Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 16-07-2017: Donald Trump: đừng quên lịch sử, Trung Quốc nhiều lần chiến tranh với Triều Tiên
- Cập nhật : 16/07/2017
Ông chủ Nhà Trắng cũng rất sâu sắc khi nhắc nhở: Đừng quên, trong 8000 năm lịch sử Trung Quốc đã nhiều lần chiến tranh với Triều Tiên.
The New York Times ngày 14/7 đăng nội dung cuộc trao đổi giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với báo giới trên chuyên cơ đi Paris tối thứ Tư tuần này.
Ban đầu, phóng viên báo The New York Times tháp tùng Tổng thống nghĩ rằng, đó chỉ là những trao đổi cá nhân của người đứng đầu Nhà Trắng, và báo chí không được phép đăng tải.
Tuy nhiên ông Donald Trump đã hỏi phóng viên The New York Times, sao không thấy đăng câu chuyện ông nói trên chiếc Air Force One.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bản dịch nội dung trao đổi giữa Tổng thống Donald Trump với báo giới ngày 13/7 trên đường công du nước Pháp.
Đừng quên lịch sử
Tổng thống: Vấn đề lớn giữa chúng ta với Trung Quốc là, nếu như họ có thể giúp chúng ta trong vấn đề Triều Tiên thì tốt quá.
Khả năng gây lực của họ (với Bình Nhưỡng) rất lớn, tôi biết chứ.
Cần phải biết rằng, không được quên rằng, trong lịch sử Trung Quốc từng nhiều lần chiến tranh với Triều Tiên.
Các bạn cứ ghi theo lời tôi nói là được rồi. Họ (Trung Quốc) với Triều Tiên từng có rất nhiều cuộc chiến tranh.
Họ có 8000 năm lịch sử văn hóa. Do đó khi họ nghĩ đến năm 1776, đối với họ mà nói, chỉ giống như một ngôi nhà mới. Nhà Trắng bắt đầu xây dựng, đại thể là năm 1799 thì hoàn thành.
Với chúng ta mà nói, năm 1776 là rất lâu rồi. Nhưng với họ, đó chỉ là công trình kiến trúc mới, đúng không?
Cho nên, các bạn biết đấy, trong rất nhiều, rất nhiều thế kỷ họ đã có vô số cuộc chiến tranh với bán đảo Triều Tiên. Do đó tình hình không phải, bạn cứ ghi thế được rồi.
Nhưng chúng ta sẽ xem xem, tiếp theo đã xảy ra chuyện gì.
Về phía Trung Quốc, vấn đề quan trọng nhất đối với tôi mà nói, là phải giải quyết cho được vấn đề thương mại. Chúng ta cần phải giải quyết câu chuyện thương mại.
Thái độ của tôi trước đây có chút khoan dung, là bởi vì tôi hy vọng họ có thể giúp đỡ chúng ta.
Bạn rất khó có thể cứng rắn với họ, nhưng chúng ta buộc phải giải quyết vấn đề thương mại với Trung Quốc, vì đó hoàn toàn không phải quan hệ cùng có lợi.
Hỏi: Có phải đây là bước chuẩn bị để ngài và họ đàm phán vấn đề Triều Tiên hay không?
Tổng thống: Trước đây không ai từng nói như thế. Tôi lại luôn luôn nói thế. Có người hỏi, trên tay ông có con bài gì? Tôi trả lời, rất đơn giản đó là thương mại.
Những hiệp định thương mại chúng ta có thật tồi tệ. Hiệp định thương mại giữa chúng ta với Trung Quốc tồi tệ nhất trong số đó.
Hiệp định tự do thương mại giữa chúng ta với Hàn Quốc cũng thế.
Tôi vừa mới bắt đầu với Hàn Quốc. Chúng ta cung cấp sự bảo vệ cho quốc gia này, nhưng họ lại khiến chúng ta thâm hụt thương mại 40 tỉ USD mỗi năm.
Chúng ta chịu thâm hụt thương mại 40 tỉ USD là do chính hiệp định tự do thương mại này tạo ra.
Đây cũng là "việc tốt" mà bà Hillary Clinton đã làm được.
Cần biết rằng, khi ấy bà ta nói nó chỉ là hiệp định có giá trị trong 5 năm. Nhưng bây giờ nó được ra hạn rồi.
Bà ta nói nó sẽ mang lại cơ hội việc làm cho đất nước chúng ta. Tốt thôi. Hiện tại mỗi năm chúng ta bị thâm hụt 40 tỉ USD đấy.
Đó là một hiệp định tồi tệ. Do đó chúng tôi vừa mới bắt đầu đàm phán lại hiệp định này với Hàn Quốc kể từ hôm qua.
Chúng tôi bắt buộc phải làm như vậy.
Nhưng ưu thế lớn nhất của chúng tôi lại chính là những hiệp định thương mại đó, giống như hiệp định giữa chúng ta với Hàn Quốc và Trung Quốc.
Đó chính là ưu thế của chúng ta. Ngay cả với Bắc Triều Tiên, ưu thế của chúng ta cũng là thương mại.
Hỏi: Ông cho rằng những điều này có thể làm thay đổi lập trường của họ?
Tổng thống: Vâng, đúng thế! Khi tôi nói là cùng có lợi, là đạt được một hiệp định cùng có lợi, con số lên tới hàng trăm tỉ USD.
Nhưng trước khi đạt được điều này, tôi cũng muốn thử lỏng tay một chút xem kết quả ra sao. Họ cũng giúp chúng tôi. Quan hệ giữa tôi với họ rất tốt.
Tôi cảm thấy họ là người rất tốt.
Nhưng đừng quên, ông ta (Tập Cận Bình) đại diện cho Trung Quốc, còn tôi thay mặt cho nước Mỹ. Do đó tình hình lúc nào cũng như thế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20, ảnh: Asia Times.
Bởi vậy, có thể ông ấy (Tập Cận Bình) là người rất tốt, nhưng ông ta chỉ làm những gì có lợi cho Trung Quốc. Ông ấy không mong muốn 50 triệu người tị nạn vượt biên đổ vào nước mình.
Bạn nên nhớ rằng, tình hình ở đó rất phức tạp. Nhưng tôi nhìn thấy một mặt khác của vấn đề này. Bạn lúc nào cũng nên biết mặt trái của một vấn đề là gì.
Hỏi: Thép ư?
Tổng thống: Thép là vấn đề lớn. Tôi muốn nói rằng, họ đang bán phá giá thép. Không chỉ Trung Quốc đâu, một số nước khác cũng thế.
Chúng ta có phải là sọt rác của họ không?
Họ đang bán phá giá thép, phá hoại ngành thép của chúng ta. Họ làm chuyện này mấy chục năm nay rồi. Giờ tôi phải ngăn nó lại. Mọi thứ sẽ kết thúc.
Hỏi: Ngài định kết thúc bằng thuế quan sao?
Tổng thống: Có hai phương thức là hạn ngạch và thuế quan. Chúng ta có thể sẽ sử dụng cả hai cách này.". [1]
Phản ứng từ Trung Quốc
Cho tới thời điểm này, Trung Quốc chưa đưa ra bình luận chính thức nào về những phát biểu mới nhất của Tổng thống Donald Trump liên quan đến quan hệ song phương.
Trong cuộc họp báo chiều qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng chỉ nhắc lại quan điểm, Bắc Kinh đã làm hết những gì có thể trong vấn đề Triều Tiên.
Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là chuyện giữa Washington và Bình Nhưỡng, chứ không phải trách nhiệm của Trung Quốc.
Ông Sảng trả lời một câu hỏi của Reuters về thông tin khả năng Washington tiếp tục có các biện pháp trừng phạt thứ cấp với tổ chức, công dân Trung Quốc có quan hệ làm ăn với Triều Tiên. [2]
Truyền thông Trung Quốc không đưa tin, không bình luận gì về phát biểu mới nhất của ông Donald Trump.
Chiều tối 13/7, Thời báo Hoàn Cầu có một bài xã luận đáng chú ý với tiêu đề: "Hàn Quốc cần rút ra bài học sâu sắc: vỗ mông Mỹ không dễ đâu". [3]
Thời báo Hoàn Cầu bình luận chuyện ông Donald Trump có đề cập ở trên chuyên cơ đi Paris, đó là Mỹ - Hàn chính thức đàm phán lại hiệp định thương mại song phương hôm 12/7.
Tờ báo viết:
"Hiệp định tự do thương mại Mỹ - Hàn chính thức có hiệu lực từ 2012, suất siêu của Hàn Quốc sang Hoa Kỳ đã tăng lên hơn 10 tỉ USD kể từ đó.
Nhưng Tổng thống Donald Trump vì theo đuổi chính sách 'nước Mỹ trên hết', ông đã xem lại rất nhiều hiệp định thương mại với các đồng minh.
Các nước này có thể chống lại áp lực của Donald Trump hay không, phụ thuộc vào việc trong tay họ có bao nhiêu con bài có thể đàm phán.
Hàn Quốc hiện tại gần như tay trắng khi đàm phán với Hoa Kỳ.
Một là quan hệ Hàn - Triều căng thẳng, xu thế đối đầu quân sự trên bán đảo tăng cao, Seoul càng lệ thuộc sâu hơn vào người Mỹ, càng khiến Washington thừa thế gia tăng các đòi hỏi về kinh tế.
Hai là, quan trọng hơn là vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD làm quan hệ Trung - Hàn xấu đi nghiêm trọng.
Trước đây Hàn Quốc còn có thể dùng đòn bẩy quan hệ Trung - Hàn khi cần phải cân bằng với người Mỹ, giờ thì họ tự vứt bỏ đòn bẩy này để ngả về Washington, để rồi bị người Mỹ kiềm tỏa.
Dư luận Hàn Quốc đã từng chỉ trích Trung Quốc về vụ THAAD và tự tin rằng, hiệp ước đồng minh Mỹ - Hàn là chỗ dựa vững như bàn thạch.
Ai ngờ, khi còn hữu hảo với Bắc Kinh thì Seoul còn có cái bảo vệ tự tôn trong quan hệ với Mỹ, giữ được sự bình đẳng với đồng minh.
Một khi quan hệ với Trung Quốc chao đảo, Hàn Quốc lại rơi từ vị thế "con" xuống "cháu" trong quan hệ với Hoa Kỳ.".
Thời báo Hoàn Cầu bắt đầu chuyển mục tiêu bài tâm lý chiến của họ qua các nước khác trong khu vực:
"Các đồng minh của Mỹ và những quốc gia có ý lôi kéo Mỹ vào để kiềm chế Trung Quốc trong khu vực châu Á, đều cần phải tổng kết và phản tư.
Cân bằng trong quan hệ Trung - Mỹ là lựa chọn không tệ, nhưng muốn cân bằng thì phải có "định lực".
Khi các nước này và Trung Quốc có ma sát, cùng với Trung Quốc kiểm soát bất đồng nên là lựa chọn tốt nhất.
Chớ có nghĩ rằng Mỹ sẽ ủng hộ mình đối đầu với Trung Quốc, ý tưởng này có thể khiến các nước đánh mất lợi ích của chính mình.
Nó chỉ khiến các quốc gia này trở thành con bài của người Mỹ, mà con bài khi nào dùng xong thì vứt...
Các quốc gia thực lực yếu hơn nhiều so với Trung Quốc không thể có ưu thế về chiến lược hay ngoại giao một cách thực sự khi đối phó với Bắc Kinh.
Cho nên một khi có ma sát trong quan hệ với Trung Quốc, sự kiềm chế của các nước này không nên thấp hơn Trung Quốc.
Họ có thể dựa vào sự chống đỡ chiến lược của Mỹ - Nhật để đối phó với Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ không có cách nào khác ngoài việc nhượng bộ là cách nghĩ rất ấu trĩ.
...Ví dụ của Hàn Quốc đã cho các nước này bài học: mông Mỹ không dễ vỗ đâu!". [3]
Ẩn ý của Tổng thống Mỹ
Cá nhân người viết cảm thấy rất thú vị khi đọc được thông điệp của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mà ông chủ động "tiết lộ" trên chuyên cơ đi Pháp hôm 13/7.
Chắc chắn chủ nhân Nhà Trắng đã có những tính toán khi đưa ra những bình luận mà không ít người "không biết nên mừng hay lo".
Khi ông hỏi phóng viên The New York Times rằng sao không thấy đăng, sự chủ động ấy đã lộ rõ.
Nếu như Thời báo Hoàn Cầu nhắc nhở các nước láng giềng trong khu vực "đang có ma sát" với Trung Quốc, đừng nghĩ dựa vào Mỹ - Nhật là Bắc Kinh sẽ nhượng bộ, thì ông chủ Nhà Trắng cũng rất sâu sắc khi nhắc nhở:
Đừng quên, trong 8000 năm lịch sử Trung Quốc đã nhiều lần chiến tranh với Triều Tiên (và tất nhiên không chỉ dân tộc Triều Tiên)!
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc từng là nạn nhân của chủ nghĩa bành trướng và từng bị xâm lược phải tự rút ra cho mình những bài học sống còn, không ai có thể làm thay.
Quay trở lại quan hệ Trung - Mỹ, phát biểu mới nhất của Tổng thống Donald Trump cho thấy:
Dường như vấn đề Triều Tiên chỉ là cái cớ để ông chủ Nhà Trắng lấy lại những gì đáng lẽ phải thuộc về người Mỹ, trong quan hệ kinh tế - thương mại với Trung Quốc.
Giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chưa chắc đã là điều ông Donald Trump mong muốn.
Với Trung Quốc, Triều Tiên có thể được họ xem là "phên dậu" hay lợi ích cốt lõi, nhưng với Hoa Kỳ, đặc biệt là với ông Donald Trump, Triều Tiên là cơ hội.
Hán Vũ Đế từng cất quân xâm lược bán đảo Triều Tiên năm 109 trước Công nguyên, ảnh minh họa: Đa Chiều.
Thời báo Hoàn Cầu chỉ thấy Hàn Quốc "vỗ mông Mỹ không dễ", mà không thấy rằng chính Trung Quốc "vỗ mông Mỹ" cũng chẳng đơn giản tí nào.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều phải chuẩn bị những món quà không nhỏ, để có được cuộc gặp đầu tiên với ông Donald Trump khi doanh nhân này chính thức bước vào Nhà Trắng.
Khi tranh cử, ông Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ngay ngày đầu nhậm chức, ông đã thực hiện nghiêm túc cam kết này, một động thái khiến không ít quan điểm lo ngại.
Thậm chí nhiều người chỉ trích ông đã nhường địa vị của Hoa Kỳ ở châu Á cho Trung Quốc.
Nhiều quan điểm tin rằng, Bắc Kinh sẽ nhanh chóng "choán chỗ", lấp đầy khoảng trống ở châu Á - Thái Bình Dương sau khi Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP.
Nhưng thực tế chẳng có "khoảng trống" nào để Trung Quốc có thể lấp.
"Một vành đai, một con đường", Quỹ Con đường tơ lụa trên biển, Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB)...cho đến nay đều không thay thế được vai trò của Mỹ.
Cá nhân người viết cho rằng, những dấu hiệu trên cho thấy ông Donald Trump đang rất tập trung nguồn lực, chính sách và sự chú ý của mình vào châu Á - Thái Bình Dương, nhất là sau dấu hiệu tạm hòa hoãn với Nga ở Syria.
Chắc chắn điều này sẽ có tác động không nhỏ đến cấu trúc an ninh khu vực.
Những diễn biến tích cực và thượng tôn pháp luật có thể trở thành xu hướng chủ đạo để chế ngự tham vọng và căng thẳng leo thang suốt thời gian qua của chủ nghĩa áp đặt đơn phương, sô vanh bành trướng.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://cn.nytimes.com/usa/20170714/trump-air-force-one-excerpt-transcript/
[2]http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/2511_665403/t1477975.shtml
[3]http://opinion.huanqiu.com/editorial/2017-07/10978071.html
Hồng Thủy
Theo Giáo Dục Việt Nam