Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý trưa 06-09-2017
- Cập nhật : 06/09/2017
Mỹ tái diễn ''tiêu chuẩn kép'' trong trừng phạt Nga?
Nhiều công ty năng lượng gặp khó vì các biện pháp trừng phạt Mỹ nhằm vào Nga. Liệu điều này có khiến Mỹ đổi chiến lược?
RT ngày 4/9 dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cho biết, nhiều nhà thầu dầu mỏ của Mỹ đang phải nhận ảnh hưởng tồi tệ vì các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga, đơn cử như Schlumberger.
Theo đó, công ty khai thác dầu mỏ Mỹ Schlumberger đang buộc phải trì hoãn việc bán cổ phần cho EDC- công ty khoan dầu độc lập lớn nhất của Nga- và điều này sẽ bị ảnh hưởng tới việc kinh doanh.
Công ty khai thác dầu khí Mỹ muốn mua lại 51% công ty khoan dầu của Nga nhưng gặp khó vì lệnh trừng phạt.
Một lần nữa những lo ngại về việc các hợp đồng kinh tế bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị lại khiến các công ty dầu mỏ Mỹ ở Nga đứng trước các kế hoạch sản xuất thất bại.
Các công ty Mỹ, những nhà cung cấp dịch vụ dầu mỏ lớn nhất thế giới đã đề nghị mua lại 51% cổ phần của EDC vào tháng 7.
Thời điểm đó, Washington lại liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Tạp chí Wall Street Journal cho biết Exxon Mobil, Chevron và các nhà hoạt động năng lượng Mỹ khác đang vận động hành lang chống lại việc mở rộng các biện pháp chế tài chống Nga, cảnh báo chúng có thể đe dọa các dự án dầu khí của Mỹ liên quan đến các đối tác Nga.
Không chỉ Phó Thủ tướng Nga lo ngại điều này. Bộ trưởng Tài nguyên Nga Sergey Donskoy và người đứng đầu cơ quan chống độc quyền FAS, ông Igor Artemyev cho biết, thỏa thuận có thể bị trì hoãn vì chính trị.
Giới chức Nga cho rằng, Moscow cần phải đảm bảo công việc của EDC không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ nếu được Schlumberger mua lại trên 50% cổ phần.
Người phát ngôn của EDC đã từng trả lời báo chí Nga cho rằng, hiện nay công ty không làm việc dưới thềm nước sâu, các mỏ ở Bắc Cực hoặc các cánh đồng đá phiến - những điều đang được Mỹ đưa vào lệnh trừng phạt.
Một khó khăn khác là, dẫu Nga có thể giành rất nhiều ưu ái về hoạt động của EDC, Schlumberger vẫn sẽ cần phải được nhận sự chấp thuận đặc biệt từ Bộ Tài chính Mỹ trong việc mua lại quá bán số cổ phần thuộc công ty Nga.
Ông Igor Artemyev nói: "Các bạn có tin rằng, Bộ Tài chính Mỹ sẽ cho phép điều đó trong tình hình hiện nay?"
RT cho hay, năm 2015, FAS đã từ chối việc Schlumberger mua lại 45,65% EDC với giá 1,7 tỷ USD.
"Chẳng có gì thay đổi kể từ thời điểm đó, mà thêm vào đó là việc Bộ Tài nguyên đưa ra một lập trường cứng rắn hơn cho việc mua bán cổ phần ở các công ty Nga của Mỹ. Có rất nhiều yếu tố bị phụ thuộc và không phải lúc nào cũng tốt đẹp diễn ra ở các mối quan hệ giữa hai nước có thể thúc đẩy thỏa thuận này" - đại diện FAS nói.
Trên thực tế, Mỹ dù liên tục cấm một số hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh ở Nga và làm ảnh hưởng đến kinh doanh của không ít công ty, nhưng những lĩnh vực có tính chất đặc biệt thì nước này không đưa vào lệnh cấm.
Đơn cử như việc mua các động cơ tên lửa đẩy của Nga.
Lầu Năm Góc xin ưu ái trong việc áp đặt lệnh trừng phạt về hạn chế các thiết bị Nga trong nhiệm vụ lên không gian.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã dùng cụm từ "sự cần thiết khó chịu” khi đề cập đến vấn đề nước này tiếp tục phải chi hàng tỷ USD trong hàng chục năm tới để mua động cơ tên lửa đẩy và "nhờ chỗ" trong các tàu vũ trụ Nga để bay lên quỹ đạo.
Theo ông, về kỹ thuật thì Mỹ vẫn có phương án thay thế là phóng tên lửa đẩy Delta, nhưng giá thành mỗi vụ phóng tên lửa này lại quá đắt.
Do đó, Lầu Năm Góc đã chọn tên lửa đẩy Atlas, chấp nhận thực tế khó chịu là cần mua thêm đến 18 động cơ RD-180 do Energomash sản xuất, cho tên lửa đẩy Atlas.
Các quan chức Lầu Năm Góc nhiều lần thừa nhận rằng, mặc dù không muốn “cấp” thêm tiền cho ông Putin phát triển công nghệ quân sự nhưng nước này vẫn buộc phải mua các động cơ tên lửa đẩy RD-180 của Nga, để phục vụ cho ngành hàng không vũ trụ, cả dân dụng lẫn quân sự của nước mình.
Điều khó chịu này là lý do khiến các quan chức Lầu Năm Góc tiếp tục yêu cầu Quốc hội Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt để mua ngày càng nhiều động cơ tên lửa Nga. Đương nhiên, điều này vấp phải sự phản đối khi hàng loạt các lĩnh vực khác đều được yêu cầu "loại bỏ yếu tố Nga" nhưng Bộ Quốc phòng lại không thể đi đầu.
Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2014 đã ra nghị định từ bỏ động cơ Nga và hối thúc các công ty Mỹ sáng chế phát triển động cơ mới. Tuy nhiên, họ đã thất bại với mô hình thử nghiệm đầu tiên của động cơ tên lửa đẩy tương tự như mẫu RD-180 của Nga.
Chính điều này khiến nhiều người suy đoán, trong trường hợp các doanh nghiệp Mỹ gặp quá nhiều khó khăn vì lệnh trừng phạt Nga, Mỹ cũng sẽ nới lỏng lệnh trừng phạt này, áp dụng tiêu chuẩn kép để mang lại lợi ích tối đa cho nước Mỹ.(ĐVO)
---------------------------
Đông Á chạy đua vũ trang, cơ hội nào cho hòa bình?
Tuy đánh giá khả năng nổ ra thế chiến thứ 3 là không cao, giới học giả đang râm ran bàn tán về những hậu quả kinh khủng của vũ khí hạt nhân và cuộc chạy đua vũ trang tên lửa.
Đáp trả vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, Hàn Quốc bắn ngay tên lửa trong cuộc tập trận "diệt mục tiêu giả định là các bãi thử hạt nhân của Bình Nhưỡng" vào ngày 4-9 - Ảnh: REUTERS
Sự kiện Triều Tiên thử thành công bom nhiệt hạch trưa ngày 3-9 đã khiến giới nghiên cứu quốc tế "phát sốt".
Điều dư luận quan tâm là diễn biến tiếp theo sẽ ra sao khi giờ đây Triều Tiên đã đặt chân vào "câu lạc bộ hạt nhân" dù không được mời.
Nguy cơ chạy đua vũ trang tên lửa
"Sắp tới, nếu bán đảo Triều Tiên không trở thành trung tâm của một trận thế chiến mới, viễn cảnh này vẫn đang từng ngày trở nên rõ ràng hơn với hàng loạt kho tên lửa mọc lên trong khu vực trong những năm tới" - ông Ricardo Saludo, giám đốc Trung tâm Chiến lược, doanh nghiệp và tình báo (CenSEI) tại Philippines, dự báo.
Nhận định của ông Saludo dựa trên thực tế Hàn Quốc, Nhật Bản và đồng minh Hoa Kỳ đang ra sức chạy đua cùng Triều Tiên nâng cấp kho tên lửa, vừa để tăng cường khả năng phòng vệ, vừa nâng cao năng lực tấn công phủ đầu.
Tokyo và Seoul trong những năm tới có thể sở hữu các hệ thống tên lửa hùng mạnh bằng cách mua từ nước ngoài hoặc tự phát triển - giống với những gì Bình Nhưỡng đã làm trong nhiều thập kỷ qua.
Tuần trước, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc thông báo Mỹ đã đồng ý sửa đổi một hiệp ước phát triển tên lửa giữa hai nước, vốn chỉ cho phép Seoul sở hữu tên lửa có tầm bắn tối đa 800km, lượng thuốc nổ trong đầu đạn nhiều nhất 0,5 tấn.
Tại Nhật, các chuyên gia quốc phòng và cánh diều hâu thuộc Đảng Dân chủ tự do cầm quyền thậm chí cân nhắc đến khả năng tấn công phủ đầu sau màn trình diễn quá "ấn tượng" của Triều Tiên.
Sau vụ Bình Nhưỡng bắn tên lửa bay ngang qua Nhật cách đây 2 tuần, báo Mainichi Shimbun cho đăng bài xã luận với tựa đề: "chúng ta có nên phát triển năng lực tấn công phủ đầu?".
Đây là một câu hỏi cấm kỵ đối với nước Nhật kể từ năm 1945 vì hiến pháp hòa bình cấm nước này dùng chiến tranh như một công cụ của chính sách quốc gia. Nhưng mọi thứ hiện đã thay đổi.
“Chính vì ý thức được rằng Mỹ, cũng như tất cả các nước khác, đặt an ninh quốc gia của mình lên trên hết, Hàn Quốc và Nhật Bản buộc phải tự thân cứu mình thay vì dựa dẫm vào chiếc ô hạt nhân của Chú Sam”
Học giả Ricardo Saludo của Philippines
Người Nhật đi dò tìm mảnh vỡ có thể có sau khi tên lửa của Triều Tiên được phóng qua bầu trời phía bắc nước Nhật vào sáng 29-8 - Ảnh: AFP
"Mỹ thà hi sinh Đông Á"
TS Benjamin Zala, chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc Đại học quốc gia Úc, nhận định năng lực tên lửa và vũ khí của Triều Tiên đã đủ sức gây hủy diệt trên diện rộng chỉ trong vài phút ngắn ngủi.
"4 phút là tất cả thời gian Tổng thống Mỹ Donald Trump có để phản ứng trước một cuộc tấn công tên lửa" - TS Zala tính toán.
Đây là khoảng thời gian tính từ lúc Bình Nhưỡng bấm nút khai hỏa tên lửa cho đến lúc nó rơi xuống thủ đô Tokyo của Nhật, ông Zala giải thích.
Còn nếu tên lửa bay về phía nước Mỹ? Ông Trump có 30 phút.
Theo chuyên gia Saludo, lý do lớn nhất khiến Nhật và Hàn Quốc bất an, rục rịch lo đi xây dựng năng lực lên lửa, đó là họ bắt đầu nghi ngờ "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ.
Hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao THAAD của Mỹ triển khai tại Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS
"Nếu Seoul và Tokyo tin chắc Washington sẽ hủy diệt Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tấn công một trong hai nước, thì bấy nhiêu đã đủ để họ yên tâm. Nhưng nghi ngờ về khả năng phản ứng của Mỹ đang xuất hiện" - ông Saludo giải thích.
"Washington có dám liều hi sinh Los Angeles và New York để bảo vệ Seoul và Tokyo?" - vị chuyên đặt vấn đề.
Khả năng Triều Tiên trả đũa hạt nhân Mỹ chính là mối lo lớn nhất của Tổng thống Trump.
"Thực tế, trong cuộc khủng hoảng tên lửa hiện nay, chính quyền ông Trump đã cho thấy họ thà để chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên và cả phần lớn Đông Á, tất cả chỉ nhằm giúp nước Mỹ tránh được nỗi sợ bị tấn công hạt nhân" - ông Saludo kết luận.(Tuoitre)
-------------------------
Thủ tướng Campuchia cảnh báo đảng đối lập
Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định sẽ không để bất cứ thế lực bên ngoài nào can thiệp vào nội bộ đất nước với âm mưu gây hỗn loạn.
“Chúng ta không thể cho phép bất cứ tổ chức nào phá hủy nền hòa bình của chúng ta bằng cách trở thành con rối của nước ngoài”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Hun Sen tuyên bố ngày 4.9.
Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh một số bên bày tỏ quan ngại về vụ bắt giữ ông Kem Sokha, Chủ tịch đảng đối lập Cứu nguy dân tộc (CNRP), rạng sáng 3.9 với cáo buộc phản quốc.
>> Campuchia bắt giữ lãnh đạo đối lập Kem Sokha
“Chúng ta không thể để các thế lực nước ngoài dùng người Khmer để giết người Khmer nữa”, Thủ tướng Hun Sen nói, hàm ý nhắc lại giai đoạn đau thương của Campuchia dưới chế độ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary. Ngoài ra, nhà lãnh đạo cảnh báo có thể giải tán CNRP nếu đảng này cố bảo vệ Kem Sokha bằng những cách thức bất hợp pháp, theo tờ Khmer Times.
Cũng trong ngày 4.9, các lãnh đạo CNRP nhóm họp khẩn cấp sau khi ông Kem Sokha bị bắt nhưng người phát ngôn Yim Sovann loại bỏ khả năng tổ chức biểu tình. Trước đó, nhà chức trách Campuchia khẳng định có băng hình và bằng chứng về “mưu đồ bí mật của ông Kem Sokha cùng nhóm của ông ta và người nước ngoài nhằm gây tổn hại cho Vương quốc Campuchia. Đây là hành động phản quốc”. Nếu bị kết tội, ông Kem Sokha có thể lãnh án 15 - 20 năm tù giam. Hiện nhân vật này đang bị giam tại nhà tù Trapaing Phlong ở tỉnh Thbong Khmum.
CNRP tuyên bố vụ bắt giữ “có động cơ chính trị và vi phạm pháp luật” vì Kem Sokha là một nghị sĩ đắc cử có quyền miễn trừ truy tố. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Nội vụ Khieu Sopheak cho hay “quyền miễn trừ không áp dụng trong trường hợp bị bắt tại chỗ” còn phát ngôn viên Bộ Tư pháp Kim Santepheap nhấn mạnh quyền miễn trừ không thể bảo vệ ông Sokha trước cáo buộc nghiêm trọng như phản quốc.
Hôm qua, Mỹ và EU lên tiếng bày tỏ lo ngại về cái gọi là “động cơ chính trị” trong vụ việc và cho rằng động thái của chính quyền có thể ảnh hưởng đến cuộc tổng tuyển cử năm 2018, theo Khmer Times. Đáp lại, Thủ tướng Hun Sen khẳng định cuộc tổng tuyển cử sẽ vẫn diễn ra như kế hoạch và chính quyền cam kết bảo đảm quá trình bỏ phiếu diễn ra công bằng, minh bạch. Lâu nay, mỗi khi bước vào các kỳ bầu cử, đảng CNRP thường sử dụng con bài kích động chống lại cộng đồng người Việt ở Campuchia cũng như gây rối về vấn đề biên giới nhằm kéo phiếu.(Thanhnien)
------------------
Dấu hiệu chuyển thời trong quan hệ Iran - Ả Rập Xê Út
Đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy quan hệ Iran - Ả Rập Xê Út đang chuyển biến theo hướng dần trở lại bình thường.
Riyadh cắt quan hệ ngoại giao với Tehran từ năm 2016 và sau đó liên tục nỗ lực tập hợp lực lượng để đối phó, công khai coi bên kia là thù địch. Ả Rập Xê Út thậm chí lấy việc ngừng quan hệ ngoại giao với Iran làm một trong những điều kiện tiên quyết trong tối hậu thư đặt ra cho Qatar. Sẽ còn mất thêm thời gian thì việc bình thường hóa quan hệ song phương mới hoàn tất, nhưng dấu hiệu về bước chuyển thời hiện đã có.
Những diễn biến này gây bất ngờ bởi đây sẽ là sự điều chỉnh rất cơ bản chính sách đối ngoại của Ả Rập Xê Út với tác động rất mạnh mẽ tới tình hình khu vực. Một khi quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Iran chuyển từ đối đầu và thù địch sang bình thường trở lại và hợp tác thì sẽ có 2 chuyện bị tác động trước hết và mạnh mẽ nhất. Đầu tiên là bất hòa hiện tại giữa Ả Rập Xê Út cùng một số đồng minh khác với Qatar và thứ hai là chiến tranh hay hòa bình ở Syria, Iraq và Yemen cũng như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Sự chuyển thời này là kết quả của cách hành xử khôn khéo, kiềm chế của Iran và đặc biệt từ nhận thức của Ả Rập Xê Út rằng những suy tính trong quan hệ với Iran lẫn Qatar đều không thành công như mong muốn, lợi bất cập hại ngày càng rõ và nguy cơ suy giảm vai trò, ảnh hưởng ở khu vực ngày càng tăng. Ở cả hai phía hiện đều thấy lý trí chế ngự tình cảm.(Thanhnien)