Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý 10-06-2017
- Cập nhật : 10/06/2017
Đế chế truyền thông Qatar bị tấn công mạng quy mô lớn
Mạng lưới truyền hình vệ tinh Al-Jazeera có trụ sở tại Doha, Qatar đang chiến đấu chống một cuộc tấn công mạng quy mô lớn.
"Đang có những âm mưu nhằm vào an ninh mạng của Al-Jazeera nhưng chúng tôi đang chiến đấu chống lại chúng và hiện tất cả các bộ phận vẫn hoạt động bình thường", Reuters dẫn lời một nhân viên cấp cao giấu tên của tập đoàn này hôm qua nói.
Al-Jazeera là đài truyền hình hàng đầu của Qatar, nước đang đối đầu với các quốc gia Arab. Các nước này cáo buộc Qatar có quan hệ với khủng bố, trong mâu thuẫn đang gây bất ổn tình hình khu vực.
Các kênh tiếng Anh và tiếng Arab của Al-Jazeera cũng như trang web hôm qua dường như vẫn hoạt động sau khi mạng lưới thông báo trên Twitter về việc "bị tấn công mạng trên tất cả hệ thống, trang web và nền tảng mạng xã hội".
Thông báo sau đó cho biết nền tảng truyền thông có trụ sở tại Doha tiếp tục "bị tin tặc âm mưu tấn công". Đây là cuộc tấn công mạng lần thứ ba nhằm vào các tổ chức của Qatar trong 14 tháng qua. (Vnexpress)
-----------------------------
Nga cân nhắc cung cấp vũ khí giúp Philippines diệt phiến quân
Nga và Philippines đang đàm phán về khả năng Moscow cung cấp vũ khí giúp tiêu diệt nhóm phiến quân thân IS ở thành phố Marawi.
"Chúng tôi đang tiến hành các cuộc đàm phán cụ thể về việc hỗ trợ vũ khí nhằm tăng cường khả năng phòng thủ nội bộ và chống khủng bố. Chúng tôi nghĩ rằng Philippines có thể đạt được một thỏa thuận có lợi với Nga", Sputnik hôm nay dẫn lời Carlos Sorreta, đại sứ Philippines tại Nga, cho biết.
Theo ông Sorreta, chính quyền Philippines hy vọng sự hỗ trợ của Nga về quân sự và thông tin tình báo sẽ giúp nước này kiểm soát được mối đe dọa từ lực lượng phiến quân thân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang cố thủ tại Marawi.
Không quân Philippines đã nối lại hoạt động không kích nhằm vào các vị trí cố thủ của phiến quân Maute tại Marawi vào chiều 4/6, sau 4 giờ ngừng bắn với lý do nhân đạo để sơ tán công dân.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 5/6 tuyên bố không chấp nhận đàm phán hòa bình và ra lệnh quân đội tiêu diệt toàn bộ với nhóm phiến quân Maute ở Marawi.(Vnexpress)
-------------------------
Căng thẳng vùng Vịnh leo thang một nấc mới
Ngoại trưởng Qatar cho rằng nước này chưa từng đối mặt với tình trạng bị hành xử thù địch như vậy, ngay cả từ một quốc gia kẻ thù. Các nước khác liền đáp trả.
Các nhà đầu tư theo dõi thông tin thị trường chứng khoán tại sàn giao dịch chứng khoán Qatar ở thủ đô Doha - Ảnh: Reuters
Sáng nay (9-6), bốn quốc gia Ả rập đã đưa hàng chục cá nhân và tổ chức, với cáo buộc liên quan đến Qatar, vào danh sách khủng bố, làm dấy lên căng thẳng đe dọa sự ổn định trong khu vực.
Trong một tuyên bố chung, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain đã công bố danh sách 59 cá nhân và tổ chức, trong đó có Yousef al-Qaradawi - thủ lĩnh tinh thần của phong trào Anh em Hồi giáo (MB) và 12 tổ chức khác, trong đó có các tổ chức từ thiện của Qatar, vào danh sách trên.
Trong danh sách khủng bố mới cập nhật, có 18 người Qatar, 5 người Libya, 26 người Ai Cập, 3 người Kuwait, 2 người Jordan, 2 người Bahrain, 1 người UAE, 1 người Saudi Arabia và 1 người Yemen.
Động thái trên được các nước Ả rậo vùng Vịnh đưa ra chỉ vài giờ sau khi Qatar tuyên bố sẽ "không đầu hàng" và phản đối bất kỳ sự can dự nào vào chính sách ngoại giao của nước này.
Qatar chưa bình luận về động thái mới của 4 nước trên, chỉ nói rằng Doha tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về chống khủng bố, trong đó có nhổ tận gốc các nguồn tài trợ cho khủng bố.
Trước đó, theo đài truyền hình Al Jazeera, Bộ trưởng ngoại giao Qatar, ông Mohammed bin Abdul Rahman cho biết Qatar sẽ không bao giờ đầu hàng trước áp lực của các nước láng giềng Ả rập, và sẽ không thay đổi chính sách ngoại giao độc lập của mình để giải quyết những mâu thuẫn hiện đang đặt Trung Đông vào một tình thế hết sức căng thẳng.
Các nước láng giềng cáo buộc Qatar ủng hộ các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan và kẻ thù trong khu vực là Iran, tuy nhiên Qatar bác bỏ những cáo buộc đó, cho rằng chúng thiếu căn cứ.
Ngoại trưởng Abdul Rahman nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không đầu hàng, và chưa bao giờ chịu đầu hàng đối với sự độc lập trong chính sách ngoại giao của mình".
Cũng theo ngoại trưởng Qatar, quốc trưởng Tamim bin Hamad Al Thani cũng sẽ không rời khỏi đất nước trong bối cảnh Qatar đang "bị cấm vận". Do đó quốc vương Qatar sẽ không tham dự cuộc gặp mặt giữa các bên liên quan theo đề nghị của tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng.
Cũng theo đài Al Jazeera, phát biểu từ Doha, ngoại trưởng Abdul Rahman thậm chí còn khẳng định Qatar có thể duy trì hoạt động bình thường của tiểu vương quốc này trong bối cảnh bị cấm vận.
Ngoại trưởng Qatar tin tưởng có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và sẽ nỗ lực để giảm thiểu những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay.
Ngoại trưởng Qatar cũng nói hiện tại nước này chưa nhận được bất cứ danh sách các yêu cầu của những nước cắt quan hệ với họ. Tuy nhiên ông Mohammed bin Abdulrahman khẳng định Qatar sẽ giải quyết mọi mâu thuẫn bằng các biện pháp hòa bình.
Ông nói: "Sẽ không thể có một giải pháp quân sự cho vấn đề này". (Tuoitre)
---------------------------------
Ai Cập muốn LHQ điều tra nghi án Qatar trả tiền cho khủng bố
Ai Cập yêu cầu Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc điều tra liệu việc Qatar trả tiền cho một nhóm khủng bố ở Iraq để đổi lấy con tin có vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ hay không.
Theo AP, tại phiên họp ngày 8.6, Phó đại sứ Ai Cập tại LHQ Ihab Moustafa đã yêu cầu HĐBA điều tra thông tin Qatar trả đến 2 tỉ USD cho một nhóm khủng bố đang hoạt động tại Iraq để nhóm này thả 26 con tin, bao gồm một số thành viên hoàng gia Qatar.
Những người này bị bắt cóc vào ngày 16.12.2015 khi đang đi săn chim ưng ở một vùng sa mạc tại miền nam Iraq. Nhóm con tin được thả vào ngày 22.4.2017, sau khi một thành viên hoàng gia Qatar đã trả 2 tỉ USD để đảm bảo thỏa thuận này, theo AP.
Phó đại sứ Ai Cập nhấn mạnh rằng nếu Qatar trả tiền chuộc cho một nhóm liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thì đó rõ ràng là hành vi giúp đỡ khủng bố và gây tác động tiêu cực cho nỗ lực chống khủng bố trong khu vực.
Bên cạnh đó, Phó đại sứ Moustafa lập luận rằng toàn bộ 193 nước thành viên LHQ đều bị ràng buộc theo các nghị quyết trừng phạt nhằm ngăn chặn khủng bố được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc đòi tiền chuộc và nhượng bộ chính trị.
Liên quan đến diễn biến khủng hoảng tại Qatar, các nước Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Bahrain và UAE ngày 8.6 ra tuyên bố chung, đưa 71 cá nhân và tổ chức liên quan đến Qatar vào danh sách khủng bố, theo hãng tin Al Jazeera. Trong danh sách này có lãnh đạo tinh thần Yousuf al-Qaradawi của nhóm Huynh đệ Hồi giáo.
Đáp lại, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani tuyên bố nước này sẽ không đầu hàng trước áp lực từ các nước Ả rập lân cận, đồng thời không thay đổi chính sách ngoại giao độc lập để giải quyết mâu thuẫn trong khu vực.(Thanhnien)