Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý 06-08-2017

  • Cập nhật : 06/08/2017

Mỹ leo thang xung đột, Nga nổi giận trả đòn

Việc Mỹ tiến hành đợt trừng phạt mới đối với Nga sẽ làm cho quan hệ Nga - Mỹ khó có thể được cải thiện trong ngắn hạn, tư duy Chiến tranh Lạnh trong nội bộ Mỹ đối với Nga còn nặng nề khiến Tổng thống Mỹ bất lực.

Báo Nhân Dân Trung Quốc ngày 3/8 có bài viết bình luận cho rằng sau khi Hạ viện và Thượng viện Mỹ lần lượt thông qua luật trừng phạt đối với ba nước Nga, Iran và Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump mặc dù “bày tỏ phản đối”, nhưng ngày 2/8 (giờ địa phương), ông Trump đã ký luật này với lý do “vì sự đoàn kết của nước Mỹ”. 

Sau đó, ông Donald Trump cho biết luật này “tồn tại thiếu sót nghiêm trọng”, một số điều khoản thậm chí “vi Hiến”. Rất nhiều tờ báo Mỹ cho rằng luật trừng phạt mới mặc dù tiến hành trừng phạt cả ba nước, nhưng chủ yếu nhằm vào Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình quốc gia gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, sẽ trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ ở Nga trước ngày 1/9. Hành động này của Nga được phổ biến cho là đáp trả đối với việc Mỹ tăng cường trừng phạt đối với Nga.
Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới với Nga với lý do Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Luật mới sẽ tiến hành trừng phạt kinh tế đối với nhiều công ty và cá nhân hơn, mục tiêu bao gồm ngành năng lượng, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự, một số ngân hàng và các tổ chức bị Mỹ lên án can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 của Nga.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng hành động đáp trả Nga lần này báo hiệu sự kết thúc của thời kỳ trăng mật của quan hệ Mỹ - Nga. Từ cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 đến nay, quan hệ Mỹ - Nga đã bước vào giai đoạn “hòa hợp” hiếm thấy. Nhưng, cùng với những vấn đề liên quan đến Nga ảnh hưởng đến nội bộ nước Mỹ liên tiếp nổi lên, cũng như các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, tương lai quan hệ Mỹ - Nga có triển vọng không sáng sủa.
Thái độ của Nhà Trắng lúc nóng lúc lạnh
Để đáp trả Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, trong vài ngày cuối cùng của năm 2016, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã sử dụng thời gian cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, đưa ra một gói trừng phạt Nga mạnh mẽ và cực đoan chưa từng có. 
Theo đó, Mỹ sẽ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga, tịch thu hai tài sản ngoại giao Nga tại Mỹ, đồng thời đưa tất cả các tổ chức tình báo của Nga, bao gồm Cơ quan an ninh Liên bang (FSB) và Cơ quan tình báo quân đội (GRU) vào danh sách trừng phạt như cấm nhập cảnh vào Mỹ và đóng băng tài sản. 
Khi đó, Nga đã giữ im lặng khác thường trong thời gian mười mấy tiếng đồng hồ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thậm chí đã đệ trình phương án đáp trả tương đương lên Tổng thống Nga Vladimir Putin: Trục xuất số lượng quan chức ngoại giao Mỹ với số lượng tương ứng, tịch thu tài sản của Mỹ ở Nga và khả năng trừng phạt kinh tế. Nhưng cuối cùng tất cả các phương án đã bị phủ quyết, Nga chỉ để cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng phê phán.
Thời điểm đó cách lúc ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống chưa đến 2 tuần. Nga hy vọng những ấn tượng tốt về Nga của ông Donald Trump sẽ có thể làm cho Mỹ dỡ bỏ trừng phạt kéo dài 3 năm qua của Mỹ đối với Nga. Nga đã giữ kiềm chế để tạo không gian cho “thời kỳ trăng mật” có thể diễn ra.
Một tháng sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn đã buộc phải từ chức do đã “mật đàm” với Đại sứ Nga tại Mỹ về vấn đề trừng phạt Nga. Ngày thứ hai sau khi ông Michael Flynn từ chức, Nhà Trắng tuyên bố: “Trừ phi Nga trao trả Crimea, nếu không sẽ không dỡ bỏ trừng phạt”. 
Sau đó, các nhân vật thân tín của ông Donald Trump lại nhiều lần dính vào “sóng gió” với Nga, thái độ của Nhà Trắng đối với Nga “lúc nóng lúc lạnh”, đã trở thành một ẩn số khó lường nhất trong chính sách ngoại giao của Điện Kremlin.
Trong thời gian hơn 3 tháng sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, Mỹ và Nga đã tiến hành 3 cuộc “tiếp xúc cấp cao”. Trong 2 lần trước, Mỹ và Nga đều bày tỏ hy vọng quan hệ hai nước phát triển theo phương hướng tích cực hơn.

Triển vọng quan hệ ấm lên đột biến

Sau khi quan hệ Mỹ - Nga ấm lại, quan hệ hai nước lại xuất hiện bước ngoặt. Ngày 6/4, ông Donald Trump bất ngờ quyết định không kích quân chính phủ Syria, làm cho triển vọng ấm lên của quan hệ Nga - Mỹ trở nên “đóng băng”. Nga đã cân nhắc rất kỹ, cuối cùng chỉ tuyên bố tạm dừng bản ghi nhớ đề phòng xung đột trên bầu trời Syria mà quân đội hai nước Mỹ và Nga đã ký trước đó.
Ngày 8/5, Nhà Trắng cuối cùng đưa ra cam kết với Nga hoàn trả hai tài sản ngoại giao đã tịch thu trước đó, nhưng cùng với hành động bất ngờ sa thải Giám đốc FBI của ông Donald Trump tiếp tục dấy lên vấn đề “đi đêm với Nga”, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 10/5 đổi giọng, tiếp tục giữ lại hai tài sản ngoại giao này cho đến nay.
Ngày 18/6, quân đội Mỹ tiếp tục bắn rơi một máy bay chiến đấu Su-22 của quân chính phủ Syria, phản ứng lần này của Nga là tuyên bố rút khỏi bản ghi nhớ đề phòng xung đột đã tạm dừng vào tháng 4/2017.
Đằng sau thái độ kiềm chế của Moscow là sự phẫn nộ ngày càng tăng lên, phương án “trả đũa tương đương” bị gác lại nửa năm đã tiếp tục xuất hiện trong phạm vi lựa chọn của Nga, sau đó nó lại lần lượt bị phủ quyết. Niềm hy vọng của Điện Kremlin đã đặt vào cuộc gặp chính thức giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng 7/2017 ở Đức.
Nga nổi giận đáp trả 
Sau đó, Mỹ đã đẩy nhanh các bước trừng phạt đối với Nga. Ngày 15/7, Thượng viện Mỹ thông qua một dự luật trừng phạt Iran, bao gồm luật sửa đổi tiến hành trừng phạt đối với Nga. Căn cứ vào luật này, Mỹ sẽ tiến hành trừng phạt đối với một lượng lớn nhân viên Nga, các ngành nghề của Nga như khoáng sản, kim loại, vận tải và đường sắt.
Ngoài ra, khi Tổng thống Mỹ tìm cách nới lỏng hoặc chấm dứt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Quốc hội có thể dựa vào luật sửa đổi này để khởi động thủ tục xem xét lại.
Trong tuyên bố ngày 20/7 của Bộ Tài chính Mỹ, những cá nhân và thực thể bị trừng phạt bao gồm một thực đang tránh né trừng phạt, hai thực thể trước đó bị khống chế và hai quan chức Nga. Tài sản của họ ở Mỹ bị đóng băng, người Mỹ cũng sẽ bị cấm tiến hành giao dịch thương mại với họ.
Ngày 28/7, người phát ngôn Nhà Trắng cuối cùng cho biết Tổng thống “chuẩn bị ký”, trải qua 7 tháng “vật lộn”, Nhà Trắng của ông Donald Trump không đạt được kết quả trong vấn đề nhân sự, khó có thể chống lại cục diện đã định của Quốc hội, trái lại biến thành “bãi mìn” phức tạp trong chính trị nước Mỹ khi thực hiện chính sách đối với Nga. Khi đó, Bộ Ngoại giao Nga đã phản ứng “yêu cầu Đại sứ quán Mỹ cắt giảm 455 nhân viên ngoại giao”.
Theo tờ Nhật báo phố Wall Mỹ, một quan chức Nhà Trắng cho biết ông Donald Trump ký luật này là để trừng phạt Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Lệnh trừng phạt này còn nhằm vào các nước như Iran, quốc gia mà Mỹ cho là tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Ngày 30/7, trên đài truyền hình quốc gia Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ trục xuất 755 nhà ngoại giao và nhân viên kỹ thuật của Mỹ tại Nga trước ngày 1/9/2017.
Tổng thống Nga nói: “Trước đây, chúng tôi hy vọng tình hình sẽ được cải thiện nhất định, nhưng rõ ràng mặc dù nó được cải thiện thì cũng sẽ không phải trong tương lai gần. Tôi cho rằng đã là lúc thể hiện chúng tôi sẽ không phải không đưa ra phản ứng gì với họ”.
Tuy nhiên, ông Vladimir Putin hầu như hoàn toàn không sẵn sàng tiếp tục áp dụng thái độ gay gắt hơn với Mỹ. Ông cho biết thêm rằng Nga có thể tiến hành hạn chế trên rất nhiều lĩnh vực. Nhưng, trong giai đoạn hiện nay, ông phản đối gia tăng các biện pháp hạn chế đối với Mỹ trên các lĩnh vực khác.
Ngày 3/8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev viết trên mạng xã hội rằng biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Nga không có ý nghĩa gì, sẽ gây “hậu quả không tốt”. Ông gọi sự trừng phạt này là “một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện”, đồng thời cho biết “niềm hy vọng cải thiện quan hệ với tân Chính phủ Mỹ của chúng tôi đã tan biến”.
tong thong nga vladimir putin va tong thong my donald trump.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quan hệ Mỹ - Nga trở nên phức tạp
Không ít chuyên gia, học giả giữ thái độ thận trọng đối với quan hệ Mỹ - Nga. Nhà nghiên cứu Lý Dũng Tuệ, phó chủ nhiệm phòng nghiên cứu ngoại giao Nga, Trung tâm nghiên cứu Nga - Âu - Á, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng quan hệ Nga - Mỹ không hề lạc quan. Tư duy Chiến tranh Lạnh đối với Nga trong nền chính trị Mỹ tồn tại lâu dài, ý thức hệ mạnh mẽ và thái độ kiên định chống Nga của hai đảng ở Mỹ đều sẽ gây trở ngại nghiêm trọng cho cải thiện quan hệ Mỹ - Nga.
Nghị sĩ Quốc hội Pháp Thierry Mariani cho rằng Mỹ áp dụng đợt trừng phạt mới đối với Nga sẽ làm cho quan hệ Mỹ - Nga thêm phức tạp. 
Nhưng một số nhà nghiên cứu cho rằng Mỹ tiến hành trừng phạt Nga đã đem lại cơ hội trên phương diện khác cho Nga. Giáo sư Dương Thành, Học viện Quan hệ quốc tế và các vấn đề công, Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng Mỹ tăng cường trừng phạt là một cơ hội tuyệt vời cho Điện Kremlin, có lợi cho Nga thúc đẩy tinh thần yêu nước.
Theo nhà nghiên cứu Lý Dũng Tuệ, quan hệ Nga - Mỹ tiếp tục xấu đi trái lại đã mở ra không gian cho cải thiện quan hệ giữa Nga và châu Âu. Đợt trừng phạt này của Mỹ đối với Nga đã đe dọa an ninh năng lượng của các nước châu Âu, khiến cho châu Âu không hài lòng. Do đó, Nga sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với các nước châu Âu để để hóa giải ảnh hưởng từ quan hệ Nga - Mỹ xấu đi, vì vậy các động thái quan hệ ba bên này trong ngắn hạn rất đáng chú ý.(Viettimes)
-------------------------------------------

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam sắp thăm Mỹ

Nhận lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ thăm chính thức Mỹ từ ngày 7 tới 10/8.

 

bo truong quoc phong ngo xuan lich.

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.

Chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa nhân dân và quân đội hai nước, cũng như triển khai các nội dung hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất.(Viettimes)
----------------------------------

Đang bị cô lập, Qatar chi gần 6 tỷ USD mua tàu chiến

Qatar tuyên bố chốt hợp đồng trị giá 5,91 tỷ USD với Italy để mua 7 tàu chiến, nằm trong thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Qatar cho biết ngày 2/8.

Đó là công bố của Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani, trong buổi họp báo cùng với người đồng cấp của Italy Angelino Alfano tại Doha sau những thảo luận về nỗ lực chấm dứt khủng hoảng giữa Qatar và các nước vùng Vịnh.

“Tôi rất vui mừng tuyên bố hợp đồng mua 7 tàu chiến giữa Thủy quân Qatar với Italy, nằm trong thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước”, Sheikh Mohammed nói.

Ông Sheikh Mohammed cho biết hợp đồng này trị giá khoảng 5 tỷ Euro (5,91 tỷ USD) nhưng không cung cấp thông tin chi tiết cũng như tên các công ty liên quan.

Tháng 6 năm ngoái, hãng đóng tàu quốc doanh Fincantieri của Italy cũng ký hợp đồng trị giá khoảng 4 tỷ Euro để đóng tàu cho Qatar. Khi đó, Fincantieri cho biết sẽ bán cho Qatar 4 tàu hộ tống, 2 tàu hỗ trợ và 1 tàu đổ bộ chở trực thăng, đồng thời cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nước này trong 15 năm sau khi giao hàng.

Tất cả các tàu này sẽ được đóng tại các nhà máy của Italy từ năm 2018. Công ty quốc Leonardo của Italy là đơn vị cung cấp hệ thống vũ khí và điện tử cho các tàu chiến này và nhận một phần ba giá trị hợp đồng, đại diện Leonardo khi đó cho biết.

Trước đó, vào giữa tháng 6, Qatar ký một thỏa thuận mua 36 chiến đấu cơ F-15 của Mỹ. Thương vụ này “sẽ mang lại cho Qatar năng lực tối tân, đồng thời tăng cường sự hợp tác và khả năng phối hợp giữa Mỹ và Qatar”, theo Bộ Quốc phòng Mỹ.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Qatar bị các nước láng giềng Saudi Arabia, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Ai Cập, cô lập với cáo buộc nước này tài trợ các tổ chức khủng bố. Khi đó, thương vụ này phản ánh lập trường phức tạp của chính quyền Tổng thống Donald Trump khi một mặt ủng hộ phe Saudi Arabia, một mặt vẫn bán vũ khí cho Qatar.

Trước cáo buộc của các nước láng giềng, chính quyền Doha một mực phủ định. Ngày 1/8, Qatar nộp đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kiện việc ba quốc gia láng giềng ở vùng Vịnh áp lệnh cấm vận thương mại đối với nước này. Theo đó, Qatar cáo buộc Saudi Arabia, Bahrain và UAE vi phạm “các luật và công ước cốt lõi của WTO về thương mại hàng hóa và dịch vụ, cũng như các phương diện liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ”.(Vneconomy)
-------------------------

ASEAN thông qua dự thảo khung bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông

Các ngoại trưởng ASEAN nhất trí về dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông trong hội nghị ở Manila.

ASEAN thông qua dự thảo khung bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 diễn ra tại Manila, Philippines. Ảnh: AP.

Các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm nay thông qua dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), Xinhua đưa tin.

"Các ngoại trưởng đã nhất trí với dự thảo khung COC để đưa phê chuẩn tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc diễn ra vào ngày 6/8", ông Robespierre Bolivar, quyền phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Philippines, phát biểu trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 đang diễn ra tại Manila.

Ông nhấn mạnh văn kiện này sẽ giúp ASEAN và Trung Quốc tiến tới đàm phán một COC hiệu quả.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị liên quan sẽ kéo dài đến ngày 8/8. Vào ngày 7/8, các ngoại trưởng ASEAN và 17 đối tác đối thoại sẽ gặp nhau tại Diễn đàn Khu vực ASEAN, cuộc đối thoại an ninh đa phương quan trọng nhằm thảo luận các vấn đề nóng ở khu vực hiện nay. (Vnexpress)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 02-08-20171

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 02-08-2017

    Nếu Mỹ leo thang xung đột, Nga quyết không lùi bước; Nhà Trắng "chấn động" vì Giám đốc truyền thông mới bị sa thải sau 10 ngày; Mỹ quan ngại trước kế hoạch Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S-400 của Nga; Ông Tập nói quân đội Trung Quốc hiện đại “tầm cỡ thế giới”

Bài cùng chuyên mục