Tàu sân bay Trung Quốc diễu qua, Đài Loan ém 4 chiến đấu cơ F-16 sẵn sàng đối phó
4 máy bay chiến đấu F-16 Đài Loan mỗi chiếc mang theo 2 quả tên lửa chống hạm Harpoon, 2 quả tên lửa đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 và 2 quả tên lửa Sidewinder đã được bố trí sẵn sàng tác chiến.
Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Đài Loan. Ảnh: Sina
Theo trang tin Sina Trung Quốc ngày 13/7, sau khi hoàn thành các hoạt động chúc mừng tròn 20 năm Hồng Kông quay trở về Trung Quốc, ngày 11/7, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đã rời Hồng Kông.
Ngày 13/7, Bộ Quốc phòng Đài Loan xác nhận, vào lúc 2 giờ 40 phút sáng ngày 12/7 biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đã đi vào “Vùng nhận dạng phòng không Đài Loan”, chạy theo hướng bắc ở phía tây đường trung tuyến eo biển Đài Loan, 2 giờ sáng ngày 13/7 rời khỏi “Vùng nhận dạng phòng không Đài Loan”.
Bộ Quốc phòng Đài Loan còn cho biết, Đài Loan “đã giám sát toàn bộ hành trình và nắm chắc mọi động thái” của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh. Có nguồn tin tiết lộ, Đài Loan đã điều 4 máy bay chiến đấu F-16 phô trương khả năng chống hạm với phía Trung Quốc.
Theo báo chí Đài Loan, 4 máy bay chiến đấu này thuộc căn cứ Hoa Liên của Không quân Đài Loan, chiều ngày 11/7 bất ngờ cất cánh, mỗi chiếc mang theo 2 quả tên lửa chống hạm Harpoon, 2 quả tên lửa đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 và 2 quả tên lửa Sidewinder, hạ cánh xuống căn cứ Thanh Tuyền Cương đợi lệnh.
Quan chức Không quân Đài Loan cho biết: “Nhiệm vụ (của 4 máy bay chiến đấu F-16 Đài Loan) rất đơn giản, bày binh bố trận, phô diễn thực lực chống hạm của Đài Loan với phía Đại lục (Trung Quốc)”.
Việc 4 máy bay chiến đấu F-16 sẵn sàng chiến đấu với các loại tên lửa được lắp sẵn sàng như vậy là điều hiếm có.
Trước đó, khi biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đang trên đường đi qua eo biển Đài Loan, xuống thăm Hồng Kông, Quân đội Đài Loan cũng đã tiến hành thao diễn liên hợp hải, không quân ở vùng biển Bành Hồ.
Trong hoạt động này, Đài Loan đã điều động 7 tàu lớp Kỷ Đức, máy bay săn ngầm P-3C, các máy bay chiến đấu F-16 và IDF. Hoạt động thao diễn này có sự chỉ huy trực tiếp của Tổng tham mưu trưởng Quân đội Đài Loan trên máy bay trực thăng S-70C.
Dư luận cho rằng, việc biên đội tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc chạy qua eo biển Đài Loan có ý nghĩa tượng trưng, khẳng định Trung Quốc đang phô trương sức mạnh quân sự để thể hiện quyết tâm răn đe các lực lượng theo đuổi “độc lập” ở Đài Loan.(Viettimes)
----------------------
Chủ tịch Cuba chỉ trích chính sách của Mỹ
Lần đầu tiên chủ tịch Cuba, ông Raul Castro, công khai lên tiếng chỉ trích sự đảo chiều chính sách của Mỹ đã đạt được dưới thời ông Trump với quốc đảo này.
Chủ tịch Cuba Raul Castro lên án việc Mỹ lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống lại Cuba - Ảnh: AFP
Theo đài BBC (Anh) một tháng trước, chính quyền tổng thống Donald Trump công bố những thay đổi trong chính sách với Cuba so với những gì từng đạt được dưới thời ông Barack Obama.
Theo đó chính quyền của ông Trump siết chặt lại những hạn chế trong việc đi lại và làm ăn của doanh nghiệp Mỹ với Cuba. Dù vậy, đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Havana của Cuba, được mở lại dưới thời ông Obama, vẫn đang hoạt động bình thường.
Phát biểu trước quốc hội Cuba, ông Castro cho rằng tổng thống Trump đang sử dụng “luận điệu thù địch và cũ kĩ” và đã quay trở lại với “tình thế đối đầu vốn đã thất bại trong hơn 55 năm qua”.
Truyền thông nhà nước Cuba dẫn lời ông Castro: “Chúng tôi bác bỏ việc lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống lại Cuba, một điều vốn rất đáng tự hào tại nơi này, và Cuba không cần mọi sự rao giảng của Mỹ cũng như những nước khác”.
Ngày 16-6, khi công bố những thay đổi chính sách của Mỹ với Cuba tại Miami, nơi có rất đông những người nhập cư gốc Cuba, tổng thống Donald Trump đã nói lý do để chính quyền của ông đảo ngược chính sách với Cuba là vì các lo ngại về nhân quyền.
Do đó chủ tịch Cuba nêu quan điểm: “Cuba và Mỹ có thể hợp tác và sống cạnh nhau, tôn trọng những khác biệt của nhau. Nhưng lúc này không ai kỳ vọng về điều đó, mọi người cần phải chấp nhận chủ quyền cũng như sự độc lập của nước khác”.(Tuoitre)
-----------------------
Nga cảnh báo có quá nhiều gián điệp Mỹ tại Moscow
Nga tuyên bố có quá nhiều điệp viên Mỹ hoạt động tại Moscow dưới vỏ bọc ngoại giao và không loại trừ khả năng trục xuất một số người để đáp trả việc 35 nhà ngoại giao Nga bị Washington trục xuất vào năm 2016.
Bà Maria Zakharova, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga - Ảnh chụp ngày 6/10/2015) REUTERS/Maxim Shemetov.
Ngày 14/7/2017, Nga tuyên bố có quá nhiều điệp viên Mỹ hoạt động tại Moscow dưới vỏ bọc ngoại giao và không loại trừ khả năng trục xuất một số người để đáp trả việc 35 nhà ngoại giao Nga bị Washington trục xuất vào năm 2016, RFI đưa tin.
Lời cảnh báo của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, thể hiện sự tức giận của Nga trước việc chính quyền ông Trump từ chối trả lại cho Nga hai trung tâm ngoại giao Nga bị chính quyền Mỹ tịch biên ở New York và Maryland, cũng như việc Washington từ chối cấp visa cho các nhân viên ngoại giao mới của Nga sang thay thế đồng nghiệp bị trục xuất.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, số lượng nhân viên sứ quán Mỹ tại Moscow nhiều hơn so với số nhân viên ngoại giao Nga tại Washington. Vì vậy, một trong số các lựa chọn là trục xuất bớt nhân viên Mỹ để cân bằng số lượng. Ngoài ra, có quá nhiều nhân viên của CIA và của đơn vị tình báo Lầu Năm Góc làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao Mỹ và hoạt động của họ không hề phù hợp với chức vụ.
Ngoài đe dọa trục xuất nhân viên ngoại giao, bà Maria Zakharova cảnh báo Nga có thể cấm các nhà ngoại giao Mỹ sử dụng một ngôi nhà phụ (datcha) và một nhà kho ở Moscow.
Hãng tin Reuters nhắc lại là quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa hai trung tâm của Nga được chính quyền ông Obama đưa ra vào tháng 12/2016 nhằm đáp trả vụ tấn công tin học vào đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, mà Nga bị Washington cáo buộc đứng sau giật dây. Thay vì đưa ra biện pháp trả đũa tương tự, tổng thống Nga Putin đã quyết định chờ xem thái độ của tân chính quyền ông Donald Trump.(bizlive)