Ấn Độ, Trung Quốc "tra kiếm vào bao" vì hội nghị BRICS
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có thể sang Trung Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS từ ngày 3 - 5/9/2017. Ảnh: The Financial Express.
Tờ Washington Post Mỹ ngày 28/8 cho rằng thông tin kết thúc đối đầu ở Doklam đúng vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Trung Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS.
Một quan chức Ấn Độ cho biết hai bên có cách xử sự “chín chắn”, đồng ý quay trở lại trạng thái trước kia. Học giả Ấn Độ cho rằng hai bên đều ý thức được đối đầu Doklam không phải là vấn đề mà hai bên phải dùng đến súng ống để giải quyết, bởi vì làm như vậy thì quan hệ hai nước sẽ bị hủy hoại trong chốc lát.
Mặc dù nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa hai bên đã qua đi, nhưng những chỉ trích gay gắt đối với nhau trong thời gian qua giữa hai bên sẽ làm cho quan hệ Trung - Ấn không còn tốt như trước đây.
Theo tờ Thời báo New York ngày 28/8, Ấn Độ đồng ý rút quân là tín hiệu đầu tiên cho thấy cục diện ngoại giao khó khăn nhất giữa Trung - Ấn xảy ra trong gần vài chục năm qua đã bắt đầu dịu đi. Nhưng không rõ quan chức hai nước có đạt được tiến triển về một giải pháp mang tính bền vững hay không.
Bởi lẽ tuần tới, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ đến thăm Trung Quốc, tạo thêm động lực cho quan chức hai nước tìm ra giải pháp. Thị trường cổ phiếu Ấn Độ đã có diễn biến tốt hơn sau thông tin rút quân được đưa ra. Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: CGTN.
Trước đó, báo chí Ấn Độ cho biết Ấn Độ đang tìm Nga làm “người hòa giải” cho Trung Quốc và Ấn Độ. Đối với vấn đề này, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov ngày 28/8 cho rằng: “Các bạn Trung Quốc và Ấn Độ của chúng tôi hoàn toàn có thể tự giải quyết vấn đề này, hoàn toàn không cần thiết để Nga hòa giải”.
Tờ India Today cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ cuối cùng đạt được thỏa thuận, đã kết thúc trạng thái “không chiến, không hòa” hơn 70 ngày của đối đầu Doklam.
Còn tờ Hindustan Times ngày 28/8 dẫn lời quan chức Ấn Độ cho biết Ấn Độ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận “nhanh chóng rút lui” khỏi Doklam. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại tuyên bố sẽ kiên trì để cho quân đội Trung Quốc tiếp tục tiến hành “tuần tra” tại khu vực này.
Theo tờ Indian Express Ấn Độ, New Delhi từ chối nói về chi tiết thỏa thuận đạt được giữa Ấn - Trung, chỉ cho biết “hai bên đã đạt được thỏa thuận, đã đạt được tiến triển”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tuyên bố quân đội Trung Quốc sẽ ở lại, “bảo vệ chủ quyền khu vực này”.
Chuyên gia lâu năm của tờ The Times of India ngày 28/8 cho biết “rất vui mừng sự kiện đối đầu được giải quyết tốt đẹp”. Chỗ “tốt đẹp” chính là hai bên không mất đi một binh sĩ nào. Kết thúc sự kiện này có nghĩa là quan hệ Trung - Ấn sẽ quay trở lại quỹ đạo bình thường.
Về khả năng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sang Trung Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS, phía Trung Quốc cho biết đến nay chưa có thông tin nào cho thấy ông Modi không sang Trung Quốc.
Vào tháng 5/2017, khi Trung Quốc tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai, Con đường”, Thủ tướng Narendra Modi đã không sang tham dự. Thậm chí, Ấn Độ hầu như cũng có một chiến lược mới đối trọng với Trung Quốc, đó là liên kết với Nhật Bản thúc đẩy kế hoạch “hành lang tự do” từ châu Á - Thái Bình Dương mở rộng đến châu Phi. Khi sang tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Trung Quốc vào tuần tới, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: NDTV.
Khi giải thích nguyên nhân Ấn Độ rút quân khỏi Doklam, tờ The Economic Times Ấn Độ ngày 28/8 cho rằng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuần tới sẽ đến Hạ Môn tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS.
New Delhi mong muốn tình hình căng thẳng Trung - Ấn dịu đi. Bởi vì đây có thể là cơ hội gặp gỡ duy nhất trong năm 2017 giữa nhà lãnh đạo hai nước. Các bên có thể đạt được thành quả tích cực trong các nỗ lực đảm bảo cho chuyến thăm này.
Trên thực tế, Hội nghị thượng đỉnh BRICS là một trong những hoạt động ngoại giao “sân nhà” quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm 2017. Trung Quốc rất kỳ vọng phát huy vai trò trong hội nghị này. Nếu hội nghị này thất bại thì đó cũng chính là một tổn thất rất lớn của ngoại giao Trung Quốc.(Viettimes)
------------------------------------- Luật hoá khái niệm nước Nga xâm lược, Kiev muốn gì?
Với việc luật hoá tái nhập Donbass, luật hoá khái niệm “nước Nga xâm lược”, chính quyền Kiev quyết thay đổi vị thế trong cuộc nội chiến Ukraine...
Sputnik ngày 29/8 đưa tin, chính quyền Ukraine - sau khi tham vấn các chuyên gia luật pháp của Đức, Pháp, Mỹ - đã “hoàn tất 99,9%” Dự luật về tái nhập Donbass và sẵn sàng trình Quốc hội nước này xem xét vào mùa thu năm 2017.
"Dự luật về tái nhập Donbass đã được hoàn thành. Việc tham vấn với các đối tác của chúng tôi được thực hiện theo định dạng Norman. Các nhà phân tích và các chuyên gia pháp lý của Mỹ cũng quan tâm tới dự luật này", Thư ký của Chủ tịch quốc hội Ukraine Irina Lutsenko cho biết.
Luật hoá tái nhập Donbass, luật hoá khái niệm “nước Nga xâm lược”, Kiev quyết thay đổi vị thế trong cuộc nội chiến Ukraine
Theo bà Irina Lutsenko, điểm đáng lưu ý là trong Dự luật tái nhập Donbass, lần đầu tiên khái niệm “nước Nga xâm lược” đã được luật hoá. Ngoài ra, Dự luật cũng vận dụng tinh thần Điều 51, Hiến chương LHQ, xác định chính quyền Ukraine thực hiện quyền tự vệ, chứ không phải gây ra chiến tranh.
Giới phân tích cho rằng, với việc luật hoá tái nhập Donbass, luật hoá khái niệm “nước Nga xâm lược”, chính quyền Kiev quyết thay đổi vị thế trong cuộc nội chiến Ukraine, đẩy lực lượng ly khai vào thế bất lợi và làm giảm ảnh hưởng của Nga tại Donbass.
Luật hoá tái nhập Donbass, Kiev lấy lại vị thế bằng công cụ pháp lý
Có thể thấy rằng, việc chính quyền Kiev thực hiện phong toả khu vực miền đông nhằm cô lập lực lượng ly khai, sau khi không thể chiến thắng lực lượng này bằng vũ lực, chính là hành động Kiev tự bắn vào chân mình.
Qua việc làm đó, chính quyền Poroshenko đã khiến những người anh em xa rất thất vọng. Sau khi bán đảo Crimea được tái sáp nhập vào lãnh thổ nước Nga, nếu Kiev tiếp tục để mất Donbass thì coi như ván cờ Ukraine kết thúc với Mỹ và phương Tây.
Chính vì vậy, để giúp Kiev sửa sai, qua đó đảm bảo vị thế của mình tại vùng đệm trong đối trọng với Moscow, Washington và các đồng minh đã tư vấn cho Kiev thực hiện luật pháp hoá chính trị vấn đề đòi ly khai tại vùng Donbass.
Phải nhìn nhận rằng, việc sử dụng công cụ pháp lý - cụ thể là Dự luật tái nhập Donbass - là một nước đi rất công hiệu và kịp thời mà những người anh em xa đã chỉ dẫn cho chính quyền Kiev.
Khi một thực thể muốn ly khai, phá vỡ tính thống nhất của một nhà nước, đều có thể bị đáp trả bằng vũ lực của thực thể đại diện chủ quyền quốc gia, từ đó hình thành nên cuộc nội chiến. Tình hình tại miền đông Ukraine đã diễn ra đúng như vậy.
Tuy nhiên, khi vấn đề chia tách, sáp nhập, tái nhập được luật hoá thì quyền ly khai của các thực thể phải tiến hành theo luật định. Khi đó vấn đề độc lập tại khu vực miền đông Ukraine sẽ rất khó khăn và phức tạp.
Tổng thống Poroshenko đã tìm ra cách giữ Donbass và làm giảm ảnh hưởng của Moscow tại miền đông Ukraine
Điều quan trọng là quyền ly khai được luật hoá thì việc sử dụng vũ lực sẽ phải chấm dứt, trong khi đây đang là ưu thế của lực lượng ly khai tại Dobass. Nếu sử dụng vũ lực, trong trường hợp này hành động của lực lượng ly khai bị xem là hành động phản loạn và sẽ bị trấn áp.
Rõ ràng, nước đi của Kiev rất hiểm đối với lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine. Nó không những khiến Donbass gần như không thể tách khỏi Ukraine trong mọi trường hợp, mà còn tước bỏ công lực của lực lượng chính trị đại diện tại Donbass.
Luật hoá khái niệm nước Nga xâm lược, Kiev thực hiện NATO hoá Ukraine
Khi vấn đề tái nhập Donbass được luật hoá, quyền lực của chính quyền trung ương Ukraine sẽ được tái xác lập tại khu vực miền đông Ukraine, dù Kiev đang phong toả hay Donbass đang thực hiện ly khai.
Trước đây, những hành động kết nối từ bên ngoài với lực lượng chính trị ly khai tại Donbass bị Kiev lên án là can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine, song khi luật hoá tái nhập Donbass thì hành động đó sẽ bị xem xét bằng công cụ pháp lý.
Khi cuộc xung đột tại miền đông Ukraine nổ ra, rồi Crimea được tái hoà nhập vào lãnh thổ nước Nga, Kiev luôn lên án Moscow có hành động xâm lược Ukraine, song ở đây "nước Nga xâm lược" Ukraine chỉ mang ý nghĩa chính trị.
Mà khái niệm "quốc gia xâm lược" trong một cuộc xung đột vũ trang mang ý nghĩa chính trị thì cộng đồng quốc tế có thể chỉ trích, lên án hay kêu gọi các bên hoà giải, thoả thuận và kết thúc xung đột.
Tuy nhiên khi khái niệm “quốc gia xâm lược” được luật hoá thì vấn đề sẽ hoàn toàn khác. Khi đó quốc gia bị xâm lược có thể kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đánh đuổi quân xâm lược và mọi hành động đều được đối chiếu với quy định của luật pháp.
Hiện nay, Mỹ, NATO và các nước phương Tây không dễ can thiệp vào tình hình Ukraine, tuy nhiên nếu khái niệm “nước Nga xâm lược” được ghi trong văn bản luật của nhà nước Ukraine thì vấn đề sẽ khác.
Quân đội Ukraine không thể giành chiến thắng trước quân ly khai, song chính quyền Kiev có thể làm điều đó bằng công cụ pháp lý
Khi đó quân đội NATO hay quân đội Mỹ có thể xuất hiện và đồn trú tại Ukraine cũng như giúp đỡ quân đội nước này trong cuộc xung đột tại miền đông. Mọi hành động của NATO chống lại "yếu tố Nga" xuất hiện tại Donbass, nếu có, đều được xem là giúp Ukraine chống xâm lược.
Đây được nhìn nhận là cách Mỹ và phương Tây giúp Kiev thực hiện “NATO hoá Ukraine”, tức là Ukraine chưa gia nhập NATO, song NATO hoàn toàn có thể giúp đỡ Ukraine, thậm chí quân đội NATO có thể xuất hiện tại Ukraine để chống lại Nga.
Vì vậy, giới phân tích cho rằng, 231 binh sĩ NATO tham gia diễu binh tại Kiev ngày 24/8 được xem là dấu hiệu cho sự xuất hiện của NATO tại Ukraine - sau khi vấn đề tái nhập Donbass được luật hoá - một hành động mà Nga không thể lên án.(Ngọc Việt - ĐVO)
---------------------------
Liên quân Mỹ đấu súng với phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria
Các lực lượng thuộc liên quân Mỹ ở Syria đã nổ súng đáp trả sau khi bị một nhóm nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn gần thành phố Manbij tấn công trước.
"Các lực lượng của chúng tôi đã bị tấn công và buộc phải bắn trả sau đó lui về căn cứ an toàn", phát ngôn viên liên quân của Mỹ, Đại tá Ryan Dillon chia sẻ với Reuters qua điện thoại.
Theo ông Dillon, liên quân của Mỹ ở Syria đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ truyền đạt tới nhóm nổi dậy mà quốc gia này hậu thuẫn rằng, hành động tấn công liên quân Mỹ là "không thể chấp nhận".
Xe quân sự của Mỹ tiến về phía bắc thành phố Manbij của Syria.
Lực lượng lục quân Mỹ hoạt động ở phía bắc Syria là một phần trong nỗ lực của liên quân do Mỹ đứng đầu hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), liên minh của các tay súng người Kurd và Ả Rập ở địa phương, trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
"Các cuộc tuần tra công khai của chúng tôi được tiến hành trong khu vực này là nhằm duy trì tình trạng căng thẳng không bị bùng phát nhưng lại nhiều lần bị tấn công trong hai tuần qua. Chúng tôi đã thông báo cho phía Thổ Nhĩ Kỳ về vụ việc và chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tuần tra nhưng sẵn sàng đáp trả nếu bị tấn công trước", ông Dillon nói.
Liên quân do Mỹ đứng đầu có hơn 60 quốc gia là thành viên, đã tiến hành các cuộc không kích tiêu diệt IS ở Syria và Iraq từ năm 2014. Tuy nhiên, hoạt động của liên minh này lại không được chính quyền Syria và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) chấp thuận.
Đáng nói, liên quân của Mỹ không ủng hộ việc thiết lập 4 vùng hạ nhiệt căng thẳng ở Syria mà Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Syria đã thông qua trong cuộc đàm phán ở thủ đô Astana của Kazakhstan hồi tháng Năm. LHQ cũng đã bày tỏ sự hoan nghênh trước đề xuất của Nga nhằm thiết lập vùng an toàn ở Syria.
Hiện tại, Nga vẫn đang tiếp tục triển khai các cuộc tấn công nhằm tiêu diệt IS ở Syria đồng thời hỗ trợ quân chính phủ Syria giành nhiều chiến thắng lớn ở khu vực Ghanem Ali trong thời gian gần đây. Không quân Nga còn tăng cường không kích để ngăn IS di chuyển xe tăng cùng nhiều vũ khí hạng nặng về thành trì cuối cùng thành trì cuối cùng của tổ chức này ở thành phố Deir ez-Zor của Syria.(Infonet)
------------------------