Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 21-07-2017

  • Cập nhật : 21/07/2017

Lý do Nga ‘bình chân như vại’ trước tên lửa hạt nhân Triều Tiên

Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn chơi một “ván bài lật ngửa” với chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên thì Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như lại nhìn thấy một lợi thế chiến lược từ đây.

tong thong nga vladimir putin (trai) va nha lanh dao trieu tien kim jong-un.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

 

Theo tạp chí Foreign Policy, ngày 4/7 vừa qua là một dấu mốc tồi tệ trong chính sách Triều Tiên của Washington, không chỉ vì Bình Nhưỡng đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Hôm đó cũng diễn ra một cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moskva. Tại buổi hội đàm, hai nhà lãnh đạo cùng bày tỏ sự ủng hộ đối với một giải pháp làm giảm leo thang tình hình liên Triều, có thể bao gồm một lệnh đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân và tập trận quy mô lớn giữa Mỹ - Hàn Quốc.

 

Mỹ thì tiếp tục theo đuổi một cách tiếp cận khác. Nhiều tháng qua, Washington đã gia tăng gây áp lực lên Bắc Kinh để hối thúc nước này giúp tháo ngòi nổ cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Tuần trước, sau khi chính quyền Trump kết luận rằng Trung Quốc đang hoạt động theo ý riêng và sẽ không giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Washington đã quyết định áp đặt trừng phạt một số công ty và cá nhân của Bắc Kinh làm ăn với phía Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng nỗ lực kéo Nga vào công cuộc tìm kiếm phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Sau sự việc một quả tên lửa Triều Tiên rơi xuống vùng ngoài khơi cảng Vladivostok của Nga trên Thái Bình Dương hồi tháng 5, Điện Kremlin đã ra tuyên bố: “Với tác động tên lửa rất gần với đất Nga – trên thực tế, gần Nga hơn Nhật Bản – ngài Tổng thống không thể hình dung rằng Nga thấy hài lòng”. 

Thực sự thì Moskva không quá lo ngại về tên lửa Triều Tiên, mặc dù nước này cũng muốn Bán đảo Triều Tiên được phi hạt nhân hóa. Nga tin giải pháp duy nhất cho xung đột giữa hai miền liên Triều là thông qua các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng – điều có thể đảm bảo cho chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Moskva ủng hộ việc áp đặt các hạn chế lên chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng song lại bày tỏ sự thận trọng trước những biện pháp trừng phạt và kiên quyết phản đối mục tiêu thay đổi chế độ tại Triều Tiên. Động thái này đặt Nga vào tình thế bất đồng với Mỹ, cũng như đóng vai trò như một rào cản cơ bản đối với các nỗ lực quốc tế.

Một lý do khiến Nga dùng một chính sách hòa giải hơn đối với Triều Tiên là vấn đề lợi ích cá nhân. Tháng 5 vừa qua, trong suốt tuần lễ xảy ra sự kiện Triều Tiên phóng tên lửa về hướng Vladivostok, nước này đã khai trương một tuyến phà mới tới thành phố cảng của Nga.

Giữa Nga và Triều Tiên tồn tại nhiều mối quan hệ kinh tế đến bất ngờ. Sản phẩm thương mại giữa hai nước bao gồm than đá và dầu mỏ, đặc biệt giá trị đối với quốc gia nghèo năng lượng như Triều Tiên. Mặc dù các số liệu không rõ ràng, nhưng có rất nhiều sinh viên Triều Tiên sang Nga học tập. Một số chuyên gia cho rằng thương mại giữa Nga và Triều Tiên sẽ tăng lên nếu các lệnh cấm vận của Mỹ và Liên hợp quốc bị dỡ bỏ, cũng như Triều Tiên chịu mở cửa nền kinh tế. 

Nhìn lại, nguyên nhân chính để Nga giữ quan điểm “bình chân như vại” với Triều Tiên chính là cách Kremlin giải mã hành động của Bình Nhưỡng một cách khác biệt với Washington cùng các đồng minh. Nga từ lâu đã giữ một quan điểm lạc quan về chế độ lãnh đạo của ông Kim Jong-un hơn hẳn Mỹ, bất kể việc cùng chung một đoạn biên giới nhỏ với nước này. 

mot ten lua dan dao cua trieu tien duoc phong tai bo bien thanh pho wonsan va bay duoc khoang 200km. anh: reuters/ttxvn

Một tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được phóng tại bờ biển thành phố Wonsan và bay được khoảng 200km. Ảnh: REUTERS/TTXVN

 

Điện Kremlin tin rằng chế độ của ông Kim Jong-un có phần kỳ lạ, song vẫn hợp lý. Ông Kim Jong-un sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng các nhà phân tích Nga nhận định nhà lãnh đạo Triều Tiên hiểu rõ bất cứ hành động khiêu khích sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ dẫn đến một cuộc tấn công hạt nhân bởi Mỹ, làm ông mất mạng và phá hủy đất nước của ông. Dựa trên quan điểm của Nga, mối lo ngại hai bên sẽ phá hủy lẫn nhau - từng ngăn chặn được việc sử dụng vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh - cũng sẽ ngăn được Triều Tiên ra quyết định tấn công. Vì vậy, giới quan sát Nga biện luận rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ giúp bình ổn tình hình bằng cách cho Bình Nhưỡng thêm tự tin về an ninh của nước này và ngăn cản Mỹ tiến hành một cuộc tấn công quân sự. 

Ngoài ra, chính phủ Nga cũng còn các lý do khác để giữ một vị trí khác biệt với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Giống với Bắc Kinh, Moskva chẳng được lợi gì nếu chính quyền hiện nay của Bình Nhưỡng bị thay thế bởi một nước Hàn Quốc thống nhất thân cận với hay Mỹ. Cùng với Trung Quốc, Nga đã lên tiếng chỉ trích hoạt động triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ tại Hàn Quốc. Cho tới khi nào Washington còn chú trọng tới khu vực Đông Á thì nước này sẽ giảm bớt sự để ý tới các xung đột hậu Xô Viết – điều được Moskva ưu tiên hàng đầu.

Nhờ có chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, không kể đến rất nhiều vũ khí thông thường sẵn sàng tầm với tới Seoul, Nga cho rằng các lời đe dọa của Tổng thống Trump về một cuộc tấn công quân sự vào Triều Tiên cũng nguy hiểm như việc Triều Tiên tấn công Mỹ. Ngay cả các lệnh trừng phạt của phương Tây, theo quan điểm của Nga, cũng không thể thay đổi được mục tiêu theo đuổi vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, mặc dù nước này có thể đóng một vài vai trò trong việc đóng băng hoạt động thử nghiệm hay ngăn chặn phát triển xa hơn. Triều Tiên đã chứng tỏ đất nước này có thể sống sót qua một cuộc suy thoái kinh tế và nạn đói trầm trọng. Vậy, theo Nga, vì đâu người Mỹ vẫn tin là siết chặt cấm vận kinh tế hơn nữa có thể thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân – lá chắn duy nhất nước này có để chống lại một vụ tấn công của Mỹ?

Điều này đã đặt gánh nặng hành động lên chính Washington. Mỹ không ký hiệp ước hòa bình để kết thúc chiến tranh Triều Tiên, các học giả Nga lưu ý, trong khi tiếp tục đe đọa quân sự với Bình Nhưỡng. Sau vụ thử tên lửa mới nhất tại Triều Tiên, Tổng thống Putin đã lên án hành động của Bình Nhưỡng, đồng thời bày tỏ ủng hộ đối với lời kêu gọi của Bắc Kinh rằng cả Bình Nhưỡng và Washinton phải thay đổi tình hình.(Baotintuc)
---------------------------------

Hàn Quốc đặt mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên vào năm 2020

Chính phủ Hàn Quốc cần vạch ra chiến lược đàm phán toàn diện để đạt mục tiêu hoàn toàn phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên vào năm 2020. Đây là một phần nội dung bản khuyến nghị của Ban tư vấn kế hoạch nhà nước-cơ quan cố vấn của tổng thổng Hàn Quốc công bố ngày 19/7 sau 2 tháng được thành lập và làm việc dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Moon Jae-in.

Theo khuyến nghị của Ban tư vấn kế hoạch nhà nước nói trên, chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in trước tiên cần chuẩn bị một "lộ trình" đàm phán toàn diện đến hết năm 2017, trong đó bao gồm các cuộc thảo luận về vấn đề thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy việc nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng đổ vỡ từ năm 2008 đến nay. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong bài diễn thuyết tại Quỹ Korber ngày 6/7. Ảnh: EPA/TTXVN

Song song với đó, để đảm bảo tiến trình diễn ra đúng hướng, Seoul cần tận dụng mọi biện pháp có thể để ngăn chặn tình trạng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang bởi các vụ thử tên lửa và hạt nhân trên bán đảo này. Bản khuyến nghị nêu rõ: "Hàn Quốc cần hướng Triều Tiên đến quá trình phi hạt nhân hóa bằng mọi phương tiện sẵn có, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt và đối thoại". 

Tuy nhiên, cơ quan cố vấn này nhấn mạnh lộ trình này phải được xây dựng trên cơ sở đảm bảo nhận được sự ủng hộ của các nước lớn và cộng đồng quốc tế. Cơ quan cố vấn này cũng khuyến nghị Chính phủ Hàn Quốc cần tuân thủ quy tắc trong đàm phán liên Triều và tái kết nối với các kênh thông tin liên lạc giữa hai miền. Theo Ban tư vấn kế hoạch nhà nước, Seoul cần nỗ lực tìm cách thúc đẩy các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng trong các lĩnh vực thể thao, quân sự và kinh tế. 

Ngoài ra, Ban tư vấn kế hoạch nhà nước cho rằng Chính phủ Hàn Quốc cần đẩy mạnh nỗ lực đảm bảo quân đội nước này sẵn sàng tấn công đáp trả. Cụ thể, cơ quan này nhấn mạnh Hàn Quốc cần gia tăng năng lực đối phó các mối đe dọa từ Triều Tiên như các vụ tấn công hạt nhân, tên lửa hay tấn công mạng. 

Cùng ngày 19/7, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công bố kế hoạch quản lý nhà nước giai đoạn 5 năm, trong đó đặc biệt đề cập đến các chính sách khôi phục hoạt động hợp tác kinh tế với Triều Tiên và hợp pháp hóa thỏa thuận liên Triều. 

Kế hoạch này bao gồm "Lộ trình kinh tế mới trên Bán đảo Triều Tiên" vốn được coi là một phần trong guồng máy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc. Theo đó, Hàn Quốc sẽ thiết lập 3 vành đai kinh tế xuyên suốt bán đảo, bao gồm vành đai năng lượng ở vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên, vành đai hậu cần ở vùng biển phía Tây Bán đảo Triều Tiên và vành đai du lịch tại khu phi quân sự (DMZ) chia cắt 2 miền Triều Tiên. 

Bản kế hoạch 5 năm cũng đề cập đến việc tùy vào sự cải thiện trong quan hệ liên Triều, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cân nhắc bình thường hóa hoạt động tại Khu Công nghiệp chung Kaesong và nối lại các chuyến du lịch tới Núi Kumgang. 

Các thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang tìm cách cải thiện quan hệ với Triều Tiên thông qua việc thúc đẩy kế hoạch tổ chức cuộc họp Hội chữ thập đỏ liên Triều vào ngày 4/10 tới, nhân dịp Tết Trung thu và cũng là kỷ niệm 10 năm ngày hai nước ký Tuyên bố chung liên Triều (4/10/2007). 

Tuy nhiên, lời đề nghị được đưa ra hôm 18/7 này của Seoul vẫn chưa nhận được hồi đáp từ phía Bình Nhưỡng. Trước đó, trong một tuyên bố đưa ra tại Berlin (Đức) ngày 6/7, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giải pháp đối thoại trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời khẳng định Seoul sẽ tìm cách thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên(TTXVN)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục