Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý chiều 21-07-2017
- Cập nhật : 21/07/2017
Bí ẩn cuộc tiếp xúc thượng đỉnh Nga - Mỹ
Nhà Trắng khẳng định không có chuyện Tổng thống Donald Trump bí mật hội đàm suốt 1 giờ với người đồng cấp Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức vào ngày 7.7.
Hai tổng thống Donald Trump (trái) và Vladimir Putin trong một sự kiện G20 vào ngày 7.7 ẢNH: REUTERS
Nhiều tổ chức truyền thông Mỹ như tờ The New York Times, The Washington Post, Đài CNN hôm qua đồng loạt đưa tin về một cuộc tiếp xúc riêng tư và chưa từng được công bố trước đó giữa lãnh đạo Mỹ - Nga vào tối 7.7. Theo tiết lộ từ giới truyền thông, vài giờ trước cuộc gặp bí mật, hai tổng thống đã có cuộc hội đàm chính thức kéo dài 2 giờ 30 phút bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg. Dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Washington, giới truyền thông Mỹ tiết lộ Tổng thống Trump đã trò chuyện thoải mái với nhà lãnh đạo Nga trong khoảng 60 phút trong cuộc gặp thứ hai mà không có sự tham gia của bất kỳ quan chức nào khác ngoài người phiên dịch của Tổng thống Putin. Báo chí Mỹ cho hay cuộc gặp diễn ra trong buổi tiệc tối do thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel chủ trì nhằm chiêu đãi các nhà lãnh đạo và phu nhân. Khi đó, Tổng thống Trump đã rời ghế của mình để đến ngồi kế ông Putin và hai ông đã trao đổi thông qua phiên dịch.
Trong tuyên bố đưa ra hôm qua, Nhà Trắng nhấn mạnh không hề có cuộc hội đàm thứ hai nào trong ngày giữa Tổng thống Trump với người đồng cấp Putin, và cuộc gặp mà báo chí tiết lộ chỉ là một cuộc trò chuyện ngắn khi tiệc tối gần kết thúc. Những lời ám chỉ hoặc bóng gió cho rằng Nhà Trắng đang “che đậy” một cuộc gặp thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo là “giả dối, ác ý và hiểm độc”, theo Reuters ngày 19.8 dẫn lại nội dung thông cáo.
Nhà Trắng cũng xác nhận hai nguyên thủ nói chuyện thông qua người phiên dịch của tổng thống Nga. Lý do là mỗi nước chỉ được phép mang theo một người phiên dịch tại buổi tiệc, trong khi phiên dịch viên của Mỹ chuyên về tiếng Nhật (Tổng thống Trump được xếp ngồi cạnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe). Đài CNN dẫn lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Michael Anton cho biết không có quan chức nào hiện diện kế bên khi Tổng thống Trump tiếp xúc với Tổng thống Putin. Một số nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đã lên tiếng chỉ trích “sự khinh suất” của chủ nhân Nhà Trắng. Thượng nghị sĩ Chris Coons cho rằng việc nhà lãnh đạo phải dựa vào phiên dịch của phía bên kia trong lúc trò chuyện được xem là “một thất bại hết sức cơ bản nếu xét về nguyên tắc an ninh quốc gia”.
Như thường lệ, Tổng thống Trump đã dùng Twitter để bác bỏ những lời đồn đại cho rằng ông vi phạm nguyên tắc trong lúc trò chuyện với ông Putin. “Tin vịt về buổi tiệc tối bí mật với ông Putin thật sự “bệnh hoạn”. Mọi nguyên thủ G20 và phu nhân của họ đều được thủ tướng Đức mời dự tiệc. Báo chí biết rõ!”, ông lên tiếng. “Tin vịt càng lúc càng quá đáng! Thậm chí một bữa tiệc chiêu đãi lãnh đạo G20 tại Đức cũng bị vặn vẹo thành mờ ám!”, ông chỉ trích. (Thanhnien)
-----------------------------
Hậu quả nếu chiến tranh biên giới Trung-Ấn nổ ra
Cuộc chiến giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể gây thiệt hại nặng nề cho hai nước và ảnh hưởng lớn tới kinh tế toàn cầu.
Lính Trung Quốc và Ấn Độ xô xát ở biên giới.
Tờ Global Times của Trung Quốc mới đây cảnh báo sẽ nổ ra "đối đầu tổng lực" nếu Ấn Độ không rút quân khỏi cao nguyên Doklam, khu vực tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Bhutan. Giới quan sát cho rằng một cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước giống như năm 1962 sẽ khó lặp lại, bởi hậu quả mà nó gây ra sẽ vô cùng thảm khốc, theo National Interest.
Theo chuyên gia quân sự Kyle Mizokami, trong trường hợp một sự cố phát sinh ở vùng biên giới tranh chấp giữa hai nước không được kiểm soát tốt làm bùng lên xung đột, quân đội hai quốc gia sẽ chỉ giới hạn giao tranh bằng các loại vũ khí thông thường, không chủ trương tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân bởi đó sẽ là kịch bản hủy diệt cho cả hai bên.
Giống các cuộc chiến hiện đại, cuộc chiến Trung - Ấn sẽ diễn ra cả trên bộ, trên biển và trên không. Biên giới trên bộ với địa hình rừng núi hiểm trở sẽ hạn chế đáng kể việc sử dụng các loại khí tài bộ binh, trong khi cuộc chiến trên không sẽ gây thiệt hại lớn nhất. Át chủ bài duy nhất giúp Ấn Độ chiếm lợi thế là hải chiến, vì điều này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc.
Khi xung đột nổ ra, hai nước sẽ huy động lực lượng không quân rất lớn, khiến tính chất cuộc chiến khác xa với biến cố năm 1962. Cả New Delhi và Bắc Kinh đều sở hữu lực lượng máy bay chiến thuật lớn, đủ sức thực hiện nhiều nhiệm vụ trên chiến trường. Các đơn vị không quân Trung Quốc thuộc chiến lược khu Lan Châu sẽ tập kích bang Punjab, Himchal Pradesh và Uttarakhand, trong khi chiến đấu cơ từ chiến lược khu Thành Đô sẽ tấn công bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.
Chiến lược khu Lan Châu sở hữu lượng lớn tiêm kích J-11 và J-11B, cùng hai trung đoàn oanh tạc cơ chiến lược H-6 và nhiều tiêm kích đánh chặn J-7, J-8. Việc không có căn cứ tiền phương ở Tân Cương khiến chiến lược khu Lan Châu chỉ đủ sức tiến hành chiến dịch tập kích đường không hạn chế nhằm vào miền bắc Ấn Độ. Trong khi đó, chiến lược khu Thành Đô sở hữu tiêm kích J-11A và J-10 tối tân, nhưng lại có ít sân bay quân sự ở khu vực Tây Tạng sát biên giới Ấn Độ.Trung Quốc cũng có thể triển khai lực lượng tên lửa chiến lược với 2.000 tên lửa đạn đạo DF-11, DF-15 và DF-21 tới sát biên giới với Ấn Độ. Việc điều động các đơn vị tên lửa này tới biên giới phía tây giúp Trung Quốc đe dọa hàng loạt mục tiêu chiến lược của đối phương, nhưng sẽ để hở toàn bộ sườn phía đông giáp biển.
Trong khi đó, không quân Ấn Độ có khả năng chiếm ưu thế và kiểm soát không phận tốt hơn đối thủ. Phi đội 230 tiêm kích đa năng Su-30MKI, 69 tiêm kích MiG-29 và hàng loạt chiến đấu cơ Mirage 2000 tỏ ra vượt trội so với máy bay Trung Quốc, ít nhất cho đến khi tiêm kích tàng hình J-20 đạt khả năng vận hành thực tế.
Ấn Độ có đủ chiến đấu cơ để tham chiến trên hai mặt trận, trong trường hợp không quân Pakistan nhảy vào tham chiến hỗ trợ Trung Quốc. New Delhi cũng bố trí nhiều hệ thống phòng không tầm trung Akash để bảo vệ các căn cứ không quân và mục tiêu giá trị cao.
Trong ngắn hạn, Ấn Độ có thể tự tin đối phó với không quân Trung Quốc, nhưng họ không có cách nào chặn đứng được cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của nước này. Một nửa miền bắc Ấn Độ nằm trong tầm bắn của các đơn vị tên lửa Trung Quốc ở Tân Cương và Tây Tạng. New Delhi chưa triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiệu quả, cũng không có khả năng tiêu diệt các bệ phóng tên lửa của đối phương.
Bộ binh sẽ không có vai trò lớn trong cuộc chiến này. Biên giới hai nước là những dãy núi, cao nguyên gồ ghề, không có cơ sở hạ tầng vận tải, khiến bộ binh cơ giới rất khó triển khai. Các đợt tấn công bộ binh quy mô lớn dễ dàng bị pháo binh chặn đứng. Hai bên sẽ tìm cách cầm chân nhau trên bộ và giành giật từng khu vực nhỏ.
Xung đột Ấn Độ - Trung Quốc nhiều khả năng được giải quyết ở trên biển. Việc kiểm soát Ấn Độ Dương giúp Ấn Độ nắm giữ yết hầu của Trung Quốc. Lực lượng tàu ngầm và chiến hạm mặt nước của Ấn Độ có thể dễ dàng cắt đứt tuyến hàng hải thương mại giữa Trung Quốc với châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Hải quân Trung Quốc sẽ cần tối thiểu một tuần để bố trí đủ lực lượng phá thế phong tỏa này. Việc này cũng rất khó khăn khi chiến hạm Trung Quốc phải hoạt động trên khu vực Ấn Độ Dương rộng lớn, xa các căn cứ hậu cần ở đất liền.
Hoạt động phong tỏa trên biển của Ấn Độ sẽ buộc tàu hàng Trung Quốc phải chuyển hướng sang Tây Thái Bình Dương, nơi họ dễ bị hải quân Australia, Nhật Bản và Mỹ cản trở.Trung Quốc phải nhập khẩu 87% lượng nhu cầu dầu mỏ, chủ yếu từ Trung Đông và châu Phi. Dự trữ dầu mỏ chiến lược của nước này chỉ đủ cung cấp trong khoảng 77 ngày, buộc Bắc Kinh phải tìm cách chấm dứt chiến tranh nhanh chóng.
Cuộc chiến Trung - Ấn sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng có thể để lại hậu quả nặng nề với nền kinh tế toàn cầu. "Đây có thể là yếu tố thúc đẩy hai nước tìm giải pháp đối thoại để giải quyết khủng hoảng để tránh chiến tranh nổ ra", Mizokami nhấn mạnh. (Vnexpress)
----------------------
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain bị ung thư não
Theo gia đình ông John McCain, sau một ca phẫu thuật gần đây, các bác sĩ phát hiện ông bị khối u não ác tính. Hiện ông đang cân nhắc các phương án chữa trị bệnh.
Theo báo chí Mỹ, văn phòng thượng nghị sĩ John McCain, 80 tuổi, vừa xác nhận ông được chẩn đoán bị ung thư não sau ca phẫu thuật lấy cục máu đông phía trên mắt trái vào tuần trước.
Ông hiện đang hồi phục "đáng kinh ngạc" tại nhà riêng ở bang Arizona sau ca phẫu thuật. Các bác sĩ nói để trị bệnh, ông có thể phải trải qua hóa trị kết hợp xạ trị.
Theo đài BBC, con gái thượng nghị sĩ, bà Meghan, nói gia đình rất sốc trước tin ông bị bệnh. Thế nhưng, "người bình tĩnh nhất và tự tin nhất trong nhà hiện là cha tôi", bà Meghan chia sẻ.
"Ung thư có thể làm cha tôi đau đớn khổ sở, nhưng nó sẽ không khiến ông đầu hàng, không bao giờ", bà nhấn mạnh.
Ông John McCain là thượng nghị sĩ sáu nhiệm kỳ và là ứng cử viên tổng thống năm 2008 của Đảng Cộng hòa.
Từng là cựu phi công quân đội Mỹ trong chiến tranh tại Việt Nam, ông là một trong những người ủng hộ bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ sau này.
Ông cũng nhiều lần trở lại thăm Việt Nam và có đóng góp trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước.(Tuoitre)
-------------------
Mỹ sẵn sàng bỏ căn cứ quân sự ở Qatar
Mỹ sẵn sàng rời căn cứ không quân lớn nhất Trung Đông tại Qatar nếu cuộc khủng hoảng vùng Vịnh diễn biến theo chiều hướng xấu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/7 cho biết quân đội nước này có thể rời bỏ căn cứ không quân al-Udeid ở Qatar mà không gặp nhiều trở ngại, Business Insider hôm qua đưa tin.
Ông Trump bày tỏ hy vọng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Qatar cũng như hoạt động của căn cứ al-Udeid tại đây, nhưng nhấn mạnh trong trường hợp cần thiết, sẽ có nhiều quốc gia sẵn sàng xây dựng căn cứ mới cho Washington.
"Nếu Mỹ phải rời căn cứ al-Udeid, hãy tin tôi, sẽ có 10 quốc gia sẵn sàng trả tiền để xây dựng cho chúng ta một căn cứ tương tự", ông Trump tuyên bố.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis hồi đầu tuần tuyên bố Mỹ cũng đang cân nhắc việc xây dựng căn cứ khác ở Trung Đông như một phần trong kế hoạch quân sự cơ bản.
"Với bất cứ hoạt động quân sự nào, bạn luôn phải có các phương án dự phòng theo tiêu chuẩn. Chúng tôi cũng thế. Nhưng trong trường hợp này, tôi tin rằng căn cứ tại Qatar vẫn có thể được sử dụng", quan chức quân sự Mỹ cho biết.al-Udeid là căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông cũng là nơi đặt sở chỉ huy tiền phương của Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ, với quân số thường trực khoảng 10.000 binh sĩ.
Khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh bùng phát khi Arab Saudi và một số quốc gia trong khối Arab như Bahrain, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 5/6 cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ Iran và các nhóm khủng bố.
Động thái này đẩy Qatar vào tình trạng hỗn loạn và tạo ra cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất ở vùng Vịnh kể từ sau chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ vào Iraq năm 1991. Qatar mới đây từ chối chấp thuận những yêu cầu do các nước Arab đề ra để dỡ bỏ phong tỏa, khiến cuộc khủng hoảng có nguy cơ kéo dài.(vnexpress)