Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 02-10-2017:
- Cập nhật : 02/10/2017
Dấu hiệu Mỹ không muốn chiến tranh thật với Triều Tiên
Mỹ chỉ muốn "bên miệng hố chiến tranh" để triển khai thêm quân và vũ khí hạt nhân đến bán đảo Triều Tiên và có lợi từ đồng minh xung quanh.
Ngày 30/9, phát biểu với báo giới tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bất ngờ tuyên bố Washington mở các kênh liên lạc với Bình Nhưỡng và đang tìm hiểu liệu Triều Tiên có sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán về từ bỏ các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân hay không.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Triều vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trước đó, trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Mỹ có thể sẽ phải "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không chịu từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, vào hôm 20/9, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley khẳng định, Tổng thống Donald Trump thực sự không muốn gây chiến với người Triều Tiên.
Không ai muốn chiến tranh, Tổng thống không muốn chiến tranh, chúng tôi đã cố gắng giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, thông qua các lệnh trừng phạt và chúng tôi đã thử mọi phương pháp ngoại giao trong khả năng. Đến giờ, chúng tôi vẫn chưa từ bỏ những nỗ lực ấy", bà Haley nói.
Dù khẳng định Mỹ có trong tay "rất nhiều lựa chọn quân sự" đối phó với Triều Tiên, bà lưu ý rằng vấn đề Washington quan tâm nhất hiện nay là làm thế nào để lôi kéo sự chú ý từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
"Không ai biết cách lôi kéo sự chú ý của ông ấy, vì thế tất cả những thứ bạn có thể làm chỉ là tiếp tục để nhà lãnh đạo Triều Tiên biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông ấy không dừng lại", bà Haley nhấn mạnh. "Ai cũng cố gắng tìm cách tiếp cận ông Kim, đấy là vấn đề, chúng tôi không biết phải làm sao".
Những tuyên bố cùng hành động vừa cứng vừa mềm vừa Mỹ cho thấy Washington hoàn toàn không muốn có một cuộc chiến tranh thực sự với Triều Tiên.
Theo giới phân tích, Mỹ đang sử dụng chiến thuật "bên miệng hố chiến tranh" chống lại Triều Tiên để triển khai thêm quân và vũ khí hạt nhân tới Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam.
Mặt khác, những động thái của Mỹ còn có mục đích khác là gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.(Baodatviet)
----------------------
Ý sẽ trục xuất tân đại sứ Triều Tiên
Bộ trưởng Ngoại giao Ý Angelino Alfano hôm 1-10 tuyên bố sẽ trục xuất đại sứ Triều Tiên tại nước này nhằm phản đối các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo gần đây của Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng ngoại giao Ý cho hay: "Đại sứ Triều Tiên sẽ phải rời khỏi Ý. Chúng tôi muốn Triều Tiên hiểu rằng việc bị cô lập là điều không thể tránh khỏi nếu họ không thay đổi chính sách".
Tuy nhiên, ông Alfano cho tờ La Repubblica biết Ý sẽ không cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên bởi việc duy trì kênh liên lạc với Bình Nhưỡng là điều hữu ích. Hồi tháng 7, Triều Tiên bổ nhiệm ông Mun Jong-nam làm đại sứ tại Rome sau khi vị trí này bị bỏ trống khoảng 20 tháng.
Ông Alfano nói thêm Tây Ban Nha đã có tuyên bố tương tự rằng đại sứ Triều Tiên ở thủ đô Madrid là "người không được chào đón" trong khi Bồ Đào Nha đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Động thái của Ý nhấn mạnh sự cô lập về ngoại giao của cộng đồng quốc tế mà Triều Tiên đang đối mặt nhằm buộc nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân. Trước đó, Mexico, Peru và Kuwat đã có động thái tương tự.
Triều Tiên đang nhanh chóng hướng đến mục tiêu phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ. Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và lớn nhất vào ngày 3-9 và đe dọa thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương.
Hôm 30-9, Mỹ cho biết đã liên lạc trực tiếp với Triều Tiên về chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này nhưng Bình Nhưỡng tỏ ra không quan tâm đến việc đối thoại.(NLĐ)
------------------------------
Chuyên gia Anh: Chiến tranh Mỹ-Triều Tiên là một khả năng thực sự
Một nhóm chuyên gia Anh nhận định rằng một cuộc chiến kéo dài giữa Mỹ và Triều Tiên là “một khả năng thực sự” hiện nay.
Theo một báo cáo của Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), “thương vong trong một cuộc xung đột như vậy sẽ tăng tới hàng trăm nghìn người, kể cả khi không có vũ khí hạt nhân”. “Có thể có những hậu quả sâu xa với nền kinh tế toàn cầu, liên quan tới sự gián đoạn chuỗi cung ứng và thị trường”, báo cáo cho hay.
Theo RUSI, Triều Tiên có thể tấn công trước nếu nước này tin rằng Mỹ đang lên kế hoạch tấn công bất ngờ, hoặc Washington có thể tấn công phủ đầu nếu Bình Nhưỡng thử tên lửa gần Guam hay California.
“Báo cáo này không cho rằng sẽ xảy ra chiến tranh. Nhưng khả năng xảy ra chiến tranh là một viễn cảnh thực sự. Nếu cuộc chiến xảy ra, nó sẽ không ngắn”, Phó Giám đốc RUSI Malcolm Chalmers cho biết.
Cũng theo báo cáo, nếu bị kích động, Mỹ sẽ khởi động một cuộc tấn công lớn, với các cuộc tấn công trên không và không gian mạng, với mục tiêu vô hiệu hóa hoặc phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Triều Tiên.
Theo RUSI, Bình Nhưỡng sẽ trả đũa bằng cách khởi động cuộc tấn công lớn chống các căn cứ Hàn Quốc và Mỹ trong khu vực, sử dụng vũ khí thông thường, vũ khí hóa học và cũng có thể là vũ khí hạt nhân. "Trong tình huống này, một cuộc xâm lược toàn diện của Triều Tiên rất có thể sẽ xảy ra. Nếu Mỹ khởi động cuộc tấn công phòng vệ mà không có sự đồng ý của Hàn Quốc, nó sẽ được coi là sự sẵn sàng ‘hy sinh Seoul’”.
Nếu Washington quyết định tiến hành tấn công phủ đầu, nước này sẽ chỉ thông báo riêng tới một nhóm ra quyết định. Quốc hội và các đồng minh Mỹ chỉ có thể được thông báo trước vài giờ. Các nước láng giềng của Triều Tiên, như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng sẽ chỉ được cảnh báo hạn chế, trong khi Trung Quốc và Nga sẽ chỉ biết khi cuộc tấn công nổ ra.
Cảnh báo lạnh người này được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên tăng cường cuộc chiến ngôn từ với Mỹ bằng cách gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump là “một kẻ điên”. Bộ Ngoại giao Triều Tiên cáo buộc ông Trump là “kẻ vu khống”.
Trong lần đầu tiên xuất hiện trước ĐHĐ LHQ ở thành phố New York (Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ: “Hiện giờ Triều Tiên liều lĩnh theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa đe dọa toàn bộ thế giới với nguy cơ gây tổn hại nhân loại. Nước Mỹ hùng mạnh và kiên nhẫn nhưng nếu buộc phải tự vệ hoặc bảo vệ cho đồng minh của mình, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc hoàn toàn hủy diệt Triều Tiên. 'Người đàn ông tên lửa' đang trong một nhiệm vụ tự sát”’
Giám đốc phụ trách đa phương trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Adam Smith ngày 28/9 cảnh báo rằng Mỹ “đã đạt tới kết thúc phạm vi ngoại giao". “Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng những hậu quả của những biện pháp trừng phạt kinh tế Triều Tiên sẽ đủ để tránh một cuộc xung đột gây bất ổn trên toàn cầu”, ông Adam Smith viết trên Daily Telegraph. (Baotintuc)