Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sáng 06-10-2017:
- Cập nhật : 06/10/2017
Mỹ vô tình 'tài trợ' cho Triều Tiên như thế nào?
Chính xác thì các công nhân Triều Tiên vẫn đang làm việc tại những nơi cung cấp hải sản cho các cửa hàng, nhà hàng ở Mỹ, một phóng sự của AP mới đây cho biết.
Công nhân Triều Tiên - Ảnh: REUTERS
Nói cách khác thì một tình huống trớ trêu đang xảy ra: chính quyền Mỹ muốn khống chế hầu bao của Triều Tiên, nhưng người dân thì vô tình tạo công ăn việc làm cho người Triều Tiên.
Trong nhiều năm qua, Triều Tiên vẫn hứng chịu lệnh trừng phạt, cô lập kinh tế do chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa của mình.
Một trong những cách để người dân Triều Tiên kiếm tiền - mà theo Mỹ cáo buộc là "nhằm gửi về nước phục vụ hạt nhân" - là gửi hàng chục ngàn công nhân ra nước ngoài làm việc theo dạng xuất khẩu lao động.
Trong số rất nhiều công việc khác nhau có thể đảm nhiệm, công nhân Triều Tiên xuất hiện ở các công ty chế biến hải sản có hàng xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Danh sách này dĩ nhiên bao gồm cả Mỹ, nơi người dân vẫn mua cá cho các bữa ăn tối tại những cửa hàng lớn.
Hãng tin AP viết trong phóng sự đăng ngày 5-10 ví von rằng rất nhiều trong số tiền mua cá trên "vô tình trợ cấp cho chính phủ Triều Tiên để theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân".
"Việc mua hải sản của người Mỹ cũng có lẽ đã hỗ trợ cho cái mà họ gọi là ‘nô lệ thời hiện đại’ - kể cả khi đó là những công việc mà người Triều Tiên rất muốn làm", AP viết.
Khi đến các nhà máy ở Trung Quốc, đơn cử như Hunchun, người ta có thể nhìn thấy nhiều công nhân Triều Tiên nơi đây đang làm việc 12 giờ/ngày, và chỉ nghỉ một ngày trong tuần.
Theo ghi nhận của AP, sự riêng tư của công nhân là điều không thể có. Họ không được rời khỏi khu vực ấy nếu không được cho phép. Họ không được dùng điện thoại di động, trong khi tiền lương của họ chỉ nhận một phần và 70% còn lại thuộc về chính quyền Bình Nhưỡng.
Hồ sơ của các đợt chuyển hàng cho thấy có ba nhà chế biến hải sản thuê công nhân Triều Tiên đã xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó "100 đợt hàng hải sản tương đương 2.000 tấn đã được chuyển tới Mỹ và Canada trong năm nay từ các công ty Trung Quốc có người Triều Tiên làm việc".
Các nhà máy trên cung cấp cua tuyết, phi-lê cá hồi và mực ống. Ngoài Mỹ, họ cũng đã xuất khẩu những mặt hàng này tới Đức và một số khu vực thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Với việc Mỹ muốn trừng phạt những ai làm ăn với Triều Tiên, phát hiện của hãng tin AP nêu trên cũng đồng nghĩa một số nhà nhập khẩu ở Mỹ đối diện nguy cơ bị phạt hình sự.
Luật mới do tổng thống Donald Trump ký hồi tháng 8 qua quy định bất cứ ai nhập khẩu hàng hóa do công nhân Triều Tiên làm ra trên thế giới sẽ đồng nghĩa với phạm tội cấp liên bang.(Tuoitre)
-----------------------------------
Nga đang giúp Triều Tiên đối chọi với Mỹ
Matxcơva đang âm thầm hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên, và đây được xem như nỗ lực ngăn chặn Mỹ đặt tầm ảnh hưởng và cả quân đội nhắm vào miền đông Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một lần đối thoại song phương - Ảnh: REUTERS
Giữa lúc mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên căng thẳng trong những ngày gần đây, có tin khẳng định Công ty TransTeleCom của Nga đã cung cấp mạng Internet cho Triều Tiên.
Đây là một phương án có thể giúp Triều Tiên giảm lệ thuộc hạ tầng mạng vào Trung Quốc, nhưng cũng phần nào cho thấy sự hiện diện rõ ràng hơn của Nga vào câu chuyện trên bán đảo Triều Tiên.
Hãng tin Reuters ngày 4-10 dẫn lời các nhà phân tích về vấn đề này nói rằng Matxcơva đang ngăn các nỗ lực do Washington dẫn đầu trong việc "lật đổ chính quyền" Bình Nhưỡng. Vì nếu Triều Tiên bị thay đổi, tình hình ở khu vực sẽ bị ảnh hưởng lớn, mà Nga thì không muốn việc quân đội Mỹ có thể lảng vảng gần biên giới của mình.
Một số nhà ngoại giao Nga cũng như giới phân tích thạo tin về Điện Kremlin cho rằng Nga tuy mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ để tháo gỡ gánh nặng từ lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, liên quan tới cáo buộc Matxcơva gây bất ổn ở miền đông Ukraine, nhưng không thể nhượng bộ khi chứng kiến Mỹ can thiệp vào công việc đối ngoại của các nước khác.
Các ý kiến trên cho rằng Nga bày tỏ sự phản đối quyết liệt với chuyện Mỹ và đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gầy dựng lực lượng tại biên giới phía tây của Nga. Và Matxcơva không hề mong muốn câu chuyện tương tự xảy ra ở cánh miền đông - tức châu Á.
Xe tăng Nga tập trận tại khu vực Chelyabinsk, giáp biên giới với Kazakhstan - Ảnh: TASS
Chính vì vậy, Nga đang tiếp cận vấn đề theo hai hướng song song vào thời điểm này. Một mặt họ muốn bảo vệ Triều Tiên, không cho Mỹ cô lập kinh tế với đất nước này. Một mặt, họ vẫn lên án các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Dịch vụ Internet chỉ là một phần trong mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Triều Tiên. Thương mại song phương của hai nước này đạt hơn 31,4 triệu USD trong quý đầu tiên của năm 2017, chủ yếu xuất phát từ xuất khẩu dầu mỏ, Hãng tin Reuters dẫn số liệu từ Bộ phát triển Viễn Đông Nga.
Thực tế cho thấy ít nhất 8 tàu chở hàng đã rời Nga cùng các sản phẩm hàng hóa, nhiên liệu để về Triều Tiên trong năm nay, bất kể cam kết của Matxcơva về việc siết chặt lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng. Ngoài ra, Nga cũng không trục xuất công nhân Triều Tiên để đánh vào "yết hầu kinh tế" của Triều Tiên như mong muốn của Mỹ.
Điện Kremlin thực sự tin rằng giới chóp bu ở Triều Tiên cần thêm sự đảm bảo, và tự tin rằng Mỹ không can thiệp vào chuyện thay đổi chế độ"
Ông Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng Quan hệ quốc tế Nga (RIAC)
RIAC là một cơ quan nghiên cứu thân thuộc với Bộ Ngoại giao Nga.
Ông Kortunov nói thêm rằng Matxcơva xem Tổng thống Mỹ Donald Trump như một người có thể hành động khó lường, khác với cách nhìn của họ về tổng thống Barack Obama trước đây. Vì vậy Nga trước hết cần đảm bảo không có chuyện gì xảy ra với Triều Tiên.
Việc Nga ủng hộ Triều Tiên là một "sự cân bằng tinh tế", theo ông Kortunov. Nó không hề dính dáng gì tới cảm xúc cá nhân, mà là chiến lược ngoại giao giúp Nga củng cố vị thế và lợi ích chính trị của mình, tương tự việc Điện Kremlin ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad để duy trì ảnh hưởng ở Trung Đông.
Nhưng khác với Syria ở chỗ nếu Triều Tiên có sụp đổ thật thì Nga sẽ phải đối diện một cuộc khủng hoảng nhân đạo do hai nước có một đoạn biên giới ngắn.(Tuoitre)
-------------------
Triều Tiên chuyển hướng công kích Mỹ về Trung Đông
Trong một động thái hiếm hoi, Bình Nhưỡng lên tiếng chỉ trích về âm mưu của Mỹ sau khi Washington quyết định lập căn cứ quân sự thường trực đầu tiên ở Israel.
Hình ảnh được truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố cho thấy thanh niên nước này tham gia một cuộc míttinh chống Mỹ ở quảng trường Kim Nhật Thành hôm 23-9 - Ảnh: AFP
Trong một bài xã luận đăng ngày 4-10, tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, nói rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố khoản ngân sách quốc phòng 700 tỉ USD cho năm tài khóa 2018 (tức tăng thêm 100 tỉ USD so với năm nay) là bằng chứng cho thấy "sự hoang tưởng tự đại của Mỹ về việc thống trị thế giới".
Tờ báo Triều Tiên nói rằng với khoản ngân sách lớn như vậy, bên cạnh việc xây dựng một căn cứ quân sự thường trực trên lãnh thổ Israel, Mỹ đang cho thấy nước này đi ngược lại các ý định về gìn giữ hòa bình thế giới như Washington đã tuyên bố.
"Điều này cho thấy tham vọng bất biến của Mỹ về việc thống trị thế giới. Và thật lố bịch khi kẻ cầm đầu một cuộc xâm lược nói về hòa bình quốc tế" - bài xã luận chỉ trích.
Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên còn dai dẳng trong nhiều tháng qua. Điều đáng chú ý là trong khi truyền thông Bình Nhưỡng thường hay chỉ trích lập trường của Mỹ về vấn đề Triều Tiên, những chỉ trích của Rodong Sinmun ngày 4-10 là một động thái công kích hiếm hoi nhằm vào chính sách của Mỹ ở Trung Đông.
Bài xã luận có đoạn nói rằng việc Mỹ đầu tuần này xác nhận đang xây dựng căn cứ quân sự thường trực đầu tiên tại Israel, đồng minh truyền thống của Washington, đã "khuấy động mối lo ngại ngày một lớn đối với cộng đồng thế giới".
Theo báo Newsweek, Triều Tiên từ lâu ủng hộ các quốc gia Ả Rập chống lại Israel. Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Il Sung từng cử phi công và các lực lượng khác tới hỗ trợ quân đội Ai Cập trong cuộc giao tranh với Israel.
Trong suốt những năm 1980, Bình Nhưỡng còn cung cấp vũ khí cho các quốc gia Ả Rập và các nhóm phiến quân ủng hộ người Palestine chống lại Israel. Tiêu biểu vào năm 1988, Triều Tiên tuyên bố ủng hộ một quốc gia Palestine độc lập.
Đầu tháng này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un còn chúc sinh nhật Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nhà lãnh đạo Syria sau đó hồi đáp, khen ngợi cả ông Kim và lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei vì đã ủng hộ ông trong cuộc chiến kéo dài sáu năm qua ở Syria.
Israel đang ngày càng nhúng tay vào chiến sự tại Syria, nơi nước này tiến hành các cuộc không kích chống lại quân chính phủ Syria, Iran và nhóm Hezbollah.
Liên quan tới căn cứ mới của Mỹ như Triều Tiên đề cập, tướng Zvi Haimovich của Israel khẳng định việc xây căn cứ này là "đúng đắn và cần thiết". (Tuoitre)