Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý chiều 31-08-2017

  • Cập nhật : 31/08/2017

Vượt trội cả kinh tế và quân sự, Trung Quốc đang đẩy Mỹ ra khỏi châu Á?

Tốc độ phát triển nhanh chóng cả trên phương diện kinh tế và quân sự của Trung Quốc khiến các nước láng giềng cảm thấy bất an và có xu hướng xích lại gần Mỹ cũng như Nhật Bản. Song Bắc Kinh đang dùng chính thế mạnh kinh tế để níu kéo.

Sự phát triển nhanh chóng năng lực triển khai các lực lượng ra những vùng biển xa của Trung Quốc đã tạo ra tâm lý lo ngại đối với các nước Đông Nam Á. Dù Bắc Kinh khẳng định đây chỉ là "sự trỗi dậy hòa bình", tốc độ phát triển nhanh chóng cả trên phương diện kinh tế và quân sự của Trung Quốc không thể làm các nước láng giềng cảm thấy yên lòng.

Theo tạp chí National Interest, Giáo sư Huang Jing tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học quốc gia Singapore nhận định, đây chính là lý do khiến các nước Đông Nam Á hoan nghênh sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Á. Bởi sự có mặt của Mỹ được xem là phương thức hiệu quả nhằm duy trì cán cân chiến lược trong khu vực.

Về phần mình, Trung Quốc lại cho rằng, sự có mặt của Mỹ là nhằm tái tạo lập trật tự và an ninh khu vực. Bởi hành động bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã khiến các nước Đông Nam Á tin rằng, Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một trật tự trong khu vực theo ý của riêng mình. 

Vậy điều mà Trung Quốc mong muốn có được từ các nước Đông Nam Á là gì? Thứ nhất và quan trọng nhất là Trung Quốc không muốn chứng kiến có một liên minh chống Trung Quốc trong khu vực đặc biệt là liên minh này do Mỹ dẫn đầu.

Thứ hai, Trung Quốc không muốn chứng kiến tình trạng chia rẽ chính trị và bất ổn ở Đông Nam Á. Bởi trong hoàn cảnh này, các nước trên thế giới như Mỹ sẽ có hành động can thiệp vào chuyện nội bộ của Đông Nam Á.

Theo quan điểm của Trung Quốc, bất cứ sự can thiệp lâu dài nào từ một "thế lực nước ngoài" đối với các nước láng giềng của Trung Quốc cũng được xem là mối đe dọa tiềm tàng.

Và lịch sử đã chứng minh, sự rối loạn chính trị ở Đông Nam Á có thể tạo ra làn sóng phản đối Trung Quốc trong khi những công dân Trung Quốc ở nước ngoài trở thành "người giơ đầu chịu báng" trong cuộc xung đột kinh tế xã hội trong nước. Không chỉ tạo ra thách thức trên mặt trận ngoại giao đối với Bắc Kinh, hoạt động phản đối Trung Quốc ở nước ngoài còn kích động sự phẫn nộ trong xã hội Trung Quốc và từ đó làm ảnh hưởng tới ổn định chính trị trong nước.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không muốn chứng kiến một Đông Nam Á có nền kinh tế kém phát triển và bị chia rẽ. Bởi với vị thế là người tiên phong thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa kinh tế, Trung Quốc mong muốn thu được nhiều lợi ích nhất từ một Đông Nam Á thịnh vượng. Đó là lý do tại sao Trung Quốc đã giang rộng cánh tay hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong giai đoạn xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 – 1998. Và khi tốc độ phát triển kinh tế khu vực hồi sinh, Trung Quốc đã đẩy mạnh hợp tác với ASEAN. Cụ thể, trong giai đoạn 2000 – 2015, hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng 880%. 

Thực tế, Trung Quốc không hoàn toàn giành được thiện cảm của cả Đông Nam Á. Bởi ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh là ngăn các nước trong khu vực nghiêng về phía Mỹ và Nhật Bản.

Về phần mình, Mỹ cũng không thể chống cự được một cuộc đối đầu quy mô lớn với Trung Quốc nếu như không có quốc gia Đông Nam Á nào sẵn lòng cung cấp một căn cứ bền vững cho hoạt động quân sự của Mỹ.

Việc duy trì vị thế trung lập của Đông Nam Á trong cuộc đua cạnh tranh giữa Mỹ - Trung còn giúp Bắc Kinh chiếm ưu thế trong khu vực, tạo đà phát triển kinh tế nhanh chóng, mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị và địa chính trị. Nói cách khác, một Đông Nam Á trung lập và thống nhất về mặt chính trị sẽ phục vụ cho những lợi ích của Trung Quốc. 

Đây cũng là lý do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) nhằm thúc đẩy sự hội nhập kinh tế với Đông Nam Á. Theo ông Tập, chương trình phát triển kinh tế chung thông qua BRI có thể thúc đẩy nền tảng chung giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, nơi mà mọi người đều được hưởng nền hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế, các nước Đông Nam Á vẫn chưa tin rằng phương thức tiếp cận của Trung Quốc sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng cho khu vực. Và chính những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã ảnh hưởng lớn tới lòng tin của các nước láng giềng với Trung Quốc. 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng thừa nhận rằng đối đầu với một nước lớn như Mỹ sẽ không mang lại lợi ích gì cho quốc gia này. Tuy nhiên, trên mặt trận ngoại giao, Bắc Kinh có xu hướng sẵn sàng hợp tác với Washington nhưng cùng lúc, Trung Quốc vẫn tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Mục tiêu của hành động này không phải là để chuẩn bị để giành ưu thế trong một cuộc chiến mà Trung Quốc muốn chứng minh cho Mỹ thấy cái giá đắt phải trả nếu quyết định đối đầu ở Biển Đông. Từ đó, Bắc Kinh sẽ buộc Washington phải mặc cả thỏa thuận thay vì tiến hành chiến tranh.

Nhưng hiện nay, sự cạnh tranh không chỉ xảy ra giữa Mỹ - Trung mà còn cả giữa Trung Quốc và các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông dường như lại bị ràng buộc với Trung Quốc về mặt kinh tế.

thay doi hien trang bien dong la mot phan trong tham vong tao lap trat tu khu vuc theo y cua rieng trung quoc.

Thay đổi hiện trạng Biển Đông là một phần trong tham vọng tạo lập trật tự khu vực theo ý của riêng Trung Quốc.

Đây là lý do, Trung Quốc muốn duy trì hai cuộc chơi này cùng lúc để ngăn cản "sự toàn cầu hóa" những tranh chấp ở Biển Đông đồng thời thi hành chiến lược hai con đường. Cụ thể, Trung Quốc muốn triển khai phương thức tiếp cận đa phương để giải quyết căng thẳng đồng thời thúc đẩy phát triển chung ở khu vực tranh chấp nhưng vẫn khẳng định chỉ giải quyết tranh chấp chủ quyền theo con đường đàm phán song phương. 

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã chứng minh khả năng tạo ra "những quốc gia thân thiện" với Trung Quốc ngay trong khối ASEAN để ngăn ASEAN đưa ra quan điểm thống nhất đối phó với hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Jing, trong hoàn cảnh cán cân chiến lược khu vực đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, việc chính sách đối ngoại chiến lược của Trung Quốc ở Đông Nam Á có đi theo đúng hướng mà Bắc Kinh mong đợi hay không còn là điều quá sớm để kết luận. (Infonet)
-------------------------

Bất ổn tàu chiến Mỹ (*): Dè chừng Hải quân Nga

Theo giới phân tích, nếu Mỹ không hiểu được năng lực của đối thủ và logic của nó, một ngày nào đó, Hải quân Nga có thể sẽ khiến họ kinh ngạc và phải trả giá

Hiện nay, Hải quân Nga hoạt động rầm rộ hơn những năm trước. Nga vẫn phụ thuộc vào những gì còn lại của hải quân thời Liên Xô nhưng lực lượng mới không ngừng lớn mạnh.

Không nhằm đối đầu

Hải quân Nga đang trong tình trạng tốt hơn hết ở thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh. Lực lượng hải quân nước này cho thấy sự khác biệt, có chiến lược riêng.

Bất ổn tàu chiến Mỹ (*): Dè chừng Hải quân Nga - Ảnh 1.

Tàu chiến Nga trong cuộc diễu binh tại cảng Sevastopol ở biển Đen hôm 30-7 Ảnh: REUTERS

Nhà phân tích Michael Kofman cho rằng Mỹ không hãi sợ Hải quân Nga mà tôn trọng và điều nghiên xem Moscow đang cố gắng thực hiện điều gì với lực lượng này. Theo ông, nếu Mỹ không hiểu được năng lực của đối thủ và logic của nó, một ngày nào đó, Hải quân Nga có thể sẽ khiến họ kinh ngạc và phải trả giá.

Tạp chí National Interest nhấn mạnh Hải quân Nga xây dựng hiện đại không nhằm cạnh tranh với Hải quân Mỹ, không để đối đầu mà là phục vụ chiến lược của một cường quốc nằm cả ở châu Âu và châu Á. Dù có thể còn kém sự hùng mạnh của Liên Xô nhưng Nga vẫn là một cường quốc với năng lực quân sự tiềm tàng. Các lực lượng vũ trang Nga đủ mạnh để áp đặt đòn trừng phạt đáng kể trong một cuộc xung đột, thậm chí trưng dụng kho vũ khí hạt nhân. Hải quân Nga đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược đó và sẽ không bị giám sát, bất chấp những thiếu sót của lực lượng này.

Mới đây, học thuyết quân sự Hải quân Nga đến hết năm 2030 đã được thông qua, xác định mục tiêu duy trì vị thế của cường quốc hải quân hạng nhì thế giới. Trong khi sức mạnh tàu ngầm Nga vẫn còn nắm giữ vị trí thứ hai về năng lực - nhất là hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo, Moscow không có kế hoạch làm cho hải quân nước này thành đối thủ cạnh tranh với Mỹ hoặc Trung Quốc.

Quan điểm của Nga là xây dựng một lực lượng hải quân có thể giữ Mỹ ở một khoảng cách nhất định và kết hợp với các tầng lớp phòng thủ, tên lửa đối hạm tầm xa, máy bay bố trí trên đất liền, tàu ngầm, khẩu đội tên lửa đạn đạo bờ biển và ngư lôi. Qua đó, Nga hy vọng sẽ ngăn cản Hải quân Mỹ tiếp cận và khiến các hoạt động xâm nhập phải trả giá. Hải quân Nga cũng đang được bố trí để thực hiện các cuộc tấn công dài hơi bằng vũ khí quy ước và đóng một vai trò quan trọng trong trường hợp xảy ra leo thang hạt nhân.

Sức mạnh tác chiến trên biển của Nga là đội tàu chiến thời Liên Xô cùng với những chiếc tàu khu trục và tàu hộ tống mới. Trên 30% tàu chiến từ thời Liên Xô đã được đưa vào chương trình hiện đại hóa quy mô. Ngoài ra, nhiều khả năng Nga sẽ giữ lại các tàu tuần dương lớp Kirov và lớp Slava thêm một thời gian dài làm tàu đô đốc và trụ cột, trong khi tàu tuần dương Đô đốc Nakhimov đã hoàn tất việc hiện đại hóa đầy tốn kém.

Nga cũng đã bắt đầu chương trình đóng các loại tàu khu trục với hy vọng sẽ chuyển sang các lớp tàu lớn hơn. Đây là phương thức hợp lý để khôi phục ngành đóng tàu vốn bị đánh giá là kém cỏi nhất trong các xí nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Nga. Các tàu lớn hơn sẽ trang bị hệ thống phòng không Poliment-Redut, radar tối tân và linh hoạt hơn trong mọi vai trò có thể thể hiện.

Tàu ngầm tốt nhất

Máy bay ném bom tầm xa có thể đảm đương những cuộc không kích tên lửa nhắm các mục tiêu nằm cách xa biên giới đáng kể. Trong khi đó, nhiệm vụ của tàu ngầm chỉ đơn giản là bảo vệ các pháo đài tên lửa đạn đạo và gây ra mối đe dọa có thể đối với Mỹ. Chưa kể, Nga cũng có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớn thứ hai trên thế giới.

Giống như hạm đội thời Xô viết, tàu ngầm là những con tàu tốt nhất của Hải quân Nga, dù lực lượng này có lẽ chỉ bằng 1/5 so với thời trước. Tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga gồm 10 chiếc Akula, 8 Oscar, 3 Victor III và 3 Sierra. Ngoài ra, hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo có 6 chiếc Delta IV và 3 chiếc Delta III, cùng với 3 chiếc thuộc lớp Borei đang được đóng. Lực lượng tàu ngầm chạy bằng điện diesel gồm 14 chiếc Kilo thuộc Đề án 877, 6 chiếc thuộc Đề án 636.3 được cải tiến trong Hạm đội Biển Đen và 6 chiếc khác đang được đóng cho Hạm đội Thái Bình Dương.

Một số tàu ngầm của Nga sẽ bắt đầu "già cỗi" vào những năm 2020 và 2030, số khác được kéo dài tuổi thọ và được hiện đại hóa. Một số tàu ngầm năng lượng hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Nga đang được nâng cấp. Tuy vậy, nhiều chiếc không được hoạt động nhiều. Căn cứ theo chiến lược của Hải quân Nga - tập trung bảo vệ các tuyến đường biển, chúng không phải thực hiện những chuyến hải hành xa nhà.

Không ít người tin rằng hạm đội tàu ngầm của Nga đang nhanh chóng đi đến cuối quãng đời của mình vào năm 2030 và không thể được thay thế đúng lúc. Lúc này, Nga có kế hoạch nâng cấp khoảng một nửa số tàu ngầm Akula và Oscar, với các hệ thống và tên lửa mới. 72 gói tên lửa sẽ được sản xuất dành cho tàu ngầm tên lửa đạn đạo Oscar. Số tàu ngầm không được nâng cấp sẽ "về hưu" vào năm 2030, trong đó có khoảng 4-6 chiếc Akula, 4 Oscar. Loại tàu ngầm lớp Sierra sẽ được giữ lại do thân tàu làm bằng titan cực bền.

Nga cũng đang đóng thêm 5 chiếc tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Borei và sắp hoàn tất chiếc tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Yasen thứ hai (Mỹ gọi là tàu ngầm lớp Severodvinsk), tên gọi Kazan. Tàu Kazan (Đề án 885M) là phiên bản cải tiến của lớp Severodvinsk và là tàu chỉ huy đích thực thuộc lớp này.(NLĐ)
---------------

Các tiểu đoàn NATO tại Đông Âu đi vào hoạt động

Ngày 29/8, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố 4 tiểu đoàn đa quốc gia đóng tại các nước Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan đã chính thức đi vào hoạt động.

 

cac bo truong quoc phong nato nhom hop trong hai ngay 26-27/10/2016 tai brussels (bi) nham danh gia viec trien khai 4 tieu doan da quoc gia toi 3 nuoc vung baltic va ba lan. anh: ap/ttxvn

Các Bộ trưởng Quốc phòng NATO nhóm họp trong hai ngày 26-27/10/2016 tại Brussels (Bỉ) nhằm đánh giá việc triển khai 4 tiểu đoàn đa quốc gia tới 3 nước vùng Baltic và Ba Lan. Ảnh: AP/TTXVN

 

Phóng viên TTXVN tại Brussels (Bỉ) dẫn bản tuyên bố của NATO cho biết đây là kết quả sau khi tiểu đoàn do Canada chịu trách nhiệm chỉ huy đóng tại Latvia, cũng là nhóm cuối cùng, đã hoàn thành các đợt huấn luyện và đạt yêu cầu. 

Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Vácsava, Ba Lan năm 2016 đã thông qua quyết định triển khai luân phiên các tiểu đoàn đa quốc gia tại Ba Lan và 3 nước Baltic là Latvia, Litva, Estonia theo yêu cầu của những nước này. Nòng cốt tiểu đoàn được triển khai tại Latvia do Canada đảm nhận, tại Litva do Đức, tại Estonia là Anh và Ba Lan do Mỹ đảm trách. 

Trong thành phần tiểu đoàn NATO ở Estonia sẽ có 1.200 người, trong đó 800 binh sĩ đến từ Anh, số còn lại là Pháp. Anh đang cung cấp các loại xe chiến đấu Warrior, xe tăng Challenger 2 và các thiết bị do thám không người lái. Pháp cũng sẽ cung cấp thiết bị chiến đấu hạng nặng. 

Đến nay, cả 4 tiểu đoàn đa quốc gia với tổng cộng 4.500 quân đã được triển khai đầy đủ theo quyết định của NATO, trong đó Canada, Đức, Anh và Mỹ mỗi nước chịu trách nhiệm chỉ huy một tiểu đoàn.(TTXVN)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 31-08-20172

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 31-08-2017

    Tổng thống Donald Trump cung cấp vũ khí “cấm” cho cảnh sát?; Lính chuyển giới kiện Tổng thống Mỹ; Ông Trump bị đối nội, đối ngoại bao vây; Mỹ lo đối phó Nga ở Đông Âu

  • Tin thế giới đáng chú ý sáng 31-08-20173

    Tin thế giới đáng chú ý sáng 31-08-2017

    Mỹ chặn đứng tham vọng khôi phục chương trình hạt nhân của Ukraine; Đức tỏ rõ bất đồng với Mỹ vì trừng phạt Nga; Tehran: Mỹ đừng 'mơ' Iran cho LHQ kiểm tra hạt nhân ở cơ sở quân sự

Bài cùng chuyên mục