Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý tối 31-08-2017
- Cập nhật : 31/08/2017
Đằng sau phiên tòa xét xử cựu Thủ tướng Yingluck và những nước cờ chính trị ở Thái Lan
Một diễn biến bất ngờ đã xảy ra vào ngày 25/8 với việc cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bí mật rời khỏi đất nước trước khi phiên tòa tuyên án bà diễn ra. Điều này dấy lên nhiều câu hỏi về điều gì đang xảy ra trong chính trường Thái Lan và tương lai chính sự của quốc gia này sẽ đi tới đâu.
Hiện tại phiên toàn tuyên án bà Yingluck Shinawatra đã được trì hoãn và lùi đến ngày 27/9. Dưới đây là những thắc mắc then chốt về tình hình hiện tại ở Thái Lan do phóng viên đài BBC (Anh) tổng hợp và giải đáp.
Điều gì khiến bà Yingluck bị truy tố?
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck đã bị khởi tố bởi sự lơ là, về cơ bản là bà đã bất lực trong việc ngăn chặn thiệt hại và tham nhũng trong chương trình trợ cấp giá gạo được tiến hành dưới thời gian bà giữ vị trí lãnh đạo đất nước.
Nếu bị xác nhận là phạm tội, bà Yingluck có thể phải đối mặt với bản án 10 năm trong tù. Chính phủ của bà Yingluck đã bị lật đổ bởi quân đội Thái Lan và bà bị phế truất trong năm 2014.
Bà Yingluck khẳng định vụ việc này liên quan tới chính trị
Bà Yingluck được bầu làm Thủ tướng trong năm 2011 và là em gái của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra. Cuộc đảo chính năm 2006 do quân đội Thái Lan tiến hành đã lật đổ ghế Thủ tướng của ông Thaksin Shinawatra.
Giống như anh trai mình, người bị ảnh hưởng nhiều bởi đảng Pheu Thai, bà Yingluck lại áp dụng chính sách dân túy, do vậy cựu Thủ tướng này nhận được nhiều ủng hộ từ vùng nông thôn phía bắc và đông bắc. Một trong những chính sách này là kế hoạch mua gạo của nông dân với mức giá ưu đãi. Chính phủ quân đội khẳng định rằng điều này đã làm nhà nước thiệt hại ít nhất 8 tỉ USD và liên quan tới tham nhũng,
BBC cho rằng hiện chưa thể nhận ra chiều hướng chính trị trong phiên tòa xét xử cựu Thủ tướng Yingluck bởi quân đội đã lật đổ chính quyền của bà trong một cuộc đảo chính và những nhà cầm quyền hiện tại khó có thể coi là công bằng. Và tất nhiên dưới một chính phủ quân sự, luôn có nghi ngờ rằng bộ máy tư pháp có thể bị ảnh hưởng.
Nghi vấn chính chính phủ đã giúp bà Yingluck rời Thái Lan
Có nhiều trông đợi rằng bà Yingluck sẽ xuất hiện tại phiên tòa xét xử vào ngày 25/8 do vậy việc bà đột nhiên biến mất khiến những người ủng hộ và cả các thành viên gia đình cựu Thủ Tướng thấy bất ngờ. Đặc biệt khi sự kiện diễn ra quá nhanh chóng và trong “những phút cuối” khi phiên tòa ra phán quyết cận kề.
Một tờ lịch với hình ảnh cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và anh trai Thaksin tại một cửa hàng ở Bangkok. Ảnh: Reuters
Chính phủ Thái Lan hoàn toàn phủ nhận nhưng nhiều ý kiến khẳng định thật khó để tưởng tượng rằng bà Yingluck có thể ra khỏi lãnh thổ quốc gia này mà không gây chú ý.
Trong nhiều tháng trời, bà Yingluck luôn giữ bản lĩnh cứng rắn, từ chối rời Thái Lan. BBC cho rằng chuyến "trốn chạy" khỏi Thái Lan của bà Yingluck “sẽ được các quan chức cấp cao chào đón” bất chấp thực sự có thông đồng giữa hai phía hay không.
Cơ sở nào cho nghi ngờ chính phủ “vẽ đường” để bà Yingluck rời đi?
Trước khi phiên tòa phán xử diễn ra, chính phủ quân sự của Thái Lan phải đối mặt với nỗi lo: Bất kể phán quyết cuối cùng như thế nào, sẽ có phản ứng giận dữ từ hai phía. Nếu bà Yingluck được tuyên bố trắng án, phía phản đối sẽ thấy bất mãn. Trong trường hợp bà Yingluck phải nhận án tù, những người ủng hộ bà chắc chắn sẽ bất bình.
Từ đó, nhiều nhận định cho rằng việc bà Yingluck rời đi là giải pháp tối ưu đối với chính phủ Thái Lan. Điều này còn xảy ra trong thời điểm nhạy cảm của Thái Lan. Vào tháng 10 tới, Thái Lan dự kiến tổ chức hỏa táng di hài Nhà vua Bhumibol Adulyadej quá cố do vậy chính phủ muốn có sự bình yên toàn vẹn trên toàn đất nước.
Phản ứng của người ủng hộ bà Yingluck?
Khi nhận được tin bà Yingluck rời Thái Lan, những người ủng hộ cựu Thủ tướng này đã cảm thấy sốc.
Kể từ năm 2001 đến nay, đảng Pheu Thai của bà Yingluck luôn thắng trong các cuộc bầu cử, song hiện phải đối mặt với một vấn đề: Không còn bất cứ thành viên nào trong gia đình Shinawatra đảm nhận vai trò dẫn dắt đảng.
Tuy nhiên với nền tảng hỗ trợ lớn, Pheu Thai chắc chắn duy trì vai trò đảng phái chính trị lớn nhất tại Thái Lan.
Điều gì sẽ đến với nền dân chủ Thái Lan?
Theo BBC, hiện tại không có đảng nào có thể thay thế Pheu Thai. Đảng Pheu Thai nhận được cảm tình lớn tại miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan, những nơi chiếm tới 40% cử tri của quốc gia này. Nhưng những tổn thất mà Pheu Thai phải chịu có thể giảm thiểu khả năng hình thành chính phủ của đảng này.
Hiến pháp mới của Thái Lan được Nhà Vua ký thành luật trong tháng 4 đã bác bỏ quyền lực của đảng được bầu. Dưới hệ thống bầu cử mới, Pheu Thai sẽ gặp khó khăn trong việc thắng hoàn toàn số đông như từng gặt hái được trong quá khứ. Do vậy, có khả năng rằng sự cầm quyền của Pheu Thai có thể bị thay thế bởi tổ chức chính trị khác với tầng lớp quân đội và hoàng gia đóng vai trò ảnh hưởng.
Phán quyết của tòa án có thể dẫn tới điều gì?
Khó có khả năng bà Yingluck được tuyên bố trắng án. Việc bà Yingluck rời khỏi Thái Lan cũng khiến những người ủng hộ bà mất đi một biểu tượng.
Theo BBC, Thái Lan đã bị chia rẽ và phân cực trong vòng 12 năm qua. Quân đội và phe bảo thủ không có khả năng làm giảm danh tiếng của gia đình Shinawatra nhưng những người nhà Shinawatra cũng chưa thể quay lại vị trí đỉnh cao mà họ từng có.
Do vậy giả thiết cuối cùng là hoặc một trong hai phía phải chịu tổn hại hoặc sẽ có đàm phán. Vế phía sau được đánh giá không khả thi ở thời điểm này nhưng cũng chưa thể rõ ràng rằng tình thế hiện nay đại diện cho sự khởi đầu hay kết cục cuối cùng của tầm ảnh hưởng từ gia đình Shinawatra.(Baotintuc)
-------------------------------
Trung Quốc đối mặt "phép thử thật sự"
Vụ phóng tên lửa bay qua Nhật Bản mới nhất của Triều Tiên (hôm 29-8) được xem là "thử thách thật sự" đối với Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với đài CNBC đăng tải ngày 29-8, chuyên gia cấp cao thuộc Hội đồng Atlantic (Mỹ) Robert Manning nhận định: "Bắc Kinh biết rõ Bình Nhưỡng đã thực sự thay đổi cuộcchơi bằng vụ thử tên lửa ngày 29-8 cũng như gây nhiều nguy cơ hơn".
"Hiện tại, không có gì để bào chữa cho việc làm ăn với Triều Tiên. Nếu người Trung Quốc không ngừng hoạt động kinh doanh với láng giềng, điều đó chứng tỏ họ không nghiêm túc" – ông Manning nói thêm.
Hơn 2/3 giao dịch nước ngoài của Triều Tiên đến từ nước láng giềng Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể hành động nhiều hơn để giảm các hoạt động kinh tế với Bình Nhưỡng. Đầu năm nay, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên. Hôm 25-8, Bộ Thương mại Trung Quốc cấm các cá nhân và doanh nghiệp Triều Tiên kinh doanh ở đại lục.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực cung cấp năng lượng, Bắc Kinh vẫn chưa siết chặt các biện pháp hạn chế đối với Bình Nhưỡng. Ông Anwita Basu, chuyên gia phân tích về Indonesia, Philippines và Triều Tiên của Tổ chức Tình báo kinh tế (EIU, trụ sở tại Anh), cho biết: "Trung Quốc không đồng ý với lệnh trừng phạt Triều Tiên vì họ không muốn làm mất ổn định bên nước láng giềng".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: REUTERS
Bắc Kinh muốn duy trì tình trạng như bây giờ bất chấp những căng thẳng chưa được giải quyết xoay quanh Triều Tiên và mối đe doạ hạt nhân, một phần là do sự sụp đổ của chế độ nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đẩy làn sóng người tị nạn tràn vào vùng Đông Bắc Trung Quốc, đồng thời có khả năng kéo Mỹ hoặc Hàn Quốc tới gần biên giới nước này.
Theo CNBC, giữ cho Triều Tiên ổn định là mục tiêu đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc vì Bắc Kinh sắp tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XIX vào mùa thu này.
Trước đó, sau vụ Triều Tiên phóng một quả tên lửa đạn đạo vượt qua không phận Nhật Bản sáng 29-8 (giờ địa phương), kênh truyền hình NHK đưa tin hệ thống phòng thủ tên lửa của Tokyo chỉ "đứng nhìn" mà không can thiệp cho tới khi tên lửa vỡ thành 3 mảnh và rơi xuống biển.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa kêu gọi Triều Tiên và các bên liên quan kiềm chế và ngồi vào bàn đàm phán. Ngược lại, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên án vụ thử nghiệm là hành động "liều lĩnh, mối đe dọa nghiêm trọng chưa từng xảy ra". Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố Washington đang xem xét tất cả lựa chọn chống lại Bình Nhưỡng.(NLĐ)
--------------------
Saudi Arabia cấm 400.000 người hành hương bất hợp pháp vào thánh địa Mecca
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, truyền thông Saudi Arabia cho biết nước này đã cấm hơn 400.000 người hành hương bất hợp pháp vào thánh địa Mecca do không có giấy phép tham dự lễ hành hương Hajj.
Các tín đồ Hồi giáo Pakistan tới Jeddah, Saudi Arabia ngày 24/7 để tham gia lễ hành hương Hajj. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Nội vụ Saudia Arabia đã đưa ra vấn đề trên trong một cuộc họp báo bàn về kế hoạch an ninh cho lễ hành hương Haji - lễ thánh lớn nhất hàng năm của người Hồi giáo, dự kiến sẽ đón 2 triệu người hành hương.
Saudia Arabia đã thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm các điều khoản phạt tiền và hình phạt tù đối với những người vi phạm để đảm bảo các nghi lễ Hajj suôn sẻ cho người hành hương.
Bộ Nội vụ nước này cũng tuyên bố rằng cho đến ngày 29/8, có 1,7 triệu người hành hương từ các nước và khoảng 200.000 người hành hương ở Saudi Arabia đã đến thánh địa Mecca.(TTXVN)
------------------
Nga chưa tập trận, NATO lo xa
Nga đã cố trấn an dư luận liên quan đến cuộc tập trận Zapad-2017 sẽ diễn ra vào tháng 9 tới, đồng thời tuyên bố cuộc tập trận quy mô lớn này sẽ diễn tập kịch bản thuần phòng thủ.
Ngoài ra, Nga phủ nhận lời đồn đại đây là bước đệm để xâm lược Ba Lan, Lithuania hoặc Ukraine và thừa nhận cuộc tập trận trên phù hợp với quy định quốc tế.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin hôm 29-8 đã quả quyết với các vị tùy viên quân sự phương Tây ở Moscow rằng phương Tây chẳng có gì phải lo sợ.
Lính Nga trong một cuộc tập trận. Ảnh: INFOWAR
"Một số người đã đi quá xa khi nói rằng cuộc tập trận Zapad-2017 sẽ được sử dụng như bước đệm để xâm chiếm Lithuania, Ba Lan hoặc Ukraine. Chẳng có gì phù hợp với thực tế cả" - ông Fomin tuyên bố.
Thêm vào đó, ông nhận định giả thuyết cho rằng Nga gây ra mối đe dọa đối với nước nào đó là "chuyện hoang đường". Ông cũng xác nhận cuộc tập trận này diễn ra đều đặn với đồng minh Belarus cứ 2 năm 1 lần.
Cuộc tập trận trên - từ ngày 14 đến 20-9 ở Belarus, miền Tây nước Nga và khu vực Kaliningrad của Nga - sẽ diễn ra theo kịch bản các nhóm quá khích tiến hành cuộc tấn công.
Moscow thông báo khoảng 13.000 quân nhân Nga và Belarus sẽ tham gia cùng với khoảng 70 máy bay và trực thăng. Ngoài ra, khoảng 700 đơn vị khí tài hạng nặng sẽ được triển khai, trong đó có khoảng 250 xe tăng, 10 tàu và các hệ thống pháo binh và tên lửa khác nhau.
Cuộc tập trận Zapad-2017 bây giờ chưa diễn ra nhưng đã khuấy động ở một số quốc gia bởi vì binh sĩ Nga và khí tài hạng nặng sẽ đến bên trong lãnh thổ Belarus, đồng minh của Nga giáp biên giới Ukraine cũng như các nước thành viên NATO Ba Lan, Latvia và Lithuania.
Tháng trước, trung tướng Ben Hodges, tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, cho biết các đồng minh của Mỹ ở Đông Âu và Ukraine đã bày tỏ lo ngại cuộc tập trận nêu trên có thể là "con ngựa thành Troy", nhằm mục đích để lại trang thiết bị quân sự đã mang vào Belarus.
Còn Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước đã nhấn mạnh liên minh này sẽ theo dõi sát sao sự kiện trên. Ông này đã từng lên tiếng cảnh báo số lượng binh sĩ Nga tham gia tập trận có thể nhiều hơn đáng kể so với số lượng được tiết lộ chính thức.(NLĐ)