Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý tối 09-06-2017

  • Cập nhật : 09/06/2017

Các nước vùng Vịnh tiếp tục đe dọa Qatar

Khủng hoảng vùng Vịnh tiếp tục leo thang bất chấp các nỗ lực xoa dịu căng thẳng của Mỹ và Kuwait.

Theo tờ Al Jazeera, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã đe dọa cấm vận kinh tế đối với Qatar. Trong khi đó, Bahrain cho biết “mọi lựa chọn”, nghĩa là không loại trừ cả khả năng quân sự, đang được tính đến khi khủng hoảng ở vùng Vịnh không có dấu hiệu lắng xuống cho đến ngày 8-6.

Những tuyên bố cứng rắn của các thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đưa ra hôm 7-6 bất chấp Tổng thống Mỹ Donald Trump và quốc vương Sabah Al Ahmad Al Sabah của Kuwait nỗ lực kiềm chế căng thẳng.

Khủng hoảng bắt đầu hôm 5-7 khi Saudi Arabia, UAE và Bahrain thông báo cắt quan hệ ngoại giao với Qatar. Tiếp đó lần lượt một số nước khác trong khu vực cũng đưa ra thông báo tương tự viện dẫn Qatar tài trợ khủng bố.

Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash nói với Reuters rằng sẽ có thêm các lệnh cấm về kinh tế áp vào Qatar nếu xét thấy cần thiết. Ông Gargash còn nói rằng Doha cần đưa ra những cam kết cứng rắn để thay đổi những gì giới phê bình chỉ ra là chính sách tài trợ các nhóm khủng bố mặc dù Qatar nhiều lần phủ nhận. Ông Gargash sau đó nói với đài France 24 rằng bất cứ bước đi tiếp theo nào cũng sẽ quy về cấm vận Qatar.

Các nước vùng Vịnh tiếp tục đe dọa Qatar - ảnh 1
Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash. Ảnh: REUTERS

Nhà lãnh đạo Kuwait, quốc vương Sabah Al Ahmad Al Sabah ngày 7-6 đã từ UAE tới Qatar sau khi tới Saudi Arabia vào ngày trước đó để giải quyết khủng hoảng.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Bahrain Khalid bin Ahmed Al Khalifa đã cứng rắn nói với tạp chí Mecca (Saudi Arabia) rằng ông nghi ngại việc liệu Doha có chịu thay đổi cách hành xử của nước này hay không. “Chúng tôi sẽ không chần chừ trong việc bảo vệ lợi ích của chúng tôi và để mở mọi lựa chọn để bảo vệ đất nước trước Qatar” - hoàng thân Khalid nói.

Ngoại trưởng UAE Gargash cho rằng các biện pháp đưa ra đối phó với Qatar trong tuần này không nhằm mục đích tìm kiếm giới lãnh đạo mới ở Doha. “Đây không phải là sự thay đổi chính phủ mà là thay đổi chính sách, thay đổi cách tiếp cận” - ông Gargash nói với AFP ở Dubai.

Trong khi đó, về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi rõ ràng bày tỏ ủng hộ các động thái của các nước Trung Đông đối với Qatar trên Twitter hôm 6-6 thì một ngày sau, tức 7-6, ông Trump lại điện đàm với quốc vương Tamin bin Hamad Al Thani của Qatar và sau đó là thái tử Mohamed bin Zayed Al Nahyan của UAE để xoa dịu tình hình.

Nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí còn đề xuất một cuộc họp ở Nhà Trắng với sự tham dự của các quan chức vùng Vịnh để giải quyết khủng hoảng. “Đầu tiên và quan trọng nhất, các nhà lãnh đạo đã nhất trí tầm quan trọng của việc thực thi thỏa thuận đạt được ở Riyadh về chống chủ nghĩa cực đoan và đấu tranh chống ủng hộ các tổ chức khủng bố” - một thông cáo về cuộc nói chuyện giữa ông Trump và thái tử Nahyan phát đi từ Nhà Trắng cho biết.

Các nước vùng Vịnh tiếp tục đe dọa Qatar - ảnh 2
Khủng hoảng ở Qatar chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir cho hay các quốc gia vùng Vịnh có thể tự giải quyết khủng hoảng với Qatar mà không cần sự giúp đỡ bên ngoài. “Chúng tôi không yêu cầu người nào đó làm vai trò hòa giải, chúng tôi tin vấn đề này có thể giải quyết bên trong nội bộ các thành viên của GCC" - ông Al-Jubeir nhấn mạnh trong cuộc họp báo ở Berlin, Đức.

Ông Al-Jubeir từ chối xác nhận một danh sách gồm 10 yêu cầu do kênh Al Jazeera công bố, trong đó có yêu cầu đóng cửa kênh Al Jazeera trụ sở ở Doha nhưng thêm rằng Qatar biết rằng nước này cần nỗ lực khôi phục các mối quan hệ bình thường.

Bộ Quốc phòng Qatar đã giảm nhẹ các báo cáo rằng lực lượng quân đội nước này đang đặt báo động cao ở biên giới phía Nam đất nước giáp Saudi Arabia. “Bộ Quốc phòng luôn báo động để bảo vệ các biên giới của đất nước Qatar từ phương pháp tiếp cận 360 độ - đất liền, biển và trên không, 24 giờ mỗi ngày” - thông cáo của Bộ cho biết.(PLO)
--------------------------------------------------------

Ông Obama: Tương lai không nằm trong tay kẻ mạnh!

Bài phát biểu của ông Obama công kích chủ trương khoa trương sức mạnh của ông Trump.

“Tương lai không nằm trong tay kẻ mạnh!” là lời của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi phát biểu trước 6.000 người tại một sự kiện của Phòng Thương mại Montreal (Canada) tối 6-6. Tham dự buổi diễn thuyết dài 70 phút của ông Obama có nhiều quan chức, chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp, nghệ sĩ Canada. Toronto Star mô tả ông Obama được chào đón như một ngôi sao nhạc rock.

Ông Obama không đề cập trực tiếp đến người kế nhiệm Donald Trump, tuy nhiên có thể nhận thấy bài phát biểu của ông công kích chủ trương của ông Trump. “Thời đại thông tin ăn liền hiện nay, TV và Twitter đầy rẫy thông tin tiêu cực, thậm chí sai sự thật. Có vẻ trật tự quốc tế mà chúng ta đã thiết lập đang liên tục bị thử thách và trung tâm của nó có thể không duy trì được lâu”.

Cựu Tổng thống Mỹ Obama phát biểu tại Montreal (Canada) tối 6-6. Ảnh: REUTERS
Cựu Tổng thống Mỹ Obama phát biểu tại Montreal (Canada) tối 6-6. Ảnh: REUTERS

“Trong một số trường hợp, thực tế này có thể sẽ khiến người ta tìm kiếm sự chắc chắn và kiểm soát. Họ có thể viện tới chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa dân tộc, tước bỏ quyền lợi của người khác. Hay đơn giản họ có thể chọn co mình, rằng chúng ta chẳng có nghĩa vụ gì ngoài biên giới của chúng ta. Các bản năng thu mình này có thể hiểu được. Nó xuất phát cũng từ sự thay đổi của thời đại trong thời điểm kinh tế bất ổn như hiện tại” - theo ông Obama.

Tuy nhiên, ông Obama cảnh báo sự nguy hại của các diễn biến dân tộc chủ nghĩa và độc tài khi nhắc đến hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai là hậu quả. Ông Obama cũng cho rằng các giá trị phương Tây vẫn là chuẩn mực của thế giới, vẫn có cách tốt hơn để Mỹ và các nước “thiết lập một trật tự quốc tế không chỉ căn cứ vào quyền lợi tự thân mà còn vào các nguyên tắc đạo đức”.

Đề cập đến việc ông Trump vừa quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, ông Obama cho biết: “Hiển nhiên là tôi thất vọng với quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris của chính phủ Mỹ hiện tại”. Tuy nhiên, ông khẳng định dù Mỹ có “tạm thời” không tham gia thỏa thuận, các công ty của Mỹ trong nước và trên toàn cầu đều cam kết chuyển dần qua sử dụng năng lượng sạch.

Ông Obama cũng phản đối chính sách nhập cư hà khắc của chính phủ ông Trump, ủng hộ quan điểm nhập cư cởi mở, khẳng định Mỹ cũng như Canada là đất nước của dân nhập cư, đây là động lực của nền kinh tế.(PLO)
---------------------------------

Qatar cho phép Thổ Nhĩ Kỳ triển khai binh lính

Doha khẳng định binh lính Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai ở Qatar để đảm bảo an ninh trong khu vực.

ngoai truong qatar sheikh mohammed bin abdulrahman al thani. anh: reuters

Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani. Ảnh: Reuters

 

Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani hôm qua cho biết binh lính Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tại nước này để đảm bảo an ninh khu vực, theo Al Jazeera.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng, chúng tôi có sự độc lập trong chính sách đối ngoại", Ngoại trưởng Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani nói. Ngoại trưởng Qatar cũng cho biết đất nước ông sẽ không đầu hàng trước áp lực từ các nước Arab láng giềng và không thay đổi chính sách đối ngoại để giải quyết tranh chấp. 

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7/6 thông qua dự luật cho phép quân đội nước này đưa lực lượng tới căn cứ quân sự tại Qatar, được lập năm 2014 theo một thỏa thuận giữa hai nước. Năm ngoái, mới có 150 lính đồn trú tại địa điểm này. Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar Ahmet Demirok cho biết Ankara dự kiến triển khai ít nhất 3.000 binh sĩ tới đây.

Arab Saudi, Bahrain, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và vài quốc gia khác đồng loạt cắt quan hệ ngoại giao với Qatar vì bị cáo buộc ủng hộ các nhóm cực đoan và Iran, đối thủ của các quốc gia Arab. Doha tuyên bố các cáo buộc là vô căn cứ. 

Ngoại trưởng Qatar cho biết Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani sẽ không rời đất nước "bị phong tỏa", nên không thể tham dự cuộc hòa giải do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị tổ chức tại Nhà Trắng.  

Sheikh Mohammed bin Abdulrahman nói thêm rằng đất nước ông có thể chịu được các lệnh cấm vận lâu dài do nhận được sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế. "Chính phủ Qatar đã áp dụng các biện pháp để đảm bảo duy trì tiêu chuẩn cho người dân", Ngoại trưởng Qatar cho biết.

Qatar tuyên bố chưa nhận được danh sách các yêu cầu của những quốc gia cắt quan hệ ngoại giao, song nhấn mạnh mọi việc sẽ được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng lần này được mở rộng từ tranh chấp trước đây vào năm 2014 khi Arab Saudi, UAE và Bahrain tạm thời triệu hồi đại sứ của họ tại Doha do Qatar ủng hộ Phong trào Anh em Hồi giáo.(Vnexpress)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 09-06-20172

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 09-06-2017

    Đảng Bảo thủ Anh không giành được đa số ghế theo kết quả thăm dò; IS tuyên bố giết hai con tin Trung Quốc ở Pakistan; Arab Saudi công bố danh sách khủng bố liên quan tới Qatar; Trung Quốc có thể triển khai ba trung đoàn chiến đấu cơ tại Trường Sa

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 09-06-20173

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 09-06-2017

    Giảm nguồn thu từ dầu lậu, IS tìm cách đầu tư tài chính vào Tây Âu; Nga phóng tên lửa Proton mang theo vệ tinh của Mỹ; Khả năng hủy Hội nghị ASEAN-GCC vì khủng hoảng Vùng Vịnh; Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ nóng lòng hợp tác lắp ráp S-400 cùng Nga

Bài cùng chuyên mục