Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 05-09-2017:
- Cập nhật : 05/09/2017
Hàn Quốc tập trận tên lửa đạn đạo phản ứng Triều Tiên
Phản ứng trước việc Triều Tiên tuyên bố thu nhỏ được bom nhiệt hạch (bom H), Hàn Quốc vừa triển khai đợt tập trận bằng tên lửa đạn đạo.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mattis và tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, phát biểu về vấn đề Triều Tiên ở Washington - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, sớm nay (4-9) quân đội Hàn Quốc đã tiến hành tập trận với các tên lửa tầm xa không đối đất và tên lửa đạn đạo, mô phỏng tình huống một cuộc tấn công nhằm vào bãi thử hạt nhân của Triều Tiên, tấn công "các mục tiêu đã định" trên Biển Nhật Bản.
Theo hãng tin Reuters, sớm nay (4-9) quân đội Hàn Quốc đã tiến hành tập trận với các tên lửa tầm xa không đối đất và tên lửa đạn đạo, mô phỏng tình huống một cuộc tấn công nhằm vào bãi thử hạt nhân của Triều Tiên, tấn công "các mục tiêu đã định" trên Biển Nhật Bản.
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn thông cáo của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết: "Cuộc tập trận diễn ra nhằm phản ứng với vụ thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên… có sự tham gia của tên lửa đạn đạo Hyunmoo và các máy bay chiến đấu F-15K".
Thông cáo cho biết cuộc tập trận ngày 4-9 chỉ do quân đội Hàn Quốc tiến hành nhưng các cuộc tiếp theo đang được chuẩn bị cùng với lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc.
Theo quân đội Hàn Quốc tầm bắn tới các mục tiêu giả định cũng tương đương với tầm bắn tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri thuộc tỉnh đông bắc của Triều Tiên.
Mỹ đe đáp trả rất lớn
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông James Mattis, tuyên bố sẽ có "đáp trả quân sự rất lớn" với mọi đe dọa an ninh của Triều Tiên với Mỹ và các đồng minh của họ.
Ông Mattis nêu quan điểm trong tuyên bố đưa ra bên ngoài Nhà Trắng sau cuộc họp với tổng thống Donald Trump, phó tổng thống Mike Pence và các cố vấn an ninh quốc gia cấp cao ngày 3-9.
Theo ông Mattis, tổng thống Trump muốn được thông tin về từng cái trong số "nhiều lựa chọn quân sự" để giải quyết nguy cơ hạt nhân của Triều Tiên.
"Cam kết của chúng tôi với các đồng minh là không gì thay đổi được", ông Mattis nói. "Mọi nguy cơ với nước Mỹ hay các vùng lãnh thổ của Mỹ, trong đó có đảo Guam, hoặc các đồng minh của chúng tôi, sẽ phải hứng chịu đòn đáp trả quân sự rất lớn, một sự đáp trả hiệu quả và áp đảo".
Ông Mattis yêu cầu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phải "chú ý" tới lập trường nhất quán của Hội đồng Bảo an LHQ phản đối chương trình hạt nhân của họ, và một lần nữa khẳng định lại quan điểm của quân đội Mỹ: "Chúng tôi không muốn chuyện tiêu diệt hoàn toàn một đất nước, đó là Triều Tiên, nhưng như tôi đã nói, chúng tôi có nhiều lựa chọn để làm như vậy". (Tuoitre)
-------------------------
Triều Tiên thử bom hạt nhân để thử lòng Trung Quốc?
Chỉ vài giờ trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) ở TP Hạ Môn ngày 3-9, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng ngày đã ra lệnh thử hạt nhân lần sáu.
Tính toán kỹ lưỡng
Tờ New York Times nhận định Bình Nhưỡng đã chọn thời điểm thử vũ khí cực kỳ nhạy cảm và chính xác, tạo áp lực cực lớn cho Trung Quốc. Ngày đầu tiên của thượng đỉnh BRICS ngay lập tức bị phủ bóng bởi tin tức về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên chọn thời điểm trùng với một sự kiện chính trị quốc tế lớn ở Trung Quốc để thử vũ khí. Hồi tháng 5, Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo chỉ vài giờ trước khi ông Tập Cận Bình khai mạc diễn đàn Vành đai, con đường ở Bắc Kinh với sự có mặt của lãnh đạo 29 nước.
Giới phân tích đánh giá đây không phải là sự trùng hợp mà ngược lại đã được Triều Tiên tính toán. Bình Nhưỡng muốn cho Bắc Kinh thấy làm giảm tiếng nói và uy tín của nước này trong vấn đề Triều Tiên. Giới chuyên gia nhận định vụ thử hạt nhân lần sáu của Triều Tiên chủ yếu nhằm gây áp lực cho ông Tập, chứ không phải Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Peter Hayes, giám đốc viện Nautilus chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, nhận định rằng điều mà Bình Nhưỡng muốn nhất hiện nay là đối thoại với Washington. Triều Tiên hy vọng thông qua đối thoại sẽ đạt được một thỏa thuận để Mỹ giảm số quân ở Hàn Quốc, đồng thời cho phép chính quyền Bình Nhưỡng duy trì vũ khí hạt nhân. Phía Bình Nhưỡng tin rằng Trung Quốc có đủ sức ảnh hưởng để dàn xếp giúp một cuộc đàm phán.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới tham dự phiên khai mạc thượng đỉnh BRICS ở TP Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến hôm 3-9. Ảnh: NEW YORK TIMES
Thử láng giềng có “thay lòng đổi dạ”
Nhiều người cho rằng Triều Tiên sẽ phải trả giá vì coi thường Trung Quốc - đối tác thương mại và là đồng minh chính của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, giới phân tích Trung Quốc không tỏ ra lạc quan rằng vụ thử hạt nhân lần sáu của Triều Tiên sẽ làm thay đổi quyết tâm của ông Tập về việc duy trì mọi thứ ngoài mức xung đột và không nhúng can thiệp chính sách của Bình Nhưỡng.
“Vụ thử hạt nhân lần sáu của Triều Tiên sẽ buộc Trung Quốc hành động quyết liệt. Đây sẽ là một phép thử chính trị. Nhưng tâm tính của Trung Quốc lại không diễn biến theo cách đó” – Cheng Xiaohe, một chuyên gia về hạt nhân tại ĐH Nhân Dân Trung Quốc, nhận định.
Theo ông Cheng, bất chấp các động thái khiêu khích của Triều Tiên, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng vẫn bám trụ với lập trường: Một Triều Tiên được trang bị hạt nhân sẽ mang ít hiểm nguy cho Trung Quốc hơn là một Triều Tiên sụp đổ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3-9 cũng chỉ “lên án mạnh mẽ” để phản ứng với vụ thử hạt nhân lần sáu của Triều Tiên.
Về mặt kinh tế, Trung Quốc cũng không dám sử dụng đòn bẩy kinh tế mạnh tay để gây tổn thương cho Triều Tiên, chẳng hạn như ngừng cung cấp dầu thô cho Triều Tiên. “Việc cắt đứt nguồn dầu có thể ảnh hương nghiêm trọng các ngành công nghiệp và sự ổn định của Triều Tiên. Đây là giải pháp mà Trung Quốc và Nga đều rất băn khoăn” – Zhao Tong đến từ Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh đánh giá.
Liên quan tới giải pháp hạ nhiệt căng thẳng, Trung Quốc đề xuất Triều Tiên cần dừng chương trình hạt nhân của nước này, và đổi lại Mỹ-Hàn kết thúc tập trận quân sự chung.
Tuy nhiên, ông Tập hiện cần tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng trong nước, đặc biệt là Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 tới. Trung Quốc sẽ không để vấn đề Triều Tiên vượt quá giới hạn nhằm tạo sự điềm tĩnh trong nước trước sự kiện này, do đó không thể làm bất cứ thứ gì quyết liệt trước ngày 19-10, ngày bắt đầu phiên họp kín.
Việc Trung Quốc cần phải nhân nhượng Triều Tiên trước đại hội đảng cũng có thể được thấy rõ thông qua truyền thông Trung Quốc. Cách đây vài tháng, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quố nói rằng Bắc Kinh cần xem xét cắt đứt nguồn cung dầu thô cho Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần sáu. Tuy nhiên, sau khi Triều Tiên thử hạt nhân ngày 3-9, Thời báo Hoàn Cầu lại đổi giọng: “Nguồn gốc của vấn đề hạt nhân Triều Tiên là tình trạng không chắc chắn do các hành động quân sự Mỹ-Hàn gây ra. Trung Quốc không nên ra mặt trước tình hình phức tạp này”.
Một mối lo ngại lớn khác của chính phủ Trung Quốc là về tình trạng an toàn của người dân nước này ở khu vực Đông Bắc vì khu vực này cách không xa bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Nhiều người dân ở Diên Cát, tỉnh Cát Lâm, giáp biên giới Triều Tiên, cho biết họ cảm nhận nhà cửa như bị rung chuyển sau vụ thử hạt nhân ngày 3-9 của Bình Nhưỡng. Một số hình ảnh được đăng tải cho thấy đồ ăn và thức uống trong một cửa hàng tạp hóa rơi xuống mặt sàn.(PLO)
-----------------------
Báo Hàn Quốc kêu gọi tự chế tạo vũ khí hạt nhân
Tờ Dong-a Ilbo ngày 4.9 kêu gọi chính phủ Hàn Quốc tự chế tạo vũ khí hạt nhân để không phụ thuộc vào sự bảo vệ của Mỹ giữa lúc nhiều người không tin chắc vào sự ủng hộ của Tổng thống Donald Trump.
“Do vũ khí hạt nhân đang được sản xuất hàng loạt mà chúng ta không biết được, chúng ta không thể dựa mãi vào ô dù hạt nhân và khả năng răn đe mở rộng của Mỹ”, Dong-a Ilbo, tờ báo lớn thứ 2 ở Hàn Quốc, nhấn mạnh trong bài xã luận.
Bài viết được đăng một ngày sau khi Triều Tiên thử bom nhiệt hạch (bom H) tối tân trong cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu của nước này.
Hàn Quốc hiện có khoảng 30.000 binh sĩ Mỹ đóng trú và được Washington cam kết bảo vệ bằng năng lực hạt nhân, nhưng đổi lại Seoul bị cấm tự chế tạo vũ khí hạt nhân theo thỏa thuận ký năm 1974.
Mỹ từng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Hàn Quốc sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), nhưng rút đi vào năm 1991, khi 2 miền Triều Tiên ra tuyên bố chung về một bán đảo phi hạt nhân. Tuy nhiên, tuyên bố chung này từ lâu không còn tính ràng buộc và tình hình hiện nay được cho là “phi hạt nhân Hàn Quốc chứ không phải phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên”, theo DongA Ilbo.
“Seoul không nên do dự tìm giải pháp ngăn chặn vũ khí hạt nhân, bao gồm tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, trình làng tàu ngầm hạt nhân và mua thêm để dự phòng”, tờ báo viết.
Bên cạnh đó, gần 60% người Hàn Quốc được hỏi ủng hộ chính phủ phát triển vũ khí hạt nhân, theo kết quả khảo sát hồi tháng 9.2016. Những người ủng hộ ý tưởng này có độ tuổi từ 60 trở lên.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo ngày 4.9 bác bỏ thông tin nói trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ James Mattis hôm 30.8, ông đã yêu cầu Mỹ triển khai trở lại vũ khí hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên. Yonhap dẫn lời Bộ trưởng Song nói rõ rằng trong cuộc hội đàm, ông đề nghị Mỹ điều vũ khí chiến lược tới khu vực một cách đều đặn.(Thanhnien)