Việt Nam sẽ chế tạo hệ thống phòng thủ kết hợp Rubezh-Bal-E?
Một trong những phương án dành cho tên lửa KCT-15 khi hoàn thiện đó là thay thế các tổ hợp 4K51 Rubezh đã lạc hậu trong lưới lửa phòng thủ bờ biển.
Trang Defenceblog từng dẫn nguồn tin từ Tập đoàn Tên lửa chiến thuật Nga (KTRV) cho biết, Việt Nam dự tính sẽ tự sản xuất số lượng lớn, ước chừng lên tới 3.000 quả tên lửa chống hạm KCT-15, bao gồm cả 3 biến thể: phóng từ tàu mặt nước, phóng từ trên không và phóng từ đất liền.
Việc chế tạo phiên bản KCT-15 phóng từ đất liền cho thấy Việt Nam đã có ý định xây dựng một hệ thống phòng thủ bờ biển tương tự như Bal-E của Nga, nó sẽ thay thế cho các tổ hợp 4K51 Rubezh trang bị tên lửa P-15 Termit.
Xe mang phóng tự hành (TEL) thuộc hệ thống phòng thủ bờ biển Bal-E sử dụng đạn tên lửa Kh-35 Uran-E
Việc thay thế hệ thống 4K51 Rubezh dĩ nhiên là điều cần thiết, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng tổ hợp này ngoại trừ đạn tên lửa có tính năng khá hạn chế thì các thành phần còn lại vẫn chưa hề lạc hậu.
Đặc biệt hơn, Rubezh còn có một lợi thế đáng kể so với Bal-E, đó là nó tích hợp cả radar lẫn bệ phóng trên một khung xe việt dã duy nhất (TELAR), mang lại sự gọn nhẹ và khả năng độc lập tác chiến cao hơn xe mang phóng đơn thuần (TEL) của Bal-E.
Do vậy, phương án tận dụng khung gầm các xe 3P51 của tổ hợp Rubezh để tiếp tục khai thác radar dẫn bắn Harpoon, chỉ tích hợp các ống phóng KT-184 dùng cho KCT-15 thay vì ống phóng đôi KT-161 nguyên bản tỏ ra là một lựa chọn không tồi.
Xe mang phóng tự hành (TELAR) 3P51 của tổ hợp Rubezh được tích hợp đài radar dẫn bắn Harpoon cùng 2 ống phóng KT-161 của tên lửa P-15 Termit
Trọng lượng của mỗi quả tên lửa hành trình chống hạm P-15 Termit lên tới 2.580 kg, cho nên xe TELAR 3P51 đủ khả năng mang theo tới 8 quả KCT-15 (trọng lượng của KCT-15 ước tính tương đương Kh-35 Uran-E, vào khoảng 610 kg).
Nhờ tích hợp 8 ống phóng KT-184, mỗi xe 3P51 đều giữ nguyên năng lực tác chiến độc lập với hỏa lực mạnh gấp 4 lần, bên cạnh kết nối theo biên đội thông qua đài radar Manolith-B ở trung tâm như trên tổ hợp Bal-E.
Tầm trinh sát tối đa của radar Harpoon theo các số liệu đã công bố thì rơi vào khoảng 100 km, đủ để dẫn bắn KCT-15 ngoài đường chân trời.
Chế tạo một hệ thống tên lửa bờ kết hợp giữa Bal-E với Rubezh còn giúp chúng ta không phải tốn thêm nhiều ngoại tệ để mua đầy đủ các thành phần riêng rẽ của Bal-E mà chỉ phải bổ sung 1 trạm radar Monolith-B cùng 1 trạm chỉ huy.
Ngoài ra nếu chế tạo được một hệ thống phòng thủ bờ biển bằng cách kết hợp mô hình cũ - mới như trên, Việt Nam còn chứng minh cho thế giới thấy năng lực sáng tạo độc đáo của mình, khi đây sẽ là hệ thống vũ khí độc nhất vô nhị trên thế giới. (baodatviet)
------------------------------
Chiến đấu cơ J-20 Trung Quốc "hổ báo" mức nào?
Đến nay, vẫn chưa có nhiều thông tin về máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc. J-20 vẫn lệ thuộc vào động cơ do Nga chế tạo, thiết kế khí động học của nó không được coi trọng.
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sina.
Gần đây, theo tiết lộ của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm, không quân Trung Quốc đã chính thức biên chế máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20.
Khác với quan điểm của phương Tây, báo chí Trung Quốc gọi J-20 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư.
Theo tờ Liberal Media Nga, Trung Quốc đã trở thành nước thứ 2 trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm trên thế giới, sau Mỹ (trang bị 2 loại máy bay chiến đấu gồm F-22 Raptor và F-35 Lightning II), tiến độ vượt Su-57 của Nga.
Trung Quốc không công bố chính thức các chỉ tiêu kỹ thuật của máy bay chiến đấu J-20. Được biết, J-20 có độ dài 20,4 m, sải cánh 13,5 m, trọng lượng cất cánh tối đa 36,3 tấn, tốc độ tối đa 2,5 Mach.
Có tin cho rằng J-20 đã tham khảo thiết kế của máy bay chiến đấu F-22 Mỹ và máy bay MiG-1.44 Nga.
J-20 là một loại máy bay chiến đấu hạng nặng. Trung Quốc còn đồng thời đang nghiên cứu chế tạo một loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm hạng nhẹ, đó là J-31. J-31 trang bị 2 động cơ RD-93 do Nga sản xuất.
Vasilii Cashin, chuyên gia vấn đề quân sự Trung Quốc, nhà nghiên cứu cấp cao Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông, Viện Khoa học Nga cho rằng J-20 thực sự có thể coi là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sina.
Theo Vasilii Cashin, J-20 ít có khả năng bị radar dò tìm được, nó đã trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động và hệ thống thông tin hiện đại. Nhưng động cơ là điểm yếu của nó, hiện nó sử dụng động cơ AL-31 của Nga, trong tương lai sẽ sử dụng động cơ AL-41 Nga.
Nói chung, không có nhiều thông tin lắm về loại máy bay này. Trong khi đó, Mỹ trang bị các máy bay F-22 và F-35 cho không quân đã trải qua một quá trình rất gian nan, đã tiêu tốn rất nhiều kinh phí và thời gian.
Người Trung Quốc chắc cũng sẽ không dễ dàng gì trong vấn đề này, thậm chí Trung Quốc có thể mất nhiều thời gian hơn. Thông tin về loại máy bay chiến đấu này hiện không nhiều, do Trung Quốc không "cởi mở" lắm trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, nhìn vào những thông tin đã được biết đến hiện nay thì có thể phán đoán, J-20 là một loại máy bay chiến đấu hiện đại có sức chiến đấu khá mạnh.
Trong khi đó, theo chuyên gia Vasilii Cashin, số phận của máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc còn chưa rõ ràng. Có khả năng đây chỉ là một phiên bản dùng cho xuất khẩu. Nói chung, người Trung Quốc hy vọng đồng thời sở hữu cả máy bay hạng nặng và hạng nhẹ.
Máy bay chiến đấu hạng nặng thế hệ thứ năm e rằng không thể thay thế hoàn toàn máy bay chiến đấu thế hệ 4+, nhưng người Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đầu tư tiền của.
Có tin cho biết lô máy bay chiến đấu J-20 đầu tiên trang bị cho quân đội Trung Quốc đã mô phỏng vai trò của "kẻ xâm lược" trong huấn luyện, mục đích là huấn luyện máy bay chiến đấu thông thường hiện có trong cuộc đối đầu với máy bay chiến đấu tàng hình. Theo Vasilii Cashin, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 là do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo, áp dụng bố cục khí động học giống như máy bay chiến đấu J-9 trước đây.
Người Trung Quốc đã sáng lập ra trường phái thiết kế máy bay tương đối có thực lực, đến nay trường phát này đang gặt hái thành quả. Đây là kết quả nỗ lực gần 40 năm. Nhưng, về lâu dài, trường phái này của Trung Quốc không được giới quan sát nước ngoài coi trọng.
Về vũ khí trang bị cho máy bay, chuyên gia Nga Vasilii Cashin cho rằng tên lửa không đối không của Trung Quốc tương đối tốt. Trong đó, tên lửa Tịch Lịch-12 (PL-12) tương tự tên lửa không đối không tầm trung R-77 của Nga (tầm bắn 110 km), nhưng có một số tính năng tốt hơn.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã nghiên cứu chế tạo ra tên lửa không đối không tầm ngắn PL-10, tương tự với các tên lửa không đối không tầm ngắm RVV-MD và R-73 của Nga.
Tên lửa không đối không tầm xa PL-15 của Trung Quốc cơ bản đã được sản xuất hàng loạt. Trung Quốc còn lệ thuộc vào Nga về một số linh kiện trong lĩnh vực này, nhưng bất kể thế nào thì họ cũng đã đạt được thành tựu to lớn.
Theo chuyên gia Vasilii Cashin, giống như nhiều nước khác, để trở thành máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, máy bay của Trung Quốc phải có khả năng ít bị dò tìm được, tích hợp được hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, lắp radar mảng pha quét điện tử chủ động và có khả năng tuần tra siêu âm. Máy bay chiến đấu Trung Quốc có khả năng cơ động siêu mạnh hay không còn chưa rõ. Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sina.
Andrei Frolov, chuyên gia Trung tâm phân tích chiến lược, chiến thuật, chủ biên tạp chí "Xuất khẩu vũ khí" Nga cho rằng tính năng thực tế của thiết bị điện tử hàng không lắp ở J-20 còn chưa rõ ràng.
Theo Andrei Frolov, J-20 là một loại máy bay chiến đấu hạng nặng, tầm xa, trang bị hai động cơ, có thể vượt qua chuỗi đảo thứ nhất trong tình hình không phải tiếp dầu trên không. Chuỗi đảo này được hợp thành bởi Okinawa, Đài Loan, Philippines.
Rõ ràng, loại máy bay chiến đấu này phù hợp với quan điểm thiết kế và đặc điểm tác chiến của không quân Trung Quốc, mang đặc sắc Trung Quốc.
Trong khi đó, máy bay chiến đấu J-31 có thể được gọi là "F-35 của Trung Quốc", chủ yếu dùng để xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Nó có kích thước nhỏ hơn J-20, chi phí chế tạo thấp hơn.
Về công nghệ, người Trung Quốc đã có bước tiến xa. Họ thậm chí đã phát triển động cơ WS-15 cho máy bay J-20 để thay thế động cơ mua từ Nga. Tính năng thực tế của nó còn chưa rõ, nhưng dù thế nào thì Trung Quốc cũng là nước thứ hai sau Mỹ đồng thời nghiên cứu chế tạo 2 loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. (Viettimes)
---------------------------- Robot chiến đấu Nga khiến Mỹ ngỡ ngàng
Hãng RT vừa thống kê những vũ khí mang lại thế mạnh cho Nga tại Syria với các lực lượng tham chiến còn lại, trong đó có robot chiến đấu Uran-9.
Chiến dịch quân sự tấn công khủng bố tại Syria đã cho quân đội Nga có cơ hội thử nghiệm, nâng cấp và đôi khi giới thiệu sức mạnh áp đảo của nhiều vũ khí tối tân trước đối thủ. Theo RT, vũ khí đầu tien được nói đến chính là tên lửa hành trình tấm xa Kalibr. Dòng tên lửa này được đánh giá có nhiều ưu điểm hơn hẳn "sứ giả chiến tranh Tomahawk" của Mỹ.
Vũ khí tiếp theo khiến kẻ thù khiếp đảm là tàu sân bay Kuznetsov, cùng với đó là máy bay tấn công tầm xa Tu-160 với tên lửa Kh-101. Ngoài ra còn có tăng T-90A và đặc biệt là Uran-9 - dòng robot chiến đấu hạng nặng của Nga lần đầu tham chiến.
Khi chứng kiến màn thể hiện sức mạnh cơ bắp của Uran-9, Tạp chí National Interest của Mỹ đã có những bình luận ca ngợi hết lời robot này. National Interest cho rằng, Uran-9 sẽ không thể thay thế các xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga như T-90 hay T-14 Armata nhưng nó sẽ đảm trách nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng đặc biệt, lực lượng bộ binh tấn công các cứ điểm kiên cố hay hoạt động trinh sát từ xa.
Tạp chí National Interest cho biết, để thực hiện nhiệm vụ trinh sát và yểm trợ hỏa lực tầm xa, tổ hợp chiến đấu của Uran-9 được thiết kế bao gồm hai robot trinh sát và yểm trợ hỏa lực, một máy kéo để vận chuyển và một trạm điều khiển kiểu cơ động.
Các robot loại này được trang bị hệ thống hỏa lực rất mạnh mẽ là pháo tự động 30mm 2A72 gắn cùng súng máy đồng trục 7,62 mm, các tên lửa điều khiển chống tăng M120 Ataka. Với các phiên bản xuất khẩu, cấu trúc hệ thống vũ khí có thể thay đổi tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng.
Hai đặc tính ưu việt nhất của Uran-9 là robot này được trang bị hệ thống điều khiển laser, còn tên lửa Ataka cho phép nó tham chiến và có khả năng tiêu diệt các xe tăng chiến đấu hiện đại nhất ở khoảng cách xa tới 8000m.
Với hỏa lực mạnh mẽ, Uran-9 sẽ là lực lượng xung kích trong các trận đánh vào các cứ điểm kiên cố của kẻ địch, là sự hỗ trợ hỏa lực trực tiếp và đắc lực cho bộ binh, giảm thiểu những tổn thất và sinh mạng con người trên chiến trường.
Khả năng đặc biệt của Uran-9 cũng đã được cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Wark thừa nhận và bày tỏ sự quan ngại về thành công của kỹ thuật robot quân sự Nga.
Vị quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ nhận định, công nghệ chế tạo robot quân sự Nga đã phát triển đến độ hoàn thiện và "có đủ khả năng tiến hành các hoạt động quân sự độc lập", có thể tự mình đưa ra các quyết định mà không cần sự chỉ huy-điều khiển của con người.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự cao cấp của Mỹ là Dave Majumdar cũng viết rằng, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự nước này, Uran-9 chưa có đối thủ cạnh tranh ở phương Tây, mặc dù Mỹ đã tiến hành nghiên cứu chế tạo phương tiện chiến đấu không người lái đã 20 năm nay.
Ông nhận định rằng, tuy phần công nghệ của robot này cần tiếp tục hoàn thiện, nhưng ngay từ bây giờ đã có thể gọi Uran-9 là "sứ giả của tương lai". Theo các chuyên gia, robot quân sự thế hệ mới của Nga đặc biệt hữu ích trong nhiệm vụ chống xâm nhập biên giới, các chiến dịch quân sự cục bộ và chống khủng bố, phù hợp tác chiến trong các khu dân cư đông đúc và những khu vực nguy hiểm đối với con người.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc robot quân sự Nga tham chiến trong một cuộc chiến đấu thực sự đã mở ra một kỷ nguyên mới cho chiến tranh hiện đại. Các sản phẩm này của Nga chắc chắn sẽ là mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường thương mại vũ khí trong nhiều năm tới. (Baodatviet)
------------------------------
Ukraine thử thành công súng thế chỗ AK
Hôm 4/10, Tập đoàn Ukroboronprom lần đầu thử thành công WAC-47 - loại súng dùng để thay thế toàn bộ AK-47 cùng các phiên bản hiện có trong quân đội Ukraine.
Chuẩn NATO loại bỏ AK
Nhà sản xuất Ukraine cho biết, kết quả cuộc thử nghiệm thành công hơn mong đợi khi khẩu WAC-47 cho thấy sự ổn định trong đường đạn, sức mạnh diệt mục tiêu kể cả ở chế độ bắn loạt hay bắn từng viên một.
Căn cứ vào kết quả thử nghiệm này, Ukroboronprom sẽ tiếp tục cho WAC-47 thử sức trong nhiều môi trường khắc nghiệt khác nhau như bắn trong trời mưa, môi trường cát bụi... Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, công việc sản xuất loạt sẽ được tiến hành ngay trong cuối năm 2017.
Hình ảnh đầu tiên của khẩu WAC-47.
Theo National Interest, khẩu WAC-47 là phiên bản Ukraine của súng M16 của Mỹ. Đây là sản phẩm của sự hợp tác giữa Tập đoàn Ukroboronprom của Ukraine với công ty Aeroscraft của Mỹ. Khi được đưa vào trang bị, WAC-47 sẽ dùng để thay thế toàn bộ súng AK hiện có của Ukraine.
Tuy nhiên, loại súng này sẽ được ưu tiên trang bị cho lực lượng bảo vệ biên giới, Vệ binh quốc gia. Ban đầu, WAC-47 sẽ được thiết kế với cỡ đạn 7,62×39 và 5,45 mm nhằm sử dụng các băng đạn và đạn AK.
Súng được thiết kế dạng module, do đó khi vũ khí WAC-47 đã được hoàn thiện và xây dựng thành công hệ thống nhà máy sản xuất đạn 5,56 x 45 mm. Khẩu WAC-47 sẽ nhanh chóng được nâng cấp sang chuẩn NATO chỉ bằng công đoạn thay thế một số chi tiết.
"Đối với quân đội Ukraine, việc sản xuất WAC-47 là một bước tiến thực sự hướng tới cấu trúc Euro-Atlantic", trích tuyên bố của Ukroboronprom. Đại diện tập đoàn quốc phòng Ukraine, cho biết vấn đề tương tác giữa quân đội Ukraine khi hoạt động chung với quân đội NATO đã thúc đẩy quyết định sản xuất WAC-47.
Các binh sĩ Ukraine tập trận chung với NATO gặp phải khó khăn trong công tác hậu cần vì sử dụng khác loại súng và đạn. Một số đơn vị quân đội triển khai hỗ trợ sứ mệnh của NATO tại Afghanistan phải mượn súng trường tiến công của quân đội Lithuania do Đức sản xuất.
Sức mạnh M16
Nguyên mẫu của WAC-47 là khẩu M16 là loại súng trường do hãng Colt cải tiến từ súng ArmaLite AR-15. M16 là súng thông dụng trong quân đội các nước thuộc khối NATO và có số lượng sản xuất cao nhất trong các loại súng cùng cỡ.
M16 có một thiết kế hiện đại, nó đòi hỏi khá nhiều và phức tạp về vật liệu và công nghệ chế tạo. Bởi vậy các công đoạn sản xuất M16 không hề đơn giản và không phải quốc gia nào cũng đủ khả năng công nghệ để tạo ra chúng.
Trong quá trình sản xuất có 3 loại M16 khác nhau. Loại đầu tiên là M16 và M16A1, sử dụng trong thập niên 1960, bắn đạn M193/M196 (hoặc.223 Remington), có thể hoàn toàn tự động hay bán tự động, và hai mẫu XM16E1 và M16A1 đồng loạt được sử dụng ở chiến trường Việt Nam.
Loại thứ hai sử dụng ở thập niên 1980 là M16A2, bắn đạn M855/M856 (do Bỉ sáng chế sử dụng cho trung liên FN Minimi), có khả năng bắn từng viên hay bắn từng loạt 3 viên.
Loại thứ 3 là M16A4, súng trường tiêu chuẩn của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trong chiến tranh Iraq. M16 là loại vũ khí có độ tin cậy cao nhưng chúng gặp khá nhiều rắc rối khi hoạt động ở môi trường khắc nghiệt. Và ở phiên bản WAC-47, Ukraine đang cố gắng khắc phục những điểm yếu này. (Baodatviet)