Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý tối 20- 10-2017
- Cập nhật : 20/10/2017
Mỹ cần Ấn Độ để kìm Trung Quốc
Trung Quốc không thấy vui gì khi chứng kiến Mỹ - Ấn Độ tăng cường hợp tác đối phó mình
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 18-10 khẳng định chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn tăng cường hợp tác với Ấn Độ, xem nước này là đối tác quan trọng trước sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á.
New Delhi cần đóng vai trò lớn hơn
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington hôm 18-10, ông Tillerson nhấn mạnh: "Quan hệ đối tác chiến lược mới nổi giữa New Delhi và Washington dựa trên cam kết chung của việc thực thi pháp luật quốc tế, tự do hàng hải, các giá trị toàn cầu và thương mại tự do. Những vấn đề an ninh khiến Ấn Độ lo ngại cũng sẽ là mối bận tâm của Mỹ".
Ông Tillerson kêu gọi Ấn Độ đóng vai trò an ninh lớn hơn ở khu vực khi cho rằng New Delhi và Washington cần hỗ trợ các quốc gia khác bảo vệ chủ quyền, xây dựng mối liên kết rộng hơn và có tiếng nói lớn hơn trong khu vực nhằm thúc đẩy lợi ích và sự phát triển kinh tế của họ.
Đáng chú ý, tuyên bố trên được đưa ra không lâu trước khi ông Tillerson dự kiến thăm Ấn Độ vào tuần tới và ngay sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố những mục tiêu tham vọng mà Trung Quốc theo đuổi trong bài phát biểu khai mạc Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản hôm 18-10. Ngay cả khi ông Donald Trump dự kiến có chuyến thăm chính thức Bắc Kinh đầu tiên vào tháng tới, ông Tillerson vẫn không ngần ngại chỉ trích những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông là trực tiếp thách thức luật pháp và các quy tắc quốc tế mà Mỹ và Ấn Độ ủng hộ.
"Mỹ muốn có quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc nhưng chúng tôi sẽ không chùn bước trước những thách thức mà Trung Quốc gây ra với trật tự dựa trên các quy tắc hay khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng, gây bất lợi cho Mỹ và những người bạn của chúng tôi" - ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Chưa hết, ông Tillerson cảnh báo các nguồn tài trợ của Trung Quốc đang khiến các quốc gia phải gánh những khoản nợ "khổng lồ" và không tạo ra công ăn việc làm. Vì thế, ông cho biết Mỹ đã bắt đầu các cuộc thảo luận về việc tạo ra những lựa chọn thay thế đối với hoạt động tài trợ hạ tầng ở châu Á của Trung Quốc, dù không hé lộ chi tiết.
Tổng thống Donald Trump mừng lễ Diwali của Ấn Độ với các nhân viên cấp cao gốc Ấn tại Nhà Trắng hôm 18-10 Ảnh: PTI
Chia sẻ nỗi lo về BRI
Nói về bài phát biểu trên, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở là ưu tiên hàng đầu của cả Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Tillerson, trong đó Ấn Độ đóng vai trò quan trọng. Theo trang Business Standard (Ấn Độ), bài phát biểu của ông Tillerson là kết quả của nhiều tháng thảo luận trong lòng chính phủ Mỹ về cách tiếp cận tốt nhất để xử lý thử thách và tận dụng cơ hội ở Nam Á.
Ông Rick Rossow, một chuyên gia về chính sách Mỹ - Ấn tại CSIS, cho rằng những gì ông Tillerson phát biểu cho thấy Mỹ ủng hộ lập trường của Ấn Độ đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Theo chuyên gia này, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên công khai bày tỏ nỗi lo về những dự án phát triển nói chung liên quan đến BRI, nhất là Hành lang kinh tế Pakistan - Trung Quốc. Việc Mỹ không hài lòng về BRI cũng cho thấy điểm chung giữa Washington và New Delhi về chính sách khu vực.
Dĩ nhiên là Trung Quốc không thấy vui gì khi chứng kiến Mỹ - Ấn Độ tăng cường hợp tác đối phó mình. Phản ứng trước bài phát biểu của ông Tillerson, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington khẳng định Bắc Kinh đóng góp và bảo vệ trật tự thế giới dựa trên các quy tắc và tìm cách tăng cường hợp tác quốc tế. "Chúng tôi không bao giờ tìm kiếm bá quyền, bành trướng hay theo đuổi sự phát triển bằng cách gây tổn hại đến lợi ích của nước khác" - tuyên bố Đại sứ quán Trung Quốc nêu rõ.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng Mỹ từ bỏ thành kiến khi đánh giá các hành động của Bắc Kinh ở nước ngoài. (NLĐ)
---------------------------
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh gặp ông John McCain tại Hoa Kỳ
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã có cuộc gặp gỡ Thượng nghị sĩ John McCain chiều 18-10 (giờ địa phương) tại thủ đô Washington trong khuôn khổ chuyến tham dự Đối thoại chính sách Quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ 2017
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tặng quà lưu niệm - bức tranh Chùa Một Cột - cho Thượng nghị sĩ John McCain tại Washington chiều 18-10 (giờ địa phương)
Theo tin từ Bộ Quốc phòng, tại cuộc gặp, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã chuyển lời thăm hỏi của lãnh đạo Việt Nam tới ông John McCain, khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với Hoa Kỳ.
Thượng nghị sĩ John McCain bày tỏ xúc động khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao lại một số kỷ vật của ông trong thời gian ở Việt Nam cuối những năm 1960, đầu những năm 1970 của thế kỷ trước.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thông báo cho Thượng nghị sĩ John McCain về kết quả hợp tác tích cực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực khắc phụ hậu quả chiến tranh, trong đó có dự án xử lý chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ mong muốn ông John McCain, với uy tín của mình, sẽ có tiếng nói với Quốc hội, Chính phủ Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa.
Thượng nghị sĩ John McCain đã nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp trong những lần thăm Việt Nam. Ông cho rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang có sự hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, đồng thời khẳng định luôn ủng hộ phát triển quan hệ giữa hai nước.
Ông John McCain là thượng nghị sĩ sáu nhiệm kỳ và là ứng cử viên tổng thống năm 2008 của Đảng Cộng hòa.
Từng là cựu phi công quân đội Mỹ trong chiến tranh tại Việt Nam, ông là một trong những người ủng hộ bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ sau này.
Ông cũng nhiều lần trở lại thăm Việt Nam và có đóng góp trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước.
Trước đó, vào tháng 7 năm nay, gia đình ông John McCain thông báo các bác sĩ phát hiện ông bị khối u não ác tính.
Sáng cùng ngày, cũng tại Washington, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh gặp bà Susan Thorton, Quyền trợ lý Ngoại trưởng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương tại Hoa Kỳ.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hi vọng chuyến thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao APEC của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào đầu tháng 11 tới ở Đà Nẵng sẽ thành công tốt đẹp.
Bà Susan Thorton khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên cơ sở quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.(Tuoitre)
------------------------------
Nga - Mỹ nói ngược về ICBM bắn xa nhất thế giới
DF-41 được đánh giá là ICBM bắn xa nhất thế giới của Trung Quốc, tuy nhiên Nga-Mỹ đang có những ý kiến khác nhau về nguồn gốc của tên lửa này.
Dựa vào Ukraine
Trong bản báo cáo mới được công bố của Trường đại học Mỹ Georgetown đã tiết lộ thông tin gây bất ngờ rằng, Trung Quốc có khả năng đã mua đoàn tàu hỏa tên lửa đạn đạo thử nghiệm của Liên Xô cũ, từng có trong biên chế của quân đội Ukraine và sau đó không còn thông tin về đoàn tàu hỏa chiến lược này.
Bản báo cáo dẫn nguồn từ một số bài viết của truyền thông Trung Quốc nói về món quà lớn của Ukraine tặng cho Trung Quốc dường như có thể giúp cho quân đội nước này không lo sợ hệ thống THAAD của Mỹ triển khai ở Hàn Quốc.
Từ sau khi Liên Xô sụp đổ cho đến nay, mặc dù công ty Yuzhmash và phòng thiết kế Yuzhnoe không còn hoạt động nhưng vẫn còn sở hữu nhiều tài liệu về công nghệ sản xuất tên lửa. Tất nhiên, nhiều quốc gia đang phát triển chương trình tên lửa khát khao chiếm hữu các tài liệu đó.
Trung Quốc bắt đầu quan tâm đến các công nghệ tên lửa của Yuzhmash và phòng thiết kế Yuzhnoe từ những năm 1990, sau sự tan rã của Liên bang Xô viết và Ukraine trở thành người thừa kế các viện thiết kế và cơ sở kỹ thuật quân sự đặt ở nước mình.
Tình trạng nghèo khổ của các chuyên gia khoa học- kỹ thuật ở nước Ukraine độc lập, nạn tham nhũng khổng lồ của các cơ quan an ninh nước này đã giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề này với giá tương đối rẻ.
Có thể cho rằng, Bắc Kinh đã mua khá nhiều công nghệ chế tạo tên lửa từ xí nghiệp quốc phòng Yuzhmash và phòng thiết kế Yuzhnoe của Ukraine. Cũng đã có một số trường hợp công dân Trung Quốc bị bắt giữ khi họ cố gắng mua các tài liệu kỹ thuật của Yuzhmash, bản báo cáo của Mỹ viết.
Nga phủ nhận
Trước những thông tin từ phía Mỹ, Nga đã phủ nhận toàn bộ sự liên quan giữa DF-41 với vũ khí nguồn gốc Liên Xô.
Trước tiên, truyền thông Trung Quốc đề cập đến việc các công nghệ sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và những điểm giống nhau giữa tên lửa mạnh nhất R-36M2 Voevoda được phát triển dưới thời Xô Viết và tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc.
Trong bài bình luận trên Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho biết, trong các bài báo đó có cả sự hư cấu và sự thật đan xen nhau. Tuy nhiên, không thể tìm thấy bất kỳ liên hệ nào giữa R-36M2 và DF-41 (CSS-X-10).
Voevoda là tên lửa ICBM khổng lồ, có tầm phóng xa rất xa (tối đa 16.000km), sử dụng nhiên liệu lỏng. Tên lửa có trọng lượng phóng siêu nặng (nặng tới 211 tấn), R-36M2 chỉ có thể được triển khai dưới hầm phóng, không thể triển khai trên các phương tiện cơ động.
Còn DF-41 là tên lửa ICBM sử dụng nhiên liệu rắn, được thiết kế để có thể phóng từ bệ phóng đường sắt và đường bộ, có trọng lượng phóng nhẹ hơn rất nhiều (khoảng 80 tấn), tầm phóng thấp hơn so với R-36M2 (từ 12.000 - 14.000km).
Xét về 2 tiêu chí cơ bản của tên lửa đạn đạo liên lục địa là phương thức triển khai và nhiên liệu đẩy thì không thể tìm thấy điểm nào chung giữa ICBM thế hệ mới nhất của Trung Quốc DF-41 và loại tên lửa xuyên lục địa khủng khiếp của Liên Xô mà Mỹ và NATO gọi là SS-18 Satan.
Dù Trung Quốc tự phát triển hay vay mượn công nghệ từ Liên Xô để phát triển DF-41 vẫn chưa được xác thực nhưng việc Bắc Kinh tích hợp tên lửa ICBM này lên tàu hỏa là có thật và nó đang khiến Mỹ cảm thấy lo lắng.(Baodatviet)
-------------------------------
Giám đốc CIA phát ngôn bất ngờ về ông Kim Jong-un
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng nếu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đột nhiên biến mất thì "đừng hỏi CIA".
Theo Telegraph ngày 20-10, Giám đốc CIA Mike Pompeo nói rằng nếu một ngày nào đó lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đột nhiên "biến mất" thì đừng hỏi CIA về việc đó.
Giám đốc CIA Mike Pompeo. Ảnh: TELEGRAPH
“Nếu ông Kim Jong-un đột nhiên biến mất, xét về lịch sử của CIA, tôi sẽ không nói về vụ việc đó. Một vài người có thể nghĩ đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Các bạn biết đấy, đó là một tai nạn” – ông Pompeo trả lời khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu có điều gì bất ngờ xảy đến với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Ông Pompeo cũng nhấn mạnh chính sách của Mỹ là "thách thức Triều Tiên về mặt chính trị và kinh tế" nhằm ngăn chặn tham vọng của ông Kim Jong-un muốn biến Triều Tiên thành một thách thức hạt nhân với Mỹ. “CIA sẽ trở thành một cơ quan ngày càng nguy hiểm hơn” – Ông Pompeo nói.
Bình Nhưỡng hồi đầu năm này cáo buộc CIA làm việc với tình báo Hàn Quốc để lên kế hoạch ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhưng lại không đưa ra bằng chứng rõ ràng. Gần đây, Triều Tiên cũng cáo buộc Mỹ từng cố sát hại ông Kim hồi tháng 5.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc đầu năm nay cũng nói nhà lãnh đạo Triều Tiên “cực kỳ căng thẳng” với các âm mưu đe dọa ông và đã sử dụng rất nhiều biện pháp để tung hỏa mù đánh lạc hướng các nghi án tấn công nhắm vào ông.(PLO)