Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý tối 15-07-2017

  • Cập nhật : 15/07/2017

Malaysia hoãn mua tiêm kích, tập trung chống khủng bố

Tờ The Star ngày 14.7 đưa tin Malaysia đã tạm hoãn kế hoạch chi 2 tỉ USD mua tiêm kích mới nhằm tập trung nâng cấp khả năng đối phó với nguy cơ gia tăng từ các nhóm khủng bố trung thành với tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

tiem kich rafale cua phap duoc xem la ung cu vien tiem nang de malaysia thay the doi tiem kich mig-29 hien tai reuters

Tiêm kích Rafale của Pháp được xem là ứng cử viên tiềm năng để Malaysia thay thế đội tiêm kích Mig-29 hiện tại REUTERS

Trong nhiều năm gần đây, Malaysia đang cân nhắc mua 18 tiêm kích Rafale của Pháp hoặc Eurofighter Typhoon của Anh nhằm thay thế đội gồm 29 chiếc MiG-29 với gần một nửa không còn hoạt động.

Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Malaysia cho biết nước này đang tạm hoãn kế hoạch mua tiêm kích, thay vào đó là kế hoạch nâng cấp khả năng thám sát trên không nhằm đối phó với các nhóm nổi dậy.

Quyết định được đưa ra trong lúc các tay súng nổi dậy tiếp tục chiếm đóng thành phố Marawi ở miền nam Philipines. Malaysia và Indonesia hiện đang phối hợp với Philippines dùng máy bay và tàu tuần tra gần ranh giới các bên trên biển Sulu. Ba nước cũng đồng ý chia sẻ thông tin tình báo và ngăn chặn việc hỗ trợ tài chính cho các nhóm nổi dậy.

“Đối với tiêm kích Rafale, Pháp đang tỏ ra thuyết phục với buổi trình diễn gần đây ở Paris. Tuy nhiên do tình hình hiện tại, Malaysia tập trung hơn vào máy bay tuần tra trên biển hơn là máy bay chiến đấu đa năng”, nguồn tin cho biết.

Malaysia có 4 máy bay do thám Beechcraft BT200T nhưng một chiếc đã rơi vào cuối năm ngoái khiến 1 phi công thiệt mạng. Nguồn tin cho biết Kuala Lumpur đang muốn mua thêm 4 máy bay do thám lớn hơn và có tầm hoạt động xa hơn như máy bay của Lockheed Martin. (Thanhnien)
--------------------------

Con rể ông Trump bị kêu gọi từ chức

Nhiều nghị sĩ Mỹ kêu gọi Jared Kushner từ chức sau khi biết tin anh từng họp với luật sư Nga trong chiến dịch tranh cử của bố vợ.

tong thong my donald trump va con re jared kushner. anh: reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và con rể Jared Kushner. Ảnh: Reuters.

 

"Tôi nghĩ Jared Kushner nên từ chức", Hill dẫn lời thượng nghị sĩ Richard Blumenthal thuộc đảng Dân chủ, cho biết. "Hoặc Donald Trump đang nói dối khi cho rằng ông không biết gì về cuộc gặp, hoặc Jared Kushner không nói cho ông về điều đó". 

Thượng nghị sĩ Chris Murphy, Brian Schatz và hạ nghị sĩ Don Beyer thuộc đảng Dân chủ cũng kêu gọi Kushner từ chức.

"Thông tin được hé lộ rằng chiến dịch tranh cử của ông Trump hăm hở cố tình tìm cách để có thể thông đồng với Nga là điều gây quan ngại sâu sắc", Nancy Pelosi, lãnh đạo phe thiểu số đảng Dân chủ trong Hạ viện, hôm 13/7 đăng trên Twitter. "Quyền miễn trừ an ninh của Jared Kushner phải bị tước bỏ ngay lập tức".

Kể cả một số người thuộc đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump cũng không chắc liệu Kushner, con rể, cũng là một trong những cố vấn thân cận nhất của ông, có nên ở lại Cánh Tây Nhà Trắng hay không. "Tôi đang chấp nhận rủi ro ở đây, nhưng tôi nghĩ tốt nhất là tổng thống nên loại bỏ tất cả con ông ra khỏi Nhà Trắng", hạ nghị sĩ Bill Flores của bang Texas, nói. "Không chỉ Donald Trump Jr. mà cả Ivanka và Jared Kushner". 

Nhiều chính trị gia cả hai đảng đang nghi ngờ Kushner trong những ngày gần đây, sau khi báo chí đưa tin anh tham gia cuộc họp với luật sư Nga cùng Donald Trump Jr. và Paul Manafort, chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Nữ luật sư Natalia Veselnitskaya xác nhận với CNN và MSNBC rằng Kushner có dự họp nhưng chỉ ở đó trong "7-10 phút" và bà không bao giờ có ý định giao thông tin gây bất lợi cho bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống.(Vnexpress)
----------------------------

Nga ra mắt mìn 'sát thủ trực thăng'

Loại mìn mới của Nga có khả năng phát hiện trực thăng ở khoảng cách 400 m và diệt mục tiêu bay cao 100 m.

 Đầu nổ EFP của mìn diệt trực thăng do Nga chế tạo.

"Cơ quan thử nghiệm các hệ thống máy bay quốc gia Nga (GkNIPAS) sẽ ra mắt loại mìn diệt trực thăng đặc biệt, có khả năng phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 400 m và tiêu diệt mọi loại trực thăng ở độ cao 100 m trở xuống", Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Nga (NRC) cho biết. Loại mìn này sẽ được trưng bày tại triển lãm hàng không Moscow (MAKS) 2017 diễn ra từ ngày 18 đến 23/7, Sputnik đưa tin.

Chuyên gia quân sự Micheal Peck cho biết mìn diệt trực thăng có mức độ phức tạp cao, nguy hiểm hơn thiết bị nổ tự chế (IED) truyền thống. Thay vì phải đặt gần khu vực trực thăng hạ cánh, mìn diệt trực thăng có thể bố trí ở nhiều địa điểm dọc đường bay của mục tiêu.

Mỗi hệ thống mìn được trang bị một cảm biến âm thanh và radar băng tần UHF. Quả mìn được kích hoạt khi phát hiện tiếng trực thăng từ khoảng cách 400 m. Trong tầm 150 m, radar sẽ khởi động và bám bắt mục tiêu, chuẩn bị phóng đạn. Nếu chiếc trực thăng bay vào phạm vi 100 m, quả mìn phát nổ, bắn ra một đầu xuyên nổ tự định hình (EFP) và hàng trăm viên bi thép, bảo đảm tiêu diệt hoặc gây hỏng nặng mục tiêu.

Các nhà thiết kế Nga khẳng định mìn diệt trực thăng ra đời để đáp ứng yêu cầu phòng không tầm cực thấp, khi tên lửa vác vai tỏ ra kém hiệu quả với trực thăng bay ở độ cao dưới 100 m. Loại vũ khí này từng được Nga và Bulgaria phát triển, hoàn thiện từ những năm 1990.(vnexpress)
-----------------------

Mở căn cứ ở Djibouti: Bước khởi đầu xây dựng lực lượng viễn chinh của Trung Quốc?

Cùng với kế hoạch tăng quân số thủy quân lục chiến lên gấp 5 lần, động thái mở căn cứ quân sự ở Djibouti và sau này có thể là hàng loạt nước khác của Trung Quốc được cho là dấu hiệu về việc Bắc Kinh muốn xây dựng lực lượng viễn chinh siêu mạnh.

Chiến sĩ hải quân làm việc trên tàu Wei Fang. Ảnh: AFP

Trước đó, theo kênh truyền hình CNN, hai tàu chiến Trung Quốc ngày 11/7 đã rời cảng biển ở thành phố Trạm Giang (tỉnh Quảng Đông) đưa một số lượng binh sĩ bắt đầu hành trình vượt Ấn Độ Dương để tới căn cứ tại Djibouti, một địa điểm chiến lược ở vùng Sừng châu Phi. 

Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã trong một bài báo viết về hoạt động quân sự này nhấn mạnh căn cứ ở Djibouti được thiết lập chỉ nhằm mục đích “thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, chứ không phải là một tiền đồn quân sự được xây dựng để tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc và đóng vai trò ngăn cản trong khu vực”.

Theo Tân Hoa Xã, căn cứ ở Djobouti “không hề liên quan đến việc chạy đua vũ trang hay mở rộng quân sự, và Trung Quốc cũng không có ý định biến trung tâm giao thông vận tải thành một chốt quân sự”.

Theo Andrei Kots – phóng viên đang cộng tác với Đài Sputnik, việc Bắc Kinh ưu tiên vùng đất nhỏ bé ở vùng Sừng châu Phi là việc không có gì khó hiểu.

“Biên giới phía Tây của Djibouti giáp với phần hẹp nhất của Eo biển Bab-el-Mandeb nối giữa Biển Đỏ và Vịnh Aden. Vị trí này quan trọng về mặt chiến lược và kinh tế. Mọi tàu châu Âu muốn từ Địa Trung Hải vào Biển Đỏ qua Kênh Suez, hướng về Đông và Nam Á, cũng như Australia, đều phải đi qua nút cổ chai rộng 26 km này”, ông Kots giải thích, “không chỉ có vậy, phần lớn các tàu chở dầu của Saudi Arabia cũng sẽ đi qua Eo biển Bab-el-Mandeb”.

Chính vì điều trên mà Mỹ, Đức, Italy và Tây Ban Nha đều thiết lập hiện diện quân sự trong khu vực này. Theo Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng, Igor Korotchenko, tất cả các nước đều biết đến vai trò địa chính trị của Djibouti.

Một lí do nữa mà Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại đây là do, “trong suốt 20 năm qua, Trung Quốc tích cực đầu tư vào các quốc gia châu Phi và coi châu lục này là một nguồn chủ yếu để phát triển kinh tế và công nghiệp”. 

Theo ông Korotchenko, Trung Quốc cần một căn cứ quân sự ở Djibouti để “bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực”, và “sự hiện diện quân sự lâu dài tại châu Phi cho phép Trung Quốc sử dụng sức ảnh hưởng lớn của mình lên các quốc gia châu Phi đem lại lợi ích cho nước mình”.

Quả thực, tính đến đầu năm 2017, tổng số tiền mà Trung Quốc đầu tư vào các quốc gia châu Phi đã lên tới nghìn tỷ đô la Mỹ, trong đó Bắc Kinh đã hỗ trợ tài chính cho hàng chục dự án cơ sở hạ tầng xuyên suốt châu lục, bao gồm dự án Đường sắt Đông Phi.

Tuy nhiên, phóng viên Kots tin rằng Trung Quốc cũng đang xem xét cơ hội này để mở rộng sự hiện diện của họ ở nước ngoài trong tương lai. Chứng minh cho luận điểm của mình, Kots giải thích bằng hoạt động tăng cường lực lượng Hải quân Trung Quốc một cách đáng chú ý trong suốt 10 năm qua.

Phóng viên này chỉ ra: “Hãy chú ý đến việc Trung Quốc chế tạo ra các tàu đủ khả năng vận chuyển một lượng binh sĩ lớn đi kèm thiết bị và vũ khí đi với khoảng cách xa. Cụ thể, tàu đổ bộ di động (MLP) 868 Donghaidao và tàu đổ bộ lớp 071 có tên gọi Jinggangshan vừa mới khởi hành đi đến Djibouti vào đầu tuần qua”.

Ngoài Trung Quốc, hiện chỉ có duy nhất Mỹ là đang sở hữu loại tàu đổ bộ MLP. Theo cách phân loại của Lầu Năm Góc, tàu MLP là một tàu đổ bộ tự động viễn chinh được thiết kế để cung cấp các hoạt động đổ bộ ở nước ngoài quy mô lớn. Nói cách khác, tàu Donghaidao mà Trung Quốc triển khai có thể hoàn toàn xem như một đơn vị hải quân độc lập.

Trò chuyện với Sputnik, nhà phân tích quân sự Nga Vasily Kashin nhận xét những loại tàu đổ bộ này của Trung Quốc không hề thua kém so với tàu cùng loại của Mỹ.

Với kế hoạch tăng số lượng thủy quân lục chiến (PLAMC) lên gấp 5 lần, từ 20.000 lên 100.000 và triển khai các hoạt động luyện tập thường xuyên, có thể kể đến đợt huấn luyện của lính thủy quân lục chiến Trung Quốc ở Sa mạc Gobi nhằm rèn luyện khả năng chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhà phân tích Kashin nhấn mạnh “tất cả các điều trên đều là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang muốn tạo ra một lực lượng viễn chinh siêu mạnh”.

Theo phóng viên Kots, Hải quân Trung Quốc hiện đang sở hữu hơn 70 tàu đổ bộ và vận tải quân sự, với phần lớn trong số đó có khả năng hoạt động ở vùng biển xa.

Ông Kots cho rằng Trung Quốc sẽ không dừng việc xây dựng căn cứ quân sự chỉ ở Djibouti, mà còn sẽ sớm xuất hiện ở Tajikistan, Pakistan và Afghanistan để đảm bảo an ninh cho dự án “Con đường tơ lụa” mới do Trung Quốc dẫn đầu.

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc mở căn cứ mới ở Thái Bình Dương, do triển khai các hoạt động đàm phán với Papua New Guinea về vấn đề này từ 2014.(baotintuc)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 15-07-20172

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 15-07-2017

    Ấn Độ phát triển tên lửa hạt nhân có thể vươn khắp Trung Quốc; Máy bay ném bom Trung Quốc tập trận sát Nhật Bản; 4 triệu USD để mua đất... Mặt Trăng; 4 nước Arab tính tẩy chay lâu dài với Qatar

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 15-07-20173

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 15-07-2017

    Mỹ chuẩn bị trừng phạt các công ty Trung Quốc; Rò rỉ phóng xạ, chất gây ung thư từ khai thác dầu khí ở Mỹ; Ấn Độ cho phép mua khẩn vũ khí lo chiến tranh ngắn hạn; Ông Donald Trump sẵn sàng tiếp ông Putin, nhưng không phải lúc này

Bài cùng chuyên mục