Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý trưa 22-07-2017

  • Cập nhật : 22/07/2017

Nga, Venezuela bàn cách né trừng phạt Mỹ

Rosneft, công ty sản xuất dầu mỏ hàng đầu của Nga phần lớn vốn chính phủ đang khẩn trương thương lượng chuyển đổi cổ phần với Tập đoàn Dầu mỏ Citgo để tránh trừng phạt từ Mỹ, Reuters dẫn thông tin từ hai nguồn tin liên quan vụ việc.

Citgo trực thuộc tập đoàn dầu mỏ quốc gia Petroleos de Venezuela, S.A. (PDVSA) của chính phủ Venezuela. Citgo là một công ty sản xuất, vận chuyển, bán nhiên liệu và sản phẩm hóa dầu, trụ sở nằm ở TP Houston, bang Texas (Mỹ).

Trụ sở công ty Citgo tại Mỹ. Ảnh: HERALD TRIBUNE
Trụ sở công ty Citgo tại Mỹ. Ảnh: HERALD TRIBUNE

Rosneft nắm 49,9% cổ phần tại Citgo như phần ký quỹ cho khoản 1,5 tỉ USD Venezuela vay của Nga năm ngoái, trong bối cảnh kinh tế Venezuela khó khăn vì giá dầu giảm.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế mạnh Venezuela chừng nào Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hủy bỏ kế hoạch lập một ban luật pháp có quyền viết lại hiến pháp.

Các lệnh trừng phạt này nếu được ban hành có thể sẽ có điều khoản cấm Venezuela xuất khẩu dầu vào Mỹ. Điều này sẽ khiến công việc kinh doanh Citgo gặp nhiều khó khăn, về dài hạn có thể đe dọa tình trạng sở hữu của Venezuela lẫn Nga tại Citgo.

Công ty Rosneft đang sở hữu 49,9% tại Citgo. Ảnh: QUARTZ
Công ty Rosneft đang sở hữu 49,9% tại Citgo. Ảnh: QUARTZ

Theo nội dung Rosneft và Citgo đang bàn bạc, 49,9% cổ phần của Rosneft tại Citgo sẽ được đổi thành 8 thỏa thuận kinh tế. Theo đó, Rosneft sẽ được trao quyền đồng quản lý các cơ sở hợp tác chung với tập đoàn mẹ PDVSA, điều Venezuela rất hiếm làm với các đối tác nước ngoài. Bộ Dầu mỏ Venezuela, PDVSA, Citgo, Rosneft đều từ chối bình luận.

Sắp xếp giữa Rosneft và Citgo khiến nhiều nghị sĩ Mỹ lo ngại, cho rằng Rosneft có nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế hiện tại của Mỹ. Rosneft nằm trong danh sách bị Mỹ trừng phạt từ năm 2014.(PLO)
--------------------------

Đại diện tầng lớp thấp nhất xã hội Ấn Độ làm Tổng thống

Ông Ram Nath Kovind, một chính trị gia thuộc tầng lớp “không đáng để xét tới” Dalit, đã được bầu làm vị tổng thống thứ 14 của Ấn Độ.

ong ram nath kovind duoc nguoi ung ho tang vong hoa trong le tiep don truoc chuyen di vong quanh an do ngay 15-7 - anh: reuters

Ông Ram Nath Kovind được người ủng hộ tặng vòng hoa trong lễ tiếp đón trước chuyến đi vòng quanh Ấn Độ ngày 15-7 - Ảnh: Reuters

Ông Kovind đã chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu kín chọn tổng thống Ấn Độ ngày 20-7, với tỉ lệ 65%. Như vậy, ông sẽ là người thứ hai thuộc tầng lớp Dalit làm Tổng thống Ấn Độ, theo New York Times.

Phát biểu trên truyền hình sau khi đắc cử, ông Kovind nói với dân làng và tầng lớp Dalit tại Ấn Độ rằng: “Hôm nay, tôi muốn nói với họ rằng Ram Nath Kovind sẽ là Tổng thống đại diện cho họ. Cuộc bầu cử cho vị trí Tổng thống của tôi là biểu tượng cho sự nền chủ vĩ đại của Ấn Độ”.

Ông Kovind sinh ngày 1 tháng 10 năm 1945, tại một ngôi làng thuộc quận Kanpur ở bang Uttar Pradesh. Ông xuất thân từ tầng lớp Kori, đôi khi bị xem còn thiệt thòi hơn nữa thậm chí xét trong những người Dalit, theo New York Times.

Ông từng làm luật sư tại Tòa án Tối cao, và phục vụ cho đảng cầm quyền Bharatiya Janata Party (BJP) trong Hạ viện từ năm 1994 tới 2006. Gần đây ông là Thống đốc bang Bihar.

Chiến thắng của ông Kovind có thể là điều ngạc nhiên. Trong xã hội Ấn Độ, người Dalit nghĩa là những người xuất thân từ tầng lớp thứ năm, tầng lớp có địa vị thấp nhất. Trong đánh giá của truyền thông nước ngoài, tầng lớp Dalit thường xuyên bị coi thường, không được cư xử công bằng trong thực tế, bất chấp hiến pháp Ấn Độ quy định mọi công dân đều bình đẳng.

Mặc dù vậy, giới quan sát có không ít ý kiến hoài nghi về chiến thắng cho ông Kovind, người được xem là một chính trị gia e dè trong BJP. Họ cho rằng việc ông Kovind đắc cử là bước đi quan trọng giúp BJP mở rộng tầm ảnh hưởng, và Thủ tướng Narendra Modi vì thế có thể tranh thủ lấy lòng cử tri người Dalit trong các cuộc bầu cử khác.

Tại Ấn Độ, các tổng thống được bầu lên từ các thành viên Quốc hội và Nghị viện. Thế nên với sức mạnh rộng khắp của đảng cầm quyền BJP của ông Modi cũng như sự ủng hộ từ các đảng khác, về thực tế kết quả thắng cuộc của ông Kovind không quá ngạc nhiên.

Nghi vấn về điều này càng có cơ sở khi xét đến mối quan hệ giữa ông Kovind và bang Uttar Pradesh - bang đông dân nhất Ấn Độ và có ảnh hưởng nổi bật đến cuộc tổng tuyển cử năm 2019. Thêm vào đó, trước đây đảng BJP vẫn không được lòng người Dalit, một chi tiết có thể thay đổi khi ông Kovind làm Tổng thống.( Tuoitre)
---------------------------

Thổ Nhĩ Kỳ làm lộ bí mật quân sự Mỹ

Quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã nhiều căng thẳng nay lại hứng thêm một đợt sóng gió nữa khi Mỹ chỉ trích đồng minh rò rỉ thông tin quân sự một cách bất cẩn, gây nguy hiểm cho quân đội Mỹ.

Phanh phui bí mật

Ngày 18-7, hãng tin nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ có bài viết công khai 10 địa điểm, cả căn cứ quân sự lẫn điểm đóng quân của Mỹ ở Syria. Ở một số địa điểm còn nêu chi tiết số quân Mỹ và đồng minh Pháp hiện diện. Theo bài viết của Anadolu, 10 điểm này nằm trong lãnh thổ người Kurd kiểm soát ở Bắc Syria. Cụ thể, Mỹ có hai căn cứ không quân, một ở huyện Rmeilan (tỉnh Al-Hasakah) và một ở TP Kobani (tỉnh Aleppo).

Tại tỉnh Al-Hasakah, Mỹ có ba điểm đóng quân. Tại điểm ở huyện Ash Shaddadi có 150 binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt Mỹ đóng quân. Điểm mới nhất được lập ở huyện Tal Tamir gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tại TP Manbij (tỉnh Aleppo) có hai điểm đóng quân. Tại tỉnh Raqqah có ba điểm. Bên cạnh binh sĩ Mỹ, hiện diện ở hai trong ba điểm ở tỉnh Raqqah còn có binh sĩ Pháp.

Ở tám điểm có sự hiện diện của các sĩ quan điều phối không kích, các cố vấn quân sự, sĩ quan huấn luyện, sĩ quan lên kế hoạch chiến dịch và các đơn vị quân đội. Tại các điểm này có các hệ thống pháo binh, bệ phóng hỏa tiễn, thiết bị tình báo di động, xe bọc thép dùng tuần tra. Ngoài ra còn một điểm ở TP Kobani (tỉnh Aleppo) được xem là trung tâm thông tin của liên quân chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Theo Anadolu, ngoài các căn cứ và điểm đóng quân này, quân Mỹ còn sử dụng một số địa điểm khác khó phát hiện trong các khu dân cư.

Thổ Nhĩ Kỳ làm lộ bí mật quân sự Mỹ - ảnh 1
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump họp báo song phương sau lần gặp ở Mỹ hồi tháng 5. Ảnh: GETTY

Căng thẳng giữa đồng minh

Bộ Quốc phòng Mỹ phản ứng mạnh trước bài viết của Anadolu, cho biết đã gửi phàn nàn đến Ankara. Việc công khai thông tin quân sự nhạy cảm khiến lực lượng liên quân bị đe dọa và có khả năng cản trở chiến dịch chống IS. Mỹ không loại trừ khả năng nguồn tin cung cấp thông tin quân sự nhạy cảm này cho Anadolu nằm trong hàng ngũ quan chức Thổ Nhĩ Kỳ với chủ ý gây nguy hiểm cho binh sĩ Mỹ và liên quân.

Ankara lâu nay bất mãn vì Washington ủng hộ người Kurd tại Syria. Tháng trước Nhà Trắng đã quyết định tiếp tục trang bị vũ khí cho lực lượng tay súng người Kurd ở Syria (YPG) đánh IS, bất chấp sự tức giận của Thổ Nhĩ Kỳ. Các diễn biến xoay quanh vụ đảo chính bất thành ở Ankara và Istanbul năm 2016 cũng khiến quan hệ hai nước căng thẳng. Mỹ vẫn từ chối cho dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gülen về Thổ Nhĩ Kỳ khiến nước đồng minh thêm bực tức.

Tuy vậy, việc công khai các địa điểm đóng quân bí mật của Mỹ trong thời điểm chiến tranh là một cách trả đũa quá nguy hiểm và đe dọa nghiêm trọng niềm tin chiến lược, theo The Daily Beast. Điều này khiến quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều sóng gió lại càng xấu đi.(PLO)
-------------------

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ: Ông Trump chỉ trích, tôi cứ làm!

Xuất hiện trong cuộc họp báo ngày 20-7, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions mập mờ nói về chuyện không từ chức bất chấp những chỉ trích của Tổng thống Donald Trump.

bo truong tu phap my jeff sessions trong cuoc hop bao ngay 20-7 - anh: reuters

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions trong cuộc họp báo ngày 20-7 - Ảnh: Reuters

"Tôi cảm thấy vinh dự khi được làm Bộ trưởng Tư Pháp. Đó là điều vượt qua tất cả những suy nghĩ vụ lợi cho cá nhân tôi. Tôi yêu công việc này, yêu cơ quan này. Tôi sẽ tiếp tục giữ cương vị đó, miễn là thích hợp", hãng tin Reuters dẫn lời ông Sessions.

Mâu thuẫn giữa ông Sessions và "sếp" Trump bất ngờ trỗi dậy sau bài phỏng vấn của tổng thống Mỹ với báo New York Times ngày 19-7 khi người đứng đầu nước Mỹ khẳng định đã rất hối tiếc khi bổ nhiệm ông Sessions làm Bộ trưởng Tư pháp.

Trong bài viết của New York Times, ông Trump đã chỉ trích Bộ trưởng Sessions, cho rằng ông Sessions đã tự lảng tránh cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Tổng thống Donald Trump khẳng định nếu biết Sessions hành xử kiểu đó, ông sẽ không bao giờ đề cử ông này làm Bộ trưởng Tư pháp Mỹ.

Mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và ông Sessions rất nồng ấm trong thời gian còn tranh cử.

Nhưng mối quan hệ giữa vị cựu thượng nghị sĩ kỳ cựu và ông chủ Nhà Trắng ngày càng nguội lạnh kể từ khi ông Trump nhậm chức.

Giới quan sát nhận định bài phỏng vấn của ông Trump đối với New York Times thực chất chỉ là cách ông lái sự chú ý sang cấp dưới khi nhiệm kỳ của ông đang bị phủ bóng bởi nghi án người Nga đã can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Hồi tháng 6-2017, xuất hiện trong phiên điều trần trước Quốc hội, Bộ trưởng Sessions đã liên tục né tránh nhiều câu hỏi về những cuộc trò chuyện của ông với ông Trump.

Cách né tránh của ông Sessions, một mặt muốn thể hiện sự tôn trọng, không dám vượt mặt ông Trump - sai lầm mà cựu giám đốc FBI James Comey đã nhiều lần mắc phải, mà lần gần nhất là ngay trong phiên điều trần ở Thượng viện được truyền hình trực tiếp trong tuần trước.

Mặt khác sự né tránh cho thấy người đàn ông này đang chơi trò mặc cả số phận chính trị của chính mình với tổng thống.(Tuoitre)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý 22-07-20172

    Tin thế giới đáng chú ý 22-07-2017

    Trung Quốc điều tàu chiến tối tân tập trận cùng Nga; Thượng viện Nga thông qua gói dự luật bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin; Hàng chục ngàn người Ba Lan biểu tình phản đối cải cách; Nga sắp cấp cho Trung Quốc 4 trực thăng vận tải

  • Tin thế giới đáng chú ý tối 21-07-20173

    Tin thế giới đáng chú ý tối 21-07-2017

    Nhiều nước muốn mua Su-34 Nga sau chiến dịch không kích ở Syria; Bước chuyển chiến thuật nguy hiểm của IS sau khi thất thủ ở thành trì Mosul, Iraq; Vệ binh Cách mạng Iran yêu cầu Mỹ dời căn cứ cách Iran 1.000 km; Trung Quốc đưa nhiều thiết bị quân sự đến gần biên giới với Ấn Độ

Bài cùng chuyên mục