Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 08-10-2017:
- Cập nhật : 08/10/2017
Nghị sĩ Nga: Triều Tiên sắp thử tên lửa vươn tới Mỹ
Ông Anton Morozov, một nghị sĩ của Đảng Tự do dân chủ (Nga), tiết lộ Triều Tiên đang chuẩn bị bắn thử một tên lửa đạn đạo có thể vươn tới bờ biển phía tây của nước Mỹ sau khi có chuyến thăm tới Bình Nhưỡng.
Tờ Washington Post ngày 6-10 cho biết ông Morozov đã cùng hai đồng nghiệp tới Triều Tiên hồi đầu tuần này. Vị này kể lại những người đã gặp họ ở Bình Nhưỡng khẳng định Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ đưa đầu đạn của tên lửa đạn đạo quay trở lại Trái đất.
Về mặt kỹ thuật, các tên lửa đạn đạo từ loại tầm trung đã bắt đầu có giai đoạn vượt ra bầu khí quyển Trái đất. Tên lửa sẽ đạt độ cao nhất trong giai đoạn giữa trước khi trở về bầu khí quyển và lao thẳng xuống mục tiêu theo phương thẳng đứng.
Các lần bắn thử tên lửa trước đây của Triều Tiên đầu đạn thường đạt độ cao rất lớn, có trường hợp hơn 2.000km. Bình Nhưỡng tuyên bố bắn ở góc cao nhằm hạn chế tầm xa của tên lửa. Theo các chuyên gia, nếu được bắn ở quỹ đạo chuẩn, một số loại tên lửa đã được bắn thử hoàn toàn có khả năng vươn tới lãnh thổ Guam của Mỹ.
Bất chấp các tuyên bố của Bình Nhưỡng, chính quyền Hàn Quốc tỏ ra nghi ngờ Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ đưa đầu đạn trở lại bầu khí quyển. Trở ngại lớn nhất chính là chuyện phải làm thế nào để đầu đạn nguyên vẹn khi lao từ không gian xuống mục tiêu bởi ma sát giữa đầu đạn với không khí có thể tạo ra sức nóng khủng khiếp có thể nung chảy kim loại.
Tuy nhiên, theo ông Morozov, những người Triều Tiên mà nhóm ông gặp khẳng định chuyện này không thành vấn đề và Bình Nhưỡng có đủ công nghệ để đảm bảo đầu đạn nguyên vẹn.
"Người Triều Tiên đang chuẩn bị cho một đợt thử tên lửa tầm xa trong tương lai rất gần. Họ thậm chí còn cho chúng tôi thấy các tính toán kỹ thuật rằng tên lửa của họ đủ sức vươn tới bờ biển phía tây nước Mỹ", báo Washington Post dẫn lời ông Morozov kể lại.
Chuyến đi của ông Morozov là chuyến thăm chính thức của một phái đoàn Nga tới Triều Tiên, diễn ra từ ngày 2 đến ngày 6-10, theo Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên.
Hôm 4-10, phát biểu trong một diễn đàn về năng lượng tại Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ chính cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il đã tiết lộ với ông vào năm 2001 rằng Bình Nhưỡng đã sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tiết lộ của nhà lãnh đạo Nga khiến nhiều người thấy sốc bởi theo thông tin chính thức từ trước đến nay, Triều Tiên chỉ bắt đầu theo đuổi vũ khí hạt nhân khi nước này tiến hành thử hạt nhân lần đầu tiên năm 2006. (Tuoitre)
--------------------------
Triều Tiên khởi động lại hoạt động sản xuất ở khu Kaesong
Bình Nhưỡng vừa thông báo khởi động lại sản xuất ở khu công nghiệp Kaesong sau khi các doanh nghiệp Hàn Quốc bị đình chỉ hoạt động tại đây năm ngoái.
Theo hãng tin AFP, Triều Tiên bắt đầu khởi động lại hoạt động của một số nhà máy trước đây là công ty liên doanh giữa Hàn Quốc và Triều Tiên hoặc do các nhà đầu tư Hàn Quốc bỏ vốn.
Tháng 2 năm ngoái, do những bất đồng liên quan tới các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Hàn Quốc đã chấm dứt hơn một thập kỷ hợp tác với Bình Nhưỡng tại khu công nghiệp Kaesong đặt tại khu vực phi quân sự hóa (DMZ) thuộc phần lãnh thổ Triều Tiên.
Tại thời điểm đó Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ không cho phép những khoản tiền lương các công ty Hàn Quốc trả cho người lao động Triều Tiên sẽ bị sử dụng trong các chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên theo hãng tin Reuters, một quan chức Hàn Quốc cho biết kể từ đó tới nay, vẫn chưa có chứng cứ nào cho thấy Triều Tiên đã chuyển tiền lương của các công nhân làm việc cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu công nghiệp Kaesong sang các chương trình vũ khí.
Ngày hôm nay (6-10), truyền thông Triều Tiên xác nhận các nhà máy liên doanh trước đây vẫn đang hoạt động, và các nhà máy do doanh nghiệp Hàn Quốc bỏ lại có thể sẽ không được coi là tài sản của họ nữa.
Trang web Meari của Triều Tiên viết: "Họ thậm chí không thấy những người lao động tự hào của chúng ta đang làm việc hăng say tại khu tổ hợp công nghiệp Kaesong".
Trong khi đó trang web Uriminzokkiri cho rằng: "Những gì chúng ta làm ở một tổ hợp công nghiệp mà nước ta có chủ quyền không liên quan tới ai cả".
Một quan chức thuộc Bộ thống nhất Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên không được phép vi phạm quyền sở hữu tài sản của các doanh nghiệp Hàn Quốc bên trong khu công nghiệp.
Một hiệp hội đại diện cho 120 công ty Hàn Quốc điều hành các nhà máy tại khu Kaesong ước tính giá trị tài sản doanh nghiệp hiện đang bị đóng băng tại khu này vào khoảng 663 triệu USD.
Trang web Arirangmeari.com nói các nhà máy do người Hàn Quốc bỏ lại đã bị sung công. Trước đó cũng có những thông tin nói rằng Triều Tiên đã sử dụng các tư liệu sản xuất do doanh nhân Hàn Quốc đầu tư tại 19 nhà máy để sản xuất đồ may mặc ở khu Kaesong. (Tuoitre)
-----------------------
Dán mắt lên trời chờ Triều Tiên
Triều Tiên chỉ trích hiệp ước quân sự 64 năm tuổi của Mỹ - Hàn và yêu cầu chấm dứt "7 thập niên chiếm đóng Hàn Quốc của Mỹ"
Đài VOA dẫn lời nhiều quan chức chính phủ Mỹ và giới quan sát dự đoán Triều Tiên sẽ sớm phóng thêm tên lửa đạn đạo trong vài ngày tới.
Nhiều dịp kỷ niệm lớn
Cơ sở cho dự đoán này là sắp diễn ra những ngày lễ lớn ở Triều Tiên. Chẳng hạn, ngày 9-10 đánh dấu 11 năm ngày Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên (2006), 10-10 là ngày kỷ niệm 72 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (1945)...
Phủ Tổng thống Hàn Quốc chỉ ra Triều Tiên cũng có thể hành động vào 18-10, ngày khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
"Người Triều Tiên luôn biết chọn thời điểm" - cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), bà Sue Mi Terry, nhận xét. Trong khi đó, chuyên gia CIA cấp cao Yong Suk Lee dành nhiều nghi vấn cho ngày 10-10 bởi đây còn là ngày Columbus (ngày nhà thám hiểm Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ).
Tàu sân bay USS Ronald Reagan trên đường cập cảng Hồng Kông trong chuyến thăm từ ngày 2-10Ảnh: Hải quân Mỹ
Theo VOA, tên lửa sắp thử lần tới của Triều Tiên có thể tiếp tục là Hwasong-12 (loại tên lửa đạn đạo tầm trung, nhiên liệu rắn, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đã được phóng bay qua Nhật Bản 2 lần gần đây) hoặc Hwasong-14 (được thử nghiệm hồi tháng 7 với tầm bắn được cho là vươn tới Alaska - Mỹ).
"Tôi nghĩ họ chưa thử nghiệm xong Hwasong-12 ở Thái Bình Dương. Họ cũng chưa thử nghiệm hết tầm bắn của Hwasong-14" - ông Joshua Pollack, chuyên gia của Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ), phân tích.
Những nhận định này như được củng cố bởi tuyên bố ngày 6-10 của ông Anton Morozov, nghị sĩ Nga vừa trở về sau chuyến thăm Bình Nhưỡng 4 ngày. "Họ đang chuẩn bị các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa mới. Thậm chí, chúng tôi còn được xem các tính toán mà họ tin là tên lửa có thể đánh trúng bờ Tây của Mỹ" - hãng tin RIA trích lời ông Morozov.
"Triều Tiên quyết tâm hoàn thiện chương trình hạt nhân và họ có cả điều kiện kỹ thuật lẫn chính trị để tiếp tục thử nghiệm. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn chứng tỏ mình không lùi bước trước những lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump" - chuyên gia Terry nhấn mạnh.
Tàu sân bay Mỹ áp sát
Các suy đoán càng thêm xôn xao bởi phát ngôn lấp lửng hôm 5-10 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông lưu ý các phóng viên có mặt rằng họ đang chứng kiến "khoảng lặng trước cơn bão". Ngay lúc đó và cả hôm sau, báo giới Mỹ liên tục hỏi ông chủ Nhà Trắng rằng ông đang ám chỉ Iran, Triều Tiên hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng... nhưng câu trả lời luôn mập mờ không kém: "Cứ chờ xem".
Trong lúc này, tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan - với gần 80 chiến đấu cơ trên boong - cùng 1 tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường và 1 tàu ngầm hạt nhân đang trên đường đến bán đảo Triều Tiên.
Hãng tin Yonhap cho hay nhóm tàu này dự kiến tập trận cùng quân đội Hàn Quốc vào ngày 20-10, với các nội dung phát hiện, theo dấu và đánh chặn tên lửa đạn đạo cũng như huấn luyện chống ngầm. Như thường lệ, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) gọi cuộc tập trận sắp tới của Mỹ - Hàn là "diễn tập xâm lược Triều Tiên" kèm theo lời đe dọa hủy diệt.
Những lời lẽ cứng rắn tiếp tục được tuôn ra từ phía Triều Tiên. Ngày 7-10, Ủy ban Chống diễn tập chiến tranh hạt nhân của Triều Tiên chỉ trích kế hoạch triển khai luân phiên các vũ khí chiến lược Mỹ tại Hàn Quốc. Gọi đây là "bằng chứng rõ ràng về ý đồ hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên", ủy ban trên dọa những vũ khí đó sẽ trở thành "đối tượng phá hủy đầu tiên" trong khi Seoul và Washington "đối mặt sự hủy diệt hoàn toàn". Trước đó một ngày, Ủy ban Hòa bình quốc gia Triều Tiên chỉ trích hiệp ước quân sự 64 năm tuổi của Mỹ - Hàn và yêu cầu chấm dứt "7 thập niên chiếm đóng Hàn Quốc của Mỹ".
Một cuộc chiến hạt nhân, nếu nổ ra, sẽ gây tổn thất nhân mạng thảm khốc. Tính toán mới đây của Viện 38 North chuyên nghiên cứu về Triều Tiên chỉ ra 3,8 triệu người sẽ thiệt mạng nếu Mỹ tấn công Triều Tiên và Bình Nhưỡng trả đũa nhằm vào Hàn Quốc và Nhật Bản. Tổng số nạn nhân thiệt mạng sẽ tăng lên gần 4 triệu người nếu Triều Tiên tiến hành được các vụ phóng tên lửa mang bom nhiệt hạch. (NLĐ)