Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý trưa 06-10-2017

  • Cập nhật : 06/10/2017

Trung Quốc “thắng lớn” nhờ Ukraine suy sụp

Trung Quốc rất biết nắm thời cơ khủng hoảng của hệ thống xã hội chủ nghĩa, đưa ra "công trình kép" để nhập khẩu công nghệ và thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghiệp quân sự, nhất là từ Ukraine, đã thực hiện "đi tắt đón đầu".

Phong Vân - /

Tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc được cải tạo từ tàu Varyag của Ukraine. Ảnh: Ifeng.Tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc được cải tạo từ tàu Varyag của Ukraine. Ảnh: Ifeng.

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 28/9 cho hay gần đây thông tin về việc Trung Quốc nhập công nghệ hàng không của Ukraine đã liên tiếp xuất hiện, trước hết là Công ty MotorSich - nhà chế tạo động cơ nổi tiếng của Ukraine tuyên bố sẽ hợp tác với Tập đoàn hàng không Thiên Kiêu Trung Quốc sản xuất nhiều loại động cơ hàng không.

Sau đó lại có tin cho biết Trung Quốc sẽ nhập khẩu công nghệ đồng bộ nghiên cứu phát triển và sản xuất máy bay vận tải cỡ lớn An-225.
Những trang bị công nghiệp quân sự nêu trên đều rất quan trọng với Trung Quốc, bởi vì hiện nay nền tảng công nghệ liên quan của ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc tương đối yếu, hơn nữa những loại trang bị này có vai trò quan trọng đối với an ninh, quốc phòng của Trung Quốc, vì vậy nó đã gây dư luận xôn xao ở Trung Quốc.
Hơn nữa, đối với những người hiểu biết về lịch sử thương mại công nghiệp quân sự và hợp tác kỹ thuật quân sự Trung Quốc - Ukraine thì đây là một điển hình tiếp theo, sau việc Trung Quốc mua tàu sân bay Varyag và cải tạo thành tàu sân bay Liêu Ninh và trang bị cho Hải quân Trung Quốc hiện nay.
Như vậy, nhập khẩu những chương trình công nghiệp quân sự quan trọng của Ukraine có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển của trang bị quân sự Trung Quốc.
Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu thu thập được, trong lịch sử hợp tác công nghiệp quân sự giữa Trung Quốc và Ukraine, những chương trình như máy bay vận tải cỡ lớn An-225 và tàu sân bay gây chú ý hơn, song việc hợp tác công nghệ về các hệ thống và trao đổi nhân viên kỹ thuật lại chiếm vị thế chủ đạo trong hợp tác công nghiệp quân sự giữa hai bên. 
Chính những công nghệ và nhân viên ít biết tới trong vài chục năm qua này đã làm cho rất nhiều vũ khí hiện đại của Trung Quốc đạt được bước nhảy về chất sau khi hấp thu từ Ukraine. Từ đó đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của khoa học công nghệ công nghiệp quân sự Trung Quốc.

Trung Quốc đã mua được công nghệ chế tạo tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới Zubr của Ukraine.

Di sản 
Là sự kiện địa - chính trị lớn nhất của nửa sau thế kỷ 20, sự sụp đổ của Liên Xô không những có ảnh hưởng to lớn đối với tình hình quốc tế, tình hình chính trị, kinh tế của các nước thuộc khối SNG sau độc lập, mà còn đóng vai trò "tái tạo" quan trọng đối với cục diện ngành công nghiệp quân sự quốc tế.
Sau khi Liên Xô giải thể, do cải cách thể chế kinh tế cấp tiến và tham nhũng trong chính trị, nhu cầu trang bị quân sự dựa vào thể chế kinh tế kế hoạch và chạy đua vũ trang trước đó đã không còn tồn tại. Ngành công nghiệp quân sự với tư cách là "viên ngọc trên vương miện" vốn thuộc hệ thống công nghiệp của Liên Xô đã sa sút nghiêm trọng.
Từ ngành hàng không vũ trụ đỉnh cao đến nhà máy chế tạo súng pháo thông thường đều rơi vào tình cảnh khó khăn toàn diện như không có đơn đặt hàng, công nghệ đình trệ. 
Đồng thời, do Nga áp dụng cải cách kinh tế cấp tiến, dẫn đến một loạt doanh nghiệp công nghiệp quân sự và cơ quan khoa học công nghệ bị phá sản, đóng cửa, rất nhiều nhân tàitrong ngành công nghiệp quân sự đã bị thất nghiệp và rơi vào nghèo khó.
Trong khi đó, ở Ukraine, những vấn đề trên thậm chí nghiêm trọng hơn. Ngoài có điểm chung với Nga về nhu cầu thị trường sản phẩm công nghiệp quân sự trong nước và chính sách kinh tế, tình hình ngành công nghiệp quân sự đặc biệt của Ukraine phần nào đã làm trầm trọng thêm khó khăn cho các doanh nghiệp quân sự Ukraine.
Do Ukraine là thành viên rất nổi trội về dân số, chủng tộc, vị trí địa lý trong Liên bang Xô viết trước đây, nên trong một giai đoạn rất dài đã được Liên Xô coi là một nước trọng điểm để xây dựng. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp quan trọng về quốc kế dân sinh và công nghiệp quân sự của Liên Xô đều đã được đặt ở lãnh thổ Ukraine. 
Vì vậy, sau khi Ukraine độc lập, họ đã kế thừa những công nghệ quân sự và nguồn nhân lực (nhân tài) từ thể chế công nghiệp quân sự của Liên Xô cũ. 

Máy bay chiến đấu J-15 trang bị cho tàu sân bay Trung Quốc được sản xuất dựa trên các tài liệu kỹ thuật mua được từ Ukraine. Ảnh: Youth.

Nhưng sau khi độc lập, do chính phủ Ukraine thiếu quan tâm đến ngành công nghiệp quân sự, một mực tìm cách "gia nhập phương Tây" trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy các doanh nghiệp công nghiệp quân sự và các tổ chức nghiên cứu khoa học có nền tảng của nước này không được coi trọng, thậm chí bị bỏ mặc và phá sản, sụp đổ. 
Đồng thời, do ngành công nghiệp quân sự Liên Xô áp dụng thể chế "phân công", rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp quân sự ở Ukraine đều phải kết nối với hệ thống công nghiệp quân sự của Nga mới có thể hình thành một chuỗi ngành công nghiệp quân sự hoàn chỉnh.
Vì vậy, Ukraine sau độc lập thiếu khả năng tích hợp các doanh nghiệp công nghiệp quân sự trên các lĩnh vực của họ vào hệ thống công nghiệp tự chủ. Những nhân tố này đều làm cho các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Ukraine đã bị rơi vào tình cảnh khó khăn tuyệt vọng hơn sau khi độc lập.
Đúng vào thời điểm "di sản" của Liên Xô bị "ruồng bỏ", thậm chí "đường cùng", "công trình kép" (nhập khẩu công nghệ và thu hút nhân tài từ Ukraine) của Trung Quốc đã làm cho công nghệ quân sự và nhân tài quân sự của Ukraine "hồi sinh".
Ngay từ khi Liên Xô mới giải thể, các nhân viên kỹ thuật của các quân binh chủng trong quân đội cùng các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Trung Quốc đã thông qua các loại hình thức như mối quan hệ với các lĩnh vực công nghiệp quân sự của Liên Xô, thông qua giao lưu học thuật, quan hệ cá nhân, đã mời không ít các chuyên gia công nghiệp quân sự cao cấp của Ukraine và nhận được tương đối nhiều tài liệu công nghệ.
Rất nhanh, động thái mới trên phương diện nhập khẩu khoa học công nghệ quân sự đã được nhà lãnh đạo và các tướng lĩnh cấp cao quân đội Trung Quốc coi trọng. 
Căn cứ vào các báo cáo của hệ thống ngoại giao, hệ thống quân đội và hệ thống công nghiệp quân sự của Trung Quốc, nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó đã chủ trì khởi động một "công trình kép" - chuyên "nhập khẩu" nhân tài và công nghệ của các nước SNG. 
Nhà nước và quân đội Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều nhân lực và tiền của, thông qua đãi ngộ vật chất hậu hĩnh và cung cấp môi trường nghiên cứu khoa học tốt cho các chuyên gia kỹ thuật, đã thu hút được các chuyên gia công nghiệp quân sự "nghèo đói" đến Trung Quốc làm việc, hơn nữa tận dụng tình hình khó khăn của các doanh nghiệp công nghiệp Ukraine, đã nhập khẩu được rất nhiều tài liệu kỹ thuật đồng bộ.

Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 Trung Quốc cũng có "dòng máu" công nghệ Ukraine. Ảnh: Sina.

Đồng thời, để đẩy mạnh triển khai "công trình kép", Quốc vụ viện Trung Quốc còn trao quyền cho Cục chuyên gia nước ngoài thành lập "Giải thưởng hữu nghị" quốc gia vào năm 1991 để biểu dương những đóng góp của các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Trung Quốc, cảm ơn, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần cho các chuyên gia nước ngoài đến Trung Quốc làm việc. 
Do đó, đã mở ra thời kỳ Trung Quốc nhập khẩu các "chương trình" về nhân tài và công nghệ quân sự của Ukraine, thời kỳ này đến nay vẫn chưa kết thúc.
Nhập khẩu toàn diện
Căn cứ vào "công trình kép", đông đảo cơ quan nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp công nghiệp quân sự và các cơ quan liên quan của quân đội Trung Quốc đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của đơn vị mình, dưới quy hoạch thống nhất của Quốc vụ viện, bắt đầu nhập khẩu công nghệ trang bị quân sự của các nước như Ukraine, nghiên cứu phát triển công nghệ và nguồn nhân lực cho nghiên cứu khoa học và công nghiệp quân sự. 
Hơn 20 năm qua, Trung Quốc đã “nhập khẩu” rất nhiều công nghệ và nhân tài của Ukraine trên các lĩnh vực của công nghiệp quân sự.
Về công nghệ đóng tàu, Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều loại tua-bin chạy ga dùng cho tàu chiến mặt nước cỡ lớn như động cơ của tàu khu trục tên lửa Type 052 đã tham khảo tua-bin chạy ga DN/DA-80 của Ukraine. 
Trong khi đó, động cơ của 2 tàu sân bay hiện nay của Trung Quốc chính là thành quả trực tiếp từ việc nhập khẩu và hấp thu công nghệ động cơ tàu chiến cỡ lớn do Ukraine sản xuất. 
Đồng thời, theo báo chí Ukraine, các nhân tài và công nghệ hoàn thiện của các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Ukraine còn được sử dụng để nghiên cứu phát triển một số hệ thống tác chiến cho tàu chiến mặt nước Trung Quốc như hệ thống phòng thủ tầm gần, hệ thống tên lửa. 
Ngoài ra, việc nghiên cứu chế tạo tàu đổ bộ đệm khí của Trung Quốc cũng không thể không tham khảo trang bị và công nghệ tàu đệm khí quân dụng (Zubr) của Ukraine.

Máy bay vận tải lớn nhất thế giới An-225. Ảnh: Cankao.

Về công nghệ hàng không, ngoài nhập khẩu công nghệ máy bay vận tải cỡ lớn của Ukraine, trong những công nghệ quân sự Trung Quốc nhập từ Ukraine trước đây, nổi bật nhất là nhập khẩu tài liệu hệ thống máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay.
Ngay từ hơn 10 năm trước, Trung Quốc đã tìm cách nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu cánh cố định cho tàu sân bay dựa trên máy bay chiến đấu Su-33, phiên bản hải quân của máy bay chiến đấu Su-27. Nhưng các cuộc đàm phán với Nga đã thất bại do bất đồng quá lớn. 
Chính vào lúc đó, Trung Quốc đã để ý đến Ukraine. Do trong thời kỳ Liên Xô, nhà máy đóng tàu ở Ukraine làm nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo và sản xuất tàu sân bay cho Liên Xô trong thời gian dài, trong khi đó bản vẽ, tài liệu kỹ thuật, cơ sở huấn luyện, bảo trì máy bay chiến đấu Su-33 đều có trước ở Ukraine, thậm chí Ukraine còn có một mẫu máy bay chiến đấu Su-33.
Sau khi đàm phán trong thời gian ngắn với Ukraine, Trung Quốc đã mua được toàn bộ các tài liệu về máy bay trang bị cho tàu sân bay như bản vẽ, tài liệu thông số của máy bay nguyên mẫu. Đồng thời, còn nhập khẩu được công nghệ đồng bộ của Ukraine trên các phương diện như thiết bị trên đường băng tàu sân bay, cơ sở huấn luyện mô phỏng mặt đất cho máy bay tàu sân bay. Việc nghiên cứu chế tạo thành công và trang bị máy bay chiến đấu hải quân J-15 của Trung Quốc có liên quan chặt chẽ đến công nghệ của Ukraine.
Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu chế tạo các loại máy bay như máy bay huấn luyện cao cấp mới, máy bay vận tải dân dụng 8F600, máy bay trực thăng vận tải cỡ lớn dùng cho miền núi và cao nguyên, Trung Quốc cũng đã tham khảo tài liệu thiết kế động cơ và ngoại hình khí động học từ Ukraine. Bản thân máy bay vận tải cỡ lớn tự chế Y-20 cũng có “dòng máu” công nghệ của Ukraine.
Về trang bị mặt đất, trong quá trình nghiên cứu phát triển động cơ xe tăng mới và tên lửa chống tăng mới, Trung Quốc cũng đã tham khảo công nghệ hoàn thiện của Ukraine.

Máy bay vận tải An-124. Ảnh; Aircraft InFormation.

Theo thống kê, ngay từ 15 năm trước, Trung Quốc đã nhập hơn 2.000 công nghệ quân sự của Ukraine. Hiện nay, hợp tác kỹ thuật giữa Trung Quốc và Ukraine tiếp tục không ngừng phát triển. 
Ngoài nhập khẩu công nghệ quân sự từ Ukraine, Trung Quốc còn ra sức thu hút nhân tài công nghiệp quân sự trên các lĩnh vực của Ukraine. Rất nhiều nhân tài cao cấp từng làm lãnh đạo trung cao cấp mảng kỹ thuật trong các doanh nghiệp công nghiệp quân sự của Liên Xô/Ukraine đã đến Trung Quốc cộng tác nhiệt tình.
Nhân tài Ukraine có mặt nhiều nhất trong công nghiệp hàng không và công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc. Những chuyên gia đã tích lũy được kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và sản xuất phong phú trong thời đại Liên Xô này đã đóng vai trò quan trọng đối với việc nghiên cứu phát triển động cơ hàng không, động cơ tàu chiến và các loại hệ thống tác chiến của Trung Quốc.
Ngoài ra, họ còn truyền thụ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và tiêu chuẩn kỹ thuật cho đội ngũ nghiên cứu khoa học, làm công nghiệp quân sự với nền tảng tương đối yếu, kinh nghiệm tương đối ít của Trung Quốc, giúp Trung Quốc có thể “đứng trên vai người khổng lồ” để tiến hành nghiên cứu, thiết kế các trang bị mới, ít phải đi “đường vòng” trong rất nhiều công nghệ.
Được biết, những năm gần đây, Trung Quốc đã thu hút hàng nghìn nhân tài công nghệ trên các lĩnh vực từ Ukraine, trong đó bao gồm các chuyên gia công nghệ quan trọng như Vasily Zinchenko - người từng tham gia thiết kế các máy bay vận tải cỡ lớn An-124 và An-225, chuyên gia kỹ thuật chế tạo chùm năng lượng cao Vladimir Kovalenko, chuyên gia công nghệ vật liệu mới Volodymyr Ogenko.
Con đường “nhập khẩu” còn bao xa?
Nhìn vào nguồn gốc và nội dung “nhập khẩu” công nghệ quân sự Ukraine, tổng kết quá trình hơn 20 năm qua, có thể đưa ra phán đoán sơ bộ đối với sự phát triển của công nghệ Ukraine tại Trung Quốc.
Về mặt lợi ích, Trung Quốc đã căn cứ vào điểm yếu về khoa học công nghệ và nhu cầu cấp bách phát triển công nghiệp quân sự của bản thân để tiến hành “nhập khẩu” công nghệ và nhân tài từ Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc tiến hành nhập khẩu theo hình thức “lẻ tẻ” để Ukraine ít có quyền chủ động trong mặc cả hay độc quyền công nghệ. 
Vì vậy, “nhập khẩu” công nghệ và nhân tài từ Ukraine có tác dụng không thể thay thế đối với phát triển trang bị quân dụng cỡ lớn, phương diện mà công nghiệp quân sự Trung Quốc còn phát triển tương đối lạc hậu, thiếu nền tảng và kinh nghiệm.

Ngày 15/5/2017, Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine X. Kubiv đến thăm Công ty TNHH Đầu tư ngành hàng không Thiên Kiêu. Ảnh: Sina

Ngoài việc khắc phục những điểm yếu, “nhập khẩu” nhân tài và công nghệ của Ukraine cũng giúp cho các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Trung Quốc tích lũy phong phú và phát triển khả năng nghiên cứu khoa học của mình, thậm chí có thể “đi tắt đón đầu”. 
Những năm gần đây, mặc dù Trung Quốc phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ cao mới, nhưng ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc vẫn còn hạn chế trong lĩnh vực chế tạo truyền thống, lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chế tạo tương đối cao. 
Nhân tài và công nghệ đến từ Ukraine đã giúp cho Trung Quốc có được tham chiếu và tích lũy công nghệ quan trọng, có ý nghĩa quan trọng đối với việc Trung Quốc phát triển đội ngũ nghiên cứu khoa học quân sự trên mọi lĩnh vực. 
Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt, những vấn đề trong “nhập khẩu” công nghệ quân sự cũng tồn tại rất nhiều. Sau khi Liên Xô giải thể, ngành công nghiệp quân sự Ukraine đã hơn 20 năm không được phát triển và nâng cấp, luôn “dùng vốn ban đầu” của thời đại Liên Xô, dậm chân tại chỗ trong lĩnh vực công nghệ cũ. 
Điều này vẫn chưa trở thành một vấn đề quan trọng khi khởi động “công trình kép”, nhưng trong tình hình khoa học công nghệ quân sự phát triển mạnh mẽ hiện nay, công nghệ quân sự Ukraine thực sự đã lạc hậu so với thời đại. 
Đồng thời, ngành công nghiệp quân sự Ukraine tuy lớn, nhưng về căn bản là một bộ phận của hệ thống công nghiệp quân sự Liên Xô, công nghệ Ukraine nhiều nhất cũng chỉ có thể “gợi ý” cho công nghiệp quân sự Trung Quốc trong các lĩnh vực mang tính cục bộ và hệ thống con.
Vì vậy, nhìn vào sự phát triển của khoa học công nghệ quốc phòng và công nghiệp quân sự của Trung Quốc hiện nay, việc nhập khẩu công nghệ và nhân tài của Ukraine vẫn có ý nghĩa tham khảo nhất định trên những lĩnh vực mà tích lũy công nghệ hiện còn tương đối ít.
Nhưng sau khi Trung Quốc đã có khả năng nghiên cứu phát triển và chế tạo cơ bản trên các lĩnh vực của công nghiệp quân sự, tiếp tục đi theo con đường cũ nhập khẩu công nghệ Ukraine thì có thể rơi vào “tuần hoàn xấu” không theo kịp sự phát triển của thời đại.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Tự do Đài Loan.

Vì vậy, hấp thu những gì có ích về công nghệ quân sự của Ukraine để nhanh chóng phát triển được khả năng nghiên cứu khoa học công nghiệp quân sự độc lập và tự chủ là vấn đề cần được các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Trung Quốc thúc đẩy cấp bách hiện nay. 
Những nhân tài và công nghệ của Ukraine mặc dù hiện vẫn có tác dụng gợi ý quan trọng đối với Trung Quốc, nhưng trong tương lai với việc khoa học công nghệ quân sự không ngừng phát triển, những thứ “nhập” từ Ukraine sẽ dần dần mất đi ý nghĩa. (Viettimes)
-------------------------

Trung Quốc đua với Mỹ phát triển vũ khí tối tân

Một bộ phim tài liệu phát sóng ngày 2-10 ở Trung Quốc đã tiết lộ về quá trình phát triển và hướng đi sắp tới của quân đội, vũ khí Trung Quốc.

Trung Quốc đua với Mỹ phát triển vũ khí tối tân - Ảnh 1.

Tiêm kích J-20 của Trung Quốc tại Triển lãm hàng không Chu Hải tháng 11-2016 - Ảnh chụp màn hình

Siêu máy tính, tên lửa đạn đạo và hệ thống định vị vệ tinh là 3 trong số những mục tiêu được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu tập trung phát triển.

Từ Bắc Đẩu đến Thiên Hà-2, các hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu và siêu máy tính của Trung Quốc, đều có dấu ấn của quân đội Trung Quốc.

"Tầm quan trọng của việc phát triển vũ khí ngày càng tăng khi các công nghệ quân sự (của Trung Quốc) liên tiếp được nâng cấp trong thời gian gần đây. Chúng ta sẽ không thể thắng một cuộc chiến nếu có khoảng trống về mặt vũ khí", Đài truyền hình trung ương Trung Quốc dẫn lời ông Tập nhấn mạnh.

Theo bộ phim tài liệu, những năm gần đây Trung Quốc đã tích cực tìm kiếm và tạo ra một đội ngũ các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là về các phần cứng quân sự trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội.

Năm ngoái, hàng chục tàu chiến đóng mới gia nhập biên chế của hải quân Trung Quốc đã cho thấy Bắc Kinh đang từng bước hiện thực hóa tham vọng cường quốc biển.

Ông Tập, người đứng đầu Quân ủy trung ương Trung Quốc, nhấn mạnh trong phim tài liệu rằng các nhà khoa học và phát triển vũ khí của Trung Quốc phải bắt kịp và vượt qua công nghệ, trình độ của các nước khác.

Giới quan sát quân sự nhận định từ trước đến nay vũ khí Trung Quốc luôn bị gắn mác sao chép của nước khác, chủ yếu là Nga. Một vài vụ tấn công mạng và đánh cắp dữ liệu từ các công ty quốc phòng Mỹ được cho là do Trung Quốc thực hiện. Tất nhiên, Bắc Kinh luôn phủ nhận điều này.

Xuất hiện trong bộ phim có tên "Quân đội hùng mạnh", đại tá Chen Deming và nhóm nghiên cứu khẳng định công nghệ phòng thủ tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đã bắt kịp Mỹ.

"Chỉ có hai quốc gia có thể đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo, đó là Trung Quốc và Mỹ", vị đại tá quân đội Trung Quốc tỏ ra tự tin.

Bắc Đẩu - hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu của riêng Trung Quốc, cũng có công của các học viên chưa tốt nghiệp của Đại học công nghệ quốc phòng của quân đội Trung Quốc. Trong khi đó, Thiên Hà-2, siêu máy tính mạnh nhất thế giới từ 2013-2015, là công của các học viên đã tốt nghiệp từ trường đại học trên.

Trao đổi với báo South China Morning Post, chuyên gia quân sự He Qisong nhận xét việc để các học viên trẻ can dự nhiều vào quá trình phát triển các hệ thống vũ khí mới là bước đệm chuẩn bị cho các tham vọng tương lai của Trung Quốc. 

Trung Quốc đua với Mỹ phát triển vũ khí tối tân - Ảnh 3.

Tiêm kích thế hệ 5 Su-57 của Nga - Ảnh chụp màn hình

Ngày 28-9, trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn lời ông Wu Qian - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc - xác nhận không quân Trung Quốc đã chính thức tiếp nhận và đưa vào biên chế tiêm kích tàng hình J-20.

"J-20 là phi cơ chiến đấu tầm trung và tầm xa thế hệ thứ tư của Trung Quốc. Nó đã cất cánh lần đầu tiên vào năm 2011 và ra mắt trước công chúng trong Triển lãm hàng không Chu Hải ở tỉnh Quảng Đông vào tháng 11 năm ngoái", thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc viết rõ.

Đây rõ ràng là bước tiến đáng kể của Trung Quốc trong cuộc đua tiêm kích thế hệ thứ 5 của thế giới. Trong khi Nga vẫn đang loay hoay với dự án Sukhoi Su-57, Nhật Bản là X-2, Bắc Kinh đã về trước với J-20.

Với F-22 Raptor và sắp tới là F-35 Lightning II, Mỹ hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới có máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 trong trạng thái trực chiến.

Tuy nhiên bản tin của tạp chí Forbes không nhắc đến chi tiết động cơ của J-20 là hàng nội địa hay nhập khẩu. Động cơ máy bay chiến đấu là bài toán nan giải của Trung Quốc trong hàng chục năm qua.

Một nhà quan sát quân sự nhận xét việc Trung Quốc đưa J-20 vào biên chế sẽ khiến cuộc đua tiêm kích thế hệ thứ 5 thêm kịch tính, đặc biệt là từ Nga.(Tuoitre)
---------------------------------------

Trung Quốc lại cho không Philippines 3.000 khẩu súng

 Lần thứ hai trong năm nay, Trung Quốc tiếp tục tặng Philippines lô vũ khí trị giá hàng chục triệu USD để tạo dựng ảnh hưởng của mình.

Thời báo Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) cho hay Trung Quốc ngày 5-10 đã tặng Philippines số súng và đạn dược trị giá 22 triệu USD trong một hành động được giới chức Trung Quốc đánh giá là cho thấy “quan hệ hữu nghị và hợp tác” giữa Bắc Kinh và Manila.

Cụ thể, lô vũ khí gồm 3.000 khẩu súng trường M4, ba triệu băng đạn các loại và 30 súng bắn tỉa. Trong đó, số súng trường được ước tính trị giá 3,3 triệu USD. 

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết số súng trường của Trung Quốc ban đầu được dự tính bàn giao cho quân đội Philippines. Tuy nhiên, ông Duterte nói rằng cảnh sát nước này hiện vẫn cần số vũ khí trên hơn. “Chúng tôi thật may mắn khi được chính phủ Trung Quốc tặng số vũ khí này” – ông Lorenzana nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (áo trắng) và Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa (áo xanh dương) tham gia sự kiện bàn giao số súng được Trung Quốc tặng ngày 5-10. Ảnh: REUTERS

Bàn giao số vũ khí ngày 5-10 tại Philippines, Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa nói rằng Bắc Kinh đã cung cấp cho Manila khoảng 300 triệu USD trong các khoản hỗ trợ quân sự và trợ giúp thiên tai trong một năm qua.

“Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho Philippines. Trung Quốc hiện là một người bạn cũng như đối tác chân thành của Philippines và điều đó sẽ duy trì mãi mãi” – ông Triệu phát biểu.

Như vậy, 3.000 khẩu súng trên sẽ được bàn giao cho Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP). Động thái sẽ giúp lấp đầy khoảng trống trong kho súng của cảnh sát Philippines sau khi Mỹ dừng thương vụ bán 26.000 khẩu súng trường M4 cho Manila hồi năm ngoái. Quyết định của Washington được thực hiện giữa các lo ngại về chiến dịch tiêu diệt tội phạm ma túy của ông Duterte.

Đây là lô vũ khí thứ hai được Bắc Kinh tặng cho Manila trong năm nay. Hồi tháng 6, Trung Quốc đã tặng Philippines 3.000 khẩu súng trường tấn công và 100 súng bắn tỉa. Quân đội Philippines lúc bấy giờ cũng đồng ý giao số súng trường cho cảnh sát nhưng giữ lại các súng bắn tỉa.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ngày càng xa lánh Mỹ và xích gần hơn với Trung Quốc. Sau chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte hồi tháng 10 năm ngoái, ước tính Manila đã nhận 24 tỉ USD từ Bắc Kinh trong các khoản đầu tư và vay mượn.

Tuy nhiên, Reuters bình luận “sự rộng rãi” của Bắc Kinh vẫn còn nhỏ đáng kểso với những gì Washington từng làm bởi Mỹ là đồng minh hiệp ước với Philippines kể từ những năm 1950. Trong 17 năm qua, Mỹ đã cung cấp gần một tỉ USD viện trợ quân sự cho Philippines, gồm máy bay không người lái, tàu, máy bay do thám và súng trường tấn công.(PLO)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý sáng 06-10-20172

    Tin thế giới đáng chú ý sáng 06-10-2017

    Bộ Quốc phòng Nga: Chiến tranh với NATO có thể xảy ra; Nghịch lý: MiG-29 Nga giúp Serbia gia nhập EU?; Mỹ ra mặt ủng hộ Ấn Độ trước Trung Quốc

  • Tin thế giới đáng chú ý 06-10-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 06-10-2017

    Nga-Mỹ tranh hùng, Trung Quốc “ngư ông đắc lợi"; Căng thẳng Mỹ-Cuba có "yếu tố Nga"?; Philippines: Ông Duterte tuyên chiến với chánh án Tòa án tối cao

Bài cùng chuyên mục