu ngầm này đã tham gia vào “hoạt động triển khai bất thường” trong 48 giờ qua. Tàu ngầm này đã di chuyển gần 100 km đi vào vùng biển quốc tế ở biển Nhật Bản. Đây là hải trình dài nhất từ trước đến nay của tàu ngầm này.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát trên một tàu ngầm của nước này. Ảnh: KCNA
“Hiện nguyên nhân lý giải chính xác cho động thái này vẫn chưa rõ, nhưng có một khả năng là Triều Tiên đang thực hiện công tác chuẩn bị dài hạn cho một vụ phóng tên lửa sắp tới” – 38 North cho biết.
Theo một trong hai quan chức trên, phía Mỹ hiện đang theo dõi tàu ngầm này. Seoul và Washington cũng đã nâng mức cảnh báo trước hoạt động bất thường trên.
Triều Tiên được cho là hiện có khoảng 70 tàu ngầm. Tuy nhiên, nhiều trong số này không có khả năng phóng tên lửa. Hồi tháng 5, Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa bằng cách dùng hệ thống “phóng lạnh”. Hệ thống này giúp phóng tên lửa từ tàu ngầm mà không làm hư hại tàu.
Triều Tiên tiến hành thành công vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) đầu tiên là vào tháng 8-2016. Một tên lửa Pukkuksong-1 đã được phóng từ tàu ngầm lớp Gorae ở vùng biển gần Sinpo, bay được quãng đường 500 km. Đây là tên lửa phóng từ tàu ngầm đầu tiên của Triều Tiên bay tới vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Nhật Bản, theo CNN.
Các cơ quan tình báo Mỹ đánh giá chương trình tên lửa tàu ngầm của Triều Tiên hiện chỉ trong giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên, căn cứ vào vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hôm 4-7 vừa qua, những bước tiến của Triều Tiên có thể là mối lo ngại của Mỹ hiện nay. (PLO)