Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 09-10-2017:
- Cập nhật : 09/10/2017
Triều Tiên lại kêu gọi toàn quốc đấu tranh chống Mỹ
Triều Tiên đã kêu gọi toàn quốc hãy đấu tranh chống lại Mỹ và “những động thái gây hấn như quân ăn cướp” của nước này. Tuyên bố trên được đưa ra trong lúc tàu sân bay Mỹ cùng các tàu hộ tống đang đến gần bán đảo Triều Tiên.
Theo hãng tin RT, một phát ngôn viên của Ủy ban Hòa bình Quốc gia Triều Tiên đã đưa ra tuyên bố nói rằng: “Các hành động giống như của quân ăn cướp của Mỹ nhằm thống trị, kiểm soát, gây hấn cổ súy chiến tranh đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn khi một người như Donald Trump có thể đưa ra những phát ngôn như “hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên” một cách rất dễ dàng. Bè lũ thân Mỹ phản quốc ở phía Nam (ám chỉ Hàn Quốc - ND) cũng đang thổi bùng ngọn lửa chiến tranh mà Mỹ mang đến”.
Bình Những cũng chỉ trích hiệp ước quốc phòng song phương giữa Mỹ và Hàn Quốc, được ký kết vào năm 1953, có nội dung cho phép Washington triển khai lực lượng quân đội ở Hàn Quốc. Nó được Triều Tiên coi là “một văn bản gây chiến và mang tinh thần phản bội”, để “lực lượng đế quốc” Mỹ hoạt động ở Hàn Quốc.
Vào ngày 6/10, tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan có 80 máy bay quân sự các loại đang trên đường đến bờ biển Hàn Quốc để diễn tập quân sự. Theo hãng tin Yonhap, tàu chiến Mỹ sẽ cùng các tàu của Hàn Quốc bắt đầu hoạt động của mình vào ngày 20/10. Được biết, hai bên sẽ tiến hành các bài tập xác định, theo dấu và đánh chặn tên lửa đạn đạo cũng như chống tàu ngầm đối phương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhiều lần có những phát ngôn đe dọa nhau trong thời gian gần đây. Có lúc, ông Trump cho biết Mỹ sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu bị tấn công và rằng ông Kim “sẽ không giữ chức lâu dài”. Đáp lại, Bình Nhưỡng đe dọa sẽ biến Mỹ thành “tro bụi”.
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng Triều Tiên cần phải đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, trong khi Mỹ và Hàn Quốc ngừng tập trận ở bán đảo Triều Tiên.
Vào ngày 4/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại rằng Mỹ và Triều Tiên nên “giảm nhẹ căng thẳng trong lời nói và tìm cách đối thoại trực tiếp với nhau cũng như với cả các nước trong khu vực. Như thế hai bên mới có thể đưa ra các quyết định hợp lý”.(Infonet)
-----------------------------
Ông Trump sẽ dùng "một thứ" để giải quyết vấn đề Triều Tiên
Hãng tin Ria Novosti (Nga) dẫn tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/10 cho rằng “chỉ có một thứ” có thể giải quyết thế bế tắc trong vấn đề hạt nhân và chương trình tên lửa với Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ: “Trong suốt 25 năm qua, các vị tổng thống và chính quyền Mỹ vẫn luôn nói về Triều Tiên, nhiều thỏa thuận đã đạt được và nhiều khoản tiền khổng lồ đã được chi ra ... nhưng không có kết quả, các thỏa thuận bị vi phạm khi chưa kịp ráo mực, các nhà thương thuyết của Mỹ bị giễu cợt. Xin lỗi, nhưng chỉ có một thứ sẽ có tác dụng”.
Mặc dù ông Donald Trump không nói rõ “một thứ” đó là cái gì nhưng ông đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ việc thương lượng với Bình Nhưỡng. Các nhà phân tích chính trị và nhiều nhà quan sát cho rằng rõ ràng ông đang nói về một hành động quân sự.
Trước đó, sau khi thảo luận vấn đề Iran và Triều Tiên với các quan chức cấp cao quân đội Mỹ hôm 5/10, Tổng thống Donald Trump đã cho đăng một bức ảnh kèm lời chú thích "sự tĩnh lặng trước cơn bão".
Ngoài ra, giới tình báo Mỹ mới đây đã phải lên tiếng thừa nhận rằng, việc sử dụng các lệnh cấm vận về kinh tế sẽ không thể gây được ảnh hưởng gì lên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Giới phân tích nhận định rằng có rất có thể Triều Tiên sẽ có thêm hành động khiêu khích vào tháng này, có khả năng là ngay ngày 10/10 tới khi Bình Nhưỡng kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Cùng với nhiều quan chức, họ nhất trí rằng việc Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có thế tấn công phần lãnh thổ đại lục của Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian. (Infonet)
----------------------------
Quan chức CIA: Lãnh đạo Kim Jong-un không hề “điên” như ông Trump nghĩ!
Theo hãng tin CNN, các quan chức cấp cao của CIA đã khẳng định rằng lãnh đạo Kim Jong-un hành động có mục đích lâu dài rõ ràng chứ không phải là một “kẻ điên” như Tổng thống Donald Trump từng nói.
Ông Yong Suk Lee, phó trợ lý giám đốc Văn phòng CIA tại Hàn Quốc đã có cuộc trao đổi về căng thẳng đang leo thang ở bán đảo Triều Tiên tại Đại học George Washington (Mỹ) rằng: “Những hành động của Kim Jong-un đều có mục đích rõ ràng”.
Theo ông Lee, khả năng lãnh đạo Triều Tiên “thức giấc vào một buổi sáng đẹp trời và đột nhiên quyết định tấn công hạt nhân thành phố Los Angeles của Mỹ” là rất nhỏ. “Ông ta muốn giữ chức cho đến khi già yếu”, ông nói.
Trong những tháng gần đây, những nỗ lực của Mỹ nhằm gây sức ép ngoại giao đối với Triều Tiên đã vấp phải sự phản kháng ngày càng lớn khi Bình Nhưỡng tiếp tục hiện thực hóa tham vọng hạt nhân của mình.
Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson khẳng định Mỹ muốn đi tìm giải pháp hòa bình, song cả Mỹ và Triều Tiên đều không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ muốn đàm phán nghiêm túc.
Các tuyên bố trái ngược của chính quyền Trump cũng khiến nhiều người nghi ngờ cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên của Mỹ. Tổng thống Trump đã nhiều lần phát ngôn với quan điểm trái ngược với các quan chức cấp cao dưới quyền mình và công khai “đấu khẩu” với ông Kim khiến nhiều người lo ngại một cuộc xung đột quân sự sẽ xảy ra.
Trong khi ông Trump tiếp tục công khai coi ông Kim như một nhà lãnh đạo "không có lý trí", song các quan chức CIA khẳng định cộng đồng tình báo Mỹ nhìn nhận hành động của lãnh đạo Triều Tiên rất nghiêm túc.
“Thực tế, người cuối cùng muốn xung đột xảy ra trên bán đảo Triều Tiên lại chính là Kim Jong-un”, ông Lee nói. “Ở Mỹ chúng ta thường đánh giá thập quan điểm bảo thủ đang tồn tại trong các chính phủ đơn đảng như Triều Tiên”.
Mặc dù ông Kim không muốn có chiến tranh với Mỹ, song rất có thể ông coi quan hệ đối đầu với Washington là chìa khóa để đảm bảo tầm ảnh hưởng của mình. “Có thể nói rằng Triều Tiên là một chủ thể chính trị sống bằng sự đối đầu với kẻ thù”, ông Lee nhận định.
Theo ông Lee, hành động của ông Kim là phù hợp đối với lợi ích cá nhân của một lãnh đạo chứ không dựa trên cảm tính, và điều này cũng đúng với những động thái của Triều Tiên với Mỹ.
“Mục tiêu lâu dài của ông Kim là đạt được một thỏa thuận nào đó với Mỹ và loại bỏ sự hiện diện của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên”, ông Lee nói. Quan chức CIA cho rằng ông Kim muốn xây dựng vị thế của Triều Tiên trên trường quốc tế.
Tuy vậy, việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân tầm xa từ lâu đã đi ngược với mong muốn của Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực. Sau hàng loạt các cuộc thử nghiệm thành công, các nước này một lần nữa tỏ ra quan ngại trước tình hình hiện tại.
Ông Michael Collins, một phó trợ lý giám đốc khác của Văn phòng CIA tại Hàn Quốc cho biết: “Rõ ràng Triều Tiên đang thử lòng kiên nhẫn của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Với việc đẩy mạnh căng thẳng, họ cũng đẩy giới hạn mà Mỹ và các nước khác phải chấp nhận lên một tầm cao mới”.
Ông Kim cũng tỏ ra không nao núng trước các phát ngôn đe dọa của ông Trump, mặc dù Tổng thống Mỹ đã phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng ông Kim đang “tự đưa mình và chính phủ Triều Tiên vào con đường chết”.
Ông Lee cho rằng hành động của ông Kim cho thấy Triều Tiên không còn bị giới hạn bởi nỗi lo Trung Quốc từ bỏ mình hoặc Mỹ sẽ tấn công quân sự. Tình hình hiện tại đã không còn trong giai đoạn “thử thách nhau" nữa mà là “ông Kim Jong-un sẽ làm gì”.
Cả ông Collins và ông Lee nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn có thể nắm ảnh hưởng khá lớn đối với Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh sẽ phải đưa ra lựa chọn, hoặc ưu tiên xây dựng quan hệ với Washington hoặc tiếp tục ủng hộ Bình Nhưỡng.
“Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc hiện nay là cản trở Mỹ và đảm bảo tình trạng hiện tại của bán đảo Triều Tiên”, ông Lee nói. Đồng thời ông cũng nhận định rằng Mỹ phải chứng minh cho Trung Quốc và Triều Tiên rằng họ vẫn để ngỏ mọi lựa chọn.
Mặc dù cả hai quan chức CIA tin rằng ông Kim sẽ không gây chiến với Mỹ hay các nước đồng minh trong khu vực, song họ tin căng thẳng bán đảo Triều Tiên sẽ còn tiếp tục và sẽ khiến nguy cơ hai bên mắc sai lầm trở nên rất cao.
“Hải quân Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ đối đầu với nhau gần như mỗi ngày. Nguy cơ xảy ra xung đột bất cứ lúc nào vẫn hiện diện”, ông Lee nói. (Infonet)