Mỹ đe sẵn sàng phản ứng quân sự quy mô lớn với Triều Tiên
Việc thử bom H của Triều Tiên đã gây phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, trong đó Mỹ và Hàn Quốc sẽ triển khai phương án quân sự cụ thể, có thể có phản ứng quân sự quy mô lớn.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiến hành chỉ đạo đối với chương trình vũ khi hạt nhân. Ảnh: Reuters.
Ngày 3/9, báo chí Triều Tiên xác nhận, dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Triều Tiên đã thử thành công bom H (bom khinh khí) với “sức mạnh chưa từng thấy”.
Đối với vụ thử này, Mỹ và các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc đều xác nhận đã xảy ra địa chấn mạnh 6,3 độ Richter ở Triều Tiên, cho thấy Triều Tiên đã thử hạt nhân tiếp theo. Đây thực sự là một “thách thức” đối với Mỹ và đồng minh Đông Bắc Á.
Thậm chí đây có thể được coi là một thách thức đối với cộng đồng quốc tế, bởi vì các hành động của Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Ngay sau khi Triều Tiên thử bom H lần này, không chỉ Mỹ và đồng minh Đông Bắc Á, đồng minh châu Âu, mà cả Trung Quốc và Nga đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Trung Quốc lên tiếng bày tỏ “phê phán mạnh mẽ” nhưng vẫn tiếp tục duy trì lập trường cũ, trong đó tuyên bố kiên trì thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong khi Nga cho rằng lãnh đạo Triều Tiên đã đơn phương áp dụng hành động phá hoại hệ thống chống phổ biến toàn cầu, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh bán đảo Triều Tiên và toàn bộ khu vực, tiếp tục hành động theo hướng này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với bản thân Triều Tiên.
Nga cho rằng đối thoại, đàm phán là con đường duy nhất giải quyết vấn đề Triều Tiên. Nga nhắc lại sáng kiến chung do Nga và Trung Quốc khởi xướng để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters.
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã yêu cầu sáng ngày 4/9 khẩn cấp mở hội nghị thảo luận về tình hình Triều Tiên. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên án Triều Tiên thử hạt nhân, cho rằng điều này “tạo ra mối đe dọa to lớn cho an ninh khu vực”.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến hành trừng phạt mới đối với Triều Tiên, bao gồm các biện pháp trừng phạt mới của Liên hợp quốc, từ đó “cô lập toàn diện Triều Tiên”.
Trong điện đàm, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức cho rằng vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên là hành vi khiêu khích đã đạt mức cao hoàn toàn mới. Hai bên chủ trương tiếp tục gia tăng mức độ trừng phạt của EU đối với Triều Tiên.
EU cũng lên tiếng phê phán mạnh mẽ vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên, cho rằng hành động này của Triều Tiên là “không thể chấp nhận được”. EU yêu cầu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt và chương trình tên lửa đạn đạo, lập tức chấm dứt các hoạt động liên quan.
Tuần tới, phía EU sẽ tiến hành gặp gỡ các tổ chức quốc tế liên quan, thảo luận về giải pháp đối với Triều Tiên. Nhưng EU cho rằng, giải quyết vấn đề Triều Tiên chỉ có thể thông qua biện pháp hòa bình.
Đặc biệt, Mỹ đã lên tiếng phản ứng mạnh mẽ nhất đối với Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết bất cứ mối đe dọa nào của Triều Tiên đối với Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ đều sẽ dẫn tới “phản ứng quân sự quy mô lớn”. Ông cho biết nếu Mỹ muốn tiến hành tiêu diệt hoàn toàn Triều Tiên thì sẽ có rất nhiều phương án để làm như vậy. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford. Ảnh: The Independent.
Trước đó, ông James Mattis và các cố vấn cấp cao khác đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, thảo luận về vấn đề Triều Tiên thử bom H. Trong cuộc họp báo, ông James Mattis tuyên bố: “Bất cứ mối đe dọa nào đối với Mỹ, bao gồm mối đe dọa đối với Guam hoặc đối với các đồng minh của chúng tôi, thì đều sẽ đối mặt với phản ứng quân sự quy mô lớn, đó là phản ứng mạnh mẽ và mang tính áp đảo”.
Ông James Mattis nói: “Chúng tôi cho biết rõ, chúng tôi có năng lực bảo vệ bản thân và đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản tránh bất cứ cuộc tấn công nào. Cam kết của chúng tôi đối với đồng minh là kiên định”.
Trong khi đó, ngày 3/9, quân đội Hàn Quốc cho biết đồng minh Hàn - Mỹ sẽ tiến hành đáp trả bằng các hành động cụ thể. Quan chức cấp cao quân đội Hàn - Mỹ cũng đã tiến hành điện đàm khẩn cấp sau khi Triều Tiên thử hạt nhân, nhất trí hai bên sẽ nhanh chóng đưa ra và triển khai thực hiện phương án quân sự liên quan.
Theo tiết lộ của nhiều nguồn tin trong chính phủ Hàn Quốc ngày 3/9, Hàn Quốc và Mỹ đang tích cực cân nhắc triển khai luân phiên các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35B trên bán đảo Triều Tiên, tăng cường khả năng tiến hành mở rộng răn đe của Mỹ. Mỹ còn có thể triển khai bổ sung 1 - 2 phi đội máy bay chiến đấu F-16 ở Hàn Quốc.
Trong đó, máy bay chiến đấu F-22 có tính năng tàng hình, có thể tránh được mạng lưới phòng không của đối phương, có thể mang theo 8 quả bom GBU-39 tầm phóng 110 km. Còn F-35B có tốc độ tối đa 1,6 Mach, hệ thống radar dò được mục tiêu trong phạm vi 500 km, trang bị vũ khí tấn công dẫn đường liên hợp và bom lượn chống radar. Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ. Ảnh: Huanqiu.
Trước đó, ngày 1/9, Mỹ và Hàn Quốc đã đồng ý tăng cường khả năng phòng thủ của Seoul, Mỹ đồng ý bán trang bị quân sự trị giá vài tỷ USD cho Hàn Quốc.
Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết: “Nhà lãnh đạo hai nước đồng ý thông qua hợp tác quốc phòng để tăng cường quan hệ đồng minh, đồng thời tăng cường khả năng phòng thủ của Hàn Quốc. Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn bằng cam kết đối với kế hoạch mua sắm trang bị quân sự vài tỷ USD của Hàn Quốc”.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí về nguyên tắc rằng tiến hành nới lỏng hạn chế đối với khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc. Theo quy định trước đây, tầm bắn tối đa của tên lửa đạn đạo Hàn Quốc bị giới hạn là 800 km, đầu đạn nặng không quá 500 kg. Hàn Quốc mong muốn trọng lượng tối đa của đầu đạn là 1 tấn.
Trong khi đó, tờ National Interest Mỹ ngày 1/9 đã liệt kê những vũ khí trang bị mà Nhật Bản có thể dùng để ứng phó với mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên, bao gồm: tăng cường khả năng phòng thủ của tàu khu trục Aegis, mua sắm hoặc phát triển tên lửa hành trình (như Tomahawk Mỹ), phát huy sức mạnh của lực lượng tàu chiến mặt nước; tăng cường tập trận chung Mỹ - Nhật đối phó với các cuộc khủng hoảng tiềm tàng trên bán đảo Triều Tiên.(Viettimes)
-------------------Nhật sơ tán 60.000 dân ở Hàn Quốc, Trung Quốc bình chân
Nhật đã có kế hoạch sơ tán lớn 60.000 công dân nước này ở Hàn Quốc đang du lịch và sinh sống.
Báo Nikkei hôm 5/9 dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trong một cuộc họp ngày 4/9 cho rằng, cần phải lập kế hoạch sơ tán dân khỏi Hàn Quốc trước các diễn biến thử tên lửa khó lường của Triều Tiên.
“Nhiều khả năng sẽ có thêm những hành động gây hấn mới” - Thủ tướng Shinzo Abe nói. "Chúng ta cần hết sức cảnh giác và làm mọi việc có thể để đảm bảo sự an toàn của người dân”.
Nhật sẽ sơ tán dân khỏi Hàn Quốc.
Hiện chính phủ Nhật đang vạch ra một kế hoạch 4 cấp độ dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình hình gồm khuyến cáo người dân không tới Hàn Quốc nếu không cần thiết; khuyến cáo người dân không tới Hàn Quốc vì bất kỳ lý do gì; kêu gọi công dân Nhật ở Hàn Quốc sơ tán; và kêu gọi công dân Nhật ở Hàn Quốc tìm nơi trú ẩn tại chỗ.
Kịch bản xấu nhất là Bình Nhưỡng thực hiện một cuộc tấn công quân sự khiến các sân bay của Hàn Quốc phải đóng cửa, đại sứ quán Nhật ở Seoul sẽ kêu gọi công dân Nhật ở Hàn Quốc ở yên tại nhà hoặc di chuyển tới nơi an toàn tại Hàn Quốc.
Nhật cũng hỗ trợ với Hàn Quốc để nhất trí để công dân Nhật được tiếp cận tới các khu vực an toàn, như ga tàu điện ngầm, nhà thờ, trung tâm mua sắm...
Chính phủ Nhật cũng đã cung cấp cho công dân nước này ở Hàn Quốc thông tin về hơn 900 địa điểm như vậy.
Còn trong trường hợp tất cả sân bay của Hàn Quốc bị đóng cửa, lựa chọn tốt nhất để công dân Nhật ở Hàn Quốc di chuyển về nước là bằng đường biển thông qua cảng Busan.
Chính phủ Nhật hiện đang nỗ lực tìm kiếm sự hợp tác của lực lượng Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc để di chuyển công dân Nhật trên khắp Hàn Quốc tới Busan để đưa họ về nước trong trường hợp như vậy.
Theo thống kê, hiện có khoảng 38.000 người Nhật đang cư trú dài hạn tại Hàn Quốc, cùng với khoảng 19.000 du khách.
“Nếu Mỹ quyết định tấn công quân sự Triều Tiên, Chính phủ Nhật Bản sẽ phải thực hiện kế hoạch sơ tán công dân của mình, cho dù kế hoạch của Mỹ có được công khai hay không”- nguồn tin từ Chính phủ Nhật cho hay.
Người Trung Quốc bình chân như vại
Trái ngược hoàn toàn với tâm lý lo lắng tại Nhật Bản, ở Trung Quốc, nhiều người dân cảm nhận rất rõ động đất và biết luôn là Triều Tiên đang thử hạt nhân đồng thời vẫn sinh hoạt như thường lệ.
Một số nhân chứng ở Thành phố Yanji (Cát Lâm, Trung Quốc), cách khu vực tâm chấn khoảng 10km cho biết họ cảm thấy một trận động đất kéo dài khoảng 10 giây. Sau đó 8 phút, mặt đất tiếp tục rung chuyển bởi một cơn dư chấn nhẹ.
Tại trung tâm thương mại cao cấp của thành phố Diên Cát, nằm gần biên giới Trung Quốc và Triều Tiên, sáng 3/9, hàng quán, cửa hiệu vẫn nhộn nhịp, đông đúc. Dòng người đi mua sắm ngày cuối tuần đổ xô về quầy bốc thăm trúng thưởng của một thương hiệu xe hơi và hãng điện tử nổi tiếng.
"Lúc đó, tất cả mọi người đều chạy ra khỏi nhà. Chúng tôi không hay biết chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi nghĩ có thể là một trận động đất", ông Bai Jin, ngồi ở khu vực ngoài trời với cháu trai, cho hay.
Một tấm biển phân định rõ ranh giới giữa Bắc Kinh và Triều Tiên.
Michael Spavor, Giám đốc chương trình trao đổi văn hóa Paektu, tổ chức xúc tiến quan hệ thương mại và văn hóa với Triều Tiên cho hay, khi đang ngồi ăn bữa sáng muộn thì ông cảm nhận thấy rung lắc khoảng 5 giây. Ngay sau đó, tiếng còi báo động phòng không vang lên.
Thành phố Diên Cát, với dân số 400.000 người, cách địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên khoảng 200km về hướng bắc, đã trở thành điểm nóng trong thời gian gần đây sau một loạt các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân Bình Nhưỡng thực hiện.
Trung Quốc, có đường biên giới dài 1.420 km với Triều Tiên, là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Đa phần các sản phẩm xuất khẩu từ Triều Tiên, như than đá, quặng sắt và hải sản, đều bán cho Trung Quốc.
"Tôi khá lo lắng về vấn đề nhiễm phóng xạ bởi vì nhiều thực phẩm của chúng tôi nhập khẩu từ Triều Tiên. Chúng tôi từng ăn rất nhiều hải sản có nguồn gốc từ Triều Tiên. Nhưng gần đây thì dừng rồi" - Wu Tingting, làm việc tại khu nghỉ dưỡng địa phương, cho biết.
Tháng trước, Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt mới lên Triều Tiên, cấm nước này xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. Dự kiến, các biện pháp trừng phạt này có thể khiến kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên, hiện ở mức 3 tỷ USD mỗi năm, giảm 1/3.
Tuy nhiên, đa số người dân Diên Cát, vốn đã quen với sự hiện diện quân sự ở vùng biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên, cảm thấy không có gì bất thường.
"Tôi không quá lo lắng. Tôi nghĩ là Trung Quốc và Triều Tiên có mối quan hệ khá tốt đẹp", anh Wu chia sẻ quan điểm.
Anh Huang Tao, làm việc tại một công ty nhà nước có chi nhánh ở Diên Cát, biết về vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên vào hôm 3/9 khi một người bạn đăng lên mạng xã hội WeChat kèm theo lời bình luận rằng thời điểm của vụ thử trùng đúng vào dịp Trung Quốc kỷ niệm 72 năm ngày Nhật Bản đầu hàng trong Thế Chiến II.
"Lãnh đạo Kim (Jong-un) chỉ đang giúp chúng tôi ăn mừng dịp này bằng cách đốt vài quả pháo thôi", Huang Tao nói. "Hôm nay là một ngày chủ nhật bình thường ở Diên Cát. Một vụ thử hạt nhân không làm thay đổi điều gì cả".(ĐVO)
------------------------
Ông Putin: Nếu cảm thấy bị đe dọa, Triều Tiên vẫn phát triển vũ khí bất chấp lệnh trừng phạt
Trong một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp ngày 5/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Triều Tiên sẽ theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân nếu cảm thấy bị đe dọa, bất chấp các lệnh trừng phạt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, các nhà lãnh đạo Triều Tiên, trên cơ sở những sự việc đã xả ra tại Iraq và Libya đưa đến kết luận chỉ có duy nhất khả năng răn đe hạt nhân mới đảm bảo được cho sự an toàn của Triều Tiên.
Ông Putin cho rằng không một biện pháp trừng phạt nào có thể ngăn cản họ theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.
“Sự hiếu chiến trong những điều kiện như thế này là điều vô nghĩa, đó là tình trạng bế tắc hoàn toàn. Nó có thể dẫn đến một thảm họa toàn cầu và khiến rất nhiều người thiệt mạng. Ngoài việc đối thoại hòa bình, không có cách nào khác để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên”, Tổng thống Putin khẳng định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik)
Năm 2003, Mỹ dẫn đầu liên quân tấn công Iraq, đến năm 2011, NATO thực hiện can thiệp vào Lybia. Điểm chung của Iraq và Lybia là các nhà lãnh đạo của những quốc gia này dưới áp lực quốc tế đã từ bỏ các chương trình vũ khí để đổi lại việc dỡ bỏ lệnh cấm vận.
Trong khi đó, Triều Tiên lựa chọn vị thế đối đầu với cộng đồng thế giới và theo đuổi bằng được chương trình hạt nhân. Tính đến nay, Triều Tiên đã đạt được những thành tựu đáng kể trong chương trình vũ khí hạt nhân và được cho là đang nhanh chóng hoàn thiện công nghệ chế tạo loại vũ khí này.
“Như tôi đã nói với các đồng nghiệp hôm qua, họ sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình của mình khi cảm thấy không an toàn. Điều gì sẽ làm họ cảm thấy an toàn trở lại? Đó là phục hồi luật pháp quốc tế”, Tổng thống Putin kết luận.(VTC)