Tin Biển Đông

 
 
 

Triều Tiên - 'gót chân Asin' của ông Tập Cận Bình

  • Cập nhật : 12/07/2017

Tập Cận Bình được biết đến như một nhà lãnh đạo toàn tài của Trung Quốc. Ông là người đưa ra mọi quyết sách về kinh tế, quân sự, đối ngoại, nhân quyền... Tuy nhiên, có một điều khiến ông bế tắc, đó là chính sách về Triều Tiên.

Theo New York Times, càng phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên, ông Tập càng lo ngại về sự sụp đổ của chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Tập còn lo sợ bán đảo Triền Tiên sẽ thống nhất, lính Mỹ sẽ đến sát biên giới Trung Quốc và một "cơn lũ người di cư" từ Triều Tiên sang Trung Quốc.

Một số chuyên gia chiến lược và quân sự Trung Quốc nhận định, bất chấp sự tiến bộ của Triều Tiên trong các chương trình hạt nhân và tên lửa, ông Tập Cận Bình sẽ vẫn cảm thấy dễ thở hơn là một kịch bản khác.

nha lanh dao trung quoc cung than can cua minh. anh: nyt.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cùng thân cận của mình. Ảnh: NYT.

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc đánh giá về vụ phóng tên lửa có vẻ bảo thủ hơn đồng cấp Mỹ của mình. Họ cho biết không thể định dạng tên lửa phóng đi hôm 4/7 là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) được.  

“Vụ thử có thể là hoặc có thể không phải là một tên lửa ICBM”, Wu Riqiang, Phó giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Renmin cho biết, thêm vào rằng tên lửa “có thể không thể bắn đến Alaska”.

Đối lập với đó, các chuyên gia Mỹ lại khẳng định người Triều Tiên đã tự vượt ngưỡng bằng một tên lửa có thể vươn tới Alaska. Các quan chức Hàn Quốc, Nhật Bản và chính Triều Tiên khẳng định, khi bắn thử nghiệm tên lửa chỉ đi được tầm khoảng 900km, nhưng nó có thể có tầm bắn lên đến 3.000km. Hôm thứ Tư (7/7), Bộ Quốc phòng Hàn Quốc còn cho rằng tên lửa của Triều Tiên có thể vươn tới Hawaii, cách thị trấn Kusong của Triều Tiên hơn 7600km. Tướng Vincent K. Brooks, một chỉ huy quân Mỹ ở Hàn Quốc, cho biết, đến nay, sự kiềm chế đã giúp Mỹ và Hàn Quốc tránh khỏi một cuộc chiến tranh với Triều Tiên.

Phó giáo sư Wu Riqiang cho rằng, khả năng tên lửa tầm xa của Triều Tiên đáng lo ngại với Mỹ hơn với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ cảm thấy bận tâm hơn nếu Bình Nhưỡng cho thử một tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung.

Trung Quốc luôn cho rằng mình ít bị chương trình hạt nhân của Triều Tiên đe dọa hơn Mỹ. Nhưng họ lo lắng về các biện pháp đối phó của Mỹ trước Triều Tiên. Gần đây nhất là việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở đất liền Hàn Quốc nhằm đối phó với khả năng tên lửa của Bình Nhưỡng. Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cho ngừng triển khai hệ thống này và cũng chưa thấy dấu hiệu nào sẽ thay đổi quan điểm dù Triều Tiên vẫn tiếp tục thử tên lửa hôm 4/7.

Theo New York Times, hiện nay, Trung Quốc cảm thấy bực bội với cách cư xử của Triều Tiên, nhưng chưa bao giờ nhắm mục tiêu vào kho vũ khí của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Mỹ mới là kẻ thù mà Triều Tiên nhắm đến, và cũng là mục tiêu không giới hạn của các loại vũ khí hạt nhân do họ phát triển và sản xuất.

Thứ đáng lo ngại hơn mấy quả tên lửa đối với Trung Quốc chính là 6 vụ thử bom hạt nhân, phó giáo sư Wu nhận định. Miền bắc Trung Quốc có chung biên giới dài với Triều Tiên. Địa điểm thử nghiệm hạt nhân tại Punggye-ri ở Triều Tiên rất gần với biên giới Trung Quốc. Trong nhiều lần thử nghiệm gần đây, cư dân ở thành phố Yanji phàn nàn các cửa sổ của họ bị rung chuyển mạnh.  

Khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân hồi tháng 9/2016, cư dân địa phương đã lo sợ một vụ rò rỉ phóng xạ quy mô lớn. Nhiều người còn lo ngại Triều Tiên sử dụng bom để chống lại Trung Quốc. Họ cũng lo sợ ô nhiễm đất ở miền bắc do các cuộc thử nghiệm này.

“Với Trung Quốc, 6 vụ thử nghiệm hạt nhân mang lại mối đe dọa lớn hơn 1 vụ thử ICBM”, học giả Feng Zhang chuyên nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học quốc gia Australia nhận định, “ICBM của Triều Tiên đe dọa Mỹ nhiều hơn đe dọa Trung Quốc. Nhưng các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân cạnh biên giới với Trung Quốc đe dọa đến môi trường và chiến lược của Trung Quốc”. 

nha lanh dao trieu tien kim jong-un an mung thanh cong vu phong ten lua icbm. anh: reuters.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ăn mừng thành công vụ phóng tên lửa ICBM. Ảnh: Reuters.

Nhưng dù cách cư xử của Triều Tiên có thế nào đi chăng nữa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng rất khó đưa ra một ranh giới đỏ với Bình Nhưỡng, dù chính thức hay không chính thức.

Cheng Xiaohe, phó giáo sư về quan hệ quốc tế ở Đại học Renmin bình luận: “ICBM không phải là giới hạn đỏ với Trung Quốc, thậm chí Mỹ cũng không thể vẽ ra giới hạn này một cách rõ ràng và dứt khoát”, ông Cheng nói. Nếu Trung Quốc thực sự xem đó là một ranh giới đỏ, họ và Mỹ đều sẽ có các hành động trả đũa, chẳn hạn như Bắc Kinh sẽ cắt nguồn cung dầu tới Triều Tiên.  

Tuy nhiên, Trung Quốc không thể đẩy Triều Tiên vào vị thế khó khăn hơn nữa. Nếu cắt nguồn cung nhiên liệu hay thương mại cơ bản, Triều Tiên sẽ bất ổn, sẽ phải đẩy dân di cư vượt qua biên giới. Lúc đó, người gặp rắc rối lớn chính là Trung Quốc.

Rõ ràng ông Tập không muốn rắc rối đó, vì thế đã không không nhận những hành động mới nhất của Triều Tiên. Vụ thử ICBM của Triều Tiên diễn ra đúng lúc ông Tập đang bắt tay ông Putin ở Moscow. Cả hai nhà lãnh đạo đã đưa ra tuyên bố chung, kêu gọi đàm phán nhằm mục đích đóng băng kho vũ khí của Triều Tiên để đổi lấy những giới hạn tăng cường quân sự của Hàn Quốc lẫn Mỹ.

Thay vì trừng phạt Triều Tiên, Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi đàm phán trong nhiều tháng nay, tuy nhiên, chính quyền của ông Trump đã từ chối.

Ngoài việc làm gián đoạn quan hệ giao thương giữa hai nước, ông Tập có rất ít phản ứng chống lại Triều Tiên. Ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải dựa vào một sự lưỡng lự mang tính chiến lược.

Ông Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, phân tích: "Ông Tập là một chiến lược gia đang phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn về cách cư xử với Kim Jong-un, trong khi không tin tưởng rằng nó sẽ hiệu quả”. Theo ông Shi Yinhong, “Một sự lưỡng lự là không tránh khỏi”.

Ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với sự “quyết đoán và quyết liệt” ngày càng tăng của Kim Jong-un, và ông cũng phải đối mặt với cả một vị Tổng thống Mỹ rất khó thỏa hiệp. Ông Shi nhận định: “Ông Tập và ông Trump không thể nhìn nhau quá lâu, thậm chí nếu họ có thể, họ cũng cực kỳ khó khăn trong việc ngăn chăn Kim Jong-un về lâu dài”.

Ở Washington, ông Trump luôn nhắc đi nhắc lại sự kiên nhẫn dành cho ông Tập. Trong một Twitter cách đây không lâu, Tổng thống Mỹ cho rằng, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã tăng lên khoảng 40% trong quý đầu năm. “Có quá nhiều điều chúng tôi cần làm việc với Trung Quốc. Nhưng chúng tôi sẽ thử”, ông nói.

Không rõ Tổng thống Mỹ đã lấy đâu con số 40%. Một nhóm thương buôn ở Hàn Quốc cho biết, Trung Quốc nhập khẩu sắt từ Triều Tiên nhiều hơn trong những tháng gần đây. Nhưng nhóm này cũng cho biết, Triều Tiên cũng đã bị thiệt hại không nhỏ sau khi Trung Quốc dừng nhập khẩu than từ nước này.  

Theo số liệu Trung Quốc công bố hồi tháng Tư, thương mại giữa Trung Quốc với Triều Tiên tăng 37,4% trong 3 tháng đầu năm, so sánh với cùng kỳ năm 2016. Thậm chí, giao thương giữa hai nước còn tăng mạnh hơn kể cả khi Trung Quốc ngừng mua than của Triều Tiên.


Phan Sương (tổng hợp)
Theo Infonet.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục