Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý chiều 30-09-2017

  • Cập nhật : 30/09/2017

Ukraine còn gì khi áp chuẩn NATO cho vũ khí?

Ukraine đang áp chuẩn NATO cho vũ khí của mình và điều này đặt nền công nghiệp quốc phòng gốc Nga của nước này trước thảm họa.

Vũ khí đầu tiên

Ukraine vừa công bố loạt vũ khí do nước này tự sản xuất, chiếm số lượng lớn là xe chiến đấu BMP-1, xe bọc thép Spartan, pháo phản lực thế hệ mới... Và đặc biệt là xe thiết giáp chiến đấu BTR-60 với tiêu chuẩn NATO.

BTR-60 mới của Ukraine ra đời theo gói nâng cấp Otaman của hãng Paktika. Nhà sản xuất cho biết, gói nâng cấp tập trung nâng cao khả năng sống sót của xe và tăng cường hỏa lực cho BTR-60.

Xe BTR-60 mới của Ukraine được trang bị lớp giáp hỗn hợp gốm và hợp kim được theo các chiều vát nhằm làm chệch hướng đạn bắn tới hoặc sức nổ của các thiết bị nổ tự tạo. Lớp giáp của xe đạt tiêu chuẩn STANAG 4569 cấp II của NATO.

xe chien dau moi cua ukraine.

Xe chiến đấu mới của Ukraine.

Ngoài những nâng cấp kể trên, bên trong xe cũng được thiết kế lại. Khoang chở binh sĩ vẫn ở phía sau nhưng cửa mở được thiết kế lại giúp người lính thoát ly xe nhanh hơn trong lúc chiến đấu. Hỏa lực của xe được tăng cường với module chiến đấu Shturm-M gồm súng máy 30mm, tên lửa chống tăng, vũ khí phòng thủ khói....

Ngoài lực lượng thiết giáp, Không quân Ukraine cũng bắt đầu rịch rịch với chuẩn mới. Theo tạp chí Jane’s, trong gói nâng cấp Su-27 và MiG-29 được Không quân Ukraine công bố cho thấy, đến cuối năm 2017, Ukraine sẽ chính thức trình làng những phiên bản đầu tiên của MiG-29 và Su-27 theo chuẩn NATO. Công việc này được bắt đầu thực hiện từ cuối năm 2015.

Để phi đội chiến đấu cơ này đạt chuẩn NATO, Công ty quốc phòng Novator của Ukraine được giao nhiệm vụ tích hợp hệ thống radar cảnh báo sớm trên không SPS-2000 dành riêng cho Su-27 và MiG-29 thuộc biên chế Không quân nước này.

Nguồn tin cho biết, SPS-2000 trong tương lai sẽ thay thế cho các hệ thống cảnh báo sớm Avtomatika SPO-150 vốn là trang bị tiêu chuẩn cho hầu hết các dòng máy bay quân sự do Liên Xô chế tạo trước đây.

Tạp chí Jane’s dẫn lời đại diện của Novator cho hay, hệ thống cảnh báo sớm SPS-2000 được thiết kế để có thể hoạt động trên nhiều dải tần số và với độ nhạy cao, bên cạnh đó nó còn phù hợp với các hệ thống quản lý hàng không theo tiêu chuẩn châu Âu và NATO.

Toan tính của NATO

Trước khi Ukraine công khai những vũ khí đầu tiên được tích hợp công nghệ chuẩn NATO, cựu Cục trưởng Cục Vũ khí trang bị, Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Sitnov đã có những nhận định về tương lai của công nghiệp quốc phòng Ukraine khi áp theo chuẩn NATO.

Ông Anatoly Sitnov cho biết: "Trình độ sẽ rất đơn giản, họ sẽ lấy và sẽ đóng cửa tất. Còn thay vào đó, họ sẽ buộc Ukraine mua vũ khí trang bị phương Tây. Chỉ nhìn gương Ba Lan, Hungaria, Czech và Bulgaria là biết. Họ đã hầu như loại bỏ hết vũ khí Liên Xô".

vu khi ukraine se dan chuyen sang chuan nato.

Vũ khí Ukraine sẽ dần chuyển sang chuẩn NATO.

Các nước này sản xuất thành công vũ khí trang bị theo giấy phép của Liên Xô. Thời hậu Xô-viết, Warszawa, Praha và Sofia đã cạnh tranh với Moskva trên các thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nước này đã mất khả năng tự lực sản xuất máy bay, xe tăng-thiết giáp, các hệ thống dẫn và điều khiển. Đây thực tế là sự kết liễu nền công nghiệp quốc phòng của họ.

Trong khi đó, Ukraine từng là một trong các nước xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới và đối thủ cạnh tranh đáng gờm của vũ khí Nga. Vào đầu những năm 2000, nước này thậm chí nằm trong số 10 nước bán vũ khí nhiều nhất thế giới. Ukraine hàng năm bán 1,5-2 tỷ USD.

Kiev đang hợp tác kỹ thuật quân sự với 45 nước, nhưng vì những lý do dễ hiểu, tỷ trọng của thị trường Nga đối với Ukraine lên tới 60%. Thực tế là tất cả các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng Ukraine còn sót lại hoạt động được là nhờ các hợp đồng của Nga. Hơn 70% các nhà cung cấp hệ thống và linh kiện cho các xí nghiệp quốc phòng Ukraine nằm ở Nga.

Không có sự tham gia của Nga, Ukraine chỉ sản xuất được các xe tăng Т-80, Oplot và Yatagan, cũng như một số loại xe bọc thép chở quân cũ. Trong số các mặt hàng xuất khẩu quân sự quan trọng nhất của Ukraine có động cơ tàu biển turbine khí, động cơ máy bay, tên lửa không đối không, xe bọc thép hạng nhẹ.

GS Viện Hàn lâm khoa học quân sự Vadim Kozyulin nhận định: "Ukraine đã tích tụ khối lượng nợ nần ở phương Tây như thế nên NATO sẽ không chỉ đã yêu cầu mà là sẽ bắt buộc chính quyền Kiev chôn vùi công nghiệp quốc phòng của mình để tiêu chuẩn hóa các hệ thống vũ khí trang bị theo các tiêu chuẩn của NATO".

Các tiêu chuẩn - trước hết, đó là chuyển từ hệ đo mét sang inch. Tất cả các quy định của châu Âu đều đòi hỏi việc đó. Czech và Slovakia từng nỗ lực thích nghi với các tiêu chuẩn đó, công nghiệp quốc phòng của họ là mềm dẻo nhất trong tất cả các nước thuộc Hiệp ước Warszawa trước đây. Nhưng họ đã không có cả đủ tiền lẫn sức lực.

"Ở châu Âu, chỉ có hai nước miễn cưỡng chống chọi được áp lực của hệ inch là Pháp và Đức. Tất cả các nước còn lại hoặc là phải mua linh kiện cho vũ khí, hoặc là phải mua vũ khí trang bị thành phẩm của phương Tây", ông Sitnov nói.

Tờ báo Polska Zbrojna (Ba Lan) mới đây đăng một bài cho hay, sau khi Ba Lan công bố chương trình hiện đại hóa quân sự quy mô lớn đến năm 2022 với chi phí gần 130 tỷ zloty (33,5 tỷ euro), một cuộc cạnh tranh ác liệt nổ ra ở châu Âu để giành quyền bán vũ khí cho Ba Lan. Tranh giành về vũ khí phòng không là liên danh Eurosam của Thales và MBDA (Pháp) và Raytheon (Mỹ) với hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

Trong lĩnh trực thăng, cùng lúc có 3 đối thủ: AgustaWestland AW149, EC725 Caracal và Sikorsky Black Hawk. Ngoài ra, lần đầu tiên ở Ba Lan sẽ trưng bày trực thăng tối tân Tiger HAD mà sắp tới sẽ được trang bị cho quân đội Pháp.

Nhà sản xuất Airbus Helicopter thậm chí không che giấu việc Tiger sẽ tham gia cuộc đấu thầu mua trực thăng tiến công mới cho quân đội Ba Lan thay cho Mi-24V và Mi-24D.

Tình cảnh đó cũng đang chờ đợi Ukraine. Việc đóng cửa các xí nghiệp quốc phòng Ukraine sẽ là một trong những bước đi chính nhằm liên kết, hòa nhập với châu Âu. Ông Kozyulin cho rằng, Kiev không có cả tiền lẫn mong muốn khuyến khích hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng của mình. Bằng chứng cho điều đó là quyết định của Tổng thống Petro Poroshenko ngừng hoàn toàn hợp tác kỹ thuật quân sự với Moskva.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nga Denis Manturov, tổng giá trị các đơn đặt hàng dân sự và quân sự với các xí nghiệp Ukraine năm 2014 là gần 15 tỷ USD, tức 8,2% GDP Ukraine. Giao dịch sản phẩm quốc phòng Nga-Ukraine gồm 7.000-8.000 mặt hàng, có 1.330 xí nghiệp tham gia hợp tác.

Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Ruslan Pukhov nói: "Cắt đứt quan hệ với Kiev trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự là cái chết chắc chắn đối với công nghiệp quốc phòng Ukraine và phi công nghiệp hóa hoàn toàn nước này. Cả Tây Âu lẫn Đông Âu đều không cần sản phẩm của Ukraine".

Theo ông Anatoly Sitnov, có thể họ đã quan tâm đến công nghệ, nhưng tất cả những gì có thể lấy từ các xí nghiệp Ukraine, những kẻ muốn lấy thì đã lấy được rồi. Ví dụ, công ty Airbus Military của châu Âu đang bắt tay vào sản xuất loạt máy bay vận tải quân sự 4 động cơ turbine cánh quạt Airbus A400M. Đây thực tế là bản sao của máy bay vận tải bất hạnh Nga-Ukraine An-70.

Ông Vadim Kozyulin cho biết: "Trong những năm 1990, chúng ta đã trải qua câu chuyện liên quan đến việc thành lập các liên doanh với các hãng nước ngoài. Lạc quan đã nhanh chóng bị thay thế bằng thất vọng.

Thay vì cùng nhau thực hiện các dự án thực tế, tất cả chung quy chỉ là các hãng phương Tây tìm cách kiếm được những công nghệ nào đó, rồi sau đó dừng hợp tác. Hoặc là các hãng nước ngoài tìm cách biến các hãng của Nga thành các nhà phân phối đơn thuần cho sản phẩm của họ tại các thị trường các nước thứ ba".

Vadim Kozyulin nhấn mạnh, mong muốn của NATO tham gia hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng Ukraine cũng là một phần trong vở kịch đó. Khi áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật mới chuẩn NATO, thực tế sẽ dìm chết tòa bộ công nghiệp quốc phòng Ukraine. (Baodatviet)
------------------------

Cái giá của việc phớt lờ Nga

Washington và Moscow luôn phải tính toán xem mối quan hệ giữa họ ảnh hưởng ra sao đến những đối tác thân cận

Sẽ rất khó cải thiện mối quan hệ bất ổn một cách nguy hiểm giữa Mỹ và Nga nhưng điều này đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Sự thù địch giữa 2 nước hiện nay đe dọa dẫn đến một cuộc đối đầu bùng nổ, có thể phá hủy nền văn minh Mỹ (và Nga). Nga giờ đây có thể làm được nhiều hơn để gây tổn hại đến lợi ích và giá trị của Mỹ mà không cần phải mạo hiểm quá nhiều. Vì vậy, Mỹ nên thăm dò chuyện bình thường hóa sự tương tác với Nga.

Ngày nay, Mỹ và Nga là hai bên đối nghịch, có cách tiếp cận khác nhau đối với những vấn đề quốc tế quan trọng, những hệ thống chính phủ khác nhau và trong nhiều khía cạnh, những giá trị khác nhau. Nỗ lực cải thiện quan hệ song phương của mỗi bên đều phải đương đầu với những trở ngại trong nước. Khó khăn này đặc biệt lớn ở Mỹ - nơi quốc hội, các phương tiện truyền thông chính thống và phần lớn người dân đều cho rằng nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin không khác gì Iraq của cố Tổng thống Saddam Hussein. Không như Trung Quốc, sự tương tác về kinh tế của Nga với Mỹ khá hạn chế nên ít người Mỹ nhìn thấy mặt tích cực thiết thực nào đối với chuyện giao thiệp với Nga.

Tổng thống Putin có nhiều quyền hạn hơn trong việc định hình chính sách đối ngoại, trong đó có tìm kiếm một khởi đầu mới với Washington. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn về kinh tế trước cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018, ông Putin không muốn tỏ ra yếu đuối trước áp lực của nước ngoài. Đồng thời, Washington và Moscow luôn phải tính toán xem mối quan hệ giữa họ ảnh hưởng ra sao đến những đối tác thân cận. Chẳng hạn, Nga không thể bỏ qua phản ứng của Trung Quốc và Iran nếu họ nhận thấy Nga thỏa hiệp với Mỹ về tình hình Triều Tiên, Syria hoặc những vấn đề khác - đặc biệt nếu sự linh hoạt của Moscow làm tổn hại lợi ích của họ.

Việc không ngăn chặn được vòng xoáy đi xuống của mối quan hệ Mỹ - Nga đặt ra những hiểm họa thực sự. Nghiêm trọng nhất, dù ít xảy ra nhất, là một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp, dẫn đến tình hình leo thang không kiểm soát được và có nguy cơ trở thành một thảm họa toàn cầu. Nhiều người bác bỏ rủi ro này với lập luận cả Mỹ lẫn Nga đều không muốn tự sát và sẽ kiềm chế. Sự thật là không ai biết điều gì có thể xảy ra nếu máy bay chiến đấu của Mỹ và Nga nã đạn vào nhau hoặc nếu tên lửa hành trình Mỹ trúng căn cứ của Nga ở Syria. Nga có thể trả đũa theo cách bất đối xứng, có thể là ở miền Đông Ukraine và chiến sự cứ thế leo thang, lan rộng. Trong khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như xem vũ khí hạt nhân là quá khủng khiếp và ít đe dọa sử dụng trong thực tế thì học thuyết quân sự Nga mô tả vũ khí hạt nhân chiến thuật là một lựa chọn khả thi nếu nước Nga bị tấn công mạnh mẽ.

tong thong my donald trump va nguoi dong cap nga vladimir putin gap nhau ben le hoi nghi thuong dinh g20 tai tp hamburg - duc hoi thang 7 anh: reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại TP Hamburg - Đức hồi tháng 7 Ảnh: REUTERS

 

Cuối cùng, Nga có thể tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Dù 2 nước này đều quan tâm đến một quan hệ bình thường với Mỹ và không muốn đi quá xa bởi lo ngại nguy cơ xung đột nghiêm trọng, thực tế là họ đang lo sợ và bực mình với Washington. Họ nỗ lực thắt chặt quan hệ về kinh tế, quân sự cũng như tăng cường điều phối về các chính sách đối ngoại. Moscow và Bắc Kinh đều lo lắng trước sự bao vây do Mỹ dẫn đầu và đặc biệt là sự mở rộng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vốn đe dọa khả năng đáp trả của họ. Mối quan hệ Mỹ - Nga càng xấu thì Trung Quốc có thể trông chờ vào sự ủng hộ nhiều hơn của Nga trong trường hợp xảy ra bất đồng với Mỹ. Khích lệ Trung Quốc bằng cách này không giúp gì cho lợi ích quốc gia Mỹ.

Để tránh những cái giá nói trên, bất kỳ chính phủ có trách nhiệm nào của Mỹ cũng muốn bình thường hóa quan hệ với Moscow. Mục tiêu không phải là trở thành đồng minh hoặc bạn bè của nhau. Thay vào đó, Washington nên tìm kiếm đối thoại để tránh một cuộc đối đầu quân sự không mong muốn, quản lý hiệu quả hơn những khác biệt và đôi khi hợp tác trong những lĩnh vực hai bên chia sẻ lợi ích, ưu tiên. Một cách tiếp cận như vậy đòi hỏi phải giải thích rõ ràng để quốc hội và người dân Mỹ hiểu rõ những lợi ích quốc gia tiềm tàng (từ việc cải thiện quan hệ với Nga). Quan hệ tốt đẹp giữa tổng thống 2 nước cũng quan trọng nhưng nó chỉ nên là công cụ, không phải cơ sở cho chính sách Mỹ.

Có nhiều trở ngại trong quá trình tìm kiếm một cách tiếp cận mới đối với Nga. Tuy nhiên, nếu xảy ra sai sót, mối quan hệ Mỹ - Nga có thể kết thúc bằng một cuộc xung đột hạt nhân. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất đối với bất kỳ chính quyền nào của Mỹ là bảo vệ sự sống còn và an toàn của người dân. Đó là lý do không chính quyền có trách nhiệm nào của Mỹ có thể từ chối theo đuổi một mối quan hệ ổn định hơn với Nga. (NLĐ)
------------------------------

Ba Lan dùng phiên bản S-125 tự hành dọa Nga

Theo RT, Ba Lan đã dùng hệ thống phòng không S-125 phiên bản nâng cấp tự hành thực hiện cuộc diễn tập phòng không đề phòng Nga.

Cuộc diễn tập của phòng không Ba Lan là một phần trong cuộc tập trận khổng lồ với NATO nhằm đề phòng trước "mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga" theo cách gọi của NATO. Cuộc tập trận được tổ chức tại thị trấn ven biển Ustka, phía bắc Ba Lan.

Trong cuộc diễn tập này, Ba Lan đã phóng tên lửa đất đối không từ hệ thống phòng không S-125 Newa SC.

Hiện nay, Ba Lan có khoảng 60 bệ phóng tự hành tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung S-125 Newa SC – chương trình nâng cấp S-125 Pechora mà Việt Nam có dùng, đưa bệ phóng lên khung bệ xe tăng T-54/55.

he thong s-125 newa sc ba lan.

Hệ thống S-125 Newa SC Ba Lan.

Gói nâng cấp tỏ ra hiệu quả với Ba Lan nhưng được cho là không phù hợp với những quốc gia đang dùng cả S-125 và tăng T-54/55. Sẽ rất lãng phí khi dùng xe tăng sẵn có để cải tạo thành xe có chức năng vận tải và tự hành dùng cho hệ thống tên lửa không hiện đại lắm, tuổi đời không dài. Tất nhiên chi phí cải tạo cũng rất lớn.

Để tránh lãng phí xe tăng, Belarus đã cho ra mắt biến thể tự hành của Pechora-2TM. Bệ phóng tự hành này mang được tới 4 quả tên lửa V-600 sẵn sàng phóng, đặt trên khung rơ moóc kéo. Các tính năng cơ bản của S-125-2TM được cho là không thay đổi.

Sự ra đời của bản S-125-2TM cơ động này không chỉ nhằm mục đích hướng tới các khách hàng mới mà còn cung cấp thêm lựa chọn cho các đối tác đang vận hành Pechora-2TM. Theo nhận định của các nhà phát triển Belarus, gói nâng cấp này rất phù hợp với Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta đã nâng cấp tổ hợp S-125 theo cách riêng của minh khiến chúng gần như lột xác hoàn toàn về sức mạnh và khả năng đánh chặn mục tiêu. Cụ thể, nhằm đảm bảo khả năng chiến đấu cũng như tính năng kỹ chiến thuật của S-125, Việt Nam đã hợp tác với công ty Tetraedr của Belarus để nâng cấp S-125 Pechora lên chuẩn S-125-2TM (Pechora-2TM).

Gói nâng cấp này chủ yếu tập trung vào cải tiến radar điều khiển hỏa lực, trang bị an-ten mới, bổ sung phầm mềm lái tự động mới, bộ vi xử lý mới. Radar nâng cấp cho phép cung cấp kênh dẫn hướng cho 2 tên lửa tấn công mục tiêu cùng lúc.

Sau khi nâng cấp, cự ly phát hiện mục tiêu của S-125-2TM tăng lên 100 km (so với 80 km trước khi nâng cấp), độ cao tối đa phát hiện mục tiêu đạt 25 km (so với 18 km trước khi nâng cấp). Tên lửa của S-125-2TM có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay với vận tốc 900 m/s ở cự ly 35 km (trước khi nâng cấp chỉ tiêu diệt được mục tiêu bay với vận tốc 700 m/s, cự ly 25 km).

Khả năng kháng nhiễu của hệ thống đạt 2.700 W/MHz (vượt trội rất lớn so với trước khi nâng cấp là 24 W/MHz), thời gian triển khai chiến đấu chỉ mất 20 phút.

Tỷ lệ tiêu diệt các mục tiêu bay của hệ thống S-125-2TM như sau: Với máy bay chiến đấu: từ 85 – 96 % (trước khi nâng cấp tỷ lệ này là 45 – 87%)- Với trực thăng: từ 40 – 80% (trước khi nâng cấp tỷ lệ này là 17 – 67%)

Với tên lửa hành trình: từ 30 – 85% (trước khi nâng cấp tỷ lệ này là 4 – 48%). Việc nâng cấp hệ thống S-125 lên chuẩn S-125-2TM giúp cho lực lượng phòng không Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của tác chiến hiện đại với chi phí bỏ ra rất thấp so với việc mua mới các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại hơn.(Baodatviet)

 

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 30-09-20172

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 30-09-2017

    Tân Đại sứ Mỹ tại Nga từng lên án Moscow gay gắt; Khủng bố điện thoại càn quét 100 thành phố Nga; Mỹ kêu gọi các nước ngưng cấp vũ khí cho Myanmar

  • Tin thế giới đáng chú ý sáng 30-09-20173

    Tin thế giới đáng chú ý sáng 30-09-2017

    Sốc: IS tổng phản công, bắt 2 cố vấn Nga?; Ông Trump gặp sóng gió vì Puerto Rico; Tổng thống Duterte ‘đổi tông’ hòa dịu với Mỹ

Bài cùng chuyên mục