Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý tối 06-10-2017
- Cập nhật : 06/10/2017
Mỹ triển khai 12 máy bay giám sát kiêm tấn công tại Philippines
MQ-1C triển khai ở Philippines với nhiệm vụ chính là theo dõi khu vực hoạt động của các nhóm tổ chức cực đoan IS, cung cấp đầy đủ hơn tình hình hoạt động của các phần tử vũ trang cho lực lượng mặt đất quân đội Philippines.
Một đại đội hàng không MQ-1C bao gồm 150 quân nhân, 12 máy bay không người lái MQ-1C và 5 trạm mặt đất.
Đại đội MQ-1C đầu tiên được thành lập vào năm 2013. Quân đội Mỹ ban đầu có kế hoạch thành lập 45 đại đội hàng không như vậy, nhưng không đủ tiền. Tuy nhiên, số lượng máy bay không người lái MQ-1C đủ để thành lập đại đội đường không cho các lữ đoàn chiến đấu ở nước ngoài.
Trước khi những đại đội này được thành lập, vào năm 2010, một số máy bay không người lái MQ-1C đã được triển khai ở Iraq và Afghanistan để tiến hành thử nghiệm trên chiến trường.
Những thử nghiệm này đã thành công, báo cáo về MQ-1C đã hỗ trợ cho việc thành lập đại đội đường không MQ-1C đầu tiên. Hiện nay, ít nhất có 10 đại đội đường không như vậy, trong đó có 2 đại đội trực thuộc Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Mỹ.
Không quân Mỹ từng sử dụng máy bay không người lái tiến hành tấn công tổ chức cực đoan IS ở Syria và Iraq. Nhưng vào đầu năm 2015 lục quân Mỹ cũng bắt đầu điều máy bay không người lái MQ-1C tham gia hành động này.
Không quân Mỹ sử dụng máy bay không người lái khá cũ MQ-1A. Loại máy bay này đảm nhiệm 20% nhiệm vụ ở Syria và Iraq. Trong thực hiện phần lớn các nhiệm vụ, MQ-1A đều sử dụng tên lửa không đối đất Hellfire.
Trong khi đó, khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát, MQ-1C cũng được lắp tên lửa, đến nay ít nhất có 3 chiếc MQ-1C đã tổn thất trên chiến trường. Đầu năm 2017, 1 đại đội MQ-1C được điều đến Hàn Quốc. MQ-1C Block 1 Gray Eagle nặng 1,5 tấn, có thể được lắp bộ cảm biến 135,4 kg bên trong máy bay, khả năng treo ngoài vũ khí hoặc bộ cảm biến lớn nhất là 227,3 kg. Thời gian hoạt động liên tục là 30 giờ, tốc độ cao nhất là 270 km/giờ, sải cánh 18 m, thân dài 9 m, có thể mang theo 4 quả tên lửa Hellfire (trong khi máy bay không người lái Predator chỉ mang được 2 quả) hoặc mười mấy quả đạn rocket dẫn đường 70 mm.
Block 2 Gray Eagle mới đưa vào biên chế năm 2016. Động cơ của phiên bản này tốt hơn, dung lượng nhiên liệu đã tăng 50%, thời gian hoạt động liên tục đã tăng trên 75% (từ 30 giờ lên 53 giờ), tải trọng hiệu quả từ 372 kg tăng lên 558 kg.
Thân máy bay đã được cải tiến để thích ứng với lượng nhiên liệu tăng lên, đồng thời đã cải thiện tính khả thi và tính ổn định của bay trên không. Không gian máy bay tăng lớn có lợi hơn cho lắp hệ thống tránh va chạm giao thông, từ đó có thể bay ở vùng trời diễn ra hoạt động của máy bay có người lái.
MQ-1C trang bị phần mềm kiểm soát bay, có thể tiến hành cất cánh và hạ cánh tự động, nó có biểu hiện luôn đáng tin cậy.
Hiện nay còn chưa rõ MQ-1C triển khai ở Philippines có lắp vũ khí hay không, bởi vì nhiệm vụ chính của nó là theo dõi khu vực hoạt động của các nhóm tổ chức cực đoan IS, cung cấp đầy đủ hơn tình hình hoạt động của các phần tử vũ trang cho lực lượng mặt đất quân đội Philippines.
Sĩ quan chỉ huy quân đội Philippines biết rõ loại hành động giám sát này, bởi vì Mỹ từng cung cấp máy bay sử dụng thiết bị giám sát và thông tin tương tự cho Philippines. Bộ tư lệnh tác chiến đặc biệt Mỹ có phân đội chuyên môn trang bị máy thu mặt đất video. Mỹ còn cung cấp phần mềm đặc biệt để nắm bắt tình hình giám sát của máy bay không người lái, đồng thời có thể nhanh chóng phân tích các tin tức thu được, chỉ ra các động thái tiếp theo của kẻ thù.(Viettimes)
---------------------------
Sóng gió trong quan hệ Mỹ - Cuba
Quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù bước vào giai đoạn trắc trở mới sau khi Mỹ thông báo trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba.
Reuters ngày 4.10 dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố việc trục xuất các nhà ngoại giao Cuba nhằm đảm bảo “cân bằng” về nhân sự giữa hai nước.
Trước đó, Washington triệu hồi hơn một nửa số nhân viên tại Đại sứ quán ở Cuba, ra lệnh cho cơ quan này ngừng cấp thị thực cho công dân Cuba cũng như cảnh báo công dân Mỹ không đến nước láng giềng. Hiện công dân Cuba nếu có nhu cầu xin thị thực thì phải đến đại sứ quán Mỹ tại các nước khác trong khu vực để làm thủ tục.
Những quyết định trên được ban hành trong bối cảnh hai bên đang vướng mắc liên quan đến vụ 21 nhân viên ngoại giao Mỹ và thân nhân tại Cuba mất thính lực, tổn thương não, nghi do bị “tấn công bằng thiết bị bí ẩn phát ra sóng âm mà con người không thể nghe được”.
Reuters dẫn lời giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay các nhà ngoại giao Cuba có 7 ngày để về nước. Tuy vậy, cơ quan này nhấn mạnh Mỹ sẽ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Cuba và sẽ hợp tác để điều tra vụ việc.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Cuba chỉ trích Mỹ đã hành động hấp tấp, gây ảnh hưởng đến quan hệ song phương vốn vẫn đang trong tiến trình bình thường hóa sau hơn nửa thế kỷ thù địch.
“Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm cho việc làm xấu đi quan hệ song phương hiện nay và có lẽ cả trong tương lai”, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez Parrilla tuyên bố, đồng thời cáo buộc Washington thiếu hợp tác trong cuộc điều tra. Havana cương quyết phủ nhận mọi liên quan đến vụ việc và nhấn mạnh đã tăng cường an ninh cho các phái đoàn ngoại giao nước ngoài.
Một quốc gia đi đầu về công nghệ cao như Mỹ mà chưa thể xác định thiết bị gây ra vụ “tấn công sóng âm” là điều “đáng ngờ”.
Đến nay, cuộc điều tra của Cuba lẫn Mỹ vẫn chưa có kết quả. Trong khi đó, tờ Miami Herald dẫn lời một số chuyên gia cho rằng một quốc gia đi đầu về công nghệ cao như Mỹ mà chưa thể xác định thiết bị gây ra vụ “tấn công sóng âm” là điều “đáng ngờ”. Nhiều tàu cá lâu nay thường dùng thiết bị sóng âm tầm xa để ngăn chặn cướp biển Somalia ở vịnh Aden. “Thiết bị này tạo ra âm thanh gây đinh tai nhức óc không ai chịu nổi”, một cựu quan chức an ninh Mỹ cho biết.
Cũng có ý kiến nhận định vụ việc là kết quả của một đợt cuồng loạn tập thể (mass hysteria) hay còn gọi là chứng rối loạn phân ly tập thể. Đây là một dạng rối loạn tâm lý lan truyền, phóng đại trong đám đông với các triệu chứng như ngất xỉu hàng loạt, nôn mửa... Tình trạng này thường xảy ra trong môi trường tập thể như cơ quan ngoại giao, phân xưởng, doanh trại…
------------------------------
Quân đội Phlippines sẽ tăng cường tập trận với Mỹ
Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Eduardo Ano ngày 5.10 tuyên bố Mỹ vẫn là đồng minh số một của quốc gia Đông Nam Á này và hai bên sẽ gia tăng các cuộc tâp trận chung vào năm tới.
Phát biểu với báo giới tại Manila sau khi có cuộc gặp với Chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris hồi tuần trước, ông Ano cho hay hai bên đã nhất trí gia tăng các cuộc tập trận chung cho năm 2018, theo AFP. Một số cuộc tập trận chung thường niên Mỹ-Philippines đã bị giảm quy mô trong năm nay.
“Tổng thống (Rodrigo Duterte) đã nói: Tôi muốn trở nên thân thiện hơn với Mỹ”. Vì thế chúng tôi có quan hệ gần gũi hơn và nhiều cuộc tập trận hơn”, ông Ano cho hay và nhấn mạnh Mỹ vẫn là đồng minh số một của Philippines.
Tổng tham mưu trưởng Ano nói rõ những cuộc tập trận chung vào năm tới sẽ tập trung chống khủng bố, ứng phó thảm họa và cả phòng thủ lãnh thổ.
Mặt khác, ông Ano cho hay Philippines cũng sẽ thắt chặt quan hệ quốc phòng với Trung Quốc. Ông Ano đưa ra tuyên bố này tại sự kiện Trung Quốc trao hơn 3.000 súng trường cùng đạn dược, với tổng trị giá 3,2 triệu USD (75 tỉ đồng) cho Philippines. “Mỹ không phải là kẻ thù của chúng tôi. Trung Quốc không phải là kẻ thù của chúng tôi. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là lợi ích của quốc gia mình”, ông Ano nhấn mạnh.(Thanhnien)