Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 03-10-2017:

  • Cập nhật : 03/10/2017

Bắt tàu Triều Tiên chở 30.000 khẩu súng đi Ai Cập

Một tàu hàng Triều Tiên chở hơn 30.000 súng phóng lựu phản lực đã bị bắt giữ khi di chuyển về hướng Ai Cập.

Báo Washington Post ngày 1-10 dẫn các nguồn tin cho hay vụ việc này xảy ra vào ngày 11-8-2016 khi phía Mỹ gửi một thông báo bí mật tới Ai Cập cảnh báo về một chiếc tàu bí ẩn đang di chuyển về hướng kênh đào Suez. Tuy nhiên, thông tin này mới được tiết lộ gần đây.

Thông tin vào thời điểm đó cho biết chiếc tàu này có tên là Jie Shun. Điều đáng nghi ngờ là mặc dù cắm cờ Campuchia nhưng tàu này lại khởi hành từ cảng Nampo của Triều Tiên vào ngày 16-6-2016, đồng thời chở một thủy thủ đoàn Triều Tiên cùng một lượng hàng hóa bí mật được phủ bằng vải bạt chống nước.

Trước thông tin này, hải quan Ai Cập đã đón lõng khi tàu hàng này đi vào vùng biển Ai Cập. Sau khi ập lên tàu thì lực lượng chức năng Ai Cập phát hiện giấu bên dưới các thùng chứa quặng sắt là hơn 30.000 súng phóng lựu phản lực PG-7. Tổng cộng 132 tấn vũ khí đều được sản xuất tại Triều Tiên.

Liên Hiệp Quốc sau đó vào cuộc điều tra. Trong một báo cáo được đưa ra sau đó, Liên Hiệp Quốc mô tả đây là “vụ thu giữ vũ khí lớn nhất trong lịch sử áp đặt các trừng phạt nhằm vào CHDCND Triều Tiên”.

Một tàu chở hàng băng qua kênh đào Suez ở khu vực TP cảng Ismailia của Ai Cập. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ai sẽ nhận số vũ khí này? Phải mất vài tháng sau đó bí mật cuối cùng của tàu Jie Shun mới được khám phá và có lẽ cũng là bất ngờ lớn nhất lúc bấy giờ: Bên mua số vũ khí chính là những người Ai Cập.

Cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc đã phanh phui một kế hoạch thu xếp phức tạp mà trong đó các doanh nhân Ai Cập đã chi hàng triệu USD để mua vũ khí từ Triều Tiên cho quân đội nước này, đồng thời họ cũng phải ra sức giấu giếm thương vụ.

Theo các quan chức Mỹ và một số nhà ngoại giao phương Tây thông thạo vấn đề, nhiều tình tiết liên quan vụ việc vẫn chưa được tiết lộ cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đây là một phần nguyên nhân lý giải tại sao Mỹ liên tục chỉ trích Ai Cập trong việc nỗ lực mua thiết bị quân sự bị cấm từ Triều Tiên.

Đại sứ quán Ai Cập tại Washington thì khẳng định Cairo luôn minh bạch và hợp tác trong việc thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, không mua bán vũ khí với Triều Tiên.

Một trong các súng phóng lựu (trên cùng) bị thu giữ, hải trình (trái dưới) và thông tin của tàu Jie Shun. Ảnh: C4ADS

Tuy nhiên, giới chức Mỹ khẳng định vụ vận chuyển vũ khí trên tàu Triều Tiên chỉ bị triệt phá khi các cơ quan tình báo Mỹ phát hiện tàu này và cảnh báo nhà chức trách Ai Cập thông qua các kênh ngoại. Trong vụ việc này, về cơ bản phía Mỹ đã gây sức ép buộc Ai Cập phải hành động.

Chưa rõ phía Triều Tiên đã được thanh toán số tiền khoảng 23 triệu USD cho số vũ khí trên tàu Jie Shun hay chưa.

Theo Washington Post, thông qua việc sử dụng cờ giả và dấu giếm các lô hàng phi pháp bằng các tấm bạt chuyên dùng để che các hàng hóa hợp pháp như đường, Triều Tiên bí mật thực hiện các thương vụ bán vũ khí như vậy.

Một điều đáng chú ý khác là tàu Triều Tiên nhìn vẻ ngoài khá cũ kỹ. “Con tàu Jie Shun nhìn bề ngoài rất kinh khủng. Đây là hải trình một lần và con tàu có thể được đưa về xưởng phế liệu sau đó” - một quan chức ngoại giao phương Tây thông thạo vấn đề cho biết.

Thông tin trên được công bố giữa bối cảnh Liên Hiệp Quốc trừng phạt mạnh mẽ Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần sáu của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, vụ việc này cho thấy một trong những thách thức chính mà các nhà lãnh đạo thế giới phải đối mặt khi muốn thay đổi cách hành xử của Triều Tiên.

Thậm chí khi Mỹ và các đồng minh Washington siết chặt kiểm soát nguồn tiền chạy về Triều Tiên, Bình Nhưỡng vẫn âm thầm tạo các nguồn thu từ việc bán các vũ khí truyền thống và phần cứng quân sự cho nhiều nước, trong đó có Iran, Syria. Eritrea, Myanmar, Cuba và Ai Cập, Washington Post dẫn một một nguồn tạo tin cho biết.(PLO)
------------------------

Đương đầu lệnh trừng phạt: Những quan hệ ngầm khó ngờ

Theo các báo cáo của Liên Hiệp Quốc và Mỹ, buôn bán ngầm và xây dựng mạng lưới công ty bình phong chỉ là 2 trong nhiều biện pháp được Triều Tiên sử dụng để lách cấm vận, nhằm theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân

Nghiên cứu mới nhất của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) đưa ra hồi tháng rồi cho thấy hiện nay, ít nhất 10 nước châu Phi vẫn cố tình làm ngơ trước các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) để mua vũ khí và các dịch vụ huấn luyện quân sự của Triều Tiên. Theo đó, Bình Nhưỡng bỏ túi mỗi năm hơn 100 triệu USD từ các phi vụ với lục địa đen.

Cắm rễ sâu vào châu Phi

Một ủy ban của LHQ đang tập trung điều tra hoạt động nêu trên của Bình Nhưỡng, liên quan tới các cáo buộc cụ thể: huấn luyện lực lượng bảo vệ tổng thống cho Congo, Angola; bán vũ khí tự động cho Congo; bán vũ khí, radio quân sự cho Eritrea; bán hệ thống tên lửa chống máy bay cho Mozambique; sửa chữa, nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không và hệ thống radar phòng không của Uganda; bán vũ khí, khí tài quân sự cho Tanzania... Giới phân tích cho rằng số tiền thu về được Bình Nhưỡng đổ vào các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Ủy ban nêu trên cũng đang điều tra về những vi phạm lệnh trừng phạt chưa được nêu cụ thể của Benin, Botswana và Zimbabwe - những "bạn hàng" khác của Triều Tiên. Cơ quan này còn xác minh liệu có phải Triều Tiên đang xây dựng một trung tâm thu thập thông tin tình báo và nhà máy sản xuất đạn dược ở Namibia hay không.

Đương đầu lệnh trừng phạt: Những quan hệ ngầm khó ngờ - Ảnh 1.

Xe chở tên lửa Triều Tiên có logo hãng vận tải Trung Quốc Sinotruk trong lễ duyệt binh hồi tháng 4-2014 Ảnh: REUTERS

Đặc biệt quan ngại về mối quan hệ Namibia - Triều Tiên, LHQ và Mỹ đã gây áp lực để các nhà lãnh đạo đất nước Tây Nam châu Phi cắt đứt quan hệ với quốc gia đang khao khát được công nhận là cường quốc hạt nhân này. Thế nhưng, Triều Tiên đã thực sự "cắm rễ" rất sâu ở Namibia. Trong khi đó, Uganda bị cáo buộc có quan hệ sâu sắc với Bình Nhưỡng, Tổng thống Yoweri Museveni thậm chí còn thông thạo cả tiếng Triều Tiên.

Trên thực tế, châu Phi từ lâu đã có truyền thống xem thường các nghị quyết của LHQ. Chỉ 7% các nghị quyết liên quan tới châu lục này được họ ủng hộ.

Mối dây dưa giữa châu Phi và Bình Nhưỡng đã được đặt nền móng từ hơn 50 năm trước, khi Triều Tiên hậu thuẫn cuộc chiến chống thực dân ở lục địa đen. Mozambique được cho là đã thoát khỏi ách thống trị của Bồ Đào Nha nhờ sự trợ giúp của Triều Tiên. Thậm chí, một đại lộ ở khu vực trung tâm thủ đô Maputo còn được đặt tên là Avenida Kim Nhật Thành.

"Trong cuộc nội chiến Congo, Triều Tiên bị cáo buộc cung cấp lực lượng lính đánh thuê để đổi lấy quyền kiểm soát một mỏ uranium" - chuyên gia nghiên cứu Marcus Noland tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Washington - Mỹ) cho hay. Theo ông, Congo đang bị LHQ để mắt vì cáo buộc nước này mua vũ khí và thuê lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên.

Báo cáo của MIT cho thấy Burkina Faso đang là nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm của Bình Nhưỡng tại châu Phi. Theo số liệu được thu thập gần đây, riêng năm 2015, đất nước nhỏ bé này đã mua khoảng 32,8 triệu USD hàng hóa từ Triều Tiên. Tổng cộng, theo MIT, có tới 29 quốc gia châu Phi nhập khẩu hàng Triều Tiên.

Bất chấp cấm vận

LHQ gần đây đã thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay đối với Triều Tiên. Thế nhưng, giới chuyên gia vẫn hoài nghi về hiệu quả và sự phù hợp của những biện pháp đó.

Theo báo cáo từ các chuyên gia thuộc Ủy ban Giám sát trừng phạt Triều Tiên của LHQ hồi đầu tháng 9-2017, bất chấp lệnh cấm vận của LHQ, Bình Nhưỡng vẫn xuất khẩu than đá, sắt và các mặt hàng khác trị giá ít nhất 270 triệu USD cho Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Sri Lanka trong 6 tháng - kết thúc vào đầu tháng 8 vừa qua. 

Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) ngày 1-10 dẫn báo cáo mới nhất của Tập đoàn Khoáng sản Hàn Quốc ước tính Triều Tiên sở hữu kho tài nguyên khoáng sản trị giá khoảng 2.790 tỉ USD, tính đến năm 2016, chủ yếu do doanh nghiệp (DN) Trung Quốc khai thác.

Báo cáo của LHQ cho thấy Triều Tiên đã trực tiếp đổi than đá và các khoáng sản lấy những thứ họ cần như linh kiện vũ khí, thậm chí xa xỉ phẩm. Chiêu hàng đổi hàng nghe có vẻ thô sơ này lại giúp quốc gia đang bị trừng phạt tránh nguy cơ bị phát hiện dấu vết chuyển tiền. Trong một vụ việc phần nào hé lộ hoạt động ngầm này, tháng 8-2017, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt Công ty Vật tư thép Dandong Zhicheng Metallic Material của doanh nhân Trung Quốc Chi Yupeng - bị cáo buộc mua thép, than đá từ Triều Tiên và đổi lại bằng các bộ phận tên lửa, thiết bị hạt nhân.

Trong khi đó, cánh buôn lậu lại cực kỳ ma mãnh, cũng giúp Bình Nhưỡng qua mặt các lệnh trừng phạt. Giới chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết những kẻ buôn lậu từ các nước, như Trung Quốc, đã vô hiệu hóa máy phát nhận tín hiệu trên tàu của họ khi đi vào vùng biển Triều Tiên. Sau đó, họ chở hàng hóa Triều Tiên sang nước khác rồi nói rằng chúng được sản xuất tại quốc gia này.

Những lệnh trừng phạt mới nhất của LHQ đã đưa vào danh sách đen nhiều DN được coi là "cỗ máy hút ngoại tệ" của Bình Nhưỡng, trong đó có Tập đoàn Mansudae chuyên xuất khẩu lao động. Thế nhưng, theo chuyên gia Lim Soo-ho thuộc Viện Chính sách Kinh tế quốc tế tại Hàn Quốc, Triều Tiên đơn giản chỉ cần đổi tên cho Mansudae để né trừng phạt. Các chuyên gia LHQ còn cho biết hãng vận tải biển Ocean Maritime Management của Triều Tiên cũng đã đổi tên và đăng ký lại một số tàu của mình bằng giấy tờ giả để thoát khỏi tầm ngắm của các cơ quan kiểm tra quốc tế. (NLĐ)
--------------------------

Triều Tiên nhắc Trung Quốc nhớ 'tình xưa nghĩa cũ'

Trong một chỉ trích nhằm vào các hành động mạnh tay của Trung Quốc hiện nay, Triều Tiên nhắc nhở rằng Bắc Kinh đừng quên Bình Nhưỡng đã ủng hộ vụ thử hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1964.

Trong khi cuộc khẩu chiến đầy những lời lẽ hăm dọa giữa Triều Tiên và Mỹ gây sự chú ý đáng kể trong thời gian gần đây, Bình Nhưỡng cũng khuấy động tình hình với những phát ngôn chỉ trích Trung Quốc “chua cay” không hơn không kém. Theo tờ Nikkei Asian Review ngày 2-10, mục tiêu mà Triều Tiên nhắm tới chính là Nhân dân Nhật Báovà Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc.

Trong một bài xã luận được đăng tải từ hôm 22-9 với tựa đề “Hành động lỗ mãng của truyền thông không biết hổ thẹn”, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đã thẳng thừng cáo buộc truyền thông Trung Quốc hùa theo Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Bình Nhưỡng mà quên đi sứ mệnh của truyền thông, gây chia rẽ Trung Quốc – Triều Tiên và dân tộc hai bên.

“Điều đó khiến chúng tôi đắn đo suy nghĩ liệu họ có đáng được quyền bước vào đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc hay không khi mà họ tung ra những lời lẽ hèn hạ miêu tả người dân hai nước” – bài xã luận của Rodong Sinmun có đoạn.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng vợ tham dự một sự kiện vinh danh các nhà khoa học hạt nhân nước này ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA

Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 như Rodong Sinmunđề cập sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 18-10 tới. Nikkei bình luận những lời lẽ chỉ trích của Triều Tiên nhằm vào Trung Quốc trước thềm sự kiện này cho thấy mối quan hệ đồng minh gắn kết một thời hiện đã xấu đi nghiêm trọng.

Bài xã luận được đăng tải trong thời điểm chính phủ Trung Quốc có những động thái mạnh tay để gây áp lực láng giềng của mình, trong đó có công bố giảm xuất các sản phẩm dầu sang Triều Tiên.

Trong một vài lời lẽ cho thấy không hài lòng với những chỉ trích của Trung Quốc nhằm vào chương trình hạt nhân Triều Tiên, Rodong Sinmun đã lật lại những trang sử từ cách đây gần nửa thế kỷ.

Tờ báo Triều Tiên nhắc nhở khi Trung Quốc tiến hành vụ thử bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1964, không chỉ Mỹ và Liên Xô đưa ra các tuyên bố lên án vụ thử mà các thành viên khác của cộng đồng quốc tế cũng không ngừng chỉ trích.

“Chỉ có CHDCND Triều Tiên, người láng giềng tốt, đã tích cực ủng hộ và khích lệ Trung Quốc thông qua các tuyên bố của chính phủ” - bài xã luận nhắc lại.

Thông qua bài viết, có thể thấy Triều Tiên dường như vô cùng giận dữ với Trung Quốc vì đã bắt tay với Mỹ áp đặt các trừng phạt mới lên Bình Nhưỡng thay vì cho thấy sự ủng hộ như Triều Tiên từng dành cho Trung Quốc vào năm 1964.

Vụ thử nghiệm bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc vào ngày 16-10-1964 ở khu tự trị Tân Cương. Ảnh: SCMP

Sau vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 1964, Trung Quốc tiếp tục thử thành công một quả bom H vào năm 1967. Đến năm 1970, Bắc Kinh đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo và đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Những sự kiện này đã giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc hạt nhân. Và xuyên suốt chiều dài lịch sử lúc bấy giờ, Triều Tiên vẫn kiên cố ủng hộ Trung Quốc về mặt ngoại giao.

Sau đó 10 năm, vào năm 1980, Trung Quốc lại thử một quả bom nhiệt hạch khác ở khu tự trị Tân Cương. Đây là vụ thử hạt nhân trong không khí cuối cùng của thế giới.

Tuy nhiên, trong trường hợp Triều Tiên, Trung Quốc gần đây dường như muốn mạnh tay hơn dưới các áp lực của Mỹ. Sau vụ thử hạt nhân lần sáu và các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Trung Quốc đã ủng hộ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua hai nghị quyết trừng phạt gần nhất. Mới đây, Bắc Kinh còn yêu cầu các công ty hoặc công ty liên doanh của Bình Nhưỡng tại Trung Quốc phải đóng cửa trong vòng 120 ngày.

Trước đó, Trung Quốc đã thông báo sẽ giới hạn nguồn cung các sản phẩm từ lọc dầu cho Triều Tiên từ ngày 1-10, đồng thời sẽ cấm nhập khẩu hàng dệt may từ Triều Tiên, một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Bình Nhưỡng. Các động thái mạnh tay của Trung Quốc chắc chắn sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế Triều Tiên bởi hiện 80% kim ngạch thương mại quốc tế của Triều Tiên được thực hiện với Trung Quốc.

Do đó những chỉ trích và sự nhắc nhở đầy thâm sâu mà Triều Tiên muốn truyền tải tới Trung Quốc không phải không có căn cứ. Và liệu rằng Bắc Kinh có tiếp tục “lạnh nhạt” với Bình Nhưỡng khiến quan hệ hai bên sang một ngả rẽ mới hay không vẫn chưa nói trước được.(PLO)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục