Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý tối 08-10-2017

  • Cập nhật : 08/10/2017

Mỹ dùng THAAD để níu kéo Saudi Arabia?

Mỹ vừa chấp thuận bán THAAD cho Saudi Arabia - quyêt định được đưa ra một cách vội vàng sau khi Moscow và Riyadh ký thỏa thuận về thương vụ S-400.

Mỹ níu kéo

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/10, cơ quan này đã chấp thuận bán hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD cho đồng minh tại vùng Vịnh là Saudi Arabia nhằm hỗ trợ an ninh lâu dài Saudi Arabia và vùng Vịnh trước mối đe dọa trong khu vực, đặc biệt từ Iran.

Việc Bộ Ngoại giao Mỹ bất ngờ đồng ý bán bán THAAD cho Saudi Arabia đã gây bất ngờ cho nhiều người và động thái này đã được cựu chuyên gia cấp cao CIA Bruce Riedel, hiện làm việc tại Viện Chính sách Brookings nhận định, đây là quyết định níu kéo đồng minh tại vùng Vịnh của Mỹ.

Bruce Riedel cho rằng, thương vụ THAAD đã được Mỹ và Saudi Arabia đặt lên bàn nghị sự từ mấy năm gần đây nhưng chưa có quyết định chính thức nào được thông qua.

he thong phong thu tam cao giai doan cuoi thaad.

Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD.

Được biết, cuối tháng 5/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dự lễ ký kết một loạt hợp đồng quốc phòng với Saudi Arabia có hợp đồng bán vũ khí khổng lồ trị giá 110 tỉ USD có hiệu lực ngay lập tức và một hợp đồng quân sự khác trị giá tới 350 tỉ USD kéo dài trong vòng 10 năm.

Gói hợp đồng quốc phòng này sẽ hỗ trợ an ninh trong dài hạn đối với Saudi Arabia và vùng Vịnh trước các mối đe doạ từ bên ngoài. Nó cũng tăng cường năng lực của Saudi trong các chiến dịch chống khủng bố trên khắp khu vực, giảm gánh nặng lên quân đội Mỹ trong việc tiến hành các chiến dịch này.

Mặc dù vậy, chi tiết về bản hợp đồng vũ khí cực lớn này chưa được công bố, nhưng theo một số nguồn tin từ giới chức Washington thì thoả thuận này bao gồm các xe tăng, xe chiến đấu Bradley, pháo M109, xe thiết giáp chở quân và trực thăng. Đặc biệt, THAAD tiếp tục được thảo luận nằm trong gói hợp đồng 350 tỉ USD kéo dài trong vòng 10 năm giữa 2 nước.

Tuy nhiên chỉ sau đó 5 tháng, Mỹ đã chấp thuận bán THAAD cho Saudi Arabia - quyết định được đưa ra đúng 1 ngày sau khi Moscow và Riyadh ký thỏa thuận về thương vụ hệ thống phòng thủ S-400. Bruce Riedel cho rằng quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy Washington đang muốn níu kéo đồng minh nhưng rất khó để Mỹ có thể thành công với toan tính của mình.

Bởi theo vị chuyên gia này, việc Saudi Arabia mua hệ thống S-400 và rất ít cơ hội dành cho THAAD xuất phát từ nguyên nhân hệ thống phòng không chủ lực của nước này - hệ thống Patriot PAC 3 do Mỹ cung cấp đã hoạt động không hiệu quả trong suốt thời gian qua khiến nước này chịu nhiều tổn thất.

Đặc biệt là vụ tấn công bằng tên lửa Scud do các tay súng phiến quân Yemen thực hiện hồi năm 2015 khiến Tư lệnh Không quân của Arabia Saudi, Trung tướng Muhammad bin Ahmed Al-Shaalan thiệt mạng.

Chỉ tính từ năm 2015, đã có hàng chục quả tên lửa đạn đạo Scud và những phiên bản do phiến quân tại Yemen phóng đi nhằm vào các mục tiêu khác nhau trên lãnh thổ Arabia Saudi. Tuy nhiên, rất ít trong số đó đã bị PAC 3 đánh chặn.

Và THAAD cũng không thoát khỏi nghi vấn trở thành kẻ vô dụng đắt tiền. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Nhật Bản không mua THAAD như Hàn Quốc mà quyết định xây dựng hệ thống phòng Aegis trên cạn.

Đồng minh Mỹ ngả về Nga

Không chỉ mua vũ khí, Saudi Arabia còn dần cho Mỹ thấy, Nga đang trở thành đồng minh mới của mình và điều này được thể hiện rõ nhất trong chuyến thăm Nga của Quốc vương Saudi Arabia, ông Salman bin Abdulaziz Al Saud và phái đoàn kéo dài từ ngày 4-7/10.

Theo nhà phân tích kinh tế cấp cao Chris Weafer tại Tập đoàn tư vấn Macro-Advisory (Nga): "Đây là phái đoàn Saudi Arabia đến Nga lớn nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy phía Saudi Arabia xem quan hệ với Nga rất quan trọng với quyền lợi của mình".

Theo ông, sự kiện này đặc biệt ý nghĩa trong thời điểm ảnh hưởng của Mỹ ở vùng Vịnh đang xuống dốc. Nga đã nhanh tay chớp lấy cơ hội. Ông Weafer đánh giá Nga đang có cơ hội tái lập ảnh hưởng lên vùng Vịnh dễ dàng hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, cố vấn cấp cao Theodore Karasik tại công ty tư vấn rủi ro địa chính trị Gulf State Analytics (Mỹ), Nga đã âm thầm tìm kiếm cơ hội phát triển quan hệ với Saudi Arabia mà không để Mỹ biết trong cả thập niên qua. Mặt khác, chính quyền Riyadh cũng đánh giá nghiêm túc quan hệ với Moscow.

Cùng với đó, tờ The Washington Post cho rằng, hàng loạt yếu tố như bất ổn địa chính trị, vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ lung lay, giá dầu sụt giảm và việc Nga dần trở thành một thế lực chính trị rõ rệt ở Trung Đông… đã dần đưa Saudi Arabia và Nga xích lại gần nhau như một điều tất yếu.

Ông Trump đã rất "ưu ái" Saudi Arabia, thậm chí chọn nước này làm điểm công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Saudi Arabia vẫn chọn hướng sang Nga vì bất an với các ý định và chính sách thiếu rõ ràng của Mỹ ở Trung Đông.

Sự không rõ ràng trong những phát ngôn của ông Trump và các quan chức cấp cao Mỹ về vấn đề Qatar khiến Saudi Arabia thất vọng. Moscow và Riyadh vẫn còn quan điểm trái ngược đối với chiếc ghế của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như vai trò của Iran trong khu vực. Tuy nhiên, các thành trì tư tưởng đã dần thay đổi.

Việc ông Assad sẽ duy trì quyền lực đã dần được Saudi Arabia chấp nhận. Trong khi đó, Riyadh cũng nhận thấy bản thân rất cần Moscow để thương lượng với chính quyền Tehran, giảm hiện diện của lực lượng thân Iran tại Syria và giữ được sự ảnh hưởng ở Yemen.

Trước hàng loạt diễn biến gần đây cho thấy Saudi Arabia đã nhìn nhận Nga là một đồng minh mơi đáng tin cậy trong một khu vực đầy bất ổn.(Baodatviet)
----------------------------

KCNA: Mỹ cố ám sát ông Kim Jong-un hồi tháng 5

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 6.10 cáo buộc tình báo Mỹ và Hàn Quốc đã tìm cách xâm nhập và tấn công bộ chỉ huy tối cao Bình Nhưỡng bằng vũ khí sinh hóa.

Theo KCNA, kế hoạch được tiến hành hồi tháng 5 theo sự chỉ đạo của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS), nhắm vào bộ máy lãnh đạo CHDCND Triều Tiên.

“Tháng 5 năm nay, một nhóm khủng bố tàn ác đã xâm nhập vào nước ta theo lệnh của CIA và con rối NIS với mục đích tiến hành hoạt động khủng bố do nhà nước bảo trợ, nhắm vào bộ chỉ huy tối cao bằng chất sinh hóa nhưng đã bị bắt và vạch trần”, KCNA viết.

Bên cạnh đó, KCNA còn cáo buộc Mỹ “đổi màu như tắc kè”, dùng nhiều lý do để biện minh cho “âm mưu lật đổ chính quyền các nước, đặc biệt là tại Trung Đông, nơi Washington lấy cớ là chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt để giải thích cho việc xâm lược Afghanistan, Iraq và Libya”.

Hãng thông tấn này nhấn mạnh rằng trong khi Triều Tiên cam kết với việc chống khủng bố, thì Mỹ lại tìm cách can thiệp và “là nguyên nhân chính khiến cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế vẫn chưa bị tiêu diệt”.

Hồi tháng 4, một cơ quan CHDCND Triều Tiên điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ cũng cáo buộc rằng “Mỹ đã để lộ kế hoạch phạm tội, không ngại ngần dùng vũ khí sinh hóa nhằm hủy diệt Triều Tiên và nắm quyền cả thế giới”, theo tạp chí Newsweek.

Trong nhiều năm qua, Bình Nhưỡng liên tục tố cáo Washington xây dựng “Kế hoạch sao Mộc”, một kịch bản nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Kim Jong-un bằng vũ khí sinh hóa. Tuy vậy, những cáo buộc này không bao giờ được chứng minh rõ ràng. (Thanhnien)
---------------------

Đảng đối lập Campuchia trước sức ép giải tán

Ngày 6-10, Bộ Nội vụ Campuchia đã gửi đơn kiện lên Tòa án Tối cao nước này yêu cầu giải tán đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) trước khi cuộc bầu cử toàn quốc được tổ chức vào năm tới, tờ The Phnompenh Post cho biết.

Sức ép khổng lồ

Sau cuộc họp kín giữa các bộ trưởng và các tướng lĩnh cấp cao của Campuchia, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Khieu Sopheak xác nhận luật sư Ky Tech đã đại diện cho Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng “nộp các khiếu nại lên Tòa án Tối cao và các khiếu nại này có nội dung nhằm giải tán CNPR”.

Ông Sopheak khẳng định cơ quan này đã cho tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về đảng đối lập CNRP và đã thu thập được đầy đủ chứng cứ làm cơ sở gửi đơn khiếu nại lên Tòa án Tối cao Campuchia. “Ông Ky Tech và năm luật sư khác đều có đầy đủ các tài liệu cần thiết. Theo tôi được biết, họ nắm trong tay ít nhất 21 bằng chứng. Bộ Nội vụ đã tiến hành điều tra và thu thập đầy đủ tài liệu. Bộ đã chuyển cho các luật sư để bắt đầu hành động theo đúng quy trình pháp lý” - ông Khieu Sopheak ngày 6-10 xác nhận với báo giới.

Liên tiếp trong các ngày 4 và 5-10, hai đảng chính trị khác của nước này là đảng Tuổi trẻ Campuchia (CYP) và đảng bảo hoàng Funcinpec đã lần lượt gửi kiến nghị đến Bộ Nội vụ Campuchia yêu cầu giải tán đảng đối lập chính tại Campuchia. Phía CYP cáo buộc lãnh đạo CMRP Kem Sokha “lập âm mưu với người nước ngoài với mục đích tạo cách mạng màu” tại Campuchia. Còn phía Funcinpec chỉ trích lãnh đạo đảng đối lập đã lập âm mưu “đảo chính”, đồng thời cho rằng không thể bỏ qua trách nhiệm của toàn bộ CNRP đối với hành vi của ông Sokha.

Phát ngôn viên Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Phay Siphan cùng ngày khẳng định động thái pháp lý nhắm vào CNRP là đúng theo pháp luật. Ông cũng phủ nhận các động thái pháp lý này có động cơ chính trị, khẳng định các chỉ trích chỉ là “sự tưởng tượng” của CNRP.

Đảng đối lập Campuchia trước sức ép giải tán - ảnh 1
Ông Kem Sokha, chủ tịch đảng CNRP, đã bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 3-9 vừa qua với cáo buộc phản quốc. Ảnh: AP

CNRP khó vực dậy

Theo tờ The Phnompenh Post, Tòa án Tối cao là cơ quan cao nhất trong hệ thống tư pháp của Campuchia. Một khi tòa án này ra phán quyết giải tán CNRP, đảng này sẽ không có cơ hội xin kháng án.

Nỗ lực pháp lý lần này dựa trên cơ sở các nội dung bổ sung, lần lượt vào tháng 2 và tháng 7-2017, của Luật Các đảng phái chính trị Campuchia, theo tờ The Phnompenh Post. Các điều luật chỉnh sửa nghiêm cấm những ai bị kết án hình sự được nắm giữ vị trí lãnh đạo các đảng phái. Các nội dung chỉnh sửa cũng cấm các đảng phái có hành vi thông đồng với tội phạm hay đe dọa an ninh quốc gia. Trong khi đó, luật sư Ky Tech lại khẳng định vụ kiện đòi giải tán CNRP hiện chưa liên quan đến vụ án của ông Kem Sokha.

Cho dù Tòa án Tối cao Campuchia không đưa ra phán quyết bất lợi cho CNRP, đảng đối lập này vẫn khó có khả năng vực dậy vì thiếu lãnh đạo. Vào ngày 3-9 vừa qua, lãnh đạo CNRP Kem Sokha đã bị cảnh sát Campuchia cho bắt giữ với tội danh phản quốc. Đúng một tháng sau, Phó Chủ tịch CNRP Mu Sochua cũng đã rời khỏi Campuchia sau khi được một quan chức cấp cao cảnh báo khả năng bị bắt giữ. Ngày 3-10, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Sopheak cũng từng xác nhận bà Sochua nằm trong diện bị điều tra có liên quan đến tội danh của ông Kem Sokha.(PLO)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 08-10-20172

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 08-10-2017

    Việt Nam sẽ chế tạo hệ thống phòng thủ kết hợp Rubezh-Bal-E?; Chiến đấu cơ J-20 Trung Quốc "hổ báo" mức nào?; Robot chiến đấu Nga khiến Mỹ ngỡ ngàng; Ukraine thử thành công súng thế chỗ AK

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 08-10-20173

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 08-10-2017

    Mỹ loay hoay phát triển ICBM khi lép vế trước Nga; Ông Trump đến châu Á và cơ hội của ông Tập Cận Bình; Thủ tướng Singapore vào rừng thị sát binh sĩ huấn luyện

Bài cùng chuyên mục