Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý trưa 31-08-2017
- Cập nhật : 31/08/2017
Tổng thống Donald Trump cung cấp vũ khí “cấm” cho cảnh sát?
Tờ AP mới đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ lại cho phép Lầu Năm Góc cung cấp các loại vũ khí bị cho là không cần thiết cho lực lượng cảnh sát Mỹ trong thời gian tới.
Theo một chương trình được thực hiện từ năm 1990 và bị ngừng lại năm 2015, cảnh sát Mỹ có thể tiếp nhận các loại vũ khí cỡ nòng lớn, các loại súng phóng lựu, xe bọc thép và các trang thiết bị quân sự khác. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong năm 2015 đã hạn chế chương trình này do sự phẫn nộ của người dân đối với lực lượng cảnh sát khi cảnh sát sử dụng súng bắn vào người da màu Mỹ tại sự vụ ở Ferguson. Cụ thể, cựu Tổng thống Obama đã cấm cung cấp cho cảnh sát các loại súng phóng lựu, các trực thăng quân sự và các loại súng đạn có cỡ nòng lớn.
“Sự hạn chế này đã đi quá xa”, Tổng chưởng lý Mỹ Jeff Seshs nói khi ám chỉ chính sách của cựu Tổng thống Obama. “Các ông có thể sẽ nhận được các trang thiết bị có thể cứu được mạng sống của các ông và cần thiết cho công việc của các ông”- ông Jeff Seshs nói với lực lượng cảnh sát Mỹ.
Dự kiến sắc lệnh mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cho phép lực lượng cảnh sát lại được quân đội cung cấp các loại áo chống đạn, các loại vũ khí sát thương và các loại đạn dược khác.
Hiện một loạt tổ chức bảo vệ pháp luật của Mỹ đang phản đối kế hoạch này của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Cụ thể, Liên hiệp trợ giúp sự tiến bộ của người da màu (NAACP) đã coi kế hoạch này của chính quyền là “bước đi đầy nguy hiểm và vô trách nhiệm”.(infonet)
--------------------
Lính chuyển giới kiện Tổng thống Mỹ
Các binh sĩ chuyển giới Mỹ đã đệ đơn kiện lên tòa phản đối Tổng thống Donald Trump ban hành lệnh cấm họ nhập ngũ, theo tờ The Telegraph.
Vào ngày 25.8, Tổng thống Trump đã chỉ thị Lầu Năm Góc áp đặt lệnh cấm vô thời hạn, theo đó không cho phép người chuyển giới gia nhập quân đội. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng từ chối bình luận về trường hợp những binh sĩ chuyển giới tại ngũ.
Tổ chức nhân quyền Lambda Legal thay mặt hai người muốn nhập ngũ và Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ đại diện cho nhiều binh sĩ chuyển giới đã đệ hai đơn kiện phản đối lệnh cấm.
“Lệnh cấm này ngăn chặn người Mỹ yêu nước có tài năng phục vụ quân đội. Hàng ngàn quân nhân công khai chuyện chuyển giới đang phục vụ quân đội, chưa kể đến nhiều người trong những thập niên qua bị buộc phải che giấu và giữ im lặng”, ông Peter Renn, cố vấn pháp lý của Lambda Legal, cho biết.(Thanhnien)
-----------------------------
Ông Trump bị đối nội, đối ngoại bao vây
Chưa thoát khỏi ám ảnh hỗn loạn nhân sự Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump giờ lại bị bao vây bởi các thách thức đối nội lẫn đối ngoại. Cơn bão nhiệt đới Harvey trong nước và Triều Tiên hiện đang là hai thách thức lớn nhất cho khả năng lãnh đạo của ông Trump.
Ngày 29-8 ông Trump đến bang Texas – tâm bão. Bài phát biểu của ông có nói đến việc tái thiết sau bão nhưng lại đề cập quá ít đến các nạn nhân, trong khi đó lại tập trung nhiều vào sự thể hiện của chính phủ trong khắc phục bão.
“Theo ý tôi, điều đầu tiên ông ấy nói đến nên là sự chia buồn với người dân Houston đã và đang trải qua cơn bão, và chính phủ đang bên cạnh để giúp họ hồi phục” – Thư ký truyền thông Ari Fleischer của Tổng thống George W. Bush nói với Fox News. Texas là quê Tổng thống Bush.
Thực ra ông Trump theo dõi rất sát diễn biến bão Harvey, liên tục đưa bình luận lên Twitter rằng đó là cơn bão “lịch sử”, “chưa có tiền lệ”, xuất hiện “trong vòng 500 năm”. Tuy nhiên bài phát biểu của ông là một thất bại khi Giáo sư lịch sử Douglas Brinkley tại đại học Rice (Houston, Mỹ) nói ông không cảm nhận được sự thông cảm với nạn nhân của ông Trump trong bài phát biểu này.
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Thống đốc Texas Greg Abbott nghe báo cáo về tình hình cứu hộ bão Harley ở Texas ngày 29-8. Ảnh: REUTERS
Chuyến đi của ông Trump đến Texas và Louisiana được lên kế hoạch cẩn thận nhưng vẫn không tránh được cảm giác đó là một sự kiện chính trị thay vì một nỗ lực giảm nhẹ thảm họa. Đón ông Trump tại Texas là hàng trăm người ủng hộ cầm biểu ngữ hô to “Texas mạnh mẽ! Chúng tôi yêu Trump!”.
“Ôi đám đông này, lượng người này” – Ông Trump phát biểu trước đám đông sau khi được báo cáo về tình hình bão, đánh giá cao hàng trăm người tới dự, trước khi cám ơn thống đốc và các nghị sĩ Texas.
Về Triều Tiên, trong 3 tuần đầu tháng 8 nước này không thử tên lửa, và chính phủ Trump cho rằng các đe dọa cứng rắn của mình đã phát huy hiệu quả, Triều Tiên có vẻ đã biết nghe lời. Tuần trước, ông Trump nói rằng ông Kim Jong-un “đã bắt đầu tôn trọng” Mỹ.
“Tôi đánh giá cao thực tế mà tôi nghĩ là ông ấy đang bắt đầu tôn trọng chúng ta. Tôi đánh giá rất cao điều đó” – theo ông Trump.
“Đó không phải là một dấu hiệu của sự tôn trọng khi bắn tên lửa ngang qua Nhật, mà là một sự trả lời với tổng thống” - Giáo sư Douglas Brinkley cho rằng ông Trump đã tự gây phức tạp cho mình với phát ngôn này.
Không lâu sau những lời này, ngày 25-8, Triều Tiên thử 3 tên lửa tầm ngắn, tiếp đó là vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 qua lãnh thổ Nhật ngày 29-8. Đây được xem là hành động khiêu khích nghiêm trọng nhất trong suốt 5 năm cầm quyền của ông Kim Jong-un.
Rất nhanh sau vụ thử này ông Trump một lần nữa lại nhắc đến cụm từ “mọi phương án đều được cân nhắc”. Tuyên bố này nhẹ hơn rất nhiều so với các tuyên bố trong những lần thử tên lửa đạn đạo trước của Triều Tiên, chưa kể nó còn không khớp với nội dung tuyên bố trước.
Sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cuối tháng trước của Triều Tiên, ông Trump đe dọa sẽ nhấn chìm Triều Tiên bằng “hỏa lực và thịnh nộ” có thêm hành động khiêu khích nào nữa với Mỹ và đồng minh. Đúng như nhận định của ông Michael Steele - cựu Chủ tịch Ủy ban Cộng hòa Quốc gia, rằng một trong những thách thức lớn với chính phủ Trump là thiếu kiên định và đã không đi đúng đường ngay từ đầu.
Và một ngày sau lời nói của ông Trump, ông Kim Jong-un chỉ đạo tiếp tục thử vũ khí ra Thái Bình Dương, mục đích nhằm củng cố khả năng đánh Guam.
Theo nhà chiến lược Cộng hòa Doug Heye, thông thường các cuộc khủng hoảng dù đối nội hay đối ngoại đều mang lại cho các tổng thống cơ hội thể hiện khả năng lãnh đạo, giải quyết vấn đề, gia tăng sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên thách thức mà ông Trump phải đối mặt là đã làm mất sự ủng hộ của rất nhiều người Mỹ với các cuộc khủng hoảng do chính ông tạo ra. Mà nếu có giải quyết ổn thỏa các khủng hoảng này ông ấy cũng không bao giờ tìm lại được lòng tin của họ. Tỷ lệ ủng hộ ông Trump hiện chỉ 35% - theo thăm dò của Gallup – một tỷ lệ đáng báo động.
Cần nhắc lại, các cuộc điều tra khả năng Nga thông đồng đội tranh cử của ông để can thiệp bầu cử Mỹ vẫn chưa kết thúc. Ông Trump lại đang trong cuộc chiến mở với rất nhiều nghị sĩ Cộng hòa, xung đột với nhiều thành viên nội các sau tuyên bố đổ lỗi cho các nhà hoạt động chống phân biệt sắc tộc trong cuộc xung đột Charlottesville.(PLO)
-----------------------
Mỹ lo đối phó Nga ở Đông Âu
Các binh sĩ Nga và Belarus tham gia cuộc tập trận "Zapad-2017" (từ ngày 14 đến 20-9) sẽ trở về vị trí đóng quân thường trực trước ngày 30-9. Thứ trưởng Quốc phòng thứ nhất Belarus Oleg Belokonev đã thông báo như vậy tại cuộc họp báo ở TP Minsk ngày 29-8.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin cũng tuyên bố cuộc tập trận quy mô lớn năm nay giữa Nga và Belarus - diễn ra đều đặn 2 năm 1 lần - sẽ diễn tập kịch bản thuần phòng thủ. Ông phủ nhận lời đồn đại đây là bước đệm để Nga "xâm lược Ba Lan, Lithuania hoặc Ukraine". Hơn nữa, các tùy viên quân sự nước ngoài sẽ được mời quan sát cuộc tập trận vào ngày 18-9.
Theo trang tin Newsru, khoảng 12.700 binh sĩ sẽ tham gia tập trận lần này, gồm 7.200 binh sĩ Belarus và 5.500 binh sĩ Nga - trong đó khoảng 3.000 người đóng trên lãnh thổ Belarus. Khoảng 70 máy bay chiến đấu và trực thăng, 700 đơn vị khí tài hạng nặng - gồm 250 xe tăng, 10 tàu chiến và các hệ thống pháo binh, tên lửa khác nhau - cũng được huy động cho cuộc tập trận.
Cuộc tập trận Zapad-2017 chưa diễn ra nhưng đã khiến một số quốc gia lo ngại do binh sĩ Nga cùng với khí tài hạng nặng sẽ được đưa đến bên trong lãnh thổ Belarus, đồng minh của Nga giáp biên giới Ukraine cũng như Ba Lan, Latvia và Lithuania - các nước thành viên NATO. Tháng trước, theo Reuters, Trung tướng Ben Hodges, Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, cho biết các đồng minh của Mỹ tại Đông Âu và Ukraine e ngại cuộc tập trận này có thể là "con ngựa thành Troy", nhằm để lại trang thiết bị quân sự đã mang vào Belarus.
Để đối phó Nga, theo báo The Wall Street Journal, Mỹ đã triển khai một lữ đoàn xe tăng đến Trung và Đông Âu nhằm tăng cường bảo vệ mạn sườn phía Đông của NATO. Ngày 29-8, Mỹ cử 7 chiến đấu cơ F-15C từ Anh đến Lithuania để nhận lãnh sứ mệnh kiểm soát khoảng không gian khu vực Baltic. Trước đó, Ba Lan đã triển khai 4 chiếc F-16 làm nhiệm vụ này nhưng Mỹ vẫn huy động 7chiến đấu cơ do NATO dự kiến Nga gia tăng các hoạt động quân sự. Ngoài ra, Mỹ sẽ cử 140 lính không quân đến Lithuania hỗ trợ sứ mệnh nêu trên.(NLĐ)